Chuyện ít biết về vị 'thần nữ' khai khẩn hòn đảo ngọc Phú Quốc

14 Tháng Năm 20177:37 CH(Xem: 7136)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA THỨ  HAI  15  MAY  2017


Chuyện ít biết về vị 'thần nữ' khai khẩn hòn đảo ngọc Phú Quốc


08.05.2017


Những chi tiết về bà vừa thực vừa hư khiến cho hòn đảo ngọc thêm phần huyền bí và nhuốm màu cổ tích. Người dân địa phương kể bà lập dinh trại làm nơi định cư và tiến hành công cuộc khai khẩn đảo ngọc.


Con sông lịch sử…


Nhiều người kể, dòng họ phục dựng lại đế nghiệp nên bà đã trở về Cao Miên tiếp tục cuộc sống quý tộc trước đây. Tuy nhiên, cũng có giai thoại kể rằng, bà chết ở Cửa Cạn, sau đó vua Miên cho người đem hài cốt về đất Miên an táng với nghi thức của hoàng tộc. Thế nhưng, lại có giả thuyết bà chết ở hòn Phú Dự (nằm trong vịnh Thái Lan, cách Campuchia 23 hải lý)...


Dù còn có một số giả thuyết, giai thoại khác nữa nhưng đến nay, bà Kim Giao chết ở đâu vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, những chi tiết về bà vừa thực lại vừa hư khiến cho hòn đảo ngọc thêm phần huyền bí và nhuốm màu cổ tích. Những thông tin mà PV “lượm” được từ bảo tàng Cội Nguồn (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang) cho thấy, bà Kim Giao và “những bước chân đầu tiên” đến khai phá đảo Phú Quốc là từ cuối thế kỷ 17.


image056

Con sông này đã ghi dấu nhiều sự kiện, đặc biệt là hai Bà luôn được dân trên đảo tôn thờ.


 Hiện nay, dọc theo sông Cửa Cạn vẫn còn lưu lại địa danh gọi là búng Dinh Bà. Theo giải thích của người dân địa phương, búng là một vũng nước sâu, khoét theo bờ sông, cũng chính nơi đây bà Kim Giao lập dinh trại để làm nơi định cư và tiến hành công cuộc khai khẩn hòn đảo ngọc. Sở dĩ bà chọn nơi để lập dinh ở Cửa Cạn, bởi nó là con sông lớn thứ hai ở Phú Quốc. Con sông này bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, chảy theo hướng Tây Nam, qua các cánh rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà, sau đó mới đổ ra vịnh Thái Lan (tại xã Cửa Cạn). Con sông này có chiều dài 15km, tương đương sông Dương Đông nhưng có dòng chảy nhỏ hơn.


Nói thêm một chút về sông Cửa Cạn, đây cũng là nơi được anh hùng Nguyễn Trung Trực chọn làm căn cứ trong thời gian chống thực dân Pháp. Nơi đây cũng ghi dấu một điển tích bi tráng về bà Lớn (tức bà Lê Kim Định, vợ Nguyễn Trung Trực). Chúng tôi xin kể lại câu chuyện này qua lời kể của ông Nguyễn Đình Chí, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.


“Chuyện kể lại rằng, khi nghĩa quân của anh hùng Nguyễn Trung Trực bị bao vây, bà Lớn đã tổ chức đội quân vượt từ Ba Trại để đi ra cửa biển theo dòng sông Cửa Cạn, với ý định sẽ vượt biển vào đất liền. Tuy nhiên, khi đó vào mùa cửa sông bị cát lấp, ghe của bà không thể qua được và mắc kẹt tại đây”, ông Chí kể đến đây thì dừng lại, mắt nhìn xa xăm ra biển.


image055

Dinh Bà ngày nay.


 Đoạn ông kể tiếp: “Bà Lớn đang mang thai, lúc đó trời cũng mưa gió, nổi cơn giông, biển động thét gào khiến đường đi trở nên gập ghềnh hơn bao giờ hết. Mắc kẹt, lại bị quân Pháp bao vây, bà Lớn không còn kế nào để thoát thân. Dân chúng hộ tống bà bị bắt hết, đưa về thị trấn Dương Đông ngày nay. Còn bà, sức cùng lực kiệt và bị băng huyết... rồi chết ở đó. Lúc đó, hài nhi sanh non, không có sữa mẹ cũng vì thế đã đi theo người mẹ về thế giới bên kia. Biết chuyện, một số ngư dân đã liều mình, tìm đường vào cứu mẹ con bà Lớn. Rất khó khăn mới qua mắt được quân Pháp nhưng khi đến nơi thì họ thấy hai mẹ con bà đều đã không thể cứu được”.


Ông Chí kết lại: “Không còn cách nào khác, những ngư dân này đã lén mang hai mẹ con bà giấu vào một bọng cây gần đó. Khi mọi việc yên ổn, dân chúng vùng này đã đem hài cốt hai mẹ con bà an táng tại bãi Ông Lang. Ngày nay vẫn còn mộ bà Lớn tại đây. Như vậy, con sông này đã ghi dấu nhiều sự kiện, đặc biệt là hai người phụ nữ luôn được dân trên đảo tôn thờ”.


Trở lại câu chuyện của bà Kim Giao đã đề cập ở trên, ngày nay, “ngoài búng, tại Phú Quốc còn có đồng Bà (cánh đồng lúa), dinh Bà (nơi thờ bà). Đây là những địa danh liên quan tới bà Kim Giao. Người dân nơi đây tôn thờ bà là người có công lao dìu dắt lưu dân khai hoang, mở đất hòn đảo này”, ông Huỳnh Phước Huệ, Giám đốc bảo tàng Cội Nguồn cho biết.


Thần nữ đảo ngọc


Bà Kim Giao hay được người dân nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến và kính trọng: Kim Giao thần nữ, được xem là người đầu tiên khai khẩn hòn đảo Phú Quốc. Đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào nói về ngày sinh cũng như ngày mất và nơi mất của Bà, kể cả tại bảo tàng Cội Nguồn mà PV có dịp ghé thăm.


Ông Chí cho biết: “Tương truyền rằng, bà Kim Giao thuộc dòng dõi vua chúa ở Cao Miên (Campuchia ngày nay). Do binh biến, đảo chính nên bà phải chạy trốn sang đảo Phú Quốc để lánh nạn và sinh sống”.


image057

Hàng năm, người dân tổ chức lễ cúng bà vào ngày rằm tháng Giêng (âm lịch). Bài văn tế đọc trong dịp lễ cúng còn nhắc đến tên bà Kim Giao, vừa thể hiện lòng tôn kính vừa minh chứng bà là một trong những người đầu tiên đến khai khẩn đảo ngọc.


Thực tế, từ Phú Quốc sang Campuchia rất gần. Khi PV tìm đến bãi Thơm (xã Bãi Thơm), đứng bên này có thể thấy rõ nước bạn Campuchia. Khi đến được đảo ngọc, bà Kim Giao đã thiết lập một đồng cỏ rộng lớn cho đàn trâu mà bà mang theo, đồng thời tuyển mộ người để khai khẩn đất đai, trồng trọt. “Ngày nay, những cánh đồng lúa ấy vẫn còn vết tích, dân địa phương gọi là đồng Bà. Trên đồng này, còn nhiều cột trai, vật liệu làm chuồng trâu của bà Kim Giao năm xưa”, ông Huệ cho biết thêm.


Và một giả thuyết cũng nói rằng, sau khi về Cao Miên, bà Kim Giao đã để lại hai cặp trâu (trâu đực và trâu cái), sau này chúng sinh sản rất đông. Một số người cố cựu ở vùng này cũng cho biết, họ đã từng nhìn thấy đàn trâu rừng này, khi chúng mon men ra bìa rừng kiếm ăn. Một giả thuyết khác cũng được cho là rất đáng tin, chính bà Kim Giao là người đã cung cấp lương thực cho chúa Nguyễn, khi ông lưu lạc ra Phú Quốc. Bởi những thông tin thu thập được cho thấy, chúa Nguyễn và bà Kim Giao có cùng cột mốc thời gian. Chúa Nguyễn cũng nhiều lần đặt chân đến Phú Quốc trong các cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Mà vết tích mũi kiếm của Nguyễn Ánh trên đảo khi khơi giếng Tiên đầy kỳ bí là điển hình.


image058

Dinh Bà Ngoài (cạnh dinh Cậu, ở thị trấn Dương Đông) cũng thờ Bà


Đến thời nhà Mạc (Mạc Cửu), từ những cư dân đầu tiên ấy, họ đã cai quản và lập Phú Quốc thành 7 thôn. Sau đó, Mạc Cửu đã xin sát nhập vùng đất Hà Tiên vào xứ Đàng Trong và từ đó, Phú Quốc cũng được cai quản trực tiếp bởi một tổng trấn nhà Mạc. Đến thời nhà Nguyễn, Phú Quốc được mở mang thêm, cho dân tự do khai thác, buôn bán mà không phải nộp sưu thuế má, vì vậy, Phú Quốc ngày càng trở nên phồn thịnh hơn.


Người đầu tiên khai khẩn đảo ngọc


Ngày nay, theo tìm hiểu, tại Phú Quốc còn 2 dinh bà Kim Giao là dinh Bà Trong, nằm ở hữu ngạn sông Cửa Cạn. Trước kia, dinh này được làm bằng mái tranh, vách ván rộng lớn. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá, sau đó được trùng tu lại nhiều lần mới có dinh như ngày nay. Bên cạnh dinh Bà Trong còn có dinh Bà Ngoài (cạnh dinh Cậu, ở thị trấn Dương Đông) cũng thờ bà. Hàng năm, dân chúng tổ chức lễ cúng bà vào ngày rằm tháng Giêng (âm lịch). Bài văn tế đọc trong dịp lễ cúng còn nhắc đến tên bà Kim Giao, vừa thể hiện lòng tôn kính vừa minh chứng rằng, bà là một trong những người đầu tiên đến khai khẩn hòn đảo ngọc này.


Thanh Tùng
11 Tháng Giêng 2018(Xem: 7203)