Ở sạch mau chết?

06 Tháng Mười Hai 20166:31 CH(Xem: 7292)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  07   DEC  2016


Ở sạch mau chết?


David Robson BBC Future


 

image036


Top of Form

Bottom of Form

Image copyright Alamy


Vào đầu những năm 1890, Ernest Hankin đã nghiên cứu dịch tả ở hai bên bờ sông Hằng.


Những thi thể được người dân địa phương thả xuống dòng nước có thể biến con sông thành nguồn lây lan dịch bệnh xuống các thị trấn dưới hạ nguồn. Hankin đã chứng kiến điều này ở khắp châu Âu khi nguồn nước bị nhiễm khuẩn.


Tuy nhiên dọc hai bờ sông Hằng, dịch bệnh vẫn không lan rộng mà thay vào đó, giảm dần và sau đó biến mất.


Hankin kết luận rằng một cái gì đó bí ẩn trong nước đã giết chết các mầm bệnh trước khi chúng có thể gây ra thảm hoạ.


Tuy nhiên phải 20 năm sau, một nhà khoa học người Pháp mới phát hiện ra vị thần hộ mệnh là một loại 'thực khuẩn' (bacteriophages) - thứ vi khuẩn không gây hại cho con người nhưng lại có khả năng tiêu diệt vi khuẩn tả. Nó đã giúp thanh lọc nguồn nước trước khi vi khuẩn tả kịp ảnh hưởng đến những người tắm sông.


'Virus Ninja'


Dù từng bị các nhà khoa học phớt lờ, các "virus ninja" được cho là một ngày nào đó sẽ giúp cứu hàng triệu sinh mạng. Chúng được xem như là kho vũ khí mới giúp nhân loại chống lại những căn bệnh chết người.


Nhiều thập kỷ qua, con người đã phụ thuộc vào các loại thuốc kháng sinh như penicillin. Miễn là bạn không phải trẻ em, người già hoặc có thể chất yếu, bạn không cần phải lo ngại bị đứt tay, bầm dập hay tiểu phẫu.


Tuy nhiên trong lúc các loại thuốc kháng sinh ngày càng trở nên thịnh hành, vi khuẩn cũng bắt đầu tiến hoá để đáp trả và hậu quả của điều này đang trở nên đáng báo động.


Ngày nay, những vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc kháng sinh đang cướp đi hàng trăm nghìn tính mạng mỗi năm và con số này có khả năng tăng lên 10 triệu vào năm 2050, theo một báo cáo năm 2014 của chính phủ Anh và tổ chức từ thiện y sinh Welcome Trust.


"Đó là số người chết vì ung thư ngày hôm nay, và nó không chỉ bao gồm những người lớn tuổi mà là bất cứ ai," Heather Hendrickson, từ Đại học Massey ở Auckland, New Zealand, nói.


image038


Image copyright Alamy Image caption Các thực khuẩn tấn công vi khuẩn nhưng không làm tổn hại tới các tế bào trong cơ thể


"Những chấn thương nhỏ như vết trầy xước, quá trình sinh nở hoặc phẫu thuật hông - có khả năng sẽ khiến chúng ta nhiễm loại bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh," bà nói thêm. "Chúng ta đang quay về thời đại trước khi kháng sinh ra đời, khi mà tuổi thọ ngắn hơn bởi vì cơ thể không thể chống lại nhiễm trùng."


Nếu muốn tránh viễn cảnh ảm đạm ấy, chúng ta cần một giải pháp triệt để - và Hendrickson nghĩ rằng chúng ta cần nghiên cứu những thực khuẩn đã cứu mạng người dân hai bờ sông Hằng.


So với các sinh vật cao cấp hơn, thực khuẩn là một thứ khá khiêm tốn: Một tập hợp các protein có khả năng xâm nhập vào vi khuẩn, sau đó chiếm lĩnh cơ chế phân thân của vi khuẩn để sinh sôi ra đông gấp hàng trăm lần, rồi phát nổ từ trong các tế bào chết. Cơ thể con người - đặc biệt là phần mũi - cũng chứa nhiều thực khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong không khí mà chúng ta hít vào.


Và có rất nhiều lý do tại sao thực khuẩn đang mang lại nhiều hy vọng cho các bác sỹ muốn tiêu diệt vi khuẩn có khả năng chống thuốc kháng sinh.


Hendrickson chỉ ra rằng chúng đông hơn vi khuẩn gấp 10 lần. "Mỗi gram đất có nhiều thực khuẩn hơn số người trên Trái Đất," bà nói với BBC Future trong một cuộc phỏng vấn.


Bên cạnh đó, các thực khuẩn chi tấn công những mục tiêu nhất định. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Các bác sỹ đang nhận ra rằng các vi sinh vật trong cơ thể có thể đóng vai trò quan trọng cho sức khoẻ, bảo vệ chúng ta khỏi bệnh suyễn và thậm chí cân bằng chất dẫn truyền thần kinh để giúp ta có tinh thần khoẻ mạnh.


Các thuốc kháng sinh không thực sự nhắm đến một loại vi khuẩn đặc biệt nào và có thể tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. "Chúng phát nổ trong cơ thể như một quả bom nguyên tử," Hendrickson nói.


Trong khi đó, các thực khuẩn hoạt động như những lính bắn tỉa thiện chiến, tiêu diệt từng mục tiêu một mà không làm hại đến các đồng minh.


Sự đa dạng của các thực khuẩn, cộng với các tính năng đặc biệt của chúng, khiến chúng có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên điều này cũng khiến công cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học như Hendrickson trở nên khó khăn vì họ phải tìm cách phân loại chúng cũng như các bệnh nhiễm trùng mà chúng có thể chữa.


image040


Image copyright Alamy Image caption Đã từng có rất nhiều nghiên cứu về thực khuẩn tại Đông Âu trong thời Chiến tranh Lạnh


Hendrickson đang hợp tác với các sinh viên của mình để phân loại các thực khuẩn được tìm thấy trong đất tự nhiên. Sau khi đã xây dựng hồ sơ cho từng loại thực khuẩn, họ cũng cần tìm một cách an toàn để chắt lọc và lưu trữ chúng. Các thực khuẩn khá mong manh và dễ biến tính theo thời gian. Họ cũng sẽ phải kiểm tra và đảm bảo rằng chúng không kèm theo các phản ứng phụ. Một ví dụ là chúng có khả năng sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch và gây ra các bệnh dị ứng ngoài ý muốn.


Hiện nay, các nước Đông Âu đang dẫn đầu trong công cuộc nghiên cứu thực khuẩn, bà nói. Nhiều nước trong số này đã tiếp tục đào sâu vào các thực khuẩn trong lúc phương Tây chuyển sang dùng thuốc kháng sinh.


"Sau Bức Màn Sắt, Georgia, Nga và Ba Lan đã sử dụng thực khuẩn như một loại thuốc trong suốt thời gian qua," bà nói. Chúng được sử dụng trên chiến trường. "Đã có nhiều chuyện kể về những người lính mang theo các lọ thực khuẩn theo họ vào chiến trận."


Đáng tiếc là nghiên cứu này không được đăng tải trên các tạp chí y khoa tiếng Anh và không được nhiều nhà khoa học ở phương Tây biết đến. Đây là điều mà Hendrickson hy vọng sẽ có thể thay đổi thông qua sự hợp tác. Mới đây, một bác sỹ sử dụng thực khuẩn để trị liệu đã liên lạc với bà sau một sự kiện khoa học mà bà tham gia tại Sydney.


Ở phương Tây, một trong những cuộc thử nghiệm lớn sẽ sử dụng băng vết thương chứa nhiều thực khuẩn để ngăn chặn nhiễm trùng ở những nạn nhân bị bỏng.


Hindrickson đã thuật lại nhiều trường hợp điều trị bằng thực khuẩn thành công, trong đó câu chuyện của Alfred Gerler, một người bị chấn thương nghiêm trọng ở mắt cá chân trong lúc leo núi.


Vết nhiễm trùng của ông trầm trọng tới mức thuốc kháng sinh trở nên vô tác dụng và ông ban đầu đã đối mặt với khả năng phải cưa chân. Tuy nhiên sau 10 ngày điều trị bằng thực khuẩn, ông đã hoàn toàn hồi phục.


"Đây là một công cụ đầy hứa hẹn," Hendrickson nói. "Và chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu nó."/ (theo BBC 3 tháng 12 2016)

28 Tháng Tư 2021(Xem: 4698)