Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập sản phẩm từ Tân Cương

15 Tháng Bảy 20219:02 SA(Xem: 5174)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ NĂM 15 JULY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập sản phẩm từ Tân Cương


image018Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (thời TT Trump) phát biểu trong một tuyên bố: “Sau khi xem xét cẩn thận các dữ kiện hiện có, tôi đã xác định rằng Trung Quốc [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của ĐCSTQ, đã thực hiện diệt chủng chống lại những tộc người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi và các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Tân Cương”.


Người được Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng, Anthony Blinken, cho biết ông đồng ý với quyết định chính sách của ông Pompeo rằng ĐCSTQ đã tiến hành diệt chủng liên quan đến tộc người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. (theo Nike Ching/Voice of America News) https://ipdefenseforum.com/vi/2021/02/hoa-ky-xep-cac-chinh-sach-cua-dcstq-doi-voi-nguoi-duy-ngo-nhi-la-diet-chung/


RFI 15/07/2021


Trọng Nghĩa


Nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về những hành vi bị gọi là “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi Giáo khác, Thượng Viện Mỹ ngày 14/07/2021 đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm Tân Cương.


Mang tên “Đạo Luật Ngăn Chặn Lao Động Cưỡng Bức người Duy Ngô Nhĩ” (The Uygur Forced Labour Prevention Act), dự luật do thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng Cộng Hòa, và thượng nghị sĩ Jeff Merkley, đảng Dân Chủ, đề xuất đã toàn thể Thượng Viện Mỹ nhất trí tán đồng.


Đối với Thượng Viện Mỹ, hàng hóa sản xuất ở Tân Cương được tạo ra từ lao động cưỡng bức, do đó phải bị cấm theo Đạo Luật Thuế Quan năm 1930, trừ phi có chứng nhận khác của các cơ quan chức năng Mỹ.


Dự luật cần phải được Hạ Viện thông qua trước khi được chuyển qua Nhà Trắng để tổng thống Joe Biden ký ban hành, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, giới chức tại Thượng Viện cho rằng văn bản này chắc chắn sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ vì Hạ Viện từng thông qua một dự luật tương tự vào năm ngoái 2020.


Trong một tuyên bố, thượng nghị sĩ Marco Rubio khẳng định: “Chúng ta sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác chống nhân loại đang diễn ra và sẽ không cho phép các công ty tự do kiếm lợi từ những hành vi lạm dụng khủng khiếp đó”.


Về phần mình, thượng nghị sĩ Jeff Merkley cũng nhấn mạnh: “Không một công ty Mỹ nào được phép hưởng lợi từ những lạm dụng đó. Không một khách hàng Mỹ nào sẽ bị vô tình mua phải những sản phẩm từ lao động nô lệ”.


Theo Reuters, dự luật vừa được thông qua là một bước tiến xa hơn của Mỹ so với các biện pháp từng được quyết định, ví dụ như các lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm trong lãnh vực năng lượng mặt trời từ Tân Cương.


Chính quyền của tổng thống Biden đã gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc, và mới hôm 13/07, đã cảnh báo các doanh nghiệp là họ có thể vi phạm luật pháp nếu có các hoạt động, dù chỉ liên quan gián tiếp, với các mạng lưới giám sát ở Tân Cương.


Theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, nhà nghiên cứu, người từng sống tại Tân Cương, và nghị sĩ và quan chức Phương Tây, từ năm 2016, chính quyền vùng Tân Cương đã tạo điều kiện cho việc cưỡng bức lao động với chính sách giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác trong các trại lao cải ở Tân Cương.


Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đó là những trung tâm huấn nghệ để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.


Mike Pence kêu gọi Joe Biden “mạnh tay” hơn với Trung Quốc


Cũng liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào hôm qua, 14/07/2021 đã kêu gọi chính quyền đương nhiệm của tổng thống Joe Biden gia tăng hơn nữa áp lực lên Trung Quốc để kềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh.


Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, phát biểu tại trung tâm tham vấn bảo thủ Heritage Foundation ở Washington, ông Pence đã kêu gọi chính quyền Biden “mạnh tay” hơn với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ cụ thể.


Cựu phó tổng thống Mỹ, nổi tiếng là một chính khách “diều hâu”, đã cho rằng chính quyền Biden nên đòi Bắc Kinh làm rõ nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19, đẩy mạnh nỗ lực tách biệt nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc trong các ngành được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Ông cũng kêu gọi củng cố thêm quan hệ với Đài Loan với việc đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, thậm chí có “yêu cầu rõ ràng và dứt khoát” về việc Thế Vận Hội mùa đông 2022 phải được chuyển khỏi Bắc Kinh.


Đối với ông Mike Pence, chính sách ngoại giao đa phương của chính quyền Biden chỉ có lợi cho Trung Quốc, cụ thể là với việc gia nhập trở lại Hiệp Định Khí Hậu Paris và Tổ Chức Y Tế Thế Giới mà Mỹ đã tẩy chay dưới thời Donald Trump.


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Người Duy Ngô Nhĩ kể về tội ác diệt chủng của ĐCSTQ


Năm 2018 đã có một số người Duy Ngô Nhĩ bỏ trốn khỏi Tân Cương bắt đầu điều trần trước Quốc hội Mỹ. Người Kazakh ở Kazakhstan cũng bắt đầu có nhiều người kể về thực trạng đối xử vô nhân đạo trong các trại tập trung và nạn tra tấn dã man và cái chết trong các trại tập trung. Câu chuyện kể về người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh bị bắt trên quy mô lớn và bị giam giữ trong các trại tập trung, vô số gia đình bại sản và ly tán, đông đảo tinh anh trí thức bị mất tích hoặc bị tù đày nặng nề, vô số tin tức về cái chết của người Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung được lan truyền ra ngoài…


Thảm họa nhân quyền Duy Ngô Nhĩ: Mất tích – Diệt chủng?


image020(Ảnh qua Đài Á châu Tự do)


Sau đó bắt đầu xuất hiện ngày càng đông đảo người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài lên tiếng kêu gọi cầu cứu, cả trong tư cách hình thức tổ chức lẫn tư cách cá nhân, họ kể về những tội ác đang diễn ra nhằm nỗ lực đánh thức thế giới và cầu cứu cộng đồng quốc tế giúp dân tộc Duy Ngô Nhĩ đang đối mặt với nguy cơ.


Khi đó hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây, các quốc gia và tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả các tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ, vẫn đang sử dụng thuật ngữ “khủng hoảng nhân quyền” để mô tả những hành động tàn bạo chưa từng có của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ.


Vào khoảng cuối năm 2018, Đại học Indiana tại Mỹ đã mời vài người Duy Ngô Nhĩ chúng tôi đến trao đổi về cuộc khủng hoảng của người Duy Ngô Nhĩ. Khi đó tôi không ngừng suy nghĩ cách mô tả thảm họa dân tộc này, tôi muốn nói rằng đó là một cuộc diệt chủng dân tộc, một cuộc diệt chủng chứ không phải là một thảm họa nhân quyền, nhưng để tuyên bố như vậy phải có bằng chứng và căn cứ.


Thời điểm đó, với tư cách là một người Duy Ngô Nhĩ, dựa trên những gì tôi nghe thấy và nhìn thấy cũng như kinh nghiệm cá nhân, tôi khẳng định rằng có cở sở trong tuyên bố “tội ác diệt chủng” (genocide). Nhưng chứng cứ ở đâu? Cần tìm điểm tựa pháp lý vững chắc.


Vậy là hàng ngày tôi thu thập nhiều cuốn sách khác nhau về thảm họa diệt chủng trong Thế chiến thứ hai và lịch sử nhân quyền, rồi tôi bất ngờ phát hiện trong một cuốn sách về lịch sử nhân quyền có “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng” (Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide) được Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua năm 1948. Sau khi nghiên cứu và so sánh, đặc biệt là so sánh 5 định nghĩa về “tội diệt chủng” được liệt kê trong Điều 2 của Công ước với những hành động tàn bạo mà người Duy Ngô Nhĩ đã phải đối mặt, tôi chắc chắn rằng những gì người Duy Ngô Nhĩ đang chịu đựng là tội ác diệt chủng!


Tôi không thể không nghĩ ngay “Đây có thể được gọi là tội ác diệt chủng không?”, tôi đã thu thập hàng loạt chứng cứ và đối chiếu định nghĩa về tội diệt chủng trong “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng”.


Tôi đã có bài phát biểu lần đầu tiên tại Đại học Indiana, và đúng như dự đoán, tôi nhận được các phản hồi rất khác nhau. Đến thời gian cho mọi người đặt câu hỏi, một sinh viên người Hán khẳng định cuộc bức hại và chất vấn tôi về tội diệt chủng. Tôi trả lời rằng đây là kết luận của tôi dựa trên các nhân chứng, lời khai và các bằng chứng khác mà tôi thu thập được, sau đó đối chiếu với Công ước của LHQ. Tất nhiên ai cũng có quyền chất vấn, nhưng trước khi chất vấn nên nghiên cứu kỹ chứng cứ và đối chiếu với Công ước của LHQ. Một số người, kể cả một số nhà đấu tranh nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, cũng tỏ ra nghi ngờ rằng kết luận của tôi là quá sớm, việc tiếp tục sử dụng thuật ngữ đó sẽ gây e ngại đối với giới chính trị gia, vì “tội diệt chủng” là tội ác đặc biệt nghiêm trọng nên cần cẩn thận khi đề xuất sử dụng.


Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào đề nghị đã đưa ra, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện bản thảo bằng những bằng chứng mới và lời khai mới, để tôi có thể trình bày trong những dịp khác nhau.


Sau đó, một người phụ trách Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust (đại thảm sát) của Mỹ đã đề nghị tôi cho xem tài liệu. Rồi có quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ và một số học giả và các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ muốn tham khảo tài liệu của tôi. Bất cứ ai yêu cầu, tôi đều sẵn lòng chia sẻ, và nói với họ rằng họ có thể thoải mái sử dụng. Bản thân tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng đây là một vụ thảm sát và diệt chủng.


Theo thời gian, ngày càng nhiều phóng viên từ nhiều nước mạo hiểm điều tra và đưa tin ở Tân Cương và ngày càng nhiều bằng chứng về các trại tập trung xuất hiện; thêm nữa là số lượng lớn các tài liệu Trung Quốc của nhà cầm quyền ĐCSTQ bị rò rỉ được đưa tin, cung cấp tư liệu cho học giả Adrian Zenz chuyên nghiên cứu trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ra báo cáo kết luận ĐCSTQ đang cưỡng ép sử dụng biện pháp kiểm soát sinh đẻ để kiểm soát tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ, gây nạn diệt chủng khủng khiếp đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đặc biệt, các nhóm Do Thái và những người sống sót sau thảm họa Holocaust từ nhiều nước đã đồng hành trong lời kêu gọi của người Duy Ngô Nhĩ, khiến thuật ngữ “tội diệt chủng” (genocide) xuất hiện thường xuyên hơn trên truyền thông.


    ĐCSTQ phạm “tội chống lại loài người”, sánh với tội ác của Đức Quốc xã


Bước ngoặt đến vào tháng 7/2020 khi Ủy ban Nhân quyền Quốc tế thuộc Quốc hội Canada, sau khi tổ chức nhiều phiên điều trần đã giao báo cáo cho chính phủ nêu rõ: Dựa trên một số cuộc điều tra và điều trần, kết luận rằng ĐCSTQ phạm tội ác diệt chủng người đối với Duy Ngô Nhĩ, kiến nghị Chính phủ Canada phê duyệt thừa nhận.


Kể từ đó, thuật ngữ “diệt chủng” bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong các báo cáo của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Đến ngày 19/1/2021 (một ngày trước khi Tổng thống Trump giải nhiệm), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức tuyên bố: Đã có đầy đủ bằng chứng để xác định hành vi của Chính phủ Trung Quốc gây ra đối với đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Turk khác ở Tân Cương là phạm tội ác diệt chủng và chống lại loài người. Theo đó người Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt với thảm họa cùng cực, được Chính phủ Mỹ chính thức công nhận là “nạn diệt chủng”.


Tin rằng không bao lâu nữa nhiều chính phủ phương Tây sẽ chính thức công nhận và sẽ đưa vào LHQ để thảo luận về các biện pháp đối phó; Chính phủ Trung Quốc sẽ bị đưa vào bảng danh sách những thế lực tội ác chống lại loài người khủng khiếp nhất cùng với cùng với phát xít Ý, Đức Quốc xã và quân phiệt Nhật Bản.


Nhưng con đường này vì sao có thể khó khăn như vậy? Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị cầm tù, hàng nghìn người mất tích và chết, nhiều làng mạc và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ bị san bằng, gia đình của họ bị phá hủy, vợ chồng và các con của họ phải ly tán, bao bằng chứng hiển nhiên như vậy mà phải mất 4 năm để thuyết phục một Chính phủ Mỹ xác định một hành động tàn bạo đang xảy ra!


Ăn quả nhớ người trồng cây. Trong khi nghiên cứu “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng”, tôi đã tìm lại tiểu sử của Raphael Lamkin, người soạn thảo và quảng bá ban đầu của Công ước. Ông là luật gia người Ba Lan gốc Do Thái, qua đó tôi phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa số phận của người Duy Ngô Nhĩ và người Do Thái. Vào đầu Thế chiến thứ hai, Ba Lan bị chia cắt bởi Đức Quốc xã và Nga Xô Viết, học giả Lamkin trước khi rời Ba Lan đã đến nơi ở của cha mẹ ông tại Liên Xô, nơi đã chiếm đóng Ba Lan, để thuyết phục họ rời đi. Lúc đó cha mẹ ông nghĩ rằng họ chỉ là dân thường nên không có vấn đề gì. Nhưng sau chiến tranh, giáo sư Raphael Lamkin đã tìm về gia đình mình và phát hiện gia đình hơn chục người thì chỉ còn người em trai sống sót, tất cả những người khác đã chết trong các trại tập trung của Đức Quốc xã.


Điều này nhắc tôi nhớ lại sau vụ thảm sát Ili vào ngày 5/2/1997 tại châu tự trị dân tộc Kazakh Ili của Trung Quốc, tôi trở về từ chuyến thăm người thân ở Ili. Một người bạn Duy Ngô Nhĩ từ Đại học Shihezi (Tân Cương, Trung Quốc) hỏi tôi tình hình Ili thế nào? Tôi nói rằng, giống như một số thành phố sau Thế chiến thứ hai mà tôi từng xem trong phim, chúng đổ nát và trầm mặc; người Duy Ngô Nhĩ sống trong sợ hãi và luôn trong trạng thái lo lắng.


Ông nói: “Người Duy Ngô Nhĩ chúng tôi không thể đánh bại người Hán, họ có chính quyền quân đội, súng và pháo, chúng tôi chỉ là người dân thường, phản kháng chẳng bằng quy thuận, để có thể giữ được văn hóa truyền thống của mình!”


Tôi nói lại: “Người Duy Ngô Nhĩ đã tuân thủ kể từ khi họ bị chiếm đóng, nhưng không phải văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng của họ vẫn đang bị xói mòn mỗi ngày sao? Trong mắt của những kẻ thực dân Trung Quốc thì ‘trái tim của bạn sẽ khác nếu bạn không cùng chủng tộc’; ngay cả dung mạo của người Duy Ngô Nhĩ cũng sẽ khiến họ khó chịu. Nếu hôm nay chúng ta không tranh thủ phản kháng và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, e rằng 20 năm nữa thậm chí chúng ta sẽ không giữ được vận mệnh của gia đình mình!”


Bây giờ nhìn lại, không may dự đoán của tôi đã trở thành sự thật. Những người Duy Ngô Nhĩ tưởng rằng tuân phục là có thể thoát khỏi thảm họa thì họ cũng đã biến mất, bị giam cầm trong các trại tập trung, bị tra tấn và đang chết mòn trong các trại tập trung!


Giáo sư Raphael Lamkin đến Mỹ vào giai đoạn sau của Thế chiến thứ hai và dành cả cuộc đời của mình để thúc đẩy LHQ thông qua “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng” do ông soạn thảo. Theo một số ghi chép tiểu sử, ông đến địa điểm LHQ mỗi ngày, ông đã kể về thảm họa Holocaust của người Do Thái và các vụ diệt chủng khác trong lịch sử nhân loại mỗi khi gặp các quan chức tại LHQ đến từ nhiều nước khác nhau, nhấn mạnh sự cần thiết thông qua Công ước mà ông đề xuất nhằm hỗ trợ đảm bảo rằng nạn diệt chủng sẽ không tái diễn.


Sau đó, cuối cùng Hội nghị LHQ đã thông qua “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng”, các phóng viên đã tìm giáo sư Raphael Lamkin để phỏng vấn ông nhưng không tìm thấy ông. Cuối cùng, khi một phóng viên chuẩn bị rời đi thì vô tình phát hiện vị giáo sư đáng kính đang ngồi dưới nền trong một góc của tòa nhà LHQ: ông đang khóc thầm.


Vào trưa ngày 19/1, khi tôi xem bản tin cho biết Chính phủ Mỹ chính thức xác định rằng những hành động tàn bạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại loài người và “diệt chủng”, bản thân tôi cũng như hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ khác đã không kìm được nước mắt. (26/01/2021)


Ilshat Hassan Kokbore, Vision Times


(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả).


(nguồn trithucvn.org.)


https://trithucvn.org/the-gioi/nguoi-duy-ngo-nhi-ke-ve-toi-ac-diet-chung-cua-dcstq.html