Bs. Đào Như: Dòng Đời

23 Tháng Tư 20208:01 SA(Xem: 5994)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ NĂM 23 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


LTS: Bài viết dưới đây của tác giả Bs Đào Như viết vào ngày 31/05/05, nay báo Văn Hóa Online đăg trước tác này như một Diễn đàn trên mục DIỄN ĐÀN VĂN HÓA.


Dòng Đời


image008

Đào Như


Kính Anh Chị Lê Thanh


Tôi nhận được thư anh chị cách đây mươi ngày. Tôi định viết thư trả lời anh chị hay liền, và cám ơn anh chị đã nhiệt tình đỡ đầu hai quyển sách đầu tay của tôi mà tôi tự xuất bản. Nhưng không hiểu tại sao tôi mãi chần chờ. Đêm nay, tự dưng thức giấc, đọc lại thư anh viết, lòng cảm thấy bồn chồn. Lời thư anh mộc mạc, ngắn gọn, chứa chan tình cảm và nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ của anh, của người tuổi đã ngoài 70. Anh đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử của đất nước.


      Tuổi thiếu niên, trước năm 45, anh sống dưới thời lệ thuộc Pháp. Sau ngày Toàn Quốc Kháng Chiến anh ở trong Vùng Độc lập, Liên khu 5, thuộc chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày Hòa bình, sau hòa ước Genève 1954, tòan thể các tỉnh của Liên khu 5: Nam, Ngải, Bình, Phú, thuộc bên này vĩ tuyến 17 anh sống dưới chế độ Viêt Nam Cộng hòa…Rồi đến 30/4/75 hay sau đó, cũng như hàng trăm ngàn người khác, anh chạy ào ra Biển Đông. Sống thì thành người tị nạn; chết thì coi đời mình như hạt cát gửi vào lòng đại dương. Nhờ ơn trên, anh qua được bên kia bờ. Anh sống ở Mỹ suốt 30 năm qua. Thư anh viết cho tôi, không hiểu vô tình hay cố ý anh đề vào ngày 30/4/05, đúng 30 năm tỵ nạn:


Los Angeles 4/30/05   


Kính anh chị Thể,


Tôi là Lê Thanh và vợ là Trân, cám ơn anh rất nhiều về việc anh gửi cho tôi hai quyển sách do anh viết.


    Sau khi đọc tôi thấy có nhiều điều để chiêm nghiệm và suy nghĩ về cuộc đời riêng của mình…


    Sự thật cũng thật là khó nói về những suy về cuộc đời của mình!...


Tôi gửi anh tấm check để góp phần in ấn tốn kém


Cám ơn Anh chị nhiều


Lê Thanh


  Sự thật thì tôi cũng như anh. Tôi suy nghĩ rất nhiều khi ngồi lại trước computer viết thư cho anh, một người bạn xa cách gần 40 năm không gặp nhau. Biết anh ra làm sao? Và tôi viết làm sao với anh bây giờ?


     Nhưng khi đọc thư anh tôi thấy có gì khó ở, bức rức trong anh. Anh có gì muốn nói, nhưng anh còn ngại. Trong thời đại nửa mờ nửa tỏ của lịch sử, của đất nước như hôm nay cũng như trong quá khứ dài đăng đẳng. Biết đâu là chân? Biết đâu là giả? Chúng ta đã sống qua những thời đại của đất nước. Cuộc đời của chúng ta gắng liền với những dấu mốc của lịch sử…


     Năm 1946, sau lời kêu gọi Tòan Quốc Kháng Chiến, cha anh của chúng ta lên dường, với tầm vong vót nhọn. Mái nhà cuả chúng ta, của 25 triệu đồng bào Việt Nam lúc ấy, thiếu vắng bóng dáng người cha, người anh. Chúng ta không thể nào quên được những cuộc bố ráp của quân đội thực dân Pháp, những năm tháng “tiêu thổ kháng chiến-vừơn không nhà trống”. Những hố tránh bom trong lớp học ngay dưới chân ta, trong suốt gần 60 năm qua vẫn há miệng nhìn chúng ta. Những ám ảnh của thời chiến tranh dài đăng đẳng. Chúng ta đã chán nãn và ngay cả vỡ mộng với những khẩu hiệu rổn rảng những điều xác tín to lớn: “Thiên Đường Ở Ngày Mai - Độc Lập Tự Do- Bình Đẳng Giữa Con Người Với Con Người- Giữa Các Dân Tộc Anh Em”.  Chúng ta sợ phải hô to những khẩu hiệu đả đảo…đả đảo..và đả đảo…Đả đảo Bảo Đại…Đả đảo Việt Minh…đả đảo Việt cộng, đả đảo Việt gian…Đả đảo bọn tay sai, đả đảo bọn bán nứơc. Đả đảo thực dân Tây…Đả đảo đế quốc Mỹ… Chúng ta đả đảo quá nhiều rồi, chỉ thấy toàn đổ nát. Chúng ta thật sự sợ phải hô khẩu hiệu “đả đảo” vô cùng. Cái khẩu hiệu đó đã xé nát tổ quốc chúng ta ra muôn mảnh, đã dựng lên những lô cốt, những chiến hào, những chiến tuyến, gây thêm hận thù.


     Và bỗng nhiên, đến 30/4/75 không hiểu từ đâu trong hàng ngũ anh em chúng ta, kẻ trở thành Ngụy, người trở thành Cách mạng. Cách mạng và Ngụy, khác nhau như trắng với đen, kỵ nhau như nước với lửa. Cha là Cách mạng, Con là Ngụy. Anh là Cách mạng, Em là Ngụy. Chồng là Cách mạng vợ là Ngụy. Trước 75, bạn bè thân thiết với nhau. Sau 75, đứa thành Cách mạng, đứa thành Ngụy. Anh là quản giáo của em. Cha là quản giáo của con. Bắc kỳ trở thành quản giáo Nam kỳ. Luân thường đảo ngược, thiên hình vạn trạng…Nền tảng truyền thống gia đình và xã hội hòan toàn sụp đổ. Hàng triệu người vượt biên tìm đất sống. Hàng trăm ngàn người vô sản Việt nam chạy trốn chủ nghĩa Cộng sản. Cả một sự trớ trêu của lịch sử, mâu thuẩn của thời đại. Rồi, có người hốt hoảng bảo:“Mất nước rồi”- Có kẻ thì bảo “không”,Tổ quốc vẫn còn đó như mặt trời ngày ngày vẫy gọi ta… 


   “Sư thật cũng thật là khó nói về những suy tư về cưộc đời của mình”, như anh đã viết.  Và cụ Tiên Điền cũng từng nói:“ biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?”. Nhưng dù sao đi nữa, anh vẫn còn có những suy nghĩ, những rây ray rức về đời người và đất nước. Tôi hy vọng chúng ta có thể chia sẻ với nhau. Cho dù tổ quốc không còn chúng ta, chúng ta vẫn còn nguyên tổ quốc, để cho mình…Là người Bình định, anh còn nhớ Hát bội không anh?  Dòng Sông Côn vẫn chảy giữa lòng anh? Làm sao anh chối bỏ được! Có những điều mà chúng ta không thể tài nào xua đuổi đi được. Tôi làm sao quên được Hát Bài Chòi và dòng Sông Dinh Phanrang, cũng như anh vẫn nhớ Hát bội và dòng Sông Côn vẫn chảy giữa lòng anh đấy. Làng Vĩnh Thạnh, đất Tuồng của Bình Định! Những cảm xúc dâng tràn, khi “Hội Đã Lên Đèn” và những nỗi niềm của con người ‘dậy’ theo “Tiếng Trống Chầu Hát bội ”! Quê hương lúc nào cũng hiện hữu trong chúng ta, mặc dầu nó mộc mạc, nghèo khó. Thương quê hương như thương hạt gạo một nắng hai sương đã nuôi nấng ta nên người. Không hiểu tại sao khi tôi viết đến những dòng này, tôi lại nhớ đến bài thơ “Tình Quê Hương” của Phan Lạc Tuyên. Ông ta viết bài thơ này khi ông ta là Sĩ quan Tâm Lý Chiến, theo đoàn quân Viêt Nam Cộng Hòa vào tiếp thu Bình định 1954:


                                          Anh về qua xóm nhỏ

                                          Em chờ dưới bóng dừa

                                          Nắng chiều lên mái tóc

                                          Tình quê hương đơn sơ


                                          Quê em nghèo cát trắng

                                          Tóc em lúa vừa xanh

                                          Anh là người lính chiến

                                          Áo bạc màu đấu tranh ….


                                          


Rất tiếc tôi không nhớ hết bài thơ này, nhưng tôi nhớ lại thuở ấy, trên tờ Văn nghệ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa có kể lại nhiều giai thoại trong những ngày đầu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa-QĐVNCH- vào tiếp thu các các tỉnh Nam, Ngải, Binh, Phú, thuộc Liên Khu 5. Khi đoàn xe gồm cả Thiết vận xa của QĐVNCH tiến vào vùng tiếp thu, thì có hàng trăm đồng bào cầm gậy gộc chạy nhào tới đập các thiết vận xa của QĐVNCH trước sự ngạc nhiên đến độ kinh hải của anh em binh sĩ Việt nam Cộng hòa. Sau đó anh em binh sĩ mới hay rằng đồng bào bị Việt Minh tuyên truyền: xe tăng của QĐVNCH làm bằng tòan đồ giả: bằng đất sét, bằng giấy, bằng gỗ…Nhưng có điều lý thú, trong nhóm đồng bào nhào ra tấn công chống lại thiết vận xa QĐVNCH bằng gậy gộc đó, có những nhà trí thức đứng tuổi hay còn trẻ cũng nhào vào tấn công thiết vận xa, cũng hô to khẩu hiệu chống Tây, chống Mỹ, đả đảo bọn Việt gian, bọn tay sai v..v…Nhưng khi nhào đến gần chiến xa, họ ném gậy gộc, họ chụp tay người lính Việt Nam Cộng Hòa họ thản thốt: “Ông ơi ông! Ông cứu tôi! Ông kéo tôi lên xe. Ông giải phóng tôi ra khỏi vùng nầy ngay. Nếu không thì Cộng sản giết tôi!”. Nhiều người trong nhóm trí thức đó sau này là những thầy giáo dạy chúng tôi tại các trường trung học ở Nhatrang. Có Giáo sư Hà Huy, năm 1955, dạy tôi về môn sử. Nhưng sau đó, ông ta đựơc điệu vào Sàigòn làm cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thầy có người con gái rất đẹp, học cùng lớp với tôi, tại Nhatrang. Chính cô ấy kể lại cho chúng tôi nghe chuyện đồng bào ta tấn công thiết vận xa của QĐVNCH bằng gậy gộc. Thật sự tôi không hiểu lúc đó anh đang làm gi? Và anh ở đâu? Có điều chắc chắn lúc đó anh và các anh em của anh còn kẹt ở Qui nhơn chưa thoát vô Nam được. Tôi hy vọng anh không có mặt trong nhóm đồng bào cầm gậy gộc tấn công thiết vận xa của Quân đội Cộng Hòa. Nếu có cũng chẳng sao. Bị tuyên truyền, bị nhồi sọ, những việc làm của đồng bào ta lúc đó, cũng là “điều tất yếu của lịch sử”!


   Những năm 50, đọc bài thơ “Tình Quê Hương” của nhà thơ Phan Lạc Tuyên ai cũng phải công nhận đó là bài thơ của những tình cảm chân thật, sống động, nói lên tình yêu quê hương của một


chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Cảm mến sâu sắc bài thơ ấy, nhạc sĩ Đan Thọ đã phổ nhạc biến bài thơ thành một ca khúc trường tồn với lịch sử đấu tranh của đất nước. Và tất cả mọi người yêu nước cứ nghĩ nhà thơ Phan Lạc Tuyên là một sĩ quan Tâm lý chiến của QĐVNCH có tinh thần quốc gia yêu nước. Họ đâu có ngờ, sau 75, nhà thơ Phan lạc Tuyên hiện nguyên hình là một người Cộng sản được gài trong hàng ngũ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa…Sau 75, chắc chắn, các độc giả đã từng mến mộ ông, khi biết được điều này, họ nhìn ông dưới cặp mắt khác, ít ra người ta không còn tin những gì ông đã viết dù cho chân thật với lòng ông, người ta không còn kính trọng lắng nghe những gì ông nói trong tương lai. Vấn đề đặt ra ở đây không phải nhà thơ Phan Lạc Tuyên là Cộng sản hay Quốc gia. Vấn đề đặt ra ở đây là con người-Con người với toàn vẹn lương tri và nhân cách: Nhân, Trí, Tín…


     Kinh nghiệm quá khứ dạy ta bài học hoài nghi. Lòng tin vào người khác, vào chế độ, vào nhân quần xã hội đã bị cầy nát bởi bởi bom đạn chiến tranh. Lương tri con người đã bị những guồng máy chính trị nghiền nát, biến chất. Con người phản lại con người, con người phản lại gia đình, con người phản lại chính bản thân mình…Chúng ta đúng trước một bối cảnh thực tế vô cùng thê lương của lịch sử. Nguyên thủy xã hội là sản phẩm của trí tuệ con người và sau đó con người là sản phẩm của xã hội. Con người đã mất rồi chăng giá trị tự thân của nó: Nhân, Trí, Tín…Chúng ta là những chứng nhân của lịch sử và cũng là nạn nhân của lịch sử. Chúng ta tự hào là người Việt Nam. Chúng ta tự hào về lịch sử đấu tranh của dân tộc ta mặc dầu tinh thần và thể xác chúng ta tràn đầy thương tích của chiến tranh, của quân xâm lăng, của chuyên chính, của kềm kẹp, của lạc hậu, của ngộ nhận, của nghèo đói, dối trá. Trong suốt hậu bán thế kỷ 20 cả nước ta đã chiến đấu cho Độc lập, và Thống nhất tổ quốc. Chúng ta cần có một lãnh đạo mạnh, cũng như tổ quốc luôn luôn ở trong trình trạng chiến tranh, chúng ta tạm chấp nhận hy sinh phần nào Tự do, Dân chủ. Trong gần 60 năm qua bao thế hệ đà mang chiến bào nối tiếp nhau lên đường khai thiên phá thạch, làm sạch ba trăm sáu chục ngàn kí lô mét vuông lãnh thổ của tố quốc để sẵn sàng cho thế hệ hôm nay thực hiện công cuộc hiện đại hóa! Hơn 60 năm qua đủ rồi! Bây giờ là lúc “ta trở về lấy lại vàng ta”ta nhất quyết lấy lại hoàn toàn Dân chủ và Tự do để cởi trói cho thế hệ trẻ có dịp vương lên cùng nhân loại.  Hôm nay tôi viết thư cho anh tôi có cảm tưởng cùng anh ôn lại lịch sử. Chúng ta cảm xúc, đau đớn qua từng dòng chữ chúng ta viết. Chúng ta viết trên cơ sở máu xương của chúng ta, của anh em và của dân tộc. 


     Anh Lê Thanh, theo tuổi bào mẫu, năm nay tôi cắn đúng 70! Tôi về hưu cách đây gần một năm. Ngày ngày tôi vẫn ngồi lại computer, tìm tòi học hỏi. Tôi tích lũy, tôi viết chưa hề mệt mỏi. Tôi viết để tự chứng tỏ là tôi hiện hữu với tất cả khả năng tri giác, tư tưởng. Tôi đang tiến lên cùng anh em trong nhịp sống tuần hoàn của mổi ngày. Tôi viết với tất cả trách nhiệm với lịch sử. Cám ơn Bill Gates đã cho tôi cơ hội bắt kịp với đời. Nhờ ‘internet’ mà tôi tìm lại được bạn bè có người gần 50 năm xa cách, như anh và nhiều anh em khác. Hôm nay găp lại anh em mà cứ ngỡ gặp nhau ở một cõi đời nào. Tự dưng mình cảm thấy đời cho ta nhiều ân huệ và cảm thấy mình vẫn còn chia sẻ nhiều trách nhiệm với đời. Thế giới vẫn còn đấy. Đời vẫn còn nguyên đấy. Chúng ta vẫn còn nguyên tổ quốc, ngày ngày vẫy gọi ta, dù cho tổ quốc không còn chúng ta.  Phải không anh?


Người bạn rất xưa của anh…                                         


Đào Như


Oak park. Illinois USA 31/05/05