Người Việt tại Anh cầu nguyện cho 39 người chết trong thùng xe tải

05 Tháng Mười Một 20196:34 SA(Xem: 5818)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ TƯ 06 NOV 2019


Người Việt tại Anh cầu nguyện cho 39 người chết trong thùng xe tải


04/11/2019


image009

Cộng đồng giáo dân Việt Nam ở London hôm 03/11 đã tổ chức một buổi cầu nguyện và tưởng nhớ 39 nạn nhân Việt Nam thiệt mạng.


Cộng đồng giáo dân Việt Nam ở London hôm 03/11/2019 đã tổ chức một buổi cầu nguyện và tưởng nhớ 39 nạn nhân Việt Nam thiệt mạng trong vụ di dân lậu bằng xe tải đông lạnh ở miền đông nam nước Anh vào tháng trước, theo AP.


Cộng đồng thương tiếc những nạn nhân chưa được công bố danh tính, tìm cách nhập cảnh lậu vào Anh với hy vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời. Vào ngày 23/10, họ được phát hiện đã chết trong thùng chiếc xe tải tại một khu công nghiệp ở thị trấn Grays.


Linh mục Simon Nguyễn đã cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người thân yêu của họ tại Việt Nam.


Ông nói: “Xin gửi lời chia buồn và cảm thông cho những người đã mất trên con đường tìm kiếm tự do, nhân phẩm và hạnh phúc.”


AP dẫn lời Nguyễn Hoàng Tôn, 19 tuổi, một người tị nạn Việt Nam đã đến Anh được một năm, cho biết rằng cả cộng đồng người Việt ở Anh rất đau buồn.


“Tôi cảm thấy buồn và tiếc thương cho những người đã qua đời vì họ cũng là người Việt Nam và cũng ở cùng tỉnh với tôi,” anh Tôn nói. “Những người trong cộng đồng người Việt Nam đều có chung cảm xúc như vậy.”


Các nạn nhân, bao gồm 31 nam và 8 nữ, được cho là đã chi tiền cho những kẻ buôn người để được đưa lậu vào Anh. Cảnh sát chưa cung cấp chi tiết về đường dây này, theo AP.


Cảnh sát Anh đã buộc tội Maurice Robinson, 25 tuổi, đến từ Bắc Ireland, với 39 tội ngộ sát và âm mưu buôn người. Cảnh sát cho biết rằng nghi can Robinson đã lái đầu xe tải đến thành phố Purfleet, Anh, để tiếp nhận và chở thùng container từ Zeebrugge, Bỉ, vốn đã được đưa đến đó bằng phà.


Hôm 01/11, tại Ireland, cảnh sát đã bắt giữ Eamonn Harrison, 22 tuổi, theo lệnh của Anh. Cảnh sát Essex ở Anh cho biết đã bắt đầu các thủ tục dẫn độ để đưa người này đến Vương quốc Anh để truy tố và xét xử với cáo buộc ngộ sát.


Trong khi đó, hai người đàn ông ở Việt Nam cũng đã bị bắt vì nghi ngờ đã trợ giúp cho tổ chức hoạt động buôn người.


Công an Hà Tĩnh ra thông báo hôm 1/11 rằng họ tiến hành bắt tạm giam 1 người và bắt khẩn cấp 1 người khác bị tình nghi liên quan đến vụ phát hiện 39 người chết trong xe container ở Anh.


Sáng ngày 04/11, khi thảo luận tại Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cho biết rằng vào ngày 3/11 Nghệ An đã bắt 8 nghi phạm, theo VnExpress.


Ông Cầu cho hay, nhà chức trách Anh sẽ điều tra tội danh của những người liên quan trực tiếp cái chết của 39 nạn nhân, còn Việt Nam sẽ xử lý hành vi những người ở trong nước đã môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài, theo điều 349 Bộ luật Hình sự 2015./ (VOA)


+++++++++++++++++++++++++++++++


Nhiều nạn nhân ‘nô lệ thời hiện đại’ ở Anh xuất phát từ Việt Nam

04/11/2019


Viễn Đông

image012

Nhiều "nô lệ thời hiện đại" người Việt "làm việc" tại các nơi trồng cần sa trái phép ở Anh.


Các “nô lệ thời hiện đại” ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh.


Theo phúc trình công bố trong tháng này, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các “nô lệ thời hiện đại”. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.


Thông tin này gây chú ý trong dư luận Việt Nam, nhất là sau vụ 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.


Thoạt đầu, tin cho hay, toàn bộ các nạn nhân là “công dân Trung Quốc”, nhưng sau đó một số gia đình người Việt lên tiếng nói rằng con em họ có thể nằm trong số những người tử vong khi bị đưa “lậu” tới Anh. Hôm 1/11, cảnh sát Anh tin rằng tất cả 39 người là công dân Việt Nam.


 


Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ nước này “tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh”, trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Việt Nam.


Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.


Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột”.


Một bài viết liên quan tới Việt Nam được nhiều người đọc nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh là về việc hai nước hồi tháng 11 năm ngoái thông báo hợp tác xử lý vấn đề “nô lệ thời hiện đại”.


Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid “đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn”.


Theo phía Anh, nhiều nạn nhân “nô lệ thời hiện đại” ở Anh “xuất phát từ Việt Nam”, và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.


Ông Javid được trích lời nói rằng “phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm”.


Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng Chín, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, viết rằng “những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”.


“Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’”, ông Ward viết.


“Nói đến mua bán người, có lẽ các bạn sẽ nghĩ đến Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh”, đại sứ Anh viết.


“Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania”.


Ông Ward viết rằng “khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình”.


“Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết.


Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều hộ gia đình đã lên tiếng về khả năng con em họ có thể nằm trong số 39 thi thể bị phát hiện trong xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.