Sách giáo khoa ở Mỹ

14 Tháng Mười 20186:55 CH(Xem: 9594)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 15 OCT 2018


Sách giáo khoa ở Mỹ


Thu Hồng


14/10/18


 (GDVN) - Ở Mỹ bậc học phổ thông các em không phải mua sách giáo khoa, trường mua cho từng học sinh. Bộ sách giáo khoa đấy các em dùng tại trường, không mang về nhà.


LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Thu Hồng - một giáo viên tiểu học đang giảng dạy tại Mỹ.

Trong bài viết này, cô giáo Thu Hồng chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về sách giáo khoa ở Mỹ.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Qua nhiều cuộc hội thảo và các cuộc trao đổi với phụ huynh, giáo viên, những người làm trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam thời gian qua, tôi đã gặp nhiều câu hỏi và thắc mắc về sách giáo khoa.


Rất nhiều giáo viên và phụ huynh muốn biết các trường bên Mỹ dùng sách giáo khoa gì và như thế nào?


Sau đây là tên của vài đầu sách tôi đã từng dạy và nghe nói tới: Hồi tôi dạy ở New Jersey thì dùng enVision Math cho môn Toán và Guided reading của Fontas & Pinnell cho môn Ngữ văn.


4 năm vừa qua dạy ở Georgia thì dùng My Math, Reading Wonders và Imagine It.


image009

Sách My Math (Ảnh: tác giả cung cấp)


Ở Mỹ các lựa chọn về sách giáo khoa nhiều vô kể với những tên tuổi của những tập đoàn lớn như Pearson, McGraw-Hill hay Houghton Mifflin.


Mỗi một trường hay học khu/cụm trường hay quận (school district) lại dùng những bộ sách giáo khoa khác nhau.


Với cùng giáo trình của công ty nhưng từng tiểu bang lại khác nhau, nhất là sách Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (Science & Social Studies).


Ví dụ My Math của bang Florida khác với My Math của bang Georgia, hay Science của bang Virginia khác với sách Khoa học tự nhiên hay Science của bang South Carolina.


Việc lựa chọn sách gì, giáo trình của công ty nào là do sự làm việc giữa từng trường hoặc quận với công ty xuất bản. Thế nên các hãng lớn ra sức thuyết phục các trường mua dùng sách của mình.


Đây là món lợi khổng lồ vì ở Mỹ bậc học phổ thông các em không phải mua sách giáo khoa, trường mua cho từng học sinh. Bộ sách giáo khoa đấy các em dùng tại trường, không mang về nhà.


image010

Học sinh cùng làm bài tập ở trường (Ảnh: tác giả cung cấp)


Và học sinh nào cũng có những sách như sau:


1. Math workbook (paperback): sách toán


2. Reading book (hard cover): sách đọc dùng cho môn Ngữ văn (ELA).


Còn những sách kèm theo cho ELA như:


- Practice books (paperback)


- Handbook


3. Science (hard cover textbook): sách Khoa học tự nhiên


4. Science workbook (paperback ): sổ làm việc khoa học


5. Social studies (hard cover textbook): sách Khoa học xã hội


6. Social studies workbook (paperback): sách Nghiên cứu xã hội


Đến cuối năm học, những sách Khoa học tự nhiên nhà trường giữ lại cho lứa học sinh năm sau, những cuốn sách bài tập các em được mang về.


Tôi cũng xin lưu ý là dạng sách cho các em làm, viết vào được và để luyện bài tập thì ngoài dạng bìa mềm thì còn có dạng consumables (tức là xé rời từng trang sau mỗi bài để mang về nhà làm bài tập).


image008

Các em học sinh có thể xé rời từng trang sau mỗi bài để mang về nhà làm bài tập (Ảnh: tác giả cung cấp).


Rồi ngoài sách giáo khoa cho học sinh còn có hàng loạt sản phẩm kèm theo như Sách hướng dẫn giáo viên (teacher's edition hay TE), bộ tài liệu cho từng đối tượng như học sinh Esl, học sinh giỏi, học sinh kém, bộ đĩa CD hay DVD ...


Việc thương mại hoá và thống lĩnh của những đại công ty trong lĩnh vực xuất bản sách như tôi đã kể tên cũng gây ra những tác động tiêu cực như cứ 2-3 năm lại đổi sách giáo khoa, làm cho việc dạy và học bị xáo trộn, chưa thấy hết tác động hay hiệu quả của bộ sách, chất lượng không được duy trì vì nhiều khi bộ sách đang dùng vừa phát huy tác dụng thì lại thay sang bộ khác.


Sách giáo khoa chỉ là phần nhỏ của chương trình học. Sách giáo khoa chỉ như khung xương sườn và như nguồn tham khảo dựa vào đó để giáo viên dạy. Cụ thể như sau:


1. Giáo viên dựa vào khung chương trình (curriculum map) và sách giáo khoa để có cái nhìn tổng thể và chi tiết khi soạn bài.


2. Dạy những khái niệm (concepts) và kỹ năng (skills) chứ không dạy y hệt theo bài trong sách giáo khoa.


Ví dụ: dạy cộng trừ có nhớ 2 chữ số (two-digit adding or subtracting with regrouping) hay dạy các cách thêm số nhiều (plurals) thì ngoài sách giáo khoa, giáo viên sử dụng những nguồn tài liệu ở ngoài rất nhiều như video, tờ luyện, dự án, hoạt động nhóm, trò chơi (videos, worksheets, group projects, activities, games).


3. Sách giáo khoa thường để ở một góc trong lớp, khi nào cần mới dùng đến. Nhiều khi cả tháng chẳng dùng đến sách giáo khoa.


Thường các dạng sách sách bài tập hay được dùng hơn. Còn sách hardcover textbook (sách Khoa học xã hội) thì dùng khi đọc để biết câu chuyện, khái niệm, định nghĩa, từ vựng.


Nhìn chung sách giáo khoa chỉ chiếm khoảng 15-20% lượng tài liệu. Giáo viên không hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa.


Thế nên ở Việt Nam, nếu bố mẹ muốn con học thử chương trình tiểu học Hoa Kỳ, nếu không có sách giáo khoa thì chỉ cần có khung chương trình những khái niệm căn bản của từng lớp là các em có thể học được.


Cứ dựa vào đấy là có thể tìm nguồn tài liệu trên Internet học theo, không cần đến sách giáo khoa. Thu Hồng
19 Tháng Mười 2018(Xem: 8177)