Trì Hạo Điền, Sản Phẩm Của Một Nền Giáo Dục Thất Bại

18 Tháng Hai 20207:20 SA(Xem: 7036)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ BA 18 FEB 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


TRÌ HẠO ĐIỀN, SẢN PHẨM CỦA MỘT NỀN GIÁO DỤC THẤT BẠI


image015

Hà Văn Thùy


Ngày 15.4.2009, tạp chí Các vấn đề chiến lược của Ấn Độ công bố bài phát biểu của tướng Trì Hạo Điền, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Hội nghị các tướng lĩnh bàn về chiến lược chiến tranh tương lai, tổ chức năm 2005, nhan đề:  SỬ DỤNG VŨ KHÍ SINH HỌC, QUÉT SẠCH NƯỚC MỸ.


Bài nói gây chấn động lương tri loài người. Rất nhiều người đã lên án tác giả. Trong lĩnh vực khoa học nhân văn, tôi xin trình bày những ý kiến sau:


image014


Tướng Trì Hạo Điền nói:


 “Như mọi người đều biết, theo quan điểm truyền bá của các học giả phương Tây, toàn thể loài người trên Trái Đất có nguồn gốc chung từ một người mẹ duy nhất ở Châu Phi. Như vậy, không một chủng tộc nào có thể tự nhận mình là chủng tộc siêu đẳng nhất. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của đại đa số các học giả Trung Quốc, người Trung Quốc khác với các chủng tộc khác trên thế giới. Chúng ta không có nguồn gốc từ Châu Phi. Trái lại, chúng ta có nguồn gốc độc lập trên đất Trung Quốc. Nguời Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm mà tất cả chúng ta đều bắt nguồn từ đó đại diện cho một giai đoạn tiến hoá của tổ tiên chúng ta.


Nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa


Trước đây, chúng ta thường nói rằng nền văn minh Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Nhưng hiện nay, rất nhiều chuyên gia nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có khảo cổ học, văn hóa sắc tộc, và văn hoá khu vực đã đi tới một sự thống nhất rằng các phát hiện mới như nền văn hoá Hongshan ở vùng Đông Bắc, nền văn hoá Liangzu ở tỉnh Chiết Giang, các phế tích Jinsha ở tỉnh Tứ Xuyên, và khu di tích văn hoá đế chế Yongzhou ở tỉnh Hồ Nam tất cả đều cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh tiền Trung Quốc, và chúng khẳng định rằng riêng lịch sử canh tác lúa đã có từ 8.000-10.000 năm truớc đây. Điều này bác bỏ quan niệm về lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc…


Bởi vậy, chúng ta có thể xác định rằng chúng ta là sản phẩm của nền văn hoá có nguồn gốc từ cách đây hơn 1 triệu năm, nền văn minh và tiến bộ với lịch sử hơn 10.000 năm, một dân tộc có 5.000 năm lịch sử, và một thực tế Trung Quốc với lịch sử hơn 2.000 năm. Đó là dân tộc Trung Quốc tự gọi mình như vậy. Là dòng dõi của Viêm và Hoàng, dân tộc Trung Quốc mà chúng ta tự hào thuộc về dân tộc đó. Nước Đức Hitle đã từng kiêu hãnh tự coi mình là chủng tộc siêu đẳng nhất trên Trái đất, nhưng thực tế là dân tộc chúng ta còn siêu việt hơn người Đức rất nhiều.”


Trước hết cần xác định, phát biểu của ông tướng họ Trì có phù hợp với khoa học không? Ở đây cần trả lời hai câu hỏi:


1. Người Trung Quốc có phải là hậu duệ của Người vượn Bắc Kinh không?


Tài liệu khảo cổ học thế giới ghi rằng, năm 1920, kỹ sư mỏ người Thụy Điển Anderson phát hiện cốt sọ người sống 7000 năm trước ở di chỉ Ngưỡng Thiều phía nam Hoàng Hà. Do hình thái sọ rất giống người Trung Quốc hiện đại nên giới khoa học nhận định, người Ngưỡng Thiều là tổ tiên của người Trung Quốc. Sau đó, vị kỹ sư này còn khai quật di chỉ Chu Khẩu Điếm ở phía Bắc Bắc Kinh, khám phá cốt sọ hoá thạch 600.000 năm của người Đứng thẳng Homo erectus, được đặt tên là Người vượn Bắc Kinh Homo pekinensis. Cũng tại đây còn tìm thấy cốt sọ của người hiện đại Homo sapiens 27.000 năm tuổi. Do trong cùng một vùng địa lý, khám phá được người Đứng thẳng, người hiện đại sớm và người hiện đại muộn nên giới khoa học đồng thuận cho rằng, con người đã từ Người vượn Bắc Kinh chuyển hóa thành người hiện đại sớm rồi người hiện đại muộn. Từ đây, thuyết đa vùng của tổ tiên con người (Multigegional hypothesis) được củng cố: từ Người vượn Bắc Kinh tiến hóa thành người Mongoloid, chủ nhân của châu Á. Trong khi đó, ở châu Âu, Người đứng thẳng Neanderthal tiến hóa thành tổ tiên người châu Âu.


Tuy nhiên, vào thập niên 1970, các khai quật khảo cổ cho thấy, 250.000 năm trước, Người  đứng thẳng tuyệt diệt trên đất liền châu Á. Vết tích cuối cùng của họ được tìm thấy khoảng 200.000 năm trước tại Ngandong Indonesia. Từ đó dẫn tới hoài nghi:  do vắng mặt ở châu Á từ rất lâu trước nên không thể có chuyện người vượn Bắc Kinh chuyển hóa thành người hiện đại. Vào những năm cuối thế kỷ XX, di truyền học khám phá: trong bộ gen người châu Âu hiện đại chỉ có từ 1 đến 2% gen của người Neanderthal là kết quả của sự giao phối chéo khi hai loài sống chung với nhau khoảng 30.000 năm trước. Điều này khẳng định, Người đứng thẳng chỉ là họ hàng xa mà không phải là tổ tiên của loài chúng ta. Với phát hiện vững chắc này của di truyền học, thuyết đa vùng của nguồn gốc loài người bị bác bỏ. Thuyết ra khỏi châu Phi (Out of Africa ) được thừa nhận: người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại châu Phi 200.000 năm trước.


Do không có chuyện Người đứng thẳng chuyển hóa thành người hiện đại nên cũng không có chuyện người vượn Bắc Kinh hóa thành người Trung Quốc. Phát biểu của ông Trì Hạo Điền đưa tới hai hệ quả:


- Một là sai về mặt khoa học.


- Thứ hai, nếu đúng thì người Trung Quốc là hậu duệ của Người vượn, một loài ở bậc tiến hóa thấp hơn loài chúng ta. Cố nhiên, về sinh học, người Trung Quốc thuộc loại thấp kém chứ không hề siêu việt! Tự nhận là hậu duệ của một loài thấp kém nhưng lại vỗ ngực cho là mình ưu việt là việc làm ngu xuẩn hết phần thiên hạ!


2.Tổ tiên người Trung Quốc là ai?


Năm 2001 người ta phát hiện tại hang Điền Nguyên thành phố Chu Khẩu Điếm những mảnh xương ống chân của con người sống khoảng 40.000 năm trước nhưng không biết đó là ai? Năm 2013 nhờ di truyền học vào cuộc đã khám phá, đó là người đàn ông khoảng 40 tuổi, là tổ tiên các dân tộc Đông Á: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và cũng là thủy tổ của người bản địa châu Mỹ. Nhà nhân học Trung Quốc Ngô Tân Trí (吴新智) nói: “Trung Quốc từ 20.000 năm trước cho tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy con người có những hoạt động di cư lớn. Vì vậy, cần phải nói rằng ông là tổ tiên của chúng tôi.”


(而我们中国从2万年前一直到现在,没有任何证据表明人类有很大的迁徙活动。所以应该说,他就是我们的祖先.)


Khi nghiên cứu sâu hơn, khoa học phát hiện, người đàn ông này là người Việt cổ thuộc chủng Australoid đã từ Việt Nam đi lên Nam Hoàng Hà 40.000 năm trước. Từ đó người Việt cổ chiếm lĩnh Hoa lục và làm nên các nền văn hóa rực rỡ như Tiên Nhân Động, Ngọc Thiềm Nham tỉnh Giang Tây là nơi sáng tạo công cụ gốm đầu tiên của nhân loại 20.000 năm và thuần hóa lúa nước 12.400 năm trước; Giả Hồ 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ 7000, Ngưỡng Thiều 7000 năm trước.


7000 năm trước, tại Ngưỡng Thiều, người Việt cổ chủng Australoid tiếp xúc, hòa huyết với người Mongoloid ở phía bờ Bắc (cũng từ Việt Nam đi lên 40.000 năm trước), sinh ra chủng người Nam Mongoloid (South mongoloid), được nhân học gọi là người Việt hiện đại, chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều và Long Sơn.


Trong quá trình lịch sử, nhất là sau cuộc xâm lăng của Hiên Viên vào Nam Hoàng Hà năm 2698 TCN, người Việt hiện đại di tản về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa người Việt cổ sang chủng Mongoloid phương Nam, làm nên dân cư Nam Trung Quốc, Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay.


Người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam ở lại Nam Hoàng Hà, một phần làm dân cư vương triều Hoàng Đế, một phần thành dân cư nhà nước Dương Việt, Đông Di… sau là người nước Sở. Khi Lưu Bang lập quốc, được gọi là người Hán. Do cùng chủng tộc Mongoloid phương Nam nên khi nhà Hán mở rộng lãnh thổ, dân cư những vùng mới chiếm đều trở thành người Hán. Như vậy, về mặt sinh học, người Hán chính là người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam do hậu duệ của người Việt sinh ra 7000 năm trước ở lưu vực Hoàng Hà. Từ thực tế lịch sử này, có thể khẳng định, chỉ một phần những thành tựu văn hóa tại lưu vực Hoàng Hà sau 7000 năm trước mới do tổ tiên trực tiếp của người Trung Quốc kiến tạo.


Còn người Việt Nam, được sinh ra từ tổ tiên 70.000 năm trước nên có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Như vậy, về mặt nòi giống, theo cách nói của ông tướng họ Trì, người Việt Nam phải “ưu việt” hơn người Trung Quốc!


3. Một nền giáo dục thất bại.


Khổng Tử, được người Trung Quốc tôn là vạn thế sư biểu có nói: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Lễ là sự đối xử nhân ái với con người, tôn trọng, yêu thương con người. Nền giáo dục tạo nên những kẻ vô nhân tính như Trì Hạo Điền là nền giáo dục thất bại về LỄ, điều lớn nhất trong phẩm cách con người. Nhưng về VĂN trong ý nghĩa tri thức, cho thấy họ Trì cũng là kẻ dốt nát, thiếu kiến thức sơ đẳng về khoa học nên lầm lẫn lung tung, cũng là sản phẩm của nền giáo dục thất bại.


Trong khi từ chối nguồn gốc châu Phi của cộng đồng nhân loại thì lại nhận (vơ) Người vượn làm tổ tiên! Trái ngược với họ Trì, tuy là trưởng lão của dân cư châu Á nhưng người Việt Nam không bao giờ tự nhận là ưu việt về nòi giống. Cho đến nay, người Việt Nam vẫn giữ được phẩm tính mà Không Tử từng ngợi ca “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo” là lấy sự khoan dung mà dạy dỗ, không thù ghét kẻ vô đạo. Không phải nòi giống, chính phẩm tính nhân văn làm nên sự ưu việt của người Việt Nam.


Sài Gòn Xuân Canh Tý


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


https://daohieu.wordpress.com/2009/06/14/s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-vu-khi-sinh-h%E1%BB%8Dc-quet-s%E1%BA%A1ch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9/


Nguồn: http:..vn.myblog.yahoo.com.phamvietdaonv