Có hay không đường dây rửa tranh ra nước ngoài?

27 Tháng Bảy 201612:35 SA(Xem: 6840)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 27  JULY 2016

Có hay không đường dây rửa tranh ra nước ngoài?

26/07/2016 Thanh Niên Online

 

image037

Bức tranh "chèo" giả được gán là tranh thật của cố danh họa Bùi Xuân Phái

 

Lucy Nguyễn

 

Quy trình 'rửa' tranh

Đánh giá về vụ scandal chấn động nhất trong nền mỹ thuật Việt vừa qua, không ít người trong giới chuyên ngành, phê bình, truyền thông báo chí, trong đó có cả bà Tạ Thùy Châu - con gái họa sĩ Tạ Tỵ, đều không khỏi nghi ngờ về một đường dây rửa tranh tồn tại từ nhiều năm qua.

 

image038

Bức tranh "chèo" giả thực chất được mô phỏng từ ba bức tranh thật của Bùi Xuân Phái

 

Theo đó, người làm tranh giả muốn thông qua triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để biến tranh giả thành tranh thật. Quy trình rửa tranh thường là tranh giả cố gắng triển lãm trong nước, có dấu Bảo tàng Mỹ thuật chứng nhận đã triển lãm tại đó càng khẳng định là tranh xịn, tranh thật. Khâu tiếp theo là mang ra nước ngoài bán tại các nhà đấu giá danh tiếng như Christie’s, Sotheby’s với giá cao như phần lớn tình trạng tranh Việt khác đã được bán tại đây và bị phát hiện là hàng giả.

Sotheby's thành lập từ năm 1744, là một trong những nhà đấu giá lớn nhất trên thế giới với doanh thu hàng tỉ USD/năm, có chi nhánh tại nhiều nơi trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Hồng Kông… Các đại gia sưu tập trên thế giới phần lớn đều giao dịch mua và bán với Sotheby's. Nhưng đến nay hầu như chưa có cá nhân, tổ chức Việt Nam nào tham gia vào sân chơi quốc tế này. Thị trường tranh lớn nhất hội họa Đông Nam Á là Singapore và Hồng Kông. Mỗi năm hai lần, các nhà đấu giá lớn của thế giới như Sotheby's và Christie's tổ chức mua bán tranh của các tác giả khu vực này tại đây.

 

Chủ một gallery có tiếng tại Sài Gòn (xin giấu tên) cho biết: “Họ muốn thông qua bảo tàng để biến tranh giả thành tranh thật. Muốn rửa tranh thôi. Xong cái triển lãm này, có dấu bảo tàng rồi thì rút ra, tranh giả thành tranh thật, rồi bán ra nước ngoài”.

 

Nhà đấu giá nước ngoài phủ nhận trách nhiệm

 

Họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái) - người từng phát hiện ra hơn 200 bức tranh giả của bố mình được bán rộng rãi ở nhiều nhà đấu giá danh tiếng trên thế giới, trong đó có Christie’s, Sotheby’s - nhận xét, quy trình bán tranh giả Việt trên thế giới đã tồn tại từ hơn 10 năm nay bởi lỗ hổng pháp lý.

 

Từng phát hiện ra 4 (2 bức phố cổ, 2 bức chèo) trong 5 bức tranh của cha mình được rao bán trên một trang web bởi Sotheby’s Hồng Kông đều là giả hồi tháng 10.2008, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã viết mail cảnh báo cho Sotheby’s. Mặc dù Sotheby’s lập tức rút lại mọi thông tin về 5 bức tranh này ra khỏi web nhưng vẫn tiếp tục phiên đấu giá với kết quả bán được 2 bức tranh giả, 1 bức tranh thật, và nực cười là tranh giả đắt gấp nhiều lần so với tranh thật.

Mặc dù vậy Sotheby’s không có bất kỳ lời xin lỗi hoặc phản hồi nào trước những email của họa sĩ Bùi Thanh Phương. Thậm chí ngay cả khi họa sĩ đánh tiếng sẽ khởi kiện do quá bức xúc và mời luật sư Mỹ Henry Gallagher (một người cũng rất yêu thích tranh Bùi Xuân Phái) làm cố vấn thì nhà Sotheby’s vẫn lặng im một cách khó hiểu.

 

Điều này không khỏi khiến nhiều người đặt vấn đề có hay không các nhà đấu giá thế giới danh tiếng như Christie’s, Sotheby’s vẫn có đường dây cung cấp tranh giả, trong đó có cả tranh Việt. Điều này có thể nhận thấy rõ trong những câu trả lời trái ngược nhau từ phía nhà Christie’s khi được phía họa sĩ Việt email xin xác nhận về vai trò của ông Jean-François Hubert (vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông, đồng thời cũng là người đã bán và làm giấy xác nhận cho 17 bức tranh thuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu cho nhà sưu tập Vũ Xuân Chung).

 

Trong lá thư trả lời gửi ngày 19.7, Dexter How, quyền Phó chủ tịch Christie's - chuyên gia khu vực Đông Nam Á, đã xác nhận ông Jean-Françoi Hubert hiện vẫn là tư vấn cấp cao của Christie's về nghệ thuật Việt Nam, thuộc ban Đông Nam Á, chuyên ngành Nghệ thuật Đương đại và thế kỷ 20 của châu Á. Nhưng trong lá thư trả lời ngày 20.7, phía Christie's lập tức lại phủ nhận, cho rằng ông Hubert chỉ làm việc với Christie's trên cơ sở tư vấn, bán thời gian và không có tên trong danh sách nhân viên chính thức của Christie's. Còn trong thư trả lời một phóng viên khác, đại diện nhà đấu giá Christie’s lại khẳng định họ đã chấm dứt mọi công việc với ông Hubert từ năm 2013.

 

Nhận xét về điều này với Thanh Niên ngày 25.7, họa sĩ Bùi Thanh Phương nói: “Người Việt vừa nhẹ dạ, vừa cả tin. Trong khi người nước ngoài rất bợm. Những kẻ rửa tranh, buôn bán tranh giả đều là những kẻ không có gì để mất. Tôi nghi ngờ trong số 17 bức tranh, may ra chỉ có 1 bức Trừu tượng do Thành Chương vẽ ký tên Tạ Tỵ là mang từ nước ngoài về, còn lại 16 bức kia khéo vẽ ngay trong nước. Thậm chí dân sơn mài Việt còn đánh giá rằng phần sơn mài làm theo kiểu gu sơn mài phía miền Nam, không phải là gu sơn mài phía Bắc. Họ dùng Bảo tàng như một phép thử. Nếu trót lọt triển lãm thì may mắn, rút tranh ra nước ngoài bán như tranh thật”.

 

image039

Bức tranh Trước giờ biểu diễn của Bùi Xuân Phái

 

Lập rào cản lọc tranh giả

 

Luật sư Nguyễn Hữu Đức (chi nhánh Luật Sài Gòn 5) - cũng là con rể họa sĩ Tạ Tỵ, đánh giá: “Theo tôi nghĩ, ông Hubert đã nhìn thấy những lỗ hổng của luật pháp Việt Nam. Lẽ ra Việt Nam phải có những hội đồng giám định, bảo tàng cũng cần có hội đồng giám định. Trước khi tranh đưa vào Việt Nam triển lãm, phải cần qua giám định trước nhưng do nước mình không có nên đành phải chịu. Do đó các cơ quan chức năng trong giới mỹ thuật Việt giờ cần bắt đầu từ đầu, cần xây dựng một rào cản pháp luật thật vững chắc để hạn chế phần nào việc tranh giả được phép triển lãm tại Việt Nam”.

 

Luật sư Đức cũng cho rằng qua sự cố này, giới hội họa Việt Nam nên ngồi lại với nhau để bàn bạc tổ chức lại một hội đồng giám định cấp quốc gia, phải có danh sách giám định viên uy tín, rõ ràng, cấp thẻ giám định viên. “Ai muốn mua tranh Việt Nam cần phải do người Việt Nam giám định, chứ không cần bất cứ người nước ngoài nào giám định hộ cả”.

 

image040

Đơn tố cáo và kiến nghị được họa sĩ Thành Chương gửi cho các cơ quan chức năng vào chiều 25.7 Ảnh: Họa sĩ Thành Chương cung cấp

 

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cần kíp triển khai việc sau: Thu thuế đối với các họa sĩ, nhà sưu tập, những người tham gia trực tiếp vào quá trình mua bán tác phẩm. Họa sĩ nào không trực tiếp tham gia việc mua bán sẽ ủy quyền qua gallery. Còn họa sĩ nào trực tiếp bán tranh sẽ phải nộp thuế và có hóa đơn đỏ. Hóa đơn đỏ không phải là vấn đề đã nộp thuế hay chưa mà còn là bằng chứng minh bạch, công khai chứng minh giao dịch này đã diễn ra, cùng giá tiền công khai, đồng thời những người mua sau cũng có thể coi hóa đơn đỏ là chứng cứ gốc về bức tranh đã mua bán hợp pháp.

 

Thành lập ngay các trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật ở ba miền, đặc biệt nên đặt trong ba bảo tàng mỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để minh bạch và công khai hóa các tác phẩm mỹ thuật, mua bán giao dịch về mỹ thuật.

 

Chiều 25.7, họa sĩ Thành Chương cho biết với trách nhiệm công dân, theo đúng thủ tục pháp lý, họa sĩ đã gửi đơn tố cáo và kiến nghị tới 9 cơ quan chức năng (gồm: A87 Cục An ninh văn hóa (Hà Nội), Cục Bản quyền tác giả (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông (Hà Nội), Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Công an TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật TP.HCM) về trường hợp bức Trừu tượng do họa sĩ Thành Chương vẽ nhưng bị mạo danh Tạ Tỵ phát hiện tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (thuộc nhà sưu tập Vũ Xuân Chung).

 

“Christie's là nhà đấu giá hàng đầu nghệ thuật Việt Nam, đã bán các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam với giá kỷ lục, trong đó có tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí... Tháng 5.2016, Christie's Hồng Kông thu về hơn 30 triệu HKD riêng cho doanh thu các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Và tháng 11 tới, Christie's Hồng Kông tiếp tục sẽ có một vụ đấu giá tranh Việt”, theo ông Dexter How.

“Chỉ riêng năm 2008, Sotheby's đã bán 13 bức tranh của Bùi Xuân Phái, trong đó duy nhất bức Mèo đỏ là thật. Bức tranh thật Mèo đỏ được bán với giá 50.000 HKD (hơn 6.400 USD). Bức chèo thứ nhất (giả) được bán với giá 150.000 HKD (hơn 19.300 USD) và bức chèo thứ hai (giả) được bán với 162.500 HKD (hơn 20.926 USD). Trong đó 2 bức tranh giả được bán là những mức giá “kỷ lục cho một bức tranh vẽ trên giấy báo của một họa sĩ Việt Nam”. Từ cách đây 10 năm, tôi đã thống kê được hơn 200 bức tranh giả của Bùi Xuân Phái đã được bán trong các nhà đấu giá lớn quốc tế”, theo họa sĩ Bùi Thanh Phương.


Lucy Nguyễn

Ảnh: Tư liệu

28 Tháng Tư 2021(Xem: 4703)