Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền

10 Tháng Bảy 20188:25 CH(Xem: 9113)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ TƯ 11 JULY 2018


Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền


NGUYỄN HUY VIỆN


09/07/18


 (GDVN) - Đồng tiền phản ánh đầy đủ bản chất xấu xa của những người khi trở thành nô lệ của nó, đó là sự dối trá, tham lam, gian manh, độc ác.


LTS: Bàn về tính hai mặt của đồng tiền, Đại tá Nguyễn Huy Viện cho rằng thái độ, cách ứng xử là điều rất quan trọng với mỗi cá nhân, xã hội và quốc gia.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Trên thế gian này ở đâu cũng vậy, đồng tiền là phương tiện quan trọng và gắn bó nhất với cuộc sống con người.


Dù cao sang hay nghèo hèn, từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi đã về với cõi vĩnh hằng, con người đều cần đến tiền.


Không những vậy, vai trò của hệ thống tiền tệ đối với quốc gia cũng giống như hệ tuần hoàn của một cơ thể sống. Kinh tế, xã hội càng phát triển thì nhu cầu về đồng tiền càng cao.


Cũng như mọi sự vật hiện tượng, đồng tiền luôn có tính hai mặt. Không những vậy, tính hai mặt của đồng tiền là điển hình và đặc trưng nhất.


Bởi vì, đồng tiền đã góp phần khắc hoạ chân dung tốt đẹp của những người là chủ nhân nó có đức tính trung thực, đức độ, nhân hậu, thánh thiện…


Mặt khác, đồng tiền cũng phản ánh đầy đủ bản chất xấu xa của những người khi trở thành nô lệ của nó, đó là sự dối trá, tham lam, gian manh, độc ác…


image021

Ảnh minh hoạ: Ocuaso.com


Tính hai mặt của đồng tiền được phản ánh hàng ngày, thông qua hai mối quan hệ con người là chủ nhân của đồng tiền và đồng tiền là “ông chủ” của con người. 


Ngày ngày, chúng ta bắt gặp trong cuộc sống hoặc được tiếp cận qua các phương tiện truyền thông hình ảnh cao đẹp của rất nhiều người là chủ nhân của đồng tiền.


Đó là anh Vũ Huy Cảng, sinh viên Trường Đại học Điện Lực Hà Nội; là chị Trần Thị Anh, nhân viên thu ngân Chi nhánh Điện lực Sơn Trà Đà Nẵng;


Là cháu Vũ Văn Đại, học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Chu Văn An, Thành phố Nam Định và rất nhiều người khác… khi nhặt được tiền, vật dụng của người khác đánh rơi hay bỏ quên, dù là hàng chục triệu đồng, hay trăm triệu, thậm chí tiền tỷ đều tìm cách trả lại cho người mất.


Với một lý do rất đơn giản, vì đó không phải là tài sản của mình mà là mồ hôi, nước mắt của người bị mất hay bỏ quên.


Là ông Lê Văn Thiện ở Ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã tự nguyện đóng góp và vận động các nhà hảo tâm góp tiền mua hai xe ô tô trị giá trên 1 tỷ đồng cùng các dụng cụ y tế thiết yếu làm phương tiện vận chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo ở địa phương.


Đồng thời giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh vươn lên hoà nhập cộng đồng; làm nhà tình thương tặng các hộ nghèo; làm đường giao thông nông thôn… với số tiền 6 tỷ đồng (1). 


Họ là bà giáo Nguyễn Thị Côi (nay đã 74 tuổi), phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội;


Là Tiến sĩ, Nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam); 


Là Nhà thơ khuyết tật Trần Phước Ninh ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cùng rất nhiều nhà giáo, trí thức, doanh nhân và những người hảo tâm khác… đã bỏ tiền và công sức tổ chức các hoạt động thiện nguyện, mang lại hạnh phúc cho người nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo vùng cao.


Họ là Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương (nay đã 84 tuổi) số 7 Đông Hồ, ngõ 424 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; 


Là bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO;


Là Cựu chiến binh, bác sĩ Phạm Hữu Lộc, Phó trưởng Liên chuyên khoa Bệnh viện C, Đà Nẵng và rất nhiều thầy thuốc khác…  tâm huyết với hoạt động nhân đạo, từ thiện đã và đang mang lại sức khoẻ, sự sống, hạnh phúc cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo, trẻ khuyết tật …


Và rất nhiều con người dung dị khác, có tấm lòng nhân hậu trên khắp mọi miền đất nước, đang ngày ngày tìm hạnh phúc bằng cách dùng đồng tiền để mang đến cho những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo từ cái nhỏ nhất là miếng cơm, manh áo, sách vở đến những tài sản có giá trị là đồ dùng gia đình, ngôi nhà, sức khoẻ, mạng sống…  


Những người đang mải mê làm việc thiện, luôn là chủ nhân đáng kính của đồng tiền.


Việc sử dụng đồng tiền của họ không chỉ sưởi ấm bao mảnh đời bất hạnh, nghèo khó mà còn lan toả trong cộng đồng, làm cho cuộc sống ấm áp tình người hơn.


Trên đây là mặt sáng của đồng tiền, khi nó có chủ nhân là những người nhân hậu.


Nhưng khi đồng tiền trở thành “ông chủ” và con người là nô lệ của nó thì ẩn sau đó là sự dối trá, mưu mô, lừa lọc, tàn bạo và đầy rẫy tội ác…


Nô lệ của đồng tiền được biểu hiện ở mọi đối tượng, đủ hạng người nghèo hèn có, cao sang có.


Đó là những người trong cùng một gia đình, cùng huyết thống; là bạn hữu, hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp… nhưng vì tranh giành tài sản dẫn đến đoạn tuyệt với nhau.


Thậm chí người đời đã phải chứng kiến bao cảnh tượng đau lòng cha con, anh em, bạn hữu, láng giềng, đồng nghiệp sát hại lẫn nhau chỉ vì đồng tiền.


Đó là một bộ phận nông dân xưa nay được tiếng thật thà, hiền lành, chất phác nhưng vì chạy theo đồng tiền mà cũng đã có những việc làm trái đạo lý.


Họ sử dụng các loại hoá chất bị cấm vào mục đích tăng trọng, tăng trưởng vật nuôi, cây trồng, thế nên mới có chuyện “rau hai luống, lúa hai khoảnh, lợn hai chuồng”.


Đó là những trò làm ăn gian dối, bịp bợm sản xuất, buôn bán đủ các loại hàng giả, hàng nhái, kể cả thuốc chữa bệnh.


Vì ma lực của đồng tiền mà những con người này trở thành những kẻ táng tận lương tâm. Đó là những kẻ sản xuất, buôn bán ma tuý. Chúng thừa biết dính đến “nghề” này là nhận án tử bất cứ lúc nào, nhưng vì chấp nhận làm nô lệ của đồng tiền.


Chúng bất chấp tất cả để ngày ngày gieo rắc “cái chết trắng” cho cộng đồng, nhất là cho giới trẻ.


Trong xã hội, khi đồng tiền trở “ông chủ”, thì có muôn vàn nguyên nhân để nó dẫn dắt con người đến với tội ác.


Nhiều lúc chỉ vì túng bấn, quẫn bách chỉ dăm ba trăm nghìn đồng cũng phải trả giá một mạng người.


Không chỉ dân thường mà ngay cả “một bộ phận không nhỏ” công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước cũng vì đồng tiền mà họ trở nên chai sạn, vô cảm, lạnh lùng hạch sách đòi người dân “bôi trơn” ở bất cứ lĩnh vực nào và bất cứ công việc gì.


Họ ăn chặn của dân không từ thứ gì, từ tiền trợ cấp khó khăn của thương binh, người nghèo, người tàn tật đến tiền cứu trợ cho những người bị thiên tai, hoạn nạn…


Ngay cả cơ quan bảo vệ pháp luật, vì đồng tiền mà một số quan toà đã bẻ cong cán cân công lý, dẫn đến oan sai, làm người vô tội phải xộ khám, thậm chí bị tử hình, còn kẻ có tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.


Cứ nghĩ dưới thời thực dân, phong kiến mới có tình trạng “đồng bạc đâm toạc giấy tờ”, nhưng thời nay vẫn còn không ít công chức, viên chức, thậm chí không ít quan chức tầm cỡ bị đồng tiền, vật chất làm cho mê muội, vì vậy đất nước mới bị các vấn nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy dự án… hoành hành.


Hậu quả khi đồng tiền trở thành “ông chủ” và con người trở thành tôi tớ là khôn lường, biểu hiện rõ nhất là những thực trạng dưới đây:


Một là: Đạo đức, thuần phong mỹ tục bị xuống cấp, băng hoại; con người trở nên lạnh lùng, vô cảm, thậm chí có lối sống và hành xử dối trá, xảo quyệt, độc ác...


Hậu quả mà nó để lại không phải ngày một, ngày hai mà từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác.


Thực tiễn cuộc sống cho thấy, để trở thành giàu có, có khi chỉ mất năm mười năm, thậm chí vài ba năm nhưng để hình thành thuần phong, mĩ tục và những giá trị đạo đức tốt đẹp nhanh cũng phải mất một vài đời người.


Một minh chứng, các nước Âu Mỹ để có một xã hội văn minh như ngày nay, họ đã trải qua giai đoạn chủ nghĩa tư bản hoang dã đầy máu và nước mắt mấy trăm năm,


Hai là: Khi bị đồng tiền lũng loạn, dẫn đến sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, làm cho nền kinh tế điêu đứng, tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị huỷ hại.


Đây là lực cản vô cùng lớn đã và đang kìm hãm sự phát triển của quốc gia.


Ba là: Tệ nạn tham ô, hối lộ; mua quan, bán chức và muôn vàn kiểu "chạy" khác do “ông chủ” là đồng tiền sai khiến đã tạo nên sự bất công xã hội sâu sắc, làm cho người dân bức xúc, bất bình, rất có thể dẫn đến khủng hoảng niềm tin.


Đây là nguy cơ không thể coi nhẹ, vì khi nhân dân có niềm tin son sắt thì không thể có một thế lực thù địch nào chống phá nổi sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của dân tộc.


Nhưng nếu niềm tin của nhân dân bị khủng hoảng thì không cần thế lực thù địch, phản động nào lôi kéo, kích động thì an ninh chính trị, xã hội của đất nước vẫn bị đe doạ.


Những bài học xương máu của các quốc gia chuyên chế, độc tài trên thế giới để cho đồng tiền lũng loạn nền kinh tế, chính trị, xã hội vẫn còn nguyên tính thời sự.


Đó sự sụp đổ của triều đại Ferdinand Emmanuel Edralín Marcos ở Philippines năm 1986; của triều đại Suharto ở Indonesia năm 1998; và các nước Trung Đông năm 2012…


Với vai trò vị trí của đồng tiền, nó không chỉ là phương tiện thiết yếu đối với đời sống con người và của nền kinh tế mà nó còn ảnh hưởng, chi phối đạo đức, nhân cách của mỗi người cũng như nền tảng đạo đức xã hội; chi phối ảnh hưởng đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.


Bởi vậy, giữ cho đồng tiền “sạch sẽ” và đồng tiền là phương tiện chứ không phải là “ông chủ” của con người là một công việc rất hệ trọng của mỗi người, mỗi gia đình và của cả quốc gia.


Để giữ cho đồng tiền “sạch sẽ”, trước hết phải xây dựng được bộ máy nhà nước liêm chính. Không để đồng tiền thao túng chính trường, trước hết là công tác nhân sự và xây dựng pháp luật, chủ trương chính sách, làm cơ sở cho việc xây dựng xã hội lành mạnh. 


Với mỗi người hãy nghĩ tới tương lai của bản thân, của con cháu đừng vì đồng tiền mà làm những việc thất đức, trái đạo lý.


Với cộng đồng cần phải thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ cái thiện, đả phá cái ác, vì nếu để cái ác hoành hành thì người lương thiện cũng phải gánh chịu tội lỗi.


Như một bậc tiền nhân đã từng nói: “Những tội lỗi trên thế gian này không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.”


Có như vậy mới khôi phục, giữ gìn nền tảng đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; tạo môi trường cho việc hình thành đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho mỗi người.


Đó sẽ là nền tảng cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!


Tài liệu tham khảo:  


(1)http://dantri.com.vn/doi-song/anh-nong-dan-ham-lam-viec-thien-20151115075647381.htm


NGUYỄN HUY VIỆN


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Bill Gates và Melinda Gates: tỉ phú từ thiện vĩ đại


image022


(PL+) - Nói đến Bill Gates, người ta không chỉ nhớ đến ông với vai trò là người sáng lập đế chế Microsoft hay người đàn ông giàu nhất thế giới mà rất nhiều người, đặc biệt những người dân ở các nước châu Phi, còn luôn dành cho ông và vợ những tình cảm mến mộ, biết ơn.


image023

Bill Gates và vợ Melinda.


Quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới


Quỹ Bill và Melinda Gates bắt đầu với việc Bill và vợ là bà Melinda đọc một bài báo về nỗi thống khổ của người dân ở thế giới đang phát triển. Ngay sau đó, Bill đã cắt bài báo và gửi cho cha - ông William H Gates, vốn là một người rất tích cực hoạt động từ thiện với lời nhắn nhủ: “Cha à, có lẽ chúng ta có thể làm gì đó”. 


Và rồi, chỉ ít lâu sau đó, Quỹ William H. Gates ra đời và bắt đầu các hoạt động thiện nguyện. Đây cũng chính là bước đi đầu tiên hướng tới sự thành lập Quỹ Bill và Melinda Gates. Kể từ khi bắt đầu sứ mệnh từ thiện vào năm 1997 cho đến nay, tổ chức của họ đã trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ trong việc cải thiện cuộc sống của người dân ở những nước nghèo nhất thế giới. 


Năm 2000, Bill Gates cùng vợ là bà Melinda chính thức thành lập Quỹ Bill và Melinda Gates để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp. Đến nay, Quỹ đã có tổng số vốn lên đến lên đến 43,5 tỉ USD. Số tiền này cho phép họ có thể chi những khoản thanh toán lên đến hơn 3 tỉ USD mỗi năm. 


Ví dụ, trong năm 2014, tổng số vốn mà tổ chức này đã chi cho các hoạt động từ thiện lên đến 3,9 tỉ USD. Trọng tâm hoạt động của Quỹ là lấp những khoảng cách quá lớn giữa các nước giàu và nước nghèo trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong số những mục tiêu lớn của chương trình có việc xóa bỏ sốt rét và bại liệt và kiểm soát sự lây lan của HIV và bệnh lao.


Tổng cộng, tính từ thời điểm thành lập cho đến nay, Quỹ Bill và Melinda Gates đã chi 32,9 tỉ USD cho các chương trình chăm sóc sức khỏe ở khắp nơi trên thế giới. 


Công việc của họ tập trung vào ngăn ngừa, tiêm chủng và tăng cường khả năng miễn dịch cho những nhóm người dễ bị tổn thương. Trong số những chương trình nổi bật của Quỹ này có thể kể đến Liên minh hỗ trợ tài chính, Sáng kiến tiếp cận tài chính, Dự án Mujer, Quỹ các chương trình nghiên cứu phát triển nông nghiệp, Chương trình nước sạch và vệ sinh, an toàn thực phẩm…


Nhờ có những hỗ trợ của Quỹ mà tính từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay đã có 4 nước trên thế giới xóa bỏ được bệnh sốt rét. Tỉ lệ tử vong do bệnh này tính trên phạm vi toàn cầu cũng đã giảm 42%. 


Trong một bài phát biểu năm 2014, Bill tin tưởng rằng bệnh sốt rét cũng sẽ sớm được loại trừ. Cũng trong năm 2014, sau những nỗ lực chung giữa chính phủ Ấn Độ, Quỹ Gates và Tổ chức xúc tiến toàn cầu, Ấn Độ tuyên bố đã chính thức xóa bỏ được bệnh bại liệt dù chỉ 5 năm trước đó, đây là nước chiếm đến hơn 1 nửa số ca mắc bại liệt trên toàn cầu.


Trong nỗ lực chống lại bệnh bại liệt, khoảng 2 triệu nhân viên tiêm chủng đã được cử đi khắp mọi ngõ ngách ở Ấn Độ để phòng ngừa cho người dân. Nhờ đó mà việc loại bỏ hoàn toàn căn bệnh đã đến chỉ trong vòng nửa thập niên. Kết quả này được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là một trong những thành tựu y tế toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay. 


Thành tích đó cũng trở thành cơ sở quan trọng để Quỹ Bill và Melinda Gates đặt mục tiêu hỗ trợ xóa bỏ bệnh bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2018. Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe, Bill Gates cũng rất tích cực trong việc vận động đối phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng sạch.


Năm 2014, tỉ phú Warren Buffett - người giàu thứ hai trên thế giới và là một người bạn thân của Bill Gates – đã cam kết đóng góp hơn 30 tỉ USD vào Quỹ Bill và Melinda Mỹ, đưa Quỹ trở thành tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất trong lịch sử.


image024

Trụ sở Quỹ Bill và Melinda Gates.


Nhà từ thiện không mệt mỏi


Đầu tháng 1/2008, trong lễ khai mạc Triển lãm tiêu dùng điện tử, Bill Gates thông báo từ tháng 7 cùng năm ông sẽ rời Microsoft để tập trung toàn bộ thời gian và sức lực vào hoạt động của Quỹ Bill & Melinda Gates – tổ chức từ thiện do 2 vợ chồng ông lập ra với mục đích chính là để hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. 


Theo đúng tuyên bố đó, kể từ cuối tháng 6/2008, Bill đã thôi giữ vai trò quản lý tại Microsoft. Thẩm quyền của ông trong công ty lúc đó được bàn giao lại cho ông Steve Ballmer. 


Cùng lúc, 2 nhân vật chủ chốt khác trong Microsoft là Craig Mundie và Ray Ozzie cũng đã được giao thêm những trọng trách mới. Kể từ đó, bộ 3 này trở thành đầu não quyết định hướng đi của Microsoft. Tuy nhiên, đến lúc này, Bill Gates vẫn là Chủ tịch Hội đồng giám đốc của công ty dù không đóng vai trò điều hành và cũng vẫn là cổ đông lớn nhất của Microsoft, với 6,4% cổ phiếu.


6 năm sau, ngày 4/2/2014, Bill Gates quyết định từ chức Chủ tịch Hội đồng giám đốc của Microsoft và giữ vai trò cố vấn về công nghệ cho CEO mới của công ty là ông Satya Nadella. Chính vì thế nên dù đã rút khỏi những chức vụ quan trọng của Microsoft nhưng Bill Gates vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của công ty.


Kể từ đó đến nay, Bill Gates hoạt động không mệt mỏi trong lĩnh vực từ thiện. Mới đây nhất, ông đã quyên tặng 64 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của ông ở Microsoft và có giá trị lên đến 4,6 tỉ USD cho công tác từ thiện. 


Việc quyên tặng này diễn ra hồi tháng 6 vừa qua nhưng phải đến giữa tháng 8 mới được tiết lộ. Khoản tiền này bằng 5% tổng tài sản của Bill và là khoản tiền từ thiện lớn nhất mà ông từng quyên tặng, nâng tổng số tiền làm từ thiện của vị tỉ phú 61 tuổi này và vợ lên thành 35 tỉ USD. Phần lớn khoản tiền sẽ được chuyển vào Quỹ Bill và Melinda Gates.


image022

Bill Gates và Melinda Gates: Nhà tỉ phú từ thiện vĩ đại.


Trước đó, năm 1999, Bill Gates đã tặng 16 tỷ USD tiền cổ phiếu của Microsoft cho công việc từ thiện và đến năm 2000 thì quyên tặng thêm 5,1 tỷ USD nữa. 


Với việc quyên tặng mới nhất, tổng số cổ phần của Bill Gates tại Microsoft đã giảm từ 24% năm 1996 xuống còn 1,3%. Tính tổng cộng, Bill Gates đã tặng khoảng 700 triệu cổ phiếu của Microsoft vào quỹ từ thiện do ông và vợ quản lý. 


Theo một số tính toán, nếu giữ nguyên số cổ phiếu này thay vì cho đi, đến nay, tổng tài sản của Gates sẽ tăng thêm 50 tỉ USD. Dù cho đi nhiều như vậy nhưng đến nay Bill Gates vẫn là người đàn ông giàu nhất thế giới. Ngoài việc tự tặng tiền, năm 2010, ông cũng đã cùng tỷ phú Warren Buffett lập ra nhóm “Cam kết cho đi” và kêu gọi được 168 người thuộc giới siêu giàu cam kết sẽ cho đi phần lớn tài sản của họ để làm từ thiện.


Với những đóng góp lớn lao đó, năm 2005, Bill Gates được Nữ Hoàng Anh Elizabeth II sắc phong tước hiệu Hiệp sỹ đế chế Anh KBE. 1 năm sau đó, ông và vợ được chính phủ Mexico trao Huy chương Aztec vì những đóng góp của họ trong việc thúc đẩy sự phát triển của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. 


Bill Gates cũng được tạp chí Time xếp vào nhóm 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20. Thêm vào đó, ông và vợ là Melinda cũng được bầu chọn là Nhân vật của năm vào năm 2005. Tiếp sau đó, năm 2010, ông được Viện Franklin trao giải thưởng Bower về lãnh đạo doanh nghiệp vì những thành tựu của ông tại Microsoft và công tác từ thiện của ông. (theo Hoàng Nam 20/10/2017 )
29 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7800)
05 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7193)
02 Tháng Mười Một 2019(Xem: 7191)
23 Tháng Mười 2019(Xem: 8084)