Sự Cầm Nhầm Vĩ Đại

29 Tháng Mười Hai 20197:20 SA(Xem: 6973)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ HAI 30 DEC 2019


Mọi liên lạc bài vở - vui lòng gởi về Email: vaamacali@gmail.com


SỰ CẦM NHẦM VĨ ĐẠI


image024

Hà Văn Thùy


Việc Kỹ sư Chu Văn Tiệp tìm ra “con số vàng” (1) trong quá trình đẻ nhánh và ra lá của cây lúa là khám phá lớn của nông học Việt Nam. Tuy có vẻ đơn giản nhưng phải mất 12.400 năm trồng lúa con người mới tìm ra. Vì thế nó là phát kiến trọng đại của nhân loại. Tôi đánh giá nó ngang với Giải Nobel khoa học. Tuy nhiên cho đó là sản phẩm của “Nhà thiết kế vĩ đại”lại là chuyện tầm phào, hay đúng hơn là sự cầm nhầm vĩ đại. Xin trình bày như sau.


1.Khảo cổ học khám phá, 13.000 năm trước, người Việt tại Tiên Nhân Động và Ngọc Thiềm Nham thuộc tỉnh Giang Tây Trung Quốc hôm nay, đã ăn một lượng đáng kể hạt của loài lúa hoang Oryza nivara. Nhưng 12.400 năm cách nay đã ăn cơm từ loài lúa trồng Oryza sativa. Lúa trồng khác lúa hoang không chỉ ở hạt lúa tròn hơn, lông trên hạt thưa hơn, râu ngắn bớt mà quan trọng nhất là ở cấu tạo tế bào của Phytolic, mà thành phần chủ yếu là silic, làm nên vỏ trấu. Chính nhờ yếu tố này, khoa học phân biệt được lúa hoang và lúa trồng. Do chọn lọc liên tục hơn 12.000 năm vì mục đích có giống lúa cho năng suất cao và chất lượng tốt nhất nên đến nay dân châu Á có hai chủng lúa Oryza sativa indica và Oryza sativa japonica.


Trong quá trình trồng trọt lâu dài, người nông dân Việt rút ra kinh nghiệm trồng lúa: nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống. “Tứ phương” nêu trên thể hiện kinh nghiệm truyền thống. Tuy nhiên nó cũng phản ánh hạn chế trong tư duy của người Việt khi không coi trọng khâu giống. Dù vẫn hiểu “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”nhưng đặt giống ở cuối các biện pháp canh tác đã kìm hãm tiến bộ của nông nghiệp. Nền nông nghiệp hiện đại, đặt vai trò của giống lên hàng đầu, từ đó đưa tới cuộc cách mạng xanh, tăng nhanh sản lượng cũng như chất lượng lúa gạo. Chính giống mới đã phát huy tác dụng của tổ hợp biện pháp canh tác.


Trong các biện pháp canh tác, thì lựa chọn mật độ gieo cấy là nỗi trăn trở thường trực của người nông dân. Nông nghiệp truyền thống xác định “cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc ăn.”Những năm 1960, miền Bắc “học Đại Trại” theo bước nhảy vọt của Trung Quốc nên có khẩu hiệu “Cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho.”Từ thất bại của mô hình này, ra đời khẩu hiệu “Cấy dầy vừa phải thóc rải đầy sân.”Nhưng thế nào là “cấy dầy vừa phải”lại là chuyện mày mò của hàng triệu nông dân để tìm ra công thức cấy thích hợp. Và rồi từ đó, điều kỳ diệu ra đời: “KS Chu Văn Tiệp phát hiện ra: Cần thay đổi cách cấy lúa, giảm sâu số khóm chỉ còn 8 – 16 khóm/m2 với khoảng cách cấy dễ dàng tính được nhờ vào biểu thức toán học đơn giản dựa vào đặc điểm của giống (chiều cao cây, dạng hình tán lá… có điều chỉnh cho phù hợp với loại đất…). Công nghệ cấy lúa hàng biên còn làm thay đổi quan điểm bảo thủ di truyền của số hạt/bông khi sự phân hóa đòng đã làm tăng mạnh số hạt nhờ cây hưởng hiệu ứng ánh sáng hàng biên. Công nghệ cấy này đã tác động đến các yếu tố chính cấu thành năng suất lúa như: số dảnh/khóm, số bông/m2, số hạt/bông, trọng lượng nghìn hạt và đã gây hiệu quả kinh tế đáng ngạc nhiên cho không ít cán bộ kỹ thuật, nông dân (tăng năng suất dù giảm sâu giá thành) và đã nhanh chóng được nông dân ứng dụng rộng rãi.”(1)


Phân tích trên cho thấy, từ chọn ra loài lúa trồng và sử dụng biện pháp thâm canh thích hơp để tạo ra dòng lúa đẻ nhánh và ra lá theo tỷ lệ vàng là chọn lọc nhân tạo, công việc của con người. Hoàn toàn không có ở lúa hoang mọc tự nhiên. Vì vậy việc gắn thành tựu này cho nhà thiết kế vĩ đại là không thỏa đáng. Hay nói cách khác, đó lại là sự vơ vào, sự cầm nhầm vĩ đại!


2. Dường như văng vẳng bên tai tiếng “khì” đắc chí của mấy vị “sát thủ thuyết Tiến hóa” khi “bắt chết”dân “tiến hóa” phải trưng ra bằng chứng về “sự sống đầu tiên.”Một đòi hỏi không chỉ phi khoa học mà còn bất cận nhân tình. “Mầm sự sống” là gì nếu không phải là những giọt vật chất đơn sơ nhất, nhỏ nhoi nhất, yếu đuối nhất? Cái giọt vật chất mong manh ấy làm thế nào mà tồn tại được qua hàng tỷ năm để hôm nay trưng ra trước bàn dân thiên hạ? Suốt thế kỷ XX, chúng ta chỉ biết đến cốt sọ cổ nhất của người Sơn Vi 32.000 năm tuổi. Rồi khi di truyền học công bố: “Con người có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước,”ta mới hiểu rằng có tới 40.000 năm tổ tiên “bốc hơi”, không để lại cho con cháu dù chỉ một mẩu xương! Vậy thì làm sao mà hôm nay có được cái giọt coaseva hình thành từ hàng tỷ năm trước?!


Để thoát khỏi tình trạng bế tắc, tôi bèn nghĩ ra thuyết mới, gọi là Thuyết tiến hóa nhị nguyên. Nội dung như sau: Thiên chúa giáng thế. Ngài cầm trong tay một nắm hạt mầm sự sống và nói: “Ta sinh ra các con trong tình yêu thương. Nay ta đưa các con vào đời. Trong tự nhiên khắc nghiệt, các con phải sống và vươn lên mãi cho xứng đáng với lòng thương yêu của Chúa.”Nói rồi Ngài tung nắm hạt mầm ra trươc gió. Gió đưa mỗ hạt đến một nơi. Có những hạt rơi vào đá, vào bãi cát khô nóng liền bốc hơi, tiêu tán. Có những hạt rơi vào nơi ẩm ướt ấm áp. Chúng hút dưỡng chất và lớn lên. Trong số chúng, có những hạt đạt tới độ lớn thì chia thành hai hạt. Sự sinh sản bắt đầu… Cứ như thế, trong thử thách dài lâu của chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn, một thế giới sống kỳ diệu hình thành. Hẳn có người chê tôi là duy tâm, là cơ hội, là đi hàng hai… Nhưng tôi cảm thấy tâm đắc với lý thuyết này. Dù là đấng sáng tạo với lòng lành nhưng Chúa chỉ là người gieo hạt ban đầu. Còn sự sống hôm nay là công việc của tự nhiên, trong đó có nỗ lực tự thân của mỗi sinh vật góp phần tạo nên bản thân mình. Dù sao tôi cũng thích một tự nhiên vận động có sự tham gia tích cực của chủ thể hơn là một thế giới của định mệnh, tất cả được an bài theo một lập trình tiền định.


Chỉ nghĩ trong bụng một “thuyết” như vậy mà do dự chưa dám bật mí với ai thì lại có bản tin nói rằng, người ta phát hiện trên phiến đá 3,5 tỷ năm hóa thạch của sự sống đầu tiên. (2) Một bản tin quá ngắn so với tầm trọng đại của vấn đề nó nêu lên. Tin được không? Tôi không biết nữa vì bây giờ óc hoài nghi quá lớn. Hãy chờ xem! Nếu tin này chính xác thì quá mừng, dù cho cái “thuyết tiến hóa nhị nguyên” của tôi chưa kịp ra đời đã chết!


3. Làm fan của một đội bóng thì chỉ việc tới sân banh vẽ mặt, vẫy cờ và la hét. Nhưng ủng hộ hay phản đối một lý thuyết khoa học không đơn giản vậy. Chí ít, phải học theo Tôn tử tri kỷ tri bỉ. Có nghĩa là phải hiểu thật sâu cái lý thuyết mình ủng hộ hay phản đối để ít nhất cũng hiểu được mình ủng hộ hay phản đối cái gì! Lại nữa, khi chôm những thông tin mới để đắp điếm cho thần tượng của mình thì cũng cần có tri thức thực sự, hiểu đúng bản chất của thông tin đó. Nếu chỉ ăn theo nói leo thì khó tránh khỏi họa dở khóc dở cười mang tiếng cầm nhầm và gậy ông đập lưng ông đau điếng!


Sài Gòn, cuối năm con Heo.


  1. Phạm Việt Hưng. BÍ MẬT CỦA TẠO HÓA – TỶ LỆ VÀNG TRONG QUY LUẬT ĐẺ NHÁNH CỦA CÂY LÚA.       Thôn Minh triết. com

    2.  Scientists find the earliest signs of life from 3.5 billion years ago

         https://www.cnet.com › news › scientists-find-the-earliest-si...


Các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích vi sinh vật trong những tảng đá 3,5 tỷ năm tuổi, cho thấy một số dấu hiệu sớm nhất của sự sống trên hành tinh. Các chất hữu cơ được phát hiện trong stromatolites, hóa thạch lâu đời nhất của Trái đất, ở khu vực Pilbara Tây Úc, các nhà khoa học tại Đại học New South Wales cho biết hôm thứ Năm.


Mặc dù stromatolites đã được tìm thấy vào những năm 1980, nhưng các nhà khoa học chỉ có thể chứng minh chúng là vi khuẩn. "Lần đầu tiên, chúng ta có thể cho thế giới thấy rằng những stromatolite này là bằng chứng rõ ràng cho sự sống sớm nhất trên Trái đất", trưởng nhóm nghiên cứu Raphael Baumgartner nói.


Để kiểm tra, các nhà khoa học đá đã lấy các mẫu lõi khoan, không bị phong hóa. Họ đã kiểm tra các mẫu bằng kính hiển vi điện tử công suất cao, quang phổ và phân tích đồng vị. Baumgartner phát hiện ra rằng stromatolites được làm từ pyrite, có chứa chất hữu cơ "được bảo quản đặc biệt".


Mời xem video : https://www.youtube.com/watch?v=idfv7Lw4Y_s