Trần Anh Tuấn: Về quyển Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ

14 Tháng Ba 202010:35 SA(Xem: 6307)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ BẨY14 MAR 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


LTS: Do tòa soạn sơ xuất kỹ thuật, bài viết của Gs Trần Anh Tuấn sai một vài lỗi, nay sửa lại theo yêu cầu của tác giả; trân trọng cáo lỗi cùng Gs Trần Anh Tuấn (VHO)



Về quyển Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ


image005

TRẦN ANH TUẤN


Tôi rất ngạc nhiên, hào hứng, và thú vị khi nhận được quyển Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ của tác giả Vĩnh Đào.


Ngạc nhiên vì văn học Việt Nam khác với phạm vi chuyên môn của một tiến sĩ Văn Học Pháp tốt nghiệp đại học Sorbonne, Paris.


Hào hứng vì nội dung thể hiện một tâm hồn phong phú vừa Tây Phương qua thơ Baudelaire, Appolinaire, Carl Sandburg, Robert Frost, vừa Đông Phương, từ thơ Thôi Hiệu, Trương Kế, Vi Thừa Khánh, Đỗ Mục, đến thơ Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tất Nhiên, Tuệ Sỹ...


Và thú vị vì tôi gặp một huynh trưởng Hướng Đạo đa tài. Với Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ, tôi chứng kiến một công trình nghiên cứu văn học Việt Nam mới mẻ và tài hoa.


Tôi được biết tác giả đã tự học nhiều phen. Thuộc thơ từ thủa bé do giáo dục gia đình. Học luật thơ qua những giờ Việt Văn hiếm hoi trong chương trình trung học Pháp ở Sài Gòn. Học chữ Hán trong trại tập trung Cộng Sản sau tháng Tư năm 1975. Khi về hưu thì nghiền ngẫm văn chương văn học Việt Nam trong tủ sách riêng hàng ngàn quyển trong nhà.


image003


Xuất thân trong môi trường trung học Pháp, tôi mến phục tác giả khi ông kể ra niêm luật của thơ, cách gieo vần, liên vận, độc vận, phép tu từ, ẩn dụ, hoán dụ, nhạc tính trong thơ, âm đóng, âm mở, rồi nội dung thơ với câu đề, câu thực, câu luận, câu kết, phân biệt nghĩa của “tím ngắt” với “tím ngát”... đâu ra đấy, rành rẽ hơn cả người xuất thân trường Việt.


Lâu rồi, tôi mới nghe đến hai chữ “tu từ,” cho thấy không phải người Việt nào cũng đạt đến trình độ Việt ngữ như tác giả Vĩnh Đào.


Trong tác phẩm này, những mẫu phân tích và bình giảng thơ của tác giả Vĩnh Đào rất sâu sắc, nhiều nhận định tỷ mỷ và thông thái, với nhiều trích dẫn và tham khảo.


Như Chinh Phụ Ngâm, qua các câu 125-140, tác giả dẫn giải các loài chim cùng các loại hoa theo mùa hệt như một nhà vạn vật học, đồng thời theo sát nội dung đoạn thơ để biểu thị sự lỗi hẹn của người chinh phu và sự đợi chờ dai dẳng của người chinh phụ.


Như cuộc tranh luận ai là dịch giả của Chinh Phụ Ngâm thì tác giả trình bầy diễn tiến cuộc tranh luận suốt một thế kỷ, thế kỷ XX.


Cụ thể từ năm 1902 với Vũ Hoạt, năm 1926 với Phan Huy Chiêm, năm 1929 với Nguyễn Đỗ Mục, năm 1941 với Dương Quảng Hàm, năm 1943 với Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, năm 1949 với Nghiêm Toản, năm 1953 với Hoàng Xuân Hãn, năm 1964 với Lại Ngọc Quang, năm 1972 với Nguyễn Văn Xuân, năm 2000 với Nguyễn Quảng Tuân, và năm 2001 với Lê Hữu Mục và Phạm Thị Nhung.


Nhưng tác giả Vĩnh Đào không phải là người ba phải. Qua hai sự kiện, một là gia tộc Phan Huy Ích không trưng ra được bản dịch của Phan Huy Ích, và hai là căn cứ vào những câu thơ đầy nữ tính chỉ có thể xuất phát từ một dịch giả phái nữ, tác giả Vĩnh Đào bác bỏ tác quyền bản dịch của nhà nho họ Phan tên Ích.


Như thơ Hồ Xuân Hương có lối xưng hô rất mới so với thời đại. Trong khi Chinh Phụ Ngâm là “chàng và thiếp,” trong Truyện Kiều là “chàng và nàng,” thì Hồ Xuân Hương là “em.” Hồ Xuân Hương cũng được tác giả cho là người xướng xuất cuộc cách mạng tình dục cuối thế kỷ XVIII đầu XIX.


Như tìm ra những chi tiết riêng tư của thi nhân đáp ứng sự hiếu kỳ của một số độc giả. Nguyễn Tất Nhiên -tên thật là Nguyễn Hoàng Hải- chẳng hạn, tác giả cho biết thi nhân có hai biệt danh là Hải Ngáo và Hải Khùng. Tác giả còn theo dõi để biết cả tên của người tình học trò của Nguyễn Tất Nhiên, và theo dõi để biết cô Bắc Kỳ nho nhỏ sau năm 1975 định cư ở tiểu bang Michigan. Chưa hết, tác giả tiếp tục theo dõi để biết người vợ của Hải Khùng cũng làm thơ, rồi giới thiệu một bài thơ của người đó và khen bài thơ “quyến rũ” nơi trang 173-74.


Hay cập nhật đề tài như chùa Hàn San trong bài Phong Kiều dạ bạc được tác giả chia sẻ là Chùa đã được công nhận di tích lịch sử năm 1985. Rồi hai câu:


Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


thì tác giả cho biết giáo sư Trần Trọng San năm 1957 đã giới thiệu đó là bản dịch của Tản Đà. Nhưng đến năm 2002 thì giáo sư Nguyễn Quảng Tuân xác định Nguyễn Hàm Ninh mới chính là dịch giả.


Tôi cũng thích thú đọc những câu ca dao đến giờ mới biết do tác giả giới thiệu. Như:


Kể từ khi em biết được chàng

Đêm về em lăn lộn như con chim phượng hoàng bị tên.


Hay:


Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn

Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon.


Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này vẫn có những nét tài tử cần chia sẻ.


1. Thứ nhất là tiêu chuẩn chọn thơ hay.


Bắt gặp những dòng thơ của Trần Mộng Tú, Nguyễn Bá Trạc, và Mai Linh trong sách, tôi không hiểu tiêu chuẩn chọn thơ của tác giả như thế nào. Tôi chỉ có thể nghĩ tác giả xen kẽ những tuyệt tác thi ca đông tây kim cổ với vài bài thơ bình thường của người Việt như bằng chứng cho tâm hồn thi sĩ của bất cứ người Việt nào chăng?!


Hay cũng có thể là sự đãi ngộ trong tình thân với nhau?


Tôi chỉ bất ngờ tại sao những người này có thể ngồi chung một chiếu với Nguyễn Bính hay Quang Dũng, với Nguyễn Tất Nhiên hay Tuệ Sỹ trong một bản nghiên cứu nghiêm chỉnh mất nhiều năm tháng?!  


Thêm một dấu hiệu bất thường nữa là khi đề cập đến dòng thơ Quang Dũng, tác giả đã không đế cập đến Tây Tiến -là bài gắn liền với tên tuổi nhà thơ- mà chỉ bình giảng những bài thứ yếu trong sự nghiệp thi ca Quang Dũng. 


2. Thứ hai là bình giảng thơ khác với thưởng thức thơ.


Theo tôi, thơ là cảm nhận. Thơ hay là thơ đi ngay vào lòng người. Đọc lên là thích, là có hứng ngâm nga, và nhớ mãi. Hai câu thơ ca tụng tài thơ của Tản Đà đã nói lên được thế nào là thơ hay, được tác giả ghi lại nơi trang 218: Đọc lên sướng miệng, nghe thì sướng tai!


Chứ thơ không phải là loại văn bản sau khi phân tích rồi, mới biết là hay, hay dở.


Thi nhân cũng vậy. Họ làm thơ như lên đồng, thơ cứ thế tuôn trào, có khi viết không kịp. Chứ còn đẽo gọt từng câu từng chữ thì chỉ là thứ thơ thù tạc, thơ cổ động, thơ tuyên truyền... 


Thi sĩ Hoàng Cầm từng ghi lại bài thơ Lá Diêu Bông được ông viết như thế nào. Nguyên khi ngủ, ông thường mơ có người đọc thơ nên ông luôn luôn để giấy và bút cạnh mình. Một đêm, ông nghe một giọng nữ đọc bài thơ Lá Diêu Bông. Sáng ra, ông thấy những dòng chữ ông viết bị nghiêng ngả và xô lệch vì bóng tối. Ông cố gắng sắp xếp lại thành thơ, một bài thơ độc đáo ngay từ tựa đề, vì tên Lá Diêu Bông ông cũng không hề biết là lá gì, chỉ biết ghi lại lời giọng nữ trong đêm.


Vì thế, bản chất của Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ là một tập hợp những bài bình giảng có tính cách giáo khoa, hơn là chỉ dấu của sự cảm nhận về thơ. Chính tác giả cũng đã khẳng định ngay đầu sách là, nguyên văn nơi trang 13: “Lời bình theo mỗi bài sẽ đề nghị với bạn đọc một cách tiếp cận tác phẩm, gợi ý những cảm xúc mà tác phẩm đó có thể gây nên, và những yếu tố nào khiến cho ta có thể kết luận rằng đó là một bài thơ hay.” 


Ngoài ra, nhận định trong sách không phải lúc nào cũng được khách quan.


Hãy lấy một thí dụ. Bài thơ tựa đề “Nhớ con đường thơm ngọt môi em” của Tuệ Sỹ được tác giả ca tụng là “một trong những bài  đặc sắc nhất của cả nền thi ca Việt Nam hiện đại” nơi trang 197. 


Thật vậy sao?


Nhận định thơ tình nam nữ của một nhà sư xuất gia là đặc sắc nhất thi ca Việt Nam hiện đại thì có điều rất không ổn! Đọc thẳng bài thơ, ta sẽ thấy nhiều sáo ngữ như khói biếc, tơ trời, trăng tàn, phố thị, viễn phố, đêm thượng cổ.


Ngay những câu:


Bóng tôi xa đêm dài phố thị

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Ơi là máu, tủi hờn nô lệ

Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm.


thì âm hưởng trúc trắc, tình và cảnh khập khiễng, chẳng hiểu nhà sư muốn diễn tả ý tưởng gì hay luyến tiếc chuyện gì.


Bình giảng loại thơ bí hiểm này -trước 1975 dân làm văn làm báo Sài Gòn gọi là văn chương hũ nút- có khi chỉ là ấn vào tay người viết những ý nghĩa hay tư tưởng mà họ không hề có. 


Thật ra, thơ tình của người Việt chúng ta thì rất nhiều và rất sâu sắc. Chỉ một bài Thuyền và Biển (4.1963) của Xuân Quỳnh cũng đủ mang mang đi vào lòng người. Những hình ảnh trong đời thường là thuyền và biển đã trở thành tình yêu mênh mang mà không cần những sáo ngữ, lại càng không cần môi em ngọt hay môi em hồng gì hết! 


… Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

 Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển  bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau -rạn vỡ...


Sóng biển bạc đầu, lòng thuyền rạn vỡ là những hiện tượng hàng ngày trong đời sống nhưng thi nhân đưa vào thơ đã mang một ý nghĩa phi thường, theo tôi, mới xứng đáng được trao hai chữ “đặc sắc.”


Tôi tin nhiều người Việt, nhất là “biển” -tức là phái nữ- đã biết và đã thuộc bài thơ dung dị mà bao la sâu thẳm của tình yêu đôi lứa này.


3. Thứ ba quan trọng hơn hết, là vấn đề khảo chứng văn bản.


Không một bài thơ nào trong sách Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ có ghi xuất xứ. Nếu sự trích dẫn bài thơ có xuất xứ, thì trách nhiệm nguyên bản hay không nguyên bản thuộc về nguồn xuất xứ đó, chứ không phải là trách nhiệm của tác giả viết sách!


Nghiên cứu văn học phải truy tìm xuất xứ, những xuất xứ đáng tin cậy nhất. Không có xuất xứ sẽ đem lại ảnh hưởng tai hại cho người viết: Tác giả đã tự buộc trách nhiệm nguyên tác của văn bản vào mình, trong trường hợp này là những bài thơ trong Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ.


Thí dụ thơ Hồ Xuân Hương. Tôi đối chiếu văn bản trong Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ của Vĩnh Đào với văn bản trong Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm của Xuân Diệu.


Bài Vịnh trái mít trong sách của tác giả Vĩnh Đào thì ngay tựa đề đã không ổn, vì người Bắc không ai nói “trái mít,” mà nói “quả mít!” May thay đó chỉ là cái sai sót trong mục lục, còn nội dung nơi trang 55 tác giả ghi lại là “quả mít.” “Quả” thì đúng ngôn từ miền Bắc rồi, nhưng lại thừa chữ “Vịnh” trong đầu đề. Đây là nguyên bản của tác giả Vĩnh Đào:


Vịnh quả mít

Da nó xù xì múi nó dày...


Trong khi đó, nhà thơ Xuân Diệu khảo sát thơ Hồ Xuân Hương thì ghi:


Quả mít

Vỏ nó xù xì, múi nó dày...


Vỏ mít mới tự nhiên, mới đúng, chứ bà chúa thơ Nôm sao có thể non tay đến độ ghi thành Da mít?!


image008


Thí dụ thơ Quang Dũng. Tôi đối chiếu văn bản của tác giả Vĩnh Đào với văn bản trong Tuyển Tập Quang Dũng do Trần Lê Văn sưu tầm tuyển chọn và giới thiệu.


Trần Lê Văn là nhà thơ, một người bạn văn thân thiết của Quang Dũng, hầu như ngày nào họ cũng gặp nhau. Là người bạn nối khố của Quang Dũng mà khi Quang Dũng hấp hối, hãy nghe Bùi Phương Thảo, con gái Quang Dũng, trong một bài viết hồi tháng 11.1998: “Cái đêm tiễn biệt ấy, trong nhà tôi có mấy người thân và bác Văn. Ánh mắt cuối cùng của bố tôi sau một lượt nhìn tất cả, dừng lại ở bác Văn. Sau một thời gian dài, bố tôi bị liệt, không nói được nữa. Thế mà vào phút chót, bố tôi còn gắng gượng cất lên giọng trầm đục, nói hơi rõ được hai tiếng: “Ông Văn!” (Tuyển Tập Quang Dũng, nxb Văn Học, 2000, tr. 407.)


Do đó, thơ Quang Dũng do Trần Lê Văn phổ biến thì tín lực rất cao vì xuất xứ từ chính nhà thơ. Còn tác giả Vĩnh Đào phổ biến thơ Quang Dũng lấy từ nguồn nào, nào ai biết?!


Điều rõ ràng là thơ Quang Dũng trong Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ rất khác biệt với thơ Quang Dũng trong Tuyển Tập Quang Dũng.


Chẳng hạn, bài Đôi Bờ (1948) trong sách Vĩnh Đào có câu, nguyên văn nơi trang 118:


Kinh thành em có nhớ bên tê?


Bản Trần Lê Văn thì khác hẳn, nơi trang 66:


Bên này em có nhớ bên kia


Lại hai câu kế. Bản Vĩnh Đào:


Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến

Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.


Bản Trần Lê Văn:


Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến

Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề.


Câu trên là tình cảnh anh bộ đội Quang Dũng trong phòng tuyến thời chống Pháp. Câu dưới là tình cảnh người con gái còn ở đô thành thuộc Pháp, thời ấy gọi là Thành, gọi tắt là Tê hay Tề, là danh từ riêng. Dinh Tê là về thành, tức bỏ vùng Việt Minh về lại Hà Nội, Nam Định hay những đô thị khác. Cho nên, bản của Trần Lê Văn viết hoa chữ “Tề” là rõ nghĩa, còn bản của tác giả Vĩnh Đào ghi “tề” viết thường thì không có nghĩa gì.


Bản Vĩnh Đào “mưa quanh phòng tuyến” cũng không chỉnh. Mưa có phải là một hiện tượng vòng tròn đâu mà mưa quanh?! “Mưa qua phòng tuyến” của Trần Lê Văn mới đúng là mưa xuống rồi mưa đi qua một địa điểm!


Cho nên, phần phân tích hai câu thơ đó nơi trang 119 trong sách Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ là điển hình của sự lạc đề: hai câu tác giả trưng dẫn không phải thơ Quang Dũng!?


image010


Đến bài Mắt người Sơn Tây (1949), bản Trần Lê Văn ghi nơi trang 75-76:


Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang dùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rướm lệ.


Bản Vĩnh Đào ghi:


Cho nhẹ lòng nhớ thương

Em mơ cùng ta nhé

Bóng ngày mai quê hương

Đường hoa khô ráo lệ.


Bản Vĩnh Đào khác hẳn. Khác từ tựa đề, là Đôi Mắt Người Sơn Tây. Tựa đề Đôi mắt... hẳn rất quen thuộc với chúng ta vì chúng ta nghe đã nhiều, từ thơ cho đến nhạc. Nhưng có đúng nguyên tác của Quang Dũng hay không là chuyện khác! Tôi thích thú khi thấy Trần Lê Văn ghi rõ tựa đề không có chữ “Đôi.” Đôi mắt tượng trưng hình hài thể chất. Hai mắt, hai tai, hai tay, hai chân... nghe rất dung tục, không có gì là thi vị.


Nhưng Quang Dũng đặt tựa đề Mắt Người Sơn Tây thì khác, rất khác, vì mắt của ai là tâm hồn người đó!


Đến bài Quán Nước (1948) trong Tuyển Tập Quang Dũng do Trần Lê Văn phổ biến có câu:


Tôi lính qua đường trưa nắng gắt

Nghỉ nhờ em, quán lệch tường xiêu


Thì tựa đề trong sách Vĩnh Đào từ Quán Nước trên đây đã biến thành Quán Bên Đường (1947?), và ghi:


Tôi khách qua đường trưa nắng gắt

Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu...


“Nghỉ nhờ đây” trong bản Vĩnh Đào là nghỉ trong bốn bức tường của một quán nước hay quán ăn. “Nghỉ nhờ em” trong bản Trần Lê Văn thì khác. Nhờ đây là nhờ người. Hãy tự hỏi nhờ vật vô tri vô giác với nhờ người thì sự nhờ nào ý nghĩa hơn, thấm thía hơn, tình cảm hơn, và thi vị hơn?!


Tôi không có thì giờ kiểm chứng nguyên tác của tất cả các bài thơ Việt Nam và quốc tế trong Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ, nhưng đã biết ngoài thơ của Hồ Xuân Hương và Quang Dũng, thì thơ Tản Đà, thơ Xuân Diệu, thơ Nguyễn Bính... trong sách đều khác ít hay nhiều so với những ấn bản khác. Riêng bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln đánh máy lại nơi trang 147, tôi cũng đếm được cả thẩy 13 khác biệt so với bài diễn văn đó trong tập sử liệu nhan đề The U.S. Constitution and Other Writings của một giáo sư Sử Học Hoa Kỳ.


Sự đau lòng của tập thể các thi nhân Việt Nam, là người đời không biết tôn trọng nhà thơ, cứ tự ý sửa đổi câu chữ trong những nguyên tác của họ. Tình trạng này xảy ra rất thường xuyên, tôi chỉ lấy một thí dụ gần gũi với tác giả Vĩnh Đào.


image012


Thiên tình sử Hàn Mặc Tử và Hoàng Thị Cúc xảy ra ở Huế thì ai cũng biết. Rất nhiều người khai thác đề tài này trong mấy chục năm nay, nhưng tất cả chỉ làm cho người trong cuộc đau và buồn. Không những Hoàng Thị Cúc buồn, mà cả thân nhân của bà cũng “tức và ức” (sic!). Năm 2002, người cháu ruột gọi bằng cô của Hoàng Thị Cúc là Hoàng Thị Quỳnh Hoa tỏ ý muốn viết về Hàn Mặc Tử để đính chính những “bậy bạ không thể tả” (sic!) của báo chí sách vở viết về giai thoại Hoàng Thị Cúc-Hàn Mặc Tử, nhất là bài Thôn Vỹ Dạ đã bị đổi nhiều chữ. Chính bà Hoàng Thị Cúc đã gửi cho cháu gái bài Thôn Vỹ Dạ với bút tích của Hàn Mặc Tử và một lá thư của Hàn Mặc Tử để tùy nghi, vì bà đã xuống tóc, không muốn hệ lụy với chuyện thế gian. (Tập san 48-55 Khải Định số 7, California, 2002, tr. 187-194)


Trong sách, có một lần tác giả Vĩnh Đào tôn trọng nguyên tác, là bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên nơi trang 165-66, tác giả theo nguyên tác trong thi phẩm Thiên Tai do chính Nguyễn Tất Nhiên xuất bản năm 1970 để ghi tựa đề là Khúc buồn tình, chứ không theo đầu đề Khúc tình buồn mà nhà Nam Á ở Paris đã tự ý sửa chữa khi tái bản năm 1982. Đây chỉ là một trường hợp cá biệt.


Văn bản đã không chứng minh được là nguyên tác, thì phân tích hay bình giảng văn bản ấy, về tinh thần, sẽ bất công với tác giả bản văn, còn về chuyên môn, thì giá trị bị sút giảm.


Khi nhận được sách, tôi đã hết hồn khi thấy sách so sánh thơ Trần Mộng Tú với diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln. Càng đọc càng hết hồn khi một bài thơ tầm thường của một tác giả bình thường mà có giá trị hơn cả bài diễn văn nổi tiếng trong lịch sử lập quốc của dân tộc Hoa Kỳ.


Hồi tỉnh lại, tôi mới biết là tác giả căn cứ sự kiện này vào một quyển sách giáo khoa của Mỹ.


Nhân đây, tôi muốn chia sẻ một hai nét về giáo dục tại xứ Mỹ. Ở cấp liên bang và tiểu bang đều có Bộ Giáo Dục. Nhưng những cấp bộ này không hề có quyền lực trực tiếp trong các trường học. Họ chỉ có quyền ra chỉ thị về những tiêu chuẩn giáo dục tổng quát. Phần vụ chính của họ là cứu xét và cấp phát ngân khoản cho các học khu địa phương và xét học bổng cho sinh viên đại học nhà nghèo.


Vì lãnh thổ Hoa Kỳ là một đại lục với những nhóm cư dân khác biệt nên nhu cầu giáo dục mỗi địa phương một khác nên tổ chức và điều hành trường sở, thu nhận giáo sư, chọn lựa sách giáo khoa...  hoàn toàn do Học Khu ở mỗi thành phố trực tiếp cai quản.


Chính vì thế, ở Hoa Kỳ này, không hề có một bộ sách giáo khoa nào là chính thức, và không một nhà xuất bản nào có thẩm quyền phát hành sách giáo khoa cho tất cả các học khu, dù họ luôn luôn vận động để các Học Khu chọn sách giáo khoa do họ biên soạn.


Cho nên sách ghi nơi trang 145,  là “Năm 1999,  nhà xuất bản sách giáo khoa lớn của Mỹ Glemcoe/MacGraw-Hill đã chọn đưa vào sách giáo khoa môn văn Glencoe Literature dành cho học sinh lớp 11 bài thơ của Trần Mộng Tú ... để học sinh phân tích và đối chiếu với bài diễn từ của TT Abraham Lincoln năm 1863” dễ có ngộ nhận là sách giáo khoa chính thức.


Phải hiểu hệ thống giáo dục Mỹ và nhất là phải hiểu sự ngây ngô của trí thức Mỹ về văn hóa và lịch sử Việt Nam mới hiểu vì sao có bài thơ bình thường tiếng Việt bên cạnh bài diễn văn rất ngắn, rất gọn, nhưng ý nghĩa nhất nhì trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, kết thúc bằng yếu tính của nền dân chủ: Chính quyền của dân, do dân và vì dân.


Bài thơ của Trần Mộng Tú không gì khác hơn là lời than vãn của người vợ mất chồng. Chi tiết của tác giả Vĩnh Đào viết rằng, nguyên văn nơi trang 143, là “Cùng với mẹ và em chồng, chị (tức Trần Mộng Tú) đi nhận xác chồng ở bệnh viện Kiên Giang, không khóc lóc, kêu gào, chị ngẩn ngơ như người đi trên mây.” Những chi tiết cụ thể này chắc chắn không phải do tác giả tận mắt chứng kiến, mà do nhà thơ kể lại. Những chi tiết Cùng với mẹ và em chồng, bệnh viện Kiên Giang thì rất đáng tin. Nhưng tình cảnh hai vợ chồng trẻ lấy nhau 3 tháng, ở với nhau 1 tháng rồi người vợ đi nhận xác chồng mà không đau đớn rơi nước mắt thì thật khó hiểu và khó tin! Đến hai câu kết:


Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau


thì tác giả Trần Mộng Tú của bài Quà tặng trong chiến tranh (7.1969) đã cóp ý của thơ Linh Phương mà Phạm Duy đã phổ nhạc, tức bản Kỷ Vật Cho Em, còn hay ho gì nữa?!


Có thể nói cả bài thơ 140 chữ của Trần Mộng Tú không mảy may so sánh được với 2 câu của Lý Thụy Ý:


Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình.


Vì thế, so sánh bài thơ của Trần Mộng Tú với diễn từ của Abraham Lincoln là chỉ dấu của sự can đảm của kẻ chỉ biết một mà không biết hai, chưa nói đến ba hay bốn.


Kết luận này của tôi, là nhắm vào sách giáo khoa trung học Hoa Kỳ mà các tác giả Mỹ thường ù ù cạc cạc về thơ văn của người Việt, chứ không liên hệ gì đến tác giả của Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ.


Sự thực là tôi đã từng nổi điên khi là thành viên của Ủy Ban Tuyển Chọn Sách Giáo Khoa của Oakland Unified School District (Học Khu Thống Nhất Oakland, Bắc California) trong vai trò District Bilingual Advisor nên có biệt danh là “The fearless leader.” Không nổi giận sao được khi sách giáo khoa lịch sử thế giới của Mỹ bao giờ cũng ca tụng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam, đồng thời vu cáo sự tham nhũng và bất tài của chính quyền cùng sự hèn yếu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Có tác giả Mỹ còn ghi nhận trong tiểu sử của Võ Nguyên Giáp, là tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại đại học Sorbonne, Pháp!


Trở lại với tác giả Vĩnh Đào.


Qua những công trình nghiên cứu đã phổ biến, chúng ta biết sự chia sẻ của tác giả về giáo dục và văn hóa Việt rất đáng quý. Đó là sự hy sinh thời giờ, công khó, và tiền bạc để chia sẻ với người đồng trang lứa những giá trị tinh thần do tiền nhân để lại và nhất là để giúp các thế hệ sau, nhất là ở hải ngoại, biết đến di sản tinh thần của dân tộc mà Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ là bằng chứng mới nhất.


Cuối cùng, tõi bất ngờ thấy tên tôi được nhắc đến nơi trang 141, qua sự kiện tôi “trừng mắt” khi tác giả chê thơ của cụ Trần Trọng Kim. Trong sách này, tác giả còn mạnh miệng chê cụ Trần hơn nữa, xác định tài dịch thơ của Cụ, nguyên văn nơi trang 179, là “khôi hài.” Tôi không nhớ lần trước tôi có “trừng mắt” hay không, nhưng lần này tôi không khinh suất vì không nắm được chữ Hán.


“Trừng mắt” mà tác giả vẫn nhờ tôi giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông. Bản lãnh của tác giả Vĩnh Đào, vậy là cũng không vừa!


TRẦN ANH TUẤN


3.2020