Gs Trần Anh Tuấn: Trở lại chuyện hỏng thi thời VNCH

21 Tháng Mười 20188:03 CH(Xem: 8719)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 22 OCT 2018


Trở lại chuyện hỏng thi thời VNCH


image041


TRẦN ANH TUẤN


Trong bài viết về Giáo sư Nguyễn Thế Anh từng đưa lên Văn Hoá Online, tôi có đề cập đến chuyện hỏng thi và Ông bị lên án tử hình thời Việt Nam Cộng Hoà. Đây là chuyện quá khứ, viết để ghi lại một vết nhơ trong lịch sử giáo dục VNCH.


Tuy nhiên, chuyện hỏng thi vẫn còn đau đáu trong lòng người thi hỏng hơn 40 năm sau.


Trong hồi ký Thác Lũ Mưa Nguồn. Quyển I (California, Người Việt Books xb, 2016, 649 tr.) của Nguyễn Lý Tưởng, tác giả ghi lại kết quả của kỳ thi Tiến sĩ Chuyên Khoa Sử Học niên khoá 1972-73 một cách rất chi tiết nhằm phỉ báng ông Chánh Chủ Khảo Nguyễn Thế Anh.


image042

Tủ sách TAT


Trước hết là phóng ảnh bảng điểm kỳ thi với chữ ký của Gs. Chánh Chủ Khảo ngày 4.10.1973 nơi trang 438. Phóng ảnh  nhỏ và mờ, được tác giả Nguyễn Lý Tưởng đánh máy và in lại nơi trang 436-437.


Theo bảng điểm đó, chỉ có hai thí sinh "Đủ điểm trung bình để được ghi danh năm thứ II" là Đỗ Phan Hạnh và Tạ Chí Đại Trường; ba thí sinh "Phải học và thi lại môn phương pháp học" là Lê Đình Cai, Nguyễn (sic!) Hữu Hùng và Nguyễn Văn Tích; và hai thí sinh "Phải học và thi lại môn phương pháp học và sinh ngữ" là Trần Nguyên Khôi và Trương Ngọc Phú.


Chính nhờ bảng điểm này, tôi có thể nói rõ những chi tiết cụ thể và chính xác về chuyện một chánh chủ khảo bị lên án tử hình sau khi có thí sinh phải học lại và thi lại.


Tác giả Nguyễn Lý Tưởng, vốn không hề ghi danh theo học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng chắc chắn phải được người trong cuộc cung cấp phóng ảnh "BAN TIẾN SĨ CHUYÊN KHOA SỬ HỌC. Bảng điểm khóa thi cuối năm thứ nhất 1972-73" để bênh thí sinh tên Lê Đình Cai là một trong số năm người bị loại trong kỳ thi ấy.


Bênh bạn là điều tốt với bạn, nhưng vì bênh mà bất kể luật lệ thi cử thì điều tốt trở thành điểm sai trái mất rồi! Thí sinh Lê Đình Cai được 12/20 môn Thuyết Trình và 14/20 môn Anh Văn, nhưng chỉ được 9/20 môn Phương Pháp Học, tức qua được hai môn, nhưng bị điểm loại môn thứ ba.


Cũng cần nói thêm là điểm loại của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn chỉ là 10/20, trong khi điểm loại của Viện Đại Học Huế oách hơn nhiều, tới 12/20 như chính tác giả Nguyễn Lý Tưởng hãnh diện tỏ bầy trong hồi ký Thác Lũ Mưa Nguồn này. Nền Tự Trị Đại Học của chính thể Việt Nam Cộng Hoà cho phép điểm loại ở mỗi đại học một khác. Như Viện Đại Học Cao Đài, Tây Ninh hồi ấy còn non trẻ thì điểm loại chỉ là 0/20 để khuyến khích sinh viên. Tôi có một kỷ niệm về điểm loại ở Viện này.


Trong cuộc thi tốt  nghiệp cùa Đại Học Sư Phạm thuộc Viện Đại Học Cao Đài niên khoá 1973-74, tôi phê điểm 0/20 cho một nữ sinh viên Ban Sử Địa vì bài thi không liên hệ gì đến đề thi tôi ra. Đột nhiên sau đó có xe ca của Viện đến đón tôi từ Sài Gòn lên Tây Ninh họp. Tôi đi, không tiên đoán chuyện gì. Đến khi vào họp, giáo sư Tổng Thư Ký Viện tuyên bố chuyện chấm thi. Chi tiết thế nào tôi không nhớ, chỉ nhớ khi tôi ngắt lời, cho biết, theo tôi, thì tôi không cho điểm, mà điểm là do tự sinh viên có được qua nội dung bài thi. Tôi sẵn sàng cho điểm tối đa hay cho 0/20. Tôi vừa dứt lời thì vị Tổng Thư Ký tuyên bố ngay, là nếu Giáo sư Tuấn đã quan niệm như thế thì cuộc họp tới đây chấm dứt. Cuộc họp không quá 10 phút! Tôi vẫn vô tâm không rõ chuyện gì.


Đến khoảng một tuần sau buổi họp đó, Giáo sư Thọ Xuân Lê Văn Phúc -thường gọi là Lê Thọ Xuân-, một học giả của miền Nam chuyên về Phan Thanh Giản, cũng đang dạy trong Ban Sử ĐHVK Sài Gòn, ghé Văn Phòng Ban Sử và đề cập đến chuyện con một vị đặc biệt trong Tòa Thánh bị điểm loại môn Sử "do Giáo sư chấm" nên không ra trường được. Tôi hỏi lại Giáo sư Thọ Xuân về điểm loại và khi biết thì tôi đồng ý cho 1/20. Tôi còn giải thích là điểm số 1/20 tôi cho là cho chữ viết của bài thi ấy, rất đẹp trong suốt 4 trang dài. Điều làm tôi áy náy là khi tôi nói xong, Giáo sư Thọ Xuân lấy ngay bài thi của thí sinh Cụ đã mang sẵn trong cặp để tôi sửa lại điểm. Nhớ lại kỷ niệm đó, và viết thành chữ bây giờ, tôi mong chị sinh viên ngày ấy nếu thảng hoặc đọc những giòng chữ này, thì mong chị hiểu rằng tôi dạy học là để "cứu người," chứ không phải nhằm "hại người." Giáo dục là chuyện nghiêm chỉnh mà người dạy và người học phải giữ tư cách. Đây cũng là nén hương tưởng nhớ Giáo sư Thọ Xuân Lê Văn Phúc mà những ngày trên xe ca Sài Gòn-Tây Ninh đi dạy tại Viện Đại Học Cao Đài, tôi đã học được từ Giáo Sư nhiều bài học về địa lý học lịch sử thời Quang Trung. Và đây cũng là lời cám ơn Giáo sư Nguyễn Văn Sâm Ban Việt Hán Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, hiện định cư tại Texas, là người mời tôi đi dạy ở Tây Ninh.


Chính vì bênh bạn mà ông Nguyễn Lý Tưởng viết hẳn trên giấy trắng mực đen trong sách, nguyên văn nơi trang 435, là "... Giám Khảo cho 10/20 hay 9/20 cũng xem là tương đương, nếu Giáo Sư không muốn đánh hỏng thí sinh thì có thể nâng 9/20 thành 10/20 mà không có ai thắc mắc gì." Thật là chuyện cãi lấy được, có hơi hướm học đại thay vì đại học!


Tôi trích nguyên văn của tác giả Nguyễn Lý Tưởng, chứ không chỉ trích riêng phần "Giám Khảo cho 10/20 hay 9/20 cũng xem là tương đương" để thấy chức nghiệp của một số giáo sư thời VNCH, khác với lương tâm chức nghiệp của giới giáo sư đại học Pháp, trong trường hợp này là Giáo sư Philippe Langlet, chủ khảo chấm bài của tất cả bẩy thí sinh.


Ngoài ra, tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã thiếu sự cẩn trọng khi sao chép tài liệu.


Tác giả đánh máy lại tài liệu, nhưng sai sót nhiều so với nguyên bản. Thứ nhất là nhóm chữ "Ban Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học" đã bị ông chép thành "Ban Tiến Sĩ Khoa Sử Học." T̉hứ đến, tên một thí sinh trong danh sách là "Huỳnh Hữu Hùng" đã bị ông đổi thành "Nguyễn Hữu Hùng" đến hai lần. Đây là những sai sót làm mất sự nguyên toàn của tài liệu một cách khó hiểu, vì chính tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã được học môn Phương Pháp Sử dưới sự chỉ dạy của linh mục Nguyễn Phương, người thầy mà bạn học của ông là Nguyễn Đức Cung đã ca tụng trong một bài viết dài tới 18 trang nhan đề "Về một giáo sư trường Đại Học Sư Phạm Huế 50  năm trước: Linh mục sử gia Nguyễn Phương (1921-1993)" trong Kỷ Yếu 50 Đại Học Sư Phạm Huế  (California, 2007, trang 53-70).


Trong bài viết đó, tác giả Nguyễn Đức Cung cũng đã đề cập đến tôi trong chú thích số 9. Nguyên văn thế này nơi trang 68: "Ông Trần Anh Tuấn... khi viết về Giáo sư Châu Long, cho rằng ông Long đã lấy cắp công trình này của Trương Bửi Lâm. Trần Anh Tuấn kết án ông Châu Long nặng lời nhưng không thấy nói gì đến Lê Kim Ngân trong khi Lê Kim Ngân cũng đồng tác giả cuốn sách trên tức cũng là "tòng phạm" trong vụ án đạo văn này vậy." Nay, tôi trả lời ông Nguyễn Đức Cung, hiện sống tại miền Nam California thì phải (?).


Bỏ qua cách viết sách mé thiếu chuyên nghiệp, tôi chỉ nói đến nội dung. Hoá ra ông Nguyễn Đức Cung viết về một quyển sách mà ông không hề đọc. Vì nếu đọc Sử Học Nhập Môn do Văn Hào xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, ông Nguyễn Đức Cung hẳn phải biết "tác giả" Châu Long viết về "Thiên thứ I: Phương pháp sử học Tây phương" từ trang 25 đến trang 85. Còn giáo sư Lê Kim Ngân viết "Thiên thứ II: Quan niệm và̀ phương pháp sử học Đông phương" tiếp theo sau. Vì thế, Giáo sư Lê Kim Ngân không mắc mớ gì đến tội đạo văn đáng xấu hổ. Tôi nghĩ ông Nguyễn Đức Cung đã nợ giáo sư Lê Kim Ngân, hiện định cư tại Canada, một lời xin lỗi.


image043

Tủ̀ sách TAT


Cho nên, sự kiện tác giả Nguyễn Lý Tưởng dùng đến 5 trang trong Thác Lũ Mưa Nguồn (từ trang 433 đến trang 438) để ca tụng bạn và phỉ báng giáo sư Chánh Chủ Khảo Nguyễn Thế Anh chỉ làm "hồi ký" của ông kém giá trị chân thực.


Chuyện quá khứ cỏn con hàng nửa thế kỷ đã qua rồi (1973-2016). Ngay đến quê hương đất nước mà chúng ta cũng phải từ bỏ ra đi, thì chuyện tự ái cá nhân -vốn bất chấp công lý- giữ mãi trong lòng có ích gì?!


image044

Mảnh bằng mỏng manh thế này khiến có người bị lên án tử hình. Tài liệu TAT


Mặt khác, chính cái tâm thù hận của tác giả Thác Lũ Mưa Nguồn và thân hữu của ông đã giúp công chúng hiểu rõ cung cách nghiêm chỉnh của giới đại học Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hoà.


Giáo sư Chánh Chủ Khảo kỳ thi Tiến Sĩ năm ấy không hề là giám khảo chấm các môn Phương Pháp Học (người chấm là Giáo sư Philippe Langlet), hay môn Sinh Ngữ (người chấm là hai Trưởng Ban Anh Văn và Pháp Văn). Trong kỳ thi, Giáo sư Nguyễn Thế Anh chỉ chủ khảo môn Hội Thảo Thuyết Trình mà tất cả bẩy thí sinh, không thí sinh nào bị loại. Người nhiều điểm nhất được 13/20, hai thí sinh ít điểm nhất được 11/20.


Thêm một bằng chứng cho sự nghiêm túc của giới giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nói chung, và giáo sư Nguyễn Thế Anh thuộc Ban Sử Học nói riêng. Là trong bẩy (7) thí sinh kỳ thi Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học kể trên, chỉ có một (1) thí sinh duy nhất được Giáo sư Nguyễn Thế Anh bảo trợ cấp Cao Học và Tiến Sĩ là Trương Ngọc Phú, nguyên là giáo sư Phụ̣ Tá Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Viện Đại Học Huế. Nhưng thí sinh Trương Ngọc Phú cũng bị loại, mà bị loại tới hai môn, là Sinh Ngữ và Phương Pháp Học!


Tôi viết đoạn này trong dự án Việt Sử Tại Bắc Mỹ từ năm 2016. Đêm nay, tự nhiên muốn phổ biến nên tôi chỉnh sửa để gửi cho Văn Hoá Online của Chủ Nhiệm Lý Kiến Trúc, một người rất thiết tha đến hồn Sử Việt./


TRẦN ANH TUẤN


Tháng 10.2018
06 Tháng Sáu 2019(Xem: 6972)
"Nam tiến", quá trình các nhóm người Việt tiến về phía nam, mở mang lãnh thổ từ Quảng Bình đến Hà Tiên giữa các thế kỷ XIV-XIX được coi là một trang sử lớn và quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
09 Tháng Năm 2019(Xem: 7520)
15 Tháng Tư 2019(Xem: 8383)