Hà Văn Thùy: Mấy Ý Kiến Về Hai Nghiên Cứu Gen Việt Nam Mới Công Bố

23 Tháng Bảy 20198:33 CH(Xem: 7686)
VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 24 JULY 2019

MẤY Ý KIẾN VỀ HAI NGHIÊN CỨU GEN VIỆT NAM MỚI CÔNG BỐ

HA VAN THUY portrai 2019 
Hà Văn Thùy

Khám phá lịch sử hình thành dân cư Đông Á là thách thức lớn nhất của sử học hiện đại. Do thiếu phương tiện, thế kỷ XX đã thất bại, dẫn tới các cuốn sử phương Đông được viết sai lầm. Sang thế kỷ XXI, nhờ di truyền phân tử vào cuộc, khoa học khám phá rằng, người Hiện đại Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở châu Phi 195.000 năm trước và khoảng 60-70.000 năm trước di cư tới, làm nên dân cư Đông Á. Đến nay đã xuất hiện hàng trăm nghiên cứu di truyền dân cư Đông Á, tạo ra hiểu biết ngày càng phong phú, sâu sắc về bộ gen dân cư khu vực. Tuy nhiên, trên vấn đề quan yếu là con đường di cư của người tiền sử tới phương Đông, các học giả lại chia rẽ theo hai quan điểm. Một cho rằng, người từ châu Phi theo ven bờ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á, được gọi là con đường phương Nam. Phái còn lại, cũng gồm tác giả của những trung tâm di truyền lớn như Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Nhân học tiến hóa Max Planck Đức, cho rằng con đường từ Trung Đông vào Trung Á rồi sang Đông Á là con đường chính tạo nên dân cư ngoài châu Phi. Về thời điểm và số lần con người rời châu Phi cũng được quan niệm khác nhau: Trong khi Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford cho rằng chỉ có cuộc ra đi duy nhất thành công vào 85.000 năm trước thì Spencer Wells của National Geographic lại nói, có cuộc di cư 60.000 năm trước theo con đường phía Nam nhưng cuộc ra đi sau đó, vào 45000 năm trước, theo con đường phía bắc, mới thực sự quan trọng, làm nên chủ thể của nhân loại ngoài châu Phi. Sự không thống nhất như vậy đã dẫn tới những quan niệm trái ngược nhau về quá trình hình thành dân cư Đông Á. Kết quả là cho tới nay vẫn chưa có tiếng nói chung cuộc về vấn đề này. Có thể nói rằng, dù ngày càng tích lũy nhiều dữ liệu di truyền nhưng vấn đề lịch sử hình thành dân cư Đông Á vẫn dẫm chân tai chỗ.

Trung Quốc là cường quốc di truyền học. Hơn 30 năm trước, họ đã chi một triệu USD cho nhóm Y.J. Chu  DH Texas thực hiện Dự án Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Populations in China) thu kết quả vang dội. Hiện nay DH Phúc Đán là địa chỉ lớn của di truyền học, với những học giả tầm cỡ như Kim Lực (Jin Li), Lý Huy (Hui Li), Chuan-Chao Wang, … tuy nhiên họ vẫn chưa thể khẳng định ai là tổ tiên của người Trung Quốc!

Việt Nam là nước chậm chân tới lạc lõng trong lĩnh vực này. Cho tới ngày 03 tháng 10 năm 2017, mới có Dự án 1000 bộ gen người Việt Nam được công bố trên tạp chí Scientific Reports (1). Dự án có ý nghĩa lớn là xây dựng bộ dữ liệu di truyền đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên vì theo quan niệm hai dòng di cư tới Đông Á, Dự án đã sai lầm khi cho rằng, dân cư Việt Nam được hình thành theo hai lớp: “Một bộ phận lớn nông dân Đông Á tràn xuống, chồng lên số lượng nhỏ dân săn hái bản địa.”Kịch bản như vậy dẫn tới hệ quả là, người Việt Nam là con cháu của người Hán. Lẽ đương nhiên, về mặt di truyền học, người Việt Nam phải có độ đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Trong khi, trên thực tế, hầu hết các khảo cứu di truyền đều kết luận: “Người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á.” (2) Điều này chứng tỏ rằng, dân cư Đông Á cùng tổ tiên Mongoloid phương Nam mà người Việt Nam gần tổ tiên nhất. Hay nói cách khác: Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á! Thực tế này đã hoàn toàn phủ định kết luận của Dự án 1000 bộ gen người Việt!

Công bố mới đây của Viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (3) cho rằng: “người Việt "nằm cạnh" một cách độc lập với người Hán ở phía Nam và cách xa người Hán ở phía Bắc Trung Quốc.” Về công bố này, trước hết thấy rằng, với hơn 300 bộ gen người Kinh thì chưa có cơ sử để nói về nguồn gốc dân tộc Việt. Đưa ra ý tưởng như vậy là các tác giả dựa vào tài liệu tiếng Anh. Nhưng ở đây có sự hiểu lầm. Nguyên bản tiếng Anh viết North Chinese people để chỉ người Trung Quốc phía Bắc, nói về khoảng 100 triệu người thuộc các sắc dân thiểu số Mongol, Turky, Ewenky, Tungusic, Altaic, Eskimos… sống ở Bắc Trung Quốc, có mã di truyền khác với người Hán. Trong chi đó, South Chinese People là chỉ người Trung Quốc phía Nam, tức người Hán. Các tác giả của Vinmec dịch Chinese people là người Hán rồi chia ra người Hán phía Bắc, người Hàn phía Nam. Người Hán là một chủng nên dù ở miền Bắc hay miền Nam vẫn là người Hán. Cùng thuộc chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) nên người Việt Nam không thể “độc lập” với người Hán.

Một kết luận khác cũng cần được mổ xẻ:  “Bên cạnh đó, nghiên cứu đã giải mã một câu chuyện trong lịch sử: dù có nhiều khu vực biên giới chung và mối quan hệ lâu đời nhưng hệ gen của người Việt lại không có sự giao thoa nhiều hay chịu ảnh hưởng từ hệ gen người Hán.”Đây là kết luận sai thực tế và phản khoa học.

Từ hơn 10 năm trước, trong cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn (4), bằng tri thức di truyền học, cổ nhân chủng, khảo cổ, văn hóa và lịch sử, chúng tôi đã phát hiện: dân cư Việt Nam được hình thành theo hai lớp. Khoảng 70.000 năm trước, hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid từ châu Phi di cư đến Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid đều thuộc loại hình Australoid. 40.000 năm trước, khi khí hậu phía bắc tốt hơn, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục và trở thành dân cư Trung Quốc. 7000 năm trước, tại Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid tiếp xúc hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid ) sinh ra chủng người Việt Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 2698 năm TCN, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ chiếm Nam Hoàng Hà, người Việt di cư về phía nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Nhân chủng học gọi là người Việt hiện đại.

Như vậy là dân cư Viêt Nam cũng như toàn Đông Á được hình thành theo hai lớp: ban đầu, người Australoid từ Việt Nam đi lên, tạo thành dân cư Hoa lục. Sau đó, người Mongoloid phương Nam từ Hoa lục trở về chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: phải chăng một số lượng lớn người từ Hoa lục tới, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam? Di truyền học cho câu trả lời dứt khoát: Không! Bởi lẽ nếu sự thay thế diễn ra thì người Việt Nam hiện nay phải là con cháu của người Hán. Kết quả tất yếu: người Việt Nam phải có độ đa dạng sinh học thấp hơn người Hán. Nhưng các khảo cứu cho thấy người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất châu Á, chứng tỏ không hề có sự thay thế dân cư Việt Nam bằng người nông dân Trung Quốc. Sự việc đã diễn ra theo luật chuyển hóa di truyền: một lượng nhỏ người từ phương Bắc xuống chung sống hòa bình, đem gien Mongoloid chuyển hóa dần dân cư bản địa sang chủng Mongoloid phương Nam. Di chỉ Mán Bạc Ninh Bình với nghĩa địa có 30 di hài người Australoid và Mongoloid, chứng nhận cho việc này. Do vậy, người Việt Nam hiện nay vẫn giữ được độ đa dạng sinh học cao nhất châu Á. Hiện tượng trái ngược từng xảy ra ở Nhật. 30.000 năm trước, người Việt cổ loại hình Australoid tới Nhật, làm nên văn hóa Jomon. 400 năm TCN, do tác động của chiến tranh thời Chiến Quốc, nhiều triệu người Dương Việt chủng Mongoloid phương Nam tại duyên hải phía đông Trung Quốc tràn qua Triều Tiên sang Nhật, làm nên văn hóa Yayoi. Người Yayoi hòa huyết với dân Jomon bản địa sinh ra người Nhật hiện đại mã di truyền Mongoloid phương Nam. Do số người Yayoi quá đông còn số người Jomon quá ít nên gen người Yayoi lấn át, chiếm tới 80% bộ gen, khiến cho người Nhật hôm nay thuộc loại dân cư trẻ với độ đa dạng sinh học thấp.(5)

Như vậy, sự thật dòng giống và lịch sử cho thấy: người Việt và người Hán cùng một chủng trong đó người Việt là tổ tiên của người Hán.

Đúng như lời PGS Đồng Văn Quyền, phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN trên báo Tuổi trẻ: “Con số 305 bộ gen chưa có ý nghĩa nhiều về khoa học, chưa đủ để thu được những thông tin mong muốn.” Do vậy, những kết luận nêu trên của nhóm nghiên cứu là thiếu cơ sở, gây ngộ nhận đáng tiếc cho cộng đồng.

Sài Gòn, 19.7.2-19

Tài liệu tham khảo:
1.    S.W. Ballinger et al: Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians. (Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 N. 130 P.139-45).
2.    Ngày 03 tháng 10 năm 2017, tạp chí Scientific Reports công bố nghiên cứu  “CÁC CUỘC ĐIỀU TRA ĐỊA LÝ VÀ BỘ GEN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CHO THẤY SỰ BIẾN ĐỘNG NHÂN KHẨU HỌC LỊCH SỬ PHỨC TẠP” (Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements-https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6) của chín tác giả: S. Pischedda, R. Barral-Arca, A. Gómez-Carballa, J. Pardo-Seco, M. L. Catelli, V. Álvarez-Iglesias, J. M. Cárdenas, N. D. Nguyen, H. H. Ha, A. T. Le, F. Martinón-Torres, C. Vullo & A. Salas.
3.    Báo Tuổi trẻ https://tuoitre.vn/cong-bo-nghien-cuu-bo-gen-nguoi-viet-bat-ngo-ve-nguon-goc-20190716215120206.htm  
4.    Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, H. 2008
5.    Hà Văn Thùy. Góp một cách nhìn về lịch sử Nhật Bản. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-trung-hoa-va-dong-bac-a/2271-ha-van-thuy-gop-mot-cach-nhin-ve-lich-su-nhat-ban.html