VNCH 10 ngày cuối cùng: Bối cảnh trước tháng 4/1975

03 Tháng Năm 20176:18 CH(Xem: 10233)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  NĂM  04  MAY  2017


VNCH 10 NGÀY CUỐI CÙNG: BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975


image006


Tỉnh lỵ Phước Long trước năm 1975 nhìn về núi Bà Rá. Google


VIỆT NAM CỘNG HÒA: BỐI CẢNH  TRƯỚC THÁNG 4-1975


Những diễn biến đưa đến cuộc tổng tấn công của cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam Việt Nam, từ tháng 3 năm 1975 cho đến ngày Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, thật ra đã khởi đầu từ Washington vào mùa Thu năm 1974, từ Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1974, tại Hà Nội và tại Saigon cũng vào tháng 12 năm đó và cuối cùng xa hơn nữa là từ Bắc Kinh vào năm 1971.


Sau khi ký Hiệp Định Paris vào cuối tháng 1 năm 1973, Hà Nội đã nhiều lần xin Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa gia tăng viện trợ quân sự nhưng đã bị cả hai quốc gia cộng sản đàn anh bác bỏ. Tuy nhiên một năm rưỡi sau đó thì tình hình hoàn toàn thay đổi, thuận lợi nhiều hơn cho Bắc Việt, chỉ vì một sự kiện chẳng có dính dáng gì đến Việt Nam mà chỉ có liên hệ đến người Nga gốc Do Thái.


Trước khi trở thành Ngoại Trưởng, trong thời gian còn giữ chức Phụ Tá về An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Nixon, Tiến Sĩ Henry Kissinger đã mở nhiều cuộc thương thuyết nhằm giảm bớt căng thẳng (détente) trong bang giao Mỹ-Liên Xô và cũng nhằm lấy cảm tình với Liên Xô để nhờ đó, đại cường cộng sản nầy có thể gây áp lực với Hà Nội nhằm tiến đến việc ký kết hiệp ước mang lại hòa bình, cho người Mỹ, tại Việt Nam. Với mục tiêu đó, Kissinger đã hứa hẹn với các nhà lãnh đạo Nga Xô rằng Hoa Kỳ sẽ cho Liên Xô được hưởng quy chế tối-huệ-quốc (most-favored nation) và nếu được hưởng quy chế nầy, Liên Xô có thể mở rộng giao thương với Hoa Kỳ và Tây Phương, một mục tiêu mà Liên Xô đang cấp bách tìm cách thực hiện để cứu vãn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đang trên đà kiệt quệ.


Để đáp lại thiện chí nầy, lãnh tụ Liên Xô Brezhnev đã áp lực với Hà Nội phải ngưng việc đòi hỏi phải loại bỏ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như là một trong những điều kiện căn bản để ký kết Hiệp Định Paris và sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào đầu năm 1973, mặc dù cộng sản Bắc Việt đã nhiều lần khẩn thiết yêu cầu, Liên Xô chỉ viện trợ kinh tế và đã từ khước không chịu gia tăng viện trợ quân sự cho cộng sản Hà Nội ví không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ.


Vì lý do đó, kể từ sau Hiệp Định Ba Lê được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, tuy cộng sản Hà Nội cũng có trắng trơn vi phạm hiệp định rất nhiều lần, nhưng trong hai năm 1973 và 1974 không có trận đánh quan trọng nào xảy ra tại Miền Nam ngoài những trận đụng độ trong chiến dịch chiếm đất dành dân giữa hai bên và các trận Cửa Việt, Sa Huỳnh, Hồng Ngự, Trung Nghĩa và Tống Lê Chân…


Đến cuối 1973, cộng sản khởi sự các chiến dịch triệt hạ các tiền đồn và căn cứ ở những vùng hẻo lánh của Việt Nam Cộng Hòa: Căn cứ Lê Minh (Plei D’jerng) là căn cứ đầu tiên bị thất thủ vào tháng 9 năm 1973, tiếp theo là căn cứ Ngọc Bảy, căn cứ Dak Song, và Kiến Đức căn cứ Núi Bạch Mã, Gia Vực, Minh Long bị tràn ngập và căn cứ Tống Lê Chân bị di tản vì không chịu nổi sự bao vây và pháo kích hơn 10.000 đạn đại bác của cộng sản chỉ trong vòng 4 tháng trời. Trận quan trọng nhất là trận Thường Đức ở Quảng Nam còn được gọi là Đồi 1062, nơi mà 2 Lữ Đoàn 1 và 2 Nhảy Dù đã chiến đấu chống lại các trung đoàn 29, 31 và 66 thuộc sư đoàn 2, 324B và 304 của cộng sản Bắc Việt. Trong trận nầy, về phía cộng sản có 2000 người chết, 5000 bị thương và về phía Việt Nam Cộng Hòa thì 500 Nhảy Dù bị tử thương, hai ngàn bị thương.


Đối với người Mỹ thì Hiệp Định Ba Lê đã mang lại hòa bình cho họ, nhưng đối với Miền Nam Việt Nam thì cái gọi là “Hiệp Định Về Chấm Dứt Chiến Tranh, Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973″ (danh từ do chính Lưu văn Lợi, trợ lý của Lê Đức Thọ tại hội nghị Ba Lê dùng trong cuốn sách của ông ta) thì lại chẳng thấy hòa bình đâu cả. Theo tài liệu của Đại Tướng Cao Văn Viên thì vào năm 1972, kể cả cuộc “Tiến công Xuân Hè 1972″ tức Mùa Hè Đỏ Lửa thì tại Miền Nam có tất cả 2.072 vụ tấn công, tuy nhiên sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết thì trong năm 1973 có đến 2.980 vụ tấn công, tức đã gia tăng trên 30 phần trăm.


Về phía việt cộng thì ngày 6 tháng 4 năm 1973, Ủy Ban Tố Cáo Tội Ác Chiến Tranh của họ đã tố cáo rằng “trong thời gian 2 tháng từ 28 tháng 1 đến 28 tháng 2 năm 1973, chính quyền Saigon đã vi phạm hiệp định Paris 7 vạn (70.000) lần…”


Trong cuốn hồi ký “Kết Thúc Cuốc Chiến Tranh 30 Năm” Trần Văn Trà tiết lộ về thời gian “hòa bình” nầy: “Kết quả cụ thể riêng một đợt từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975, ta giải phóng hoàn toàn một Tỉnh, 4 Huyện, đã phá hủy 108 máy bay, 110 chiếc tàu, tiêu diệt 56.315 tên địch…” 


Những con số nầy là những con số không đúng sự thật vì từ tháng 12 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975 thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ mất 1 Tỉnh Phước Long với số tổn thất khoảng 4.000 người thương vong và mất tích (theo Tướng Cao Văn Viên trong The Final Collapse), ngoài ra trong toàn quốc không hề có một trận đánh lớn nào trong suốt khoảng thời gian đó, làm sao mà Trần Văn Trà lại có thể “tiêu diệt” được 56.315 “tên địch” tức là quân số trên 5 Sư Đoàn!?


Tóm lại trong hai năm 1973 và 1974, sau Hiệp Định Ba Lê được ký kết thì đối với người Mỹ, họ đã có “hòa bình trong danh dự”, đối với miến Bắc thì họ cũng có hòa bình vì không bị phi cơ Mỹ oanh tạc, nhưng đối với người Việt Nam tại Nam Việt Nam thì vẫn không hề có hòa bình, tuy nhiên cũng không có trận đánh lớn nào xảy ra.


TỪ HÀ NỘI


Vào khoảng cuối năm 1974, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt đã soạn thảo một kế hoạch quân sự cho năm 1975, theo kế hoạch nầy thì các lực lượng cộng sản sẽ gia tăng đánh phá các chiến trường B2, B3 và B4 (ghi chú: Theo giải thích của Tướng cộng sản Trần Văn Trà trong hồi ký “Những Chặng Dường Lịch Sử của B2 Thành Đồng” thì B1 là ký hiệu của vùng đất từ Quảng Nam vào đến Nha Trang, B3 là vùng Cao Nguyên, B4 là vùng Quảng Trị Thừa Thiên và B2 là vùng đất rộng lớn từ Darlac, Lâm Đồng, Phan Rang vào tới Mũi Cà Mâu, trang 9) để chiếm các tiền đồn, các Quận lỵ hẻo lánh, cô lập các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa rồi sang năm 1976, khi tại Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc bầu cử Tổng Thống và tháng 11 thì cộng sản Bắc Việt sẽ mở các cuộc tổng tấn công chiếm trọn Miền Nam. Kế hoạch nầy đã được các cấp lãnh đạo của đảng lao động Việt Nam như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Phạm văn Đồng và Quân Ủy Trung Ương chấp thuận trên nguyên tắc, tuy nhiên giới lãnh đạo đảng muốn đưa dự án kế hoạch nầy vào thảo luận trước phiên họp khoáng đại lần thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam vào ngày 18 tháng 12 năm 1974 để đại hội phê chuẩn.


Kế Hoạch Quân Sự 1975 của Hà Nội: Chỉ Đánh Đồng Bằng, Phá Bình Định.


Trong bức thư gởi cho “anh Bảy Cường” tức Phạm Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Đảng Ủy Trung Ương Miền Nam mà người Mỹ gọi là COSVN, ngày 10 tháng 10 năm 1974, Tổng Bí Thư Lê Duẫn nói rằng:


Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước trong hai năm 1975-1976. Hội nghị bắt đầu ngày 30 tháng 9 năm 1974 và đến ngày 8 tháng 10 năm 1974 thì tạm dừng, chớ anh và một số ở chiến trường ra (BVCV: ???). Để kết thúc đợt thảo luận đó, tôi đã phát biểu một số ý kiến. Văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu đã ghi và tôi đã xem lại, nay gởi đến anh để nghiên cứu trước khi Bộ Chính Trị họp tiếp.


Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tấn công và nổi dây cuối cùng đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn quân ngụy, đánh chiếm Saigon, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, dành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn bộ Miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất đất nước nhà. Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975­1976 (ghi chú: Đảng cộng sản Việt Nam: Đại Thắng Mùa Xuân 1975 Văn Kiện Đảng. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2005, từ nay sẽ gọi “Văn Kiện Đảng” trang 17-20)


Trong hồi ký của ông, Trần Văn Trà cho biết rằng sau khi gởi chỉ thị cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà phải ra Hà Nội để dự hội nghị Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng thì ít lâu sau, Bộ Chính Trị thay đổi ý kiến vì họ muốn hai người nầy phải ở lại Miền Nam để thi hành những chỉ thị của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương, do đó vào tháng 11 năm 1974, họ đã cho một cán bộ tên là Hai Nhã đang dưỡng bệnh tại Hà Nội, mang chỉ thị về Miền Nam cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà.


Trần Văn Trà cho biết rằng Hai Nhã đến gặp Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng và Lê Ngọc Hiền, hait ướng nầy đã nói rõ từng chi tiết cho Hai Nhã để người nầy mang vào Miền Nam. Sau đó Hai Nhã được lệnh đến trình diện Văn Tiến Dũng tại Quân Ủy Trung Ương và khi Văn Tiến Dũng hỏi Hai Nhã đã nắm rõ nhiệm vụ chưa thì Hai Nhã trả lời như sau:


“Tôi phải về ngay mang chỉ thị của Bộ Chính Trị về cho B2, anh Hùng và anh Trà khỏi ra Bắc nữa: Năm 1975 không đánh lớn, chỉ lo đánh phá bình định ở đồng bằng Sông Cửu Long. Ở miền Đông, chủ lực không đánh lớn, B2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long nhưng Bộ không đồng ý mà chỉ cho đánh nhỏ, giải quyết một số điểm nhỏ trên đường Quốc Lộ 14 thôi. Năm nay đánh nhỏ, giải quyết là để tích lực lượng chờ đợi thời cơ. Không sử dụng xe tăng, pháo lớn nếu không được Bộ Tổng Tham Mưu duyệt từng trường hợp.”


Nghe xong, Văn Tiến Dũng nói thêm:


“Anh hiểu như vậy là đúng rồi! Phải giữ lực lượng chờ thời cơ. Năm nay chỉ đánh ở đồng bằng, phá bình định. Đạn dược nhất là pháo lớn ta còn kém lắm. Không nên đánh lớn rồi khi có thời cơ không có lực lượng mà đánh. Anh phải hiểu rằng cán Bộ Tham Mưu như các anh phải có trách nhiệm để đạt ý với Tư Lệnh, chứ không phải chỉ có Tư Lệnh chịu trách nhiệm đâu. Như vậy là anh quán triệt được ý kiến cấp trên rồi. Nhưng tôi sẽ viết điện y như nội dung nầy để anh Ba (Lê Duẫn) ký gởi trước vào trong ấy” (ghi chú: Trần Văn Trà: Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Saigon, 1982, trang 172-174)


Phạm Hùng không nhận được công điện nầy nên ông ta cùng Trần Văn Trà lên đường và giữa đường cũng không gặp Hai Nhã cho nên cả hai đến Hà Nội vào khoảng giữa tháng 11.


Tại Hà Nội hai ông được Tướng Lê Ngọc Hiền, phụ trách tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt cho biết kế hoạch quân sự trong năm 1975 tại Miền Nam đã được quyết định như sau:


Năm 1975 sẽ chia làm 3 đợt:


– Đợt 1 từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975. Đợt nầy chỉ B2 hoạt động vì B2 đã có kế hoạch sẵn.


– Đợt 2 là đợt toàn Miền từ tháng 3 đến tháng 6.


– Đợt 3 từ tháng 8 trở đi là đợt hoạt động nhỏ để chuẩn bị cho năm 1976.


Ngày 18 tháng 12 năm 1974, cuộc họp giữa Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương cùng với sự hiện diện của các Tư Lệnh chiến trường trong đó có Phạm Hùng và Trần Văn Trà, Tư Lệnh Quân Sự B2 tức Miền Nam, đã khai mạc ở Hà Nội. Trần Văn Trà cho biết:


Sau khi các chiến trường báo cáo, đồng chí Lê Ngọc Hiền thay mặt Bộ Tổng Tham Mưu trình bày dự kiến của Bộ về kế hoạch hoạt động của năm 1975.


Kế hoạch dự kiến về xây dựng lực lượng ta trong năm về mở các hành lang thông suốt, về dự trữ vật chất, hậu cần ở các hướng. Năm 1975 phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị thật tốt để đảm bảo đánh lớn, tổng công kích, tổng khởi nghĩa thắng lợi trong năm 1976.


Đồng chí báo cáo cụ thể về các lực lượng quân sự của ta hiện nay ở các chiến trường và ở Trung Ương. Số lượng binh khí kỹ thuật và đạn dược đang có ở các nơi và số dự trữ. Dự kiến phân chia việc sử dụng các loại ở chiến trường trong hai năm. Riêng về số lượng đạn cỡ lớn, đồng chí báo cáo: Số lượng còn lại phía trước và phía sau tổng cộng là 100% sẽ sử dụng: Hơn 10% trong năm 1975, 45% trong năm 1976, còn lại là dự trữ gần 45% …


Tất cả xoay quanh nhận định đánh phá bình định trong, ngoài nước. Ta đánh mạnh, ngụy sẽ ứng phó thế nào ? Mỹ sẽ hành động ra sao ? Có dám can thiệp trở lại không hay có những âm mưu thủ đoạn nào khác ? Phương pháp cách mạng thế nào là đúng nhất? Các bước đi trong hai năm (1975) và (1976) nên bước thế nào cho kịp và cho vững. Năm 1975 nên thế nào ? Và rồi 1976 ? Hai năm cuối cùng của 30 năm khổ cực thì sao thấy nó nhanh quá, sắp đến nơi rồi.


Khi kết luận hội nghị, anh Ba (Lê Duẫn) đã nói: “Chuẩn bị hai năm tuy ngắn đấy nhưng cũng có khi dài đấy”. Và khi phát biểu, anh Phạm văn Đồng nói: “Lúc nào là thời điểm sụp đổ của Ngụy? Không phải chờ đến năm 1976 đâu, có thể nhanh, không phải dần dần đâu”. Và anh Võ cũng như nhiều anh khác nhấn mạnh: Trong hai năm 1975-1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng sớm hơn, trong năm 1975 và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động vững vàng (ghi chú: Trần Văn Trà, Sách đã dẫn, trang 172-187)


Như vậy thì vào cuối năm 1974, Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động đã chấp thuận kế hoạch quân sự tại Miền Nam cho năm 1975 là chỉ tấn công những mục tiêu lẻ tẻ để chiếm đất dành dân, làm tiêu hao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với 10% vũ khí dự trữ và sang đến cuối năm 1976, khi có cuộc bầu cử Tổng Thống diễn ra tại Hoa Kỳ thì họ sẽ tổng tấn công để chiếm Miền Nam.


Trong những phiên họp nầy, đại diện của Trung Ương Cục Miền Nam đã đưa ra đề nghị tấn công và chiếm đóng Tỉnh Phước Long nhắm vào hai mục đích: Về quân sự, khi tấn công Phước Long thì Việt cộng sẽ chiếm được 5 tiền đồn quan trọng, sẽ thiết lập con đường chiến lược cho các chiến xa, cơ giới, trọng pháo, xe chở nhiên liệu và binh sĩ từ vùng phi quân sự di chuyển thẳng xuống miền Đông Nam Phần tức lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa một cách dễ dàng.


Cuộc tấn công nầy sẽ cầm chân các đơn vị Tổng Trừ Bị của Việt Nam Cộng Hòa và do đó sẽ không còn quân để tiếp viện cho những chiến trường khác. Về phương diện chính trị, nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để mất Tỉnh Phước Long thì ông sẽ mất rất nhiều uy tín tại Miền Nam vì đã không bảo vệ được lập trường cứng rắn “4 không” của ông và quan trọng hơn cả là để xem Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào khi cộng sản lần đầu tiên chiếm được một Tỉnh tại Miền Nam Việt Nam, nhất là sau khi Tổng Thống Richard Nixon phải từ chức vì vụ Watergate và Tổng Thống Gerald Ford lên thay thế.


image010

Đại đội 4 xung kích  / Liên đoàn 81 Biệt cách Nhẩy dù tiến vào Thị xã Phước Long.


image012

Các đơn vị chủ lực VNCH tiến vào thị xã Phước Long tan hoang vì pháo.


image013

Một chiến sĩ VNCH đang ngồi nghỉ uống nước dưới chân núi Bà Rá trong trận Phước Long.


Đề nghị của Phạm Hùng và Trần Văn Trà ban đầu đã không được các cấp lãnh đạo trong quân đội Bắc Việt ủng hộ và một trong những người chống đối mạnh nhất lại chính là Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội nhân dân Bắc Việt.


Lý do mà lúc đầu Tướng Văn Tiến Dũng đã kịch liệt chống lại Trung Ương Cục Miền Nam là vì chính Bộ Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt của Văn Tiến Dũng đã soạn thảo một kế hoạch quân sự cho năm 1975 tại Miền Nam rồi và kế hoạch nầy đã được các cấp lãnh đạo của đảng chấp thuận, do đó mà Bộ Tham Mưu của ông ta không muốn phải sửa đổi lại kế hoạch nầy để soạn một kế hoạch mới cho cấp dưới tức là Trung Ương Cục Miền Nam đề nghị.


Chính Lê Đức Thọ, nhân vật số 2 trong Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động cũng chống lại kế hoạch nầy. Lê Đức Thọ đã nói với Phạm Hùng và Trần Văn Trà một cách rất ngoại giao rằng: Các tài nguyên nhân sự, vũ khí và trang bị cần phải được bảo tồn để dành cho cuộc tổng tấn công tối hậu (được dự liệu vào năm 1976) vì Liên Xô vẫn còn tiếp tục kiểm soát và hạn chế mọi vận chuyển về chiến cụ cho chúng ta. Tình hình ở ngoại quốc rất là phức tạp, do đó chúng ta phải giới hạn các hoạt động quân sự trong năm 1975 (ghi chú: Lark Dougan, David Fulghum: The Vietnam Experience: The Fall of the Suoth, Boston Publishing Company, 1985, trang 16)


TỪ MẠC TƯ KHOA


Gia Tăng Viện Trợ Gấp 4 Lần.


Trong khi hai đại diện của Trung Ương Cục Miền Nam đang vận động cho kế hoạch tấn công Tỉnh Phước Long trong tháng 12 năm 1974 thì ngày 18 tháng 12, phiên họp khoáng đại kỳ thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã khai mạc để thảo luận về các kế hoạch quân sự tại Miền Nam trong năm 1975. Một nhân vật ngoại quốc bất ngờ xuất hiện trong phiên họp khoáng đại nầy, đó là Đại Tướng Victro Kulikove, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Tư Lệnh Hồng Quân Liên Bang Xô Viết mới từ Mạc Tư Khoa đến Hà Nội.


Như đã nói ở trên, vào giữa năm 1974, sau khi lên làm Ngoại Trưởng, ông Kissinger đã thực hiện lời hứa hẹn với Liên Xô hồi năm 1972, đã vận động với Quốc Hội Mỹ cho Liên Xô được hưởng “tối-huệ-quốc” (most-favored nation) và dự luật nầy đã được Hạ Viện thông qua. Nhưng khi bản dự luật nầy được đưa lên Thượng Viện vào mùa Thu năm 1974 thì Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson thuộc Đảng Dân Chủ Tiểu Bang Washington, một Nghị Sĩ thuộc phe “diều hâu” tức là phe ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông nầy lại không ưa Tiến Sĩ Henry Kissinger, ông là một trong những Nghị Sĩ đang hy vọng ra ứng cử Tổng Thống vào năm 1976 cho nên vì muốn chiếm được cảm tình của cử tri cũng như khối tài phiệt Do Thái, đã kèm vào dự luật nầy một tu chính án (amendment) liên kết việc thông qua dự luật với điều kiện Liên Xô phải có một chính sách cởi mở hơn trong việc cho phép công dân Liên Xô gốc Do Thái được di dân sang Tây Phương và cứu xét vấn đề nầy một cách dễ dãi hơn. Dự luật nầy về sau được gọi là “tu chính án Vanix-Jackson” và trong thập niên 1990, chính Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đã vận động Quốc Hội Mỹ áp để dụng chính án nầy nhằm chống đối việc bãi bỏ cấm vận cũng như là ký kết thương ước giữa Hoa Kỳ và cộng sản Việt Nam.


Cũng trong thời gian đó, nhiều Nghị Sĩ khác đã kèm theo nhiều tu chính khác vào bản Hiệp Ước Thương Mại 1974 (the Trade Act of 1974) với Liên Bang Xô Viết nhằm giới hạn việc cho Liên Xô vay nhiều món nợ khác nếu không dành sự dễ dãi cho người Nga gốc Do Thái trong việc di dân sang nước Do Thái. Mạc Tư Khoa kịch liệt phản đối và Ngoại Trưởng Kissinger đã nhiều lần cảnh cáo rằng nếu Quốc Hội thêm vào những tu chính như vậy thì sẽ bị Liên Xô xem là can thiệp vào nội tình của quốc gia họ và sẽ gây ra không có lợi cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên cho đến tháng 12 năm 1974 thì Quốc Hội cũng không nhượng bộ những sự vận động từ phía hành pháp và dự luật về thương mại có kèm theo nhiều tu chính bất lợi cho Liên Xô đã được đa số trong cả Hạ lẫn Thượng Nghị Viện thông qua.


Sự can thiệp của Quốc Hội vào việc thi hành chính sách đối ngoại đã trở thành một trong những mối quan ngại của Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford vì ông Ford biết rằng những sự hạn chế của Quốc Hội sẽ làm cho Liên Xô bất bình và vì thế có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực trong các lãnh vực khác.


Trong bản Thông Điệp Về Tình Trạng Liên Bang (State of the Union) đọc được trước Quốc Hội vào tháng Giêng năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford đã có đề cập đến những trở ngại và khó khăn trong lãnh vực đối ngoại do những biện pháp của Quốc Hội gây ra:


Chúng ta đang gặp phải những khó khăn vô cùng nghiêm trọng mà muốn giải quyết thì cần phải có sự cộng tác giữa Tổng Thống và Quốc Hội. Theo Hiến Pháp và cũng theo truyền thống chính trị của Hoa Kỳ thì việc thi hành các chính sách và đường lối về đối ngoại là trách nhiệm của Tổng Thống.


Nếu muốn cho chính sách đối ngoại được thành công, chúng ta không nên dùng những đạo luật để giới hạn một cách quá cứng rắn những khả năng mà Tổng Thống có thể hành động. Việc theo đuổi những sự thương thuyết sẽ không thích hợp nếu có những sự hạn chế như vậy. Những giới hạn bởi các luật tu chính dù rằng được nhắm vào những mục đích và mục tiêu tốt đẹp nhất cũng có thể đi đến những hậu quả rất xấu như trong trường hợp mà chúng ta được chứng kiến gần đây trong lãnh vực giao thương với Liên Bang Xô Viết (ghi chú: President Gerald R. Ford: Address before a Joint Sesion of Congress on the State of the Union, Washington DC. January 15,1975)


Dù rằng cho đến ngày 3 tháng 1 năm 1975 bản dự luật nầy mới được Tổng Thống Gerald Ford ban hành nhưng về phía Liên Xô thì họ biểu lộ cho thấy họ không thể chấp nhận được việc các Nghị Sĩ và Dân Biểu Hoa Kỳ đã can thiệp vào việc nội chính của Liên Bang Xô Viết, do đó giới lãnh dạo Liên Xô đã nổi giận và tìm cách trả đủa bằng cách “phá” Hoa Kỳ tại Việt Nam.


Liên Xô phản đối mạnh mẽ đạo luật nầy, họ nói rằng sự “liên kết” (likage) giữa thương mại với vấn đề di dân của người Nga gốc Do Thái là đã vi phạm những sự hứa hẹn của Tiến Sĩ Kissinger. Hãng Thông Tấn Xã Tass của Liên Xô lên tiếng cảnh cáo rằng người Nga sẽ có sự “trả đũa”, họ không nói trả đũa như thế nào, nhưng một tuần sau đó thì Đại Sứ Liên Xô tại Washington đã bị triệu hồi về nước để “tham khảo”, đồng thời Đại Tướng Viktor Kulikov cũng bất thần được Điện Cẩm Linh phái sang Bắc Việt.


Tướng Viktor Kulikov đến Hà Nội vào tháng 12 năm 1974, trên danh nghĩa là tư cách đại diện cho Hồng Quân Xô Viết tham dự lễ Kỷ Niệm 30 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, tuy nhiên sau đó đã tham dự phiên họp khoáng đại kỳ thứ 33 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam. Căn cứ vào sự phân tích của cơ quan Tình Báo KGB và cơ quan Quân Báo GRU về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ sau khi Tổng Thống Richard Nixon bị áp lực phải từ chức, Tướng Kulikov nói với các lãnh đạo đảng cộng sản và quân đội Bắc Việt rằng Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ không chấp thuận thêm viện trợ kinh tế cũng như là quân sự cho Miền Nam Việt Nam nữa, như vậy đây là lúc thuận lợi nhất để mở cuộc tấn công đại quy mô tại Miền Nam và Liên Xô cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch tấn công nầy bằng cách tích cực gia tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt.


Sau khi Kulikov trở về Mạc Tư Khoa, Liên Xô đã thực hiện lời hứa của Kulikov và viện trợ quân sự cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng giêng, hai và ba năm 1975. Tướng Việt cộng Trần Văn Trà cho biết rằng “Do quyết tâm giành thắng lợi lớn hơn của năm nay tạo điều kiện sắp tới nên các anh có điều chỉnh kế hoạch chi viện. Đã đồng ý cho ta (Miền Nam) năm 75 đúng như ta xin là 27.000 tấn chứ không phải 11.000 tấn như đã thông báo trước đây” (ghi chú: Trần Văn Trà: Sách đã dẫn, trang 180)


Trong khi đó, vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, các đơn vị Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa lại lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, phương tiện và nhất là phụ tùng cho các loại chiến xa, xe vận tải, máy bay và tàu bè v.v. Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng Quân Đội đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm, chẳng hạn như trong toàn quốc, Không Quân chỉ sử dụng từ 4 đến 8 chiếc phi cơ C-130 trong tổng số 32 chiếc mỗi ngày, các hoạt động của Hải Quân bị cắt giảm chỉ còn 28 phần trăm, 600 giang thuyền bị giải tán, khoảng 4.000 xe vận tải không sử dụng được vì thiếu đồ phụ tùng và riêng số đạn dược thì phải giảm từ 73.356 tấn hàng tháng vào năm 1973 nay chỉ còn khoảng 19.808 tấn hàng tháng trong 8 tháng đầu tài khóa 1975 (từ tháng 7 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975), tức là giảm đến mức hai phần ba.


Không những chỉ gia tăng viện trợ vũ khí đạn dược, Liên Xô còn cung cấp những tin tức tình báo bằng vệ tinh cho quân đội cộng sản tại Miền Nam. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Liên Xô phóng vệ tinh từ căn cứ Plessetsk với phương giác (góc độ) 65 độ và 8 ngày sau đó lại phóng thêm một vệ tinh thứ 2 với phương giác 80 độ và cả hai vệ tinh nầy đã quan sát được mọi hoạt động trên toàn cõi Việt Nam. Đây là loại vệ tinh mới nhất của Liên Xô có đủ khả năng chụp được những bức không ảnh với hình ảnh những xe cộ và chiến xa rất rõ ràng. Từ Mạc Tư Khoa, những bức không ảnh nầy được chuyển sang Hà Nội trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó và Hà Nội lại chuyển vào Nam cho Tướng Văn Tiến Dũng, nhờ đó cộng sản Bắc Việt biết rõ họ đang phải đối đầu với quân số và đơn vị ở cấp nào trên chiến trường tại Miền Nam Việt Nam.


Sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov cũng không tránh được sự quan sát của các cơ quan Tình Báo của Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Wolfgang Lehmann, Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon đã đánh một công điện “mật” về Hoa Thịnh Đốn tường trình vụ nầy. Ngoài việc báo cáo sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov tại Hà Nội mà ông Lehmann nói rằng ông tướng Hồng Quân Liên Xô nầy không phải sang Hà Nội để chúc mừng Giáng Sinh. Bức điện văn của ông Lehmann còn lưu ý và nhắc nhở một sự trùng hợp tương tự về sự hiện diện của Nicolai Pogorny, Chủ Tịch Nhà Nước và Pavel Batitsky, Thứ Trưởng Quốc Phòng Liên Xô tại Hà Nội vào cuối năm 1971 và sau đó Liên Xô đã gia tăng viện trợ quân sự cho Hà Nội để mở các cuộc tấn công vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tuy nhiên tại Hoa Thịnh Đốn lúc đó, không có ai chú ý đến bức điện văn nầy của viên Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam gửi về từ Saigon.


Ngoài điện văn của ông Lehmann, Trưởng Văn Phòng CIA ở Saigon là Thomas Polga và Phụ Tá của ông là Frank Nepp cũng gửi một điện văn báo động về việc nầy với CIA ở Washington. Frank Nepp cho biết điện văn nầy lưu ý đến việc các nhân vật trọng yếu Liên Xô viếng thăm Hà Nội vào cuối năm 1971 đã đưa đến việc cộng sản mở cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972 và báo động với Washington rằng sự viếng thăm nầy cũng có thể đưa đến những diễn tiến tương tự như hồi 1972.


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng có biết đến cuộc viếng thăm nầy và ông cũng ghi lại như sau:


Sự quyết tâm của Hà Nội trong nỗ lực gia tăng áp lực quân sự tại Miền Nam lại được một sự hậu thuẫn bất ngờ do ở sự thay đổi chính sách hiển nhiên của Liên Xô. Vào cuối năm 1974, lần đầu tiên sau ngày Hiệp Định Paris được ký kết, một nhân vật cao cấp của Liên Xô bất thần đến viếng thăm Hà Nội. Cuộc viếng thăm nầy không phải là một cuộc viếng thăm xã giao thường lệ. Tướng Viktor Kulikov, Tổng Tham Mưu Trưởng Hồng Quân Liên Xô đã đích thân đến tham dự những cuộc thảo luận về chiến lược của Bộ Chính Trị Đảng Lao Dộng Việt Nam, cũng như lần trước đây, một phái đoàn như vậy đã đến thăm Hà Nội vào năm 1971 trước khi Bắc Việt mở các cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972.


Chúng ta không thể nào biết rõ được Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội như thế nào, nhưng mà sau đó dường như rằng là Liên Xô đã bãi bỏ một số hạn chế trước đây: Viện trợ về vũ khí chiến cụ cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng kế tiếp. Cho đến khi nào mà văn khố Liên Xô được giải mật thì chúng ta cũng không thể nào rõ được mục tiêu của Liên Xô lúc đó là gì ? Có phải chăng họ đã hành động như vậy để trả đũa những sự công kích của Quốc Hội Hoa Kỳ qua tu chính án Jackson và Thỏa Ước Vladivosstok mà Tổng Thống Geral Ford vừa ký kết với Tổng Bí Thư Brezhhnev, hay là việc đó chỉ là chính sách chiến lược của Liên Xô ủng hộ cho Bắc Việt ?


Dù câu trả lời thế nào đi chăng nữa thì đó là một điều vô cùng rõ ràng là Liên Xô đang khuyến khích Hà Nội gây hấn tại Miền Nam Việt Nam”(ghi chú: Henry Kissinger: Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, New York 2003, trang 500­501)


TỪ WASHINGTON


Cắt Giảm Viện Trợ Cho Việt Nam Cộng Hòa


Thực ra thì chẳng cần phải nhờ tới cơ quan Tình Báo KGB mới biết được chiều hướng chính trị đang trên đà giải kết tức là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trong bộ sách The Vietnam Experience, cuốn “The Fall of the South”, các tác giả bộ sách nầy đã nói rằng:


Các cấp lãnh đạo cộng sản chỉ cần đọc báo chí Tây Phương cũng đủ biết rõ về sự suy giảm trong vấn đề viện trợ cho Miền Nam Việt Nam, cả về số tiền viện trợ cũng như là thăm dò dư luận. Ngày 22 tháng 5 năm 1974, Hạ Viện biểu quyết không được tăng số tiền viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa trong tài khóa 1974­-1975 quá mức 1.126 triệu Mỹ kim dù rằng Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện đã đề nghị 400 triệu. Sau đó, đến ngày 22 và 23 tháng 9 năm 1974, cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ lại biểu quyết cắt bớt thêm nữa và chỉ cấp cho Việt Nam Cộng Hòa có 700 triệu Mỹ kim mà thôi (tính luôn cả kinh phí dành cho việc chuyên chở từ Hoa Kỳ sang Việt Nam) vì công luận Hoa Kỳ không muốn nghe nói đến chiến tranh Việt Nam nữa. Sự sút giảm về viện trợ nầy đã đưa đến ảnh hưởng vô cùng sâu đậm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì nếu tính thêm vào sự mất giá của đồng Mỹ kim sau khi Tổng Thống Richard Nixon “thả nổi” đồng dollar và giá nhiên liệu, cũng như là tất cả các hàng hóa khác trên thị trường thế giới gia tăng sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm 1973 thì con số viện trợ khiêm tốn nầy chẳng còn bao nhiêu (ghi chú: The Vietnam Experience: The Fall of The South, trang 11)


Người biết rõ nhất về vấn đề viện trợ quân sự (military aids) cho Quân Đội của Miền Nam Việt Nam không ai khác hơn là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt từ năm 1965 cho đến tháng 4 năm 1975. Vào đầu năm 1974, chính ông đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị phải bay sang Washington để trình bày về tình hình quân sự đang nguy ngập vì những cuộc tấn công quân sự của cộng sản Bắc Việt và vận động với các viên chức trong Ngũ Giác Đài để họ ủng hộ và vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm gia tăng hay ít ra là duy trì mức quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên sứ mạng nầy đã không thành công.


Trong Chương 4 của cuốn The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã dành hầu hết một chương để trình bày rất rõ về “Sự Giảm Thiểu Quân Viện Của Hoa Kỳ” và những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với các hoạt động của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1974 và những tháng đầu của năm 1975. Tướng Cao Văn Viên cho biết rõ ràng hơn về sự giảm thiểu quân sự quá nhiều nầy:


“Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết tất cả ngân sách phụ trội và trong tài khóa 1975 họ chỉ cho 1 tỷ Mỹ kim, nhưng sau đó con số 1 tỷ chỉ còn 700 triệu. Ngân khoản 700 triệu nầy là kể luôn chi phí dành cho các hoạt động của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO). Con số chính thức về quân viện làm cho Quân Đội và dân chúng Miền Nam hốt hoảng. Sự cách biệt giữa quân viện yêu cầu và con số được chi viện cách nhau quá xa. Không có một sự tiết kiệm, giảm thiểu chi phí hay quản trị ngân quỹ nào có thể lấp đầy được khoảng cách dị biệt đó.


Ngày 2 tháng 1 năm 1975, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xin Quốc Hội một ngân khoản phụ trội là 300 triệu Mỹ kim và ngân khoản nầy đã được Tổng Thống Ford nâng lên 722 triệu khi đề nghị nầy được đưa sang Quốc Hội ngày 11 tháng 4 năm 1975. Quốc Hội đã bác bỏ đề nghị nầy. Khi ngân khoản nầy bị Quốc Hội phủ quyết thì tình hình đã tuyệt vọng. Vận mệnh quốc gia đã được quyết định.


Với ngân khoản viện trợ là 700 triệu, trừ đi ngân khoản trả lương cho Quân Nhân Hoa Kỳ thuộc Văn Phòng DAO thì chỉ còn 654 triệu Mỹ kim, tức chỉ còn 51 phần trăm nhu cầu cần thiết. Hậu quả là hơn 200 phi cơ các loại tức khoảng 50 phần trăm của Không Quân bị đặt trong tình trạng bất khiển dụng, Hải Quân cũng bị giảm hơn 50 phần trăm và 600 giang thuyền bị “nằm ụ”, về phụ tùng quân cụ và súng đạn thì chỉ còn thay thế khoảng 27 phần trăm, hơn 4.000 quân xa do Quân Đội Hoa Kỳ chuyển giao lại sau 1975 thì không sử dụng được vì thiếu phụ tùng, nhiên liệu thì bị thiếu thốn và đến tháng 5 năm 1975, nếu không được viện trợ thêm thì Quân Đội sẽ không còn đủ nhiên liệu nữa. Về phía đạn dược thì từ tháng 7 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975, Quân Đội chỉ xài khoảng 19.808 tấn đạn đủ loại, tức là chỉ có 27 phần trăm so với mức tiêu thụ đạn dược trước đây là 73.356 tấn mỗi tháng. Vào khoảng tháng 2 năm 1975, số đạn dược tồn kho của Quân Đội chỉ còn có khoảng 30 ngày, có nghĩa là nếu không được tăng viện thì cho đến hết tháng 3 năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn một viên đạn.


Đến giữa tháng 4 năm 1975, chúng ta đã xài hết quân dụng, vũ khí tồn kho vào việc tái trang bị cho các đơn vị di tản từ Vùng I và II. Đến giờ phút muộn màng đó, dù chúng ta có nhận được 300 trăm triệu Mỹ kim viện trợ quân sự bổ túc đi nữa thì tình hình cũng đã quá trễ”


Tướng Cao Văn Viên nhận xét thêm:


“Tin tức về việc Quốc Hội Hoa Kỳ bàn cãi, mức độ viện trợ, số tiền viện trợ thực sự được loan truyền rộng rãi và công khai trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Với tin tức đó ta và địch biết được những khó khăn và trở ngại nào sẽ đến trong tương lai. Những tin tức đó đối với chúng ta là những lo âu, nhưng đối với quân thù thì lại là một cơ hội tốt vô cùng” [ Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Kỳ Phong dịch từ nguyên tác “The Final Collapse” (1983) Vietnam Bibliography, Virginia 2003, trang 83-93]


Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford và Ngoại Trưởng Kissinger cũng rất quan tâm đến ảnh hưởng của sự cắt giảm viện trợ đối với tinh thần của các Quân Nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong một phiên họp của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung vào ngày 12 tháng 9 năm 1974, Tổng Thống Ford đã nói rằng:


“Tôi có thảo luận về vấn đề Quốc Hội cắt giảm viện trợ cách đây vài ngày. Thông thường thì khi đi tuần tiểu, mỗi người Quân Nhân (Việt Nam) mang theo 8 trái lựu đạn. Bây giờ thì anh ta chỉ còn mang được 2 quả. Điều nầy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của anh như thế nào ? Tinh thần của họ dĩ nhiên là xuống giốc và điều đó ít nhất cũng đã làm cho tình hình tại Việt Nam càng ngày càng trở nên bất ổn hơn”


Ngoại Trưởng Kissingr tiếp lời:


“Đó là một cái vòng lẩn quẩn. Tình trạng tâm lý thì cũng quan trọng như quân sự. Cho đến tháng 6 (năm 1974) thì người lính Việt Nam Cộng Hòa cảm thấy tốt, không có gì phải lo ngại. Nhưng sau đó thì số đạn dược cấp cho họ bị cắt giảm và tinh thần của họ bị sa sút. Rồi thì họ phải bỏ rơi một vài tiền đồn và sau đó thì tinh thần của họ bị xuống giốc thêm nữa.


Chúng tôi nghĩ rằng Bắc Việt đang sắp sửa phải có một sự quyết định: Có nên chọn con đường tấn công Miền Nam bằng võ lực quân sự hay không ? Trước việc chúng ta cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa như hiện nay thì tôi nghĩ rằng chúng ta đang khuyến khích cho Bắc Việt chọn lựa con đường tổng tấn công bằng võ lực”.


Về vấn đề quân sự, Tổng Thống Ford nói: “Tôi hy vọng rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ giữ nguyên quân số vì phe Bắc Việt không hề giảm quân của họ”


Ngoại Trưởng Kissinger:


“Trái lại, các lực lượng của cộng sản Bắc Việt đã gia tăng gấp 3 lần kể ngày ngưng chiến sau Hiệp Định Paris. Bắc Việt đã xây dựng một hệ thống xa lộ tối tân đến nỗi họ có thể chuyên chở vũ khí, chiến cụ và bộ đội từ Bắc vào Nam chỉ trong vòng một vài ngày. [Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung, Washington DC ngày 12 tháng 9 năm 1974. Tài liệu “Mật” được giải mật ngày 10 tháng 1 năm 2000, hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo Toàn và Thư Viện Gerald Ford tại Grand Rapids, Tiểu Bang Michigan]


Chiến thuật của người Mỹ cũng là chiến thuật mà người Mỹ đã huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam là dùng võ lực để cứu sinh mạng, nhưng đến mùa Xuân 1974, chiến thuật đó đã bị loại bỏ vì thiếu đạn dược. Trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội sau đó có được ghi lại trong biên bản của Congressional Record ngày 6 tháng 3 năm 1975, Thiếu Tướng John Murray đã nói với giọng đầy cay đắng như sau: “máu của người Việt Nam đã dùng thay thế cho đạn dược Hoa Kỳ” [Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: The Palace file, Harper & Row Publishers, New York, 1986, trang 229]


Vào thời gian đó, Quốc Hội thứ 94 với thêm 75 tân Dân Biểu Đảng Dân Chủ mới đắc cử vào tháng 11 năm 1974, họ cùng với những Dân Biểu và Nghị Sĩ phản chiến nổi tiếng như Mike Mansfield, Edward Kennedy, Hubert Humphrey v.v…đang phát động một chiến dịch chống việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Nhóm tân Dân Biểu Dân Chủ đã cùng với một thiểu số đồng nghiệp trong Đảng Cộng Hòa lập một nhóm gọi là Members of Congress for Peace Through Law (Nhóm Dân Cử Vận Động cho Hòa Bình Qua Luật Pháp), họ đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi không thấy có một quyền lợi quốc gia hay nhân đạo nào để mà biện minh cho việc tiếp tục viện trợ cho Việt Nam”.


Bồi thêm vào đó, Thương Nghị Sĩ Dân Chủ Edward Kennedy tuyên bố về việc Tổng Thống Ford vận động xin tăng viện bổ túc cho Việt Nam như sau: “Một lần nữa chúng ta lại nghe những luận điệu cũ rích về một cuộc chiến tranh cũng cũ rích. Cuộc tranh chấp đổ máu đang tiếp diễn cần phải được đối phó bằng phương tiện ngoại giao chứ không cần thêm vũ khí đạn dược của chúng ta nữa”.


Nghị Sĩ Dân Chủ Mike Mansfield, Trưởng Khối Đa Số tại Thượng Viện tức là nhân vật có thế lực hàng thứ 3 của nước Mỹ, đã tuyên bố rằng “tôi cảm thấy chán ngán và muốn bệnh khi thấy hình ảnh những người đàn ông, đàn bà và trẻ em Đông Dương đang bị ‘làm thịt’ bởi súng của người Mỹ, đạn của người Mỹ tại những quốc gia mà chúng ta chẳng có quyền lợi nào cả”.


Khi tuyên bố những lời như vậy, ông Mansfield đã quên rằng người Mỹ đã viện trợ vũ khí chiến cụ cho người Do Thái từ cuối thập niên 1940 cho đến ngày nay và theo tài liệu của Phòng Nghiên Cứu Quốc Hội tại Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ thì sau khi cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1975, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ cho Do Thái mỗi năm 1.800 triệu Mỹ kim, tức là một phần ba ngân sách ngoại viện của Hoa Kỳ dành cho cả thế giới. Người Do Thái đã dùng những chiến cụ do Mỹ viện trợ để đánh người Palestine và Ả Rập, đã dùng phi cơ và xe tăng do Mỹ chế tạo tấn công ngay cả vào những trại tỵ nạn của người Palestine trên nước Lebanon, do đó không có một nước Ả Rập nào, không có một người Ả Rập nào có cảm tình với nước Mỹ và hậu quả là nước Mỹ đang sa lầy tại Iraq như hiện nay.


Một nhân vật có rất nhiều thế lực khác tại Thượng Viện Hoa Kỳ là Nghị Sĩ Hubert Humphrey, cựu ứng viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ vào năm 1968 và cũng là người được xem là “kẻ thù” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã tuyên bố trên chương trình Face the Nation rằng “gia tăng quân viện bổ túc cho Việt Nam chỉ kéo dài nỗi thống khổ cho nhân dân” và ông nói thêm rằng Tiểu Ban Ngoại Viện của ông sẽ biểu quyết để cấp ngân khoản viện trợ dành cho thực phẩm và nhân đạo mà thôi. [The Vietnam Experience: The Fall of the South, trang 31]


Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng cho biết rằng Tổng Bí Thư Lê Duẫn có nhận định như sau vào tháng 10 năm 1974:


“Sự mâu thuẩn càng ngày càng gia tăng trong chính phủ cũng như là các chính đảng tại Hoa Kỳ. Vụ Watergate đã làm rúng động nước Mỹ. Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Saigon đang trên đà suy giảm đến mức độ mà Hoa Kỳ ‘không thể cứu vớt chính phủ Saigon khỏi bị sụp đổ’. Cuộc tổng tấn công năm 1975 sẽ là một trắc nghiệm cho lập luận nầy. Các giới Tướng lãnh (Bắc Việt) đều đồng ý rằng kế hoạch tấn công vào năm 1975 chỉ là một sự khởi đầu cho chiến thắng toàn diện vào năm 1976 hay là 1977″. [Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, trang 19-20]


Như vậy thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, mọi người, kể cả Hà Nội, đều biết rõ và cả hai phía Việt Nam Cộng Hòa cũng như Hoa Kỳ đều rất lo ngại về việc cán cân lực lượng đang nghiên mạnh về phía cộng sản Bắc Việt. Do đó, sự có mặt của Tướng Kulikov tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1974 cũng là một yếu tố đáng lo ngại mà về phương diện tình báo chiến lược thì cần phải được phân tích kỹ càng.


Mấy tháng sau ngày cộng sản Bắc Việt thanh toán toàn bộ Miền Nam thì chính phủ Hoa Kỳ mới biết được rằng Liên Xô đã tích cực khuyến khích Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công tại Miền Nam, chính Liên Xô lại gia tăng viện trợ quân sự gấp 4 lần cho cộng sản Hà Nội, chính Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội rằng Quốc Hội Mỹ đã nhất quyết không viện trợ thêm về kinh tế cũng như là quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa có nghĩa là Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và chính vì những hành động, những cố vấn và khuyến khích đó của Liên Xô mà cộng sản Bắc Việt đã quyết định mở các cuộc tổng tấn công tại Miền Nam vào mùa Xuân 1975.


Khi người Mỹ biết rõ như vậy thì lúc đó mọi sự đã quá trễ rồi!


MÓN NỢ 7 NĂM VỀ TRƯỚC


Vụ Bà Anna Chennault


Việc Quốc Hội Hoa Kỳ do Đảng Dân Chủ kiểm soát quyết tâm cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 và cắt hoàn toàn viện trợ quân sự cho tài khóa 1975-1976 dường như là bắt nguồn từ một nguyên nhân từ 7 năm về trước, đó là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên Hubert Humphrey, đại diện Đảng Dân Chủ và Richard Nixon, đại diện cho Đảng Cộng Hòa.


Lúc bấy giờ, có một số dư luận tại Washington cho rằng giới lãnh đạo của Đảng Dân Chủ tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã có một trí nhớ thật dai và họ đã chờ cho có cơ hội nầy để trả thù và thanh toán một món nợ với Tổng Thống Richard Nixon và Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ 7 năm về trước.


Lewis Storley, tác giả cuốn A Better War đã viết như sau:


“Sir Robert Thompson đã nói vào năm 1974 rằng: Sau khi viếng thăm hàng trăm Xã Ấp, Trung Tâm Huấn Luyện, Trại Tạm Cư Người Tỵ Nạn và những đơn vị Bán Quân Sự, tôi đã học hỏi được nhiều điều và tôi nhận thức được sự quật khởi của người Việt Nam, sự can đảm, sự kiên trì và sự chịu đựng của họ. Họ đã vượt qua những cuộc khủng hoảng của đất nước cũng như là khủng hoảng của cá nhân họ, những sự khủng hoảng ghê gớm có thể làm tan nát những dân tộc khác và mặc dù những tổn thất lớn lao của họ, mà nếu đó là trường hợp của Hoa Kỳ thì cũng đã gây kinh hoàng và có thể đưa đến sự sụp đổ của nước Mỹ, vậy mà người Việt Nam vẫn còn duy trì được hơn 1 triệu quân sau hơn 10 năm chiến tranh. Bây giờ Hoa Kỳ sắp sửa đền bù sự cương dũng của người Việt Nam bằng cách bán đứng Đồng Minh một thời của họ. Điều duy nhất còn lại cho Miền Nam Việt Nam là sự thiếu hụt về ngân sách và Quốc Hội Mỹ đã sắp xếp chuyện đó với một sự trả thù (vengeance) [ Lewis: A Better War, Hartcourt Brace & Company, New York, trang 365-366]


Tại sao trả thù ?


Ông Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn Palace File cho biết:


“Ông Nguyễn Văn Thiệu tin là ông Richard Nixon đã mắc ông một món nợ chính trị, đó là việc ông từ chối không chịu ủng hộ nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ vào năm 1968. Dù không bao giờ nói như vậy một cách công khai, ông Thiệu tin chắc rằng vì ông từ chối tham gia vào cuộc hòa đàm với Bắc Việt và việt cộng khi Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 31 tháng 10 năm 1968, chỉ 5 ngày trước bầu cử, và sự từ chối đó đã đóng một vai trò quyết định trong việc ông Richard Nixon đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử nầy. Khi Tiến Sĩ Hưng về Saigon đảm nhận chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt cho Tổng Thống Thiệu vào năm 1973, ông Thiệu đã mô tả những cảm nghĩ này với ông Hưng. Tổng Thống Thiệu đã nói chuyện hàng giờ với ông Hưng trong những bữa ăn khi họ cùng thảo luận và phân tích về những mục tiêu và chính sách của Hoa Kỳ. Ông Hưng nhờ đó bắt đầu hiểu được đường lối của Tổng Thống Thiệu và lý do tại sao mà dù bị lệ thuộc vào người Mỹ, Tổng Thống Thiệu đã nhiều lần chống lại những đòi hỏi của Hoa Kỳ. [ Nguyễn Tiến Hưng: Sách đã dẫn, trang 1]


Hồi đó, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe phản chiến và nhất là việc hai Thượng Nghị Sĩ “bồ câu”, Eugene McCarthy và Robert Kennedy em trai của cố Tổng Thống John F. Kennedy, đang kịch liệt chỉ trích chiến tranh Việt Nam và chính sách về Việt Nam của Tổng Thống Johnson để ve vãn phe phản chiến nhằm mục đích tranh chức ứng cử viên của Đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ (primaries) tại các Tiểu Bang trước khi Đảng Dân Chủ họp đại hội vào mùa Hè để bầu người đại diện của đảng ra tranh cử Tổng Thống vào tháng 11 năm 1968. Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố ông đã quyết định không ra tái tranh cử Tổng Thống ngõ hầu được tự do tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam./


Theo: https://ongvove.wordpress.com/2015/04/25/vnch-10-ngay-cuoi-cung-boi-canh-truoc-thang-4-1975/

19 Tháng Bảy 2017(Xem: 10538)
Hôm 9 tháng 7 năm 2017, dưới tiết trời oi bức của mùa hè, thành phố San Jose Bắc Cali bỗng nhiên trở nên ấm áp hơn bởi gần 400 vị khách từ muôn phương hội tụ về nhà hàng Dynasty, tọa lạc tại số 1001 đường Story, để cùng nhau hoài niệm năm thứ 60 ngày Viện Đại Học Huế ra đời (1957-2017).