Tác giả danh xưng Little Saigon

29 Tháng Sáu 201711:56 CH(Xem: 7291)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ  SÁU 30 JUNE  2017


Tháng 6, nhớ cựu Thống Đốc California George Deukmejian:


Tác giả danh xưng Little Saigon


image034


Ngô Kỷ


Hôm nay vào dịp tháng 6, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến cựu Thống Đốc California George Deukmejian, cách đây 29 năm, vào ngày 17 tháng 6 năm 1988, ông đã đích thân đến thương xá Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster, Nam California để chính thức tuyên bố công nhận danh xưng "Little Saigon," và cắt băng khánh thành cái bảng chỉ dẫn "Little Saigon Next Exit" đầu tiên trong tổng số 13 cái bảng được Bộ Công Chánh California (Caltrans) dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Magnolia và Brookhurst., để rồi từ đây các thành phố có đông đảo cư dân người Việt sinh sống cũng gầy dựng các khu vực thương mại với danh xưng "Little Saigon."


Tiến trình để có danh xưng "Little Saigon" qua nhiều giai đoạn, khởi đầu thì có một số nhà báo, thương gia, nhân sĩ trong cộng cộng đồng cũng có đề cập, bàn tính đến, nhưng về phía Mỹ thì chuyện này được công khai hóa từ bài viết "Little bit of Saigon" của nữ ký giả Rosa Kwong đăng trên tờ báo lớn nhất Quận Cam, Orange County Register vào ngày 1 tháng 2 năm 1981, và các đài truyền hình Mỹ trong thời điểm này tường thuật sinh hoạt mừng Xuân vui nhộn như múa lân, đốt pháo của người Việt, và danh xưng "Little Saigon" bắt đầu được phát xuất từ đây. Kể từ đó, người Việt sinh sống ở các tiểu bang lạnh lẽo bắt đầu kéo nhau về miền nắng ấm Nam California càng ngày càng đông, các hàng quán, chợ búa nở rộ trên đường Bolsa, Brookhurst và một số đường lân cận.


image035

Từ trái: Ngô Kỷ, Ông Bill Fleming, Giám Đốc Chương Trình Đoàn Tụ Gia Đình ODP ở Việt Nam, Thị trưởng Westminster Charles Smith tại thương xá Phước Lộc Thọ, Little Saigon 1989


Năm 1987, ông Frank Jao tên Việt là Triệu Phát chủ nhân thương xá Phước Lộc Thọ, cùng với ông Lâm Quang tên Mỹ là Tony Lâm lúc đó ông là cựu Chủ tịch Phòng Thương Mại Việt Nam, hai ông này tuyên bố với ký giả Lily Dizon, và sau đó với ký giả David Reyes của báo Los Angeles Times ngày 16 tháng 3 năm 1987, là không muốn chấp nhận danh xưng Little Saigon, mà chỉ muốn là Chinatown hay Asiantown mà thôi. Tôi xin dịch một đoạn ngắn trong bài báo như sau: 


“Frank Jao và Tony Lâm có một tầm nhìn.


“Khi họ nhìn xuống phố Bolsa gần ngã tư với đường Bushard ở Westminster, họ thấy một khu thương mại và văn hóa lớn ở đó, sau khi hoàn tất xây dựng sẽ bao gồm 20 mẫu đất và 440 cửa hàng bán lẻ. Họ cho rằng khu vực này là điểm đến, dẫn tới một Chinatown của vùng Nam California - và tên "Little Saigon" không nằm trong ước mơ của họ.


image036

Ông Frank Jao tức Triệu Phát, Chủ nhân thương xá Phước Lộc Thọ, đang giới thiệu dư án làm ăn ở VN.


Đứng trước việc hai ông Frank Jao và Tony Lâm muốn biến khu vực đại lộ Bolsa thành "Asiantown" hay "Chinatown," trong khi tập thể người Việt Nam tỵ nạn cộng sản sinh sống tại vùng này thì lại muốn danh xưng là "Little Saigon," chính vì vậy mà xảy ra sự tranh chấp giữa hai nhóm thương gia Việt Nam và Tàu về danh xưng. Sự việc này khiến ông Phùng Minh Tiến, cựu đốc sự và cũng là một thương gia, cùng một số thương gia Việt Nam thành lập "Ủy Ban Thương Mại Việt Nam," và sau đó tiến đến hợp tác với một số nhân sĩ trong cộng đồng thành lập "Ủy Ban Phát Triển Little Saigon." 


Ủy Ban này đã nhanh chóng liên lạc với Hội Đồng Thành Phố Westminster, và văn phòng Dân biểu tiểu bang Richard Longshore qua sự giúp đỡ của người phụ tá dân biểu là sinh viên trẻ Trần Thái Văn. Dân biểu Longshore đã vận động Ủy Ban Giao Thông của Quốc Hội California, với Thống Đốc George Deukmejian, và với Bộ Công Chánh California (Caltrans) để công nhận danh xưng "Little Saigon." 


Vào ngày 9 tháng 2 năm 1988, qua sự vận động ráo riết của Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, Dân Biểu Longshore, nên Thị Trưởng Charles Smith và Hội Đồng Thành Phố Westminster đã biểu quyết với đa số tuyệt đối thông qua Nghị Quyết số 58, công nhận khu phố của người Việt trên đại lộ Bolsa là "Little Saigon," và thành phố cũng thành lập ủy ban với tên là "Little Saigon Community Development Advisory Committee" để giúp đẩy mạnh việc phát triển khu này thành một khu thương mại và du lịch sầm uất.

 

Vào ngày 27 tháng 3 năm 1988, bà Dân biểu tiểu bang California Doris Allen, cùng với 17 vị dân biểu liên bang, thượng nghị sĩ tiểu bang California, dân biểu tiểu bang California cùng ký tên vào một lá thư gởi Bà Clairice Blamer, Chủ tịch Ủy Ban Giao Thông Quận Cam, lên tiếng ủng hộ việc đặt các bảng chỉ dẫn trên xa lộ vào khu vực thương mại của người Việt Nam là "Little Saigon Next Exit."


Và sự kiện lịch sử đến, ngày 17 tháng 6 năm 1988, Thống Đốc California George Deukmejian đã đích thân đến thương xá Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster, Nam California để chính thức tuyên bố công nhận danh xưng "Little Saigon," và cắt băng khánh thành cái bảng chỉ dẫn "Little Saigon Next Exit" đầu tiên trong tổng số 13 cái bảng được Bộ Công Chánh California (Caltrans) dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Magnolia và Brookhurst.


Đồng ý là có nhiều bàn tay "hữu danh và ẩn danh" đóng góp cho sự hình thành việc chính quyền Hoa Kỳ công nhận chính thức danh xưng "Little Saigon," nhưng khách quan mà nói thì các vị thành viên trong Ủy Ban Phát Triển Little Saigon đóng một vai trò chính yếu, quan trọng và hữu hiệu nhất. Tôi từng có dịp dự các phiên họp của Ủy Ban ngay trong phòng khám răng của Nha sĩ Phạm Đình Tuân, Chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, ông đã qua đời vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, xin nguyện cầu hương linh ông sớm tiêu diêu miền Cực Lạc. 


Ủy Ban Phát Triển Little Saigon có tới mấy mươi người thành viên, nhưng người còn kẻ mất, trong đó cần kể đến những nhân vật nòng cốt của Ủy Ban như: cố Giáo sư Nguyễn Tư Mô (quá cố,) cố Luật sư Phạm Văn Phổ (quá cố,) cựu Đại tá Lê Khắc Lý, cựu Giáo sư Trần Đức Thanh Phong, cựu Đốc sự Phùng Minh Tiến, Ông Đặng Bá Huy v.v...


 image037

Cố Nha sĩ Phạm Đình Tuân (quá cố,) và phu nhân Vũ Bội Tú (hình năm 2013)

Nha sĩ Phạm Đình Tuân từng là Chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Little Saigon từ 1987


Suốt từ năm 1988 đến nay là 29 năm, trên các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ và qua các sự trình bày của các thành viên Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, cùng của các nhân sĩ cộng đồng, thì việc Thống Đốc California George Deukmejian về tận thành phố Westminster để chínhthức công nhận danh xưng "Little Saigon" là do sự vận động của các vị dân cử Mỹ, của cộng đồng người Việt, và vì sức mạnh kinh tế cộng động đang trổi dậy, điều đó không thể phủ nhận được, và các yếu tố đó góp phần lớn cho sự quyết định của Thống Đốc George Deukmejian.


Bên cạnh đó, trên thực tế có thêm một yếu tố quan trọng không kém, là trong năm 1988 là mùa tranh cử tổng thống Mỹ, mà Phó Tổng Thống George Bush thuộc đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống, và Thống Đốc George Deukmejian cũng thuộc đảng Cộng Hòa, cũng vừa là Chủ tịch Ủy Ban Vận Động Tranh Cử Cho Ứng Viên Tổng Thống George Bush, và ông cũng được đồn đãi sẽ là ứng viên phó tổng thống sáng gia trong ticket George Bush, cho nên ông và ban tham mưu đảng Cộng Hòa rất muốn tạo cảm tình với cộng đồng Việt Nam để có cơ hội tranh thủ lá phiếu của những người cử tri Mỹ gốc Việt. Quyết định của Thống Đốc George Deukmejian về Little Saigon "lấy điểm" với cộng đồng là điều dễ hiểu, lưỡng lợi, và hợp tình, hợp lý.


Vào năm 1988, tôi với tư cách là Đại Biểu (Delegate) của Phó Tổng Thống George Bush, kiêm Chủ tịch Ủy Ban Vận Động Tranh Cử Cho Ứng Viên Tổng Thống George Bush, và cũng là Giám đốc Trung Tâm Người Mỹ Gốc Á Châu Đảng Cộng Hòa, mà văn phòng được đặt ngay trung tâm Little Saigon, cho nên tôi đã đóng góp ý kiến khuyến khích Thống Đốc George Deukmejian về Little Saigon, để vừa vinh danh sự thành công của cộng động Việt Nam, mà vừa vận động kiếm phiếu từ cử tri người Mỹ Gốc Việt trong cuộc bầu cử năm 1988. 


Như trên tôi đã trình bày, là vào ngày 9 tháng 2 năm 1988, Thị Trưởng Chuck Smith và Hội Đồng Thành Phố Westminster đã biểu quyết với đa số tuyệt đối thông qua Nghị Quyết số 58, công nhận khu phố của người Việt trên đại lộ Bolsa là "Little Saigon," và thành phố cũng thành lập ủy ban với tên là "Little Saigon Community Development Advisory Committee" để giúp đẩy mạnh việc phát triển khu này thành một khu thương mại và du lịch sầm uất. Một điều "oái ăm" là ông Tony Lâm là người gần gũi với Thị trưởng Chuck Smith, nên Tony được giữ vai trò chính yếu trong cái ủy ban "Little Saigon Development Advisory Committee" do Hội Đồng Thành Phố Westminster lập ra này.


Công việc tổ chức chương trình đón tiếp Thống Đốc George Deukmejian về thương xá Phước Lộc Thọ để tuyên bố công nhận danh xưng "Little Saigon" và khánh thành bảng "Little Saigon Next Exit" do tôi và Trần Thái Văn phụ trách, vì lúc này Trần Thái Văn đang làm việc cho các vị dân cử Mỹ nên lo phần liên lạc, qua lại thư từ, còn tôi đặc trách việc vận động bầu cử cho Ứng Cử Viên Tổng Thống George Bush thuộc đảng Cộng Hòa, do đó tôi phải nỗ lực kiếm phiếu tối đa nhân dịp này. 


Theo chương trình, tôi và Trần Thái Văn đồng ý sắp xếp cho Nha sĩ Phạm Đình Tuân, Chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, và ông Tony Lâm, Ủy viên Little Saigon Development Advisory Committee, cùng được đứng trên sân khấu với Thống Đốc George Deukmejian để đại diện cho "tập thể" người Việt tại đây, vì vào thời điểm 1988 chưa có cơ cấu "Cộng Đồng." 


Trước buổi lễ một ngày, hai phe "người lớn" này lại gấu ó, tranh chấp nhau dữ dội, phe Ủy Ban Phát Triển Little Saigon của Nha sĩ Phạm Đình Tuân thì quyết liệt tẩy chay Việt gian Tony Lâm, họ không chấp nhận việc Tony Lâm được đứng trên sân khấu vì họ cho rằng Tony Lâm là kẻ phản bội cộng đồng, không xứng đáng dự buổi lễ công nhận danh xưng "Little Saigon." Họ dọa hai chúng tôi rằng nếu mà giới thiệu Tony Lâm lên sân khấu thì Nha sĩ Phạm Đình Tuân sẽ bước xuống sân khấu để bày tỏ thái độ khinh bỉ và tẩy chay Tony Lâm trước mặt thống đốc và quan khách, đồng hương. 


Câu chuyện chưa ngừng tại đây, còn về phe Little Saigon Development Advisory Committee của Tony Lâm thì họ nhân danh là đại diện chính thức của Thị trưởng Charles Smith và Hội Đồng Thành Phố Westminster, tức của chính quyền, nên họ cho rằng Tony Lâm mới là người có tư cách chính thức đứng trên sân khấu với ông thống đốc. Họ dọa hai chúng tôi rằng nếu mà giới thiệu Nha sĩ Phạm Đình Tuân lên sân khấu thì ông Tony Lâm sẽ bước xuống sân khấu để phản đối sự "tiếm danh lãnh đạo cộng đồng" của Nha sĩ Phạm Đình Tuân trước mặt thống đốc và quan khách, đồng hương.


Tôi và Trần Thái Văn lúc đó rất bối rối vì chưa thể tìm ra phương cách nào thỏa đáng để có thể giải quyết vấn đề rắc rối, nhiêu khê này được, vì lúc đó tôi cũng khá trẻ mới 36 tuổi, và Trần Thái Văn thì quá trẻ, chừng 24 tuổi, hai chúng tôi chưa có đủ kinh nghiệm phải giải quyết một vấn đề hết sức "nhức nhối" và kỳ cục như thế này, hơn nữa chỉ còn có một ngày chuẩn bị lễ lộc, hai chúng tôi cần có sự hợp tác và tiếp tay của các thành viên Ủy Ban Phát Triển Little Saigon cũng như của Little Saigon Development Advisory Committee. Vì tôi và Trần Thái Văn còn đang suy tính giải pháp, nên chưa đưa ra quyết định, cho nên phe Ủy Ban Phát triển Little Saigon của Nha sĩ Phạm Đình Tuân, và phe Little Saigon Development Advisory Committee của Tony Lâm hờn lẫy, trách móc hai chúng tôi, từ đó cả 2 Ủy Ban quyết định đứng ngoài và hủy bỏ mọi sự cộng tác và tiếp tay với tôi và Trần Thái Văn trong việc sắp xếp cho buổi lễ, họ nhẫn tâm rút lui, không chịu làm các việc in các bảng biểu ngữ Welcome, treo hàng trăm lá cờ nhỏ Mỹ Việt, làm tấm màn lớn màu đỏ phủ cái bảng "Little Saigon Next Exit" để thống đốc kéo xuống, thiết kế âm thanh, xếp mấy trăm cái ghế ngồi v.v..., họ "tháo khoán" cho hai chúng tôi phải cán đáng và thực hiện các công tác nặng nề và tốn kém này. 


                                     image038                        

Thống Đốc George Deukmejian phát biểu trong buổi lễ. Ảnh Ngô Kỷ cung cấp.


Trời ơi! chỉ còn một ngày nữa là thống đốc đến, chỉ vì tranh giành cái "chỗ đứng trên sân khấu" mà các vị "người lớn" trong cộng đồng đã nhẫn tâm bỏ rơi tôi và Trần Thái Văn phải "bơi" một mình, trong khi thời gian thì quá cấp tốc, mà sức lực thì giới hạn, tiền bạc thì quá eo hẹp.


Hoàn cảnh tôi và Trần Thái Văn nghèo rớt mồng tơi thì tiền bạc đâu mà thuê mướn Mễ phụ giúp, do đó đích thân tôi phải treo 200 lá cờ Mỹ Việt nhỏ xung quanh khu vực buổi lễ, và khoảng 20 lá cờ Mỹ Việt lớn trên khu vực sân khấu. Tôi phải treo tấm biểu ngữ Welcome trên sân khấu, tôi phải xếp mấy trăm cái ghế ngồi, vân vân và vân vân. Còn phần Trần Thái Văn thì gọi phone, trả lời phone liên tục từ văn phòng thống đốc. 


Khoảng 3 giờ rạng sáng của ngày 16 tháng 7, tức còn độ 7 tiếng đồng hồ nửa là ông thống đốc tới, Trần Thái Văn lo lắng, bần thần không ngũ được vì không tìm ra giải pháp nào để giải quyết cho ổn thảo việc tranh chấp, gấu ó giữa hai phe Phạm Đình Tuân và Tony Lâm.


Trần Thái Văn gọi điện thoại hỏi tôi có cách nào giải quyết chưa, thì tôi trả lời rằng là chưa, nhưng tôi muốn Trần Thái Văn đi ngũ sớm để còn lo tiếp tân sáng mai. Suốt đêm không ngũ được, chờ tới 6 giờ sáng tôi ra ngay địa điểm hành lễ, tức cái sân khấu trong thương xá Phước Lộc Thọ, tôi tới gặp người Security của tiểu bang có bổn phận bảo vệ an toàn cái sân khấu, vì chức vụ thống đốc tiểu bang California rất lớn, kể cả việc ông Thống Đốc George Deukmejian có tin đồn là sẽ là ứng cử viên phó tổng thống sáng giá trong "ticket" George Bush, tôi yêu cầu ông Security này đưa cho tôi cái danh sách tên các nhân vật cộng đồng mà tôi với Trần Thái Văn đã sắp xếp đứng với ông thống đốc, tôi bèn lấy cây viết gạch bỏ cả 2 tên của ông Phạm Đình Tuân lẫn ông Tony Lâm, và tôi dặn người Security này là không cho phép hai người này lên sân khấu vì tôi đã gạch tên vào giờ chót rồi.


Đây là một quyết định vô cùng táo bạo mà tôi không bao giờ nghĩ là tôi phải "cạn tàu ráo máng" như vậy, nhưng tôi không còn một chọn lựa nào khác hơn được. Lương tâm tôi cảm thấy cắn rứt, nhưng lý trí tôi đòi hỏi tôi phải quyết liệt như vậy, không phải vì tư thù cá nhân, nhưng vì tôi muốn bảo vệ danh dự cộng đồng, tôi sợ giả sử sáng mai khi ông thống đốc tới, mà ông Phạm Đình Tuân và ông Tony Lâm vẫn còn kèn cựa, tranh chấp, rủi lỡ hai ông bước xuống sân khấu để "dằn mặt" nhau, thì lúc đó hai đứa tôi biết ăn nói làm sao với ông thống đốc. Chính vì vậy tôi phải chận đứng các tình huống tệ hại có chiều hướng có thể xảy ra, tôi không thể để bất cứ một sự bất trắc nào xảy ra nhằm hủy hoại danh dự cả một cộng đồng, do đó tôi nghĩ rằng quyết định không để cho hai ông Phạm Đình Tuân và ông Tony Lâm không còn được phép lên sân khấu là một quyết định đúng và cần thiết. Tôi thông báo quyết định tối hậu này cho Trần Thái Văn biết vào giờ chót, không thể thay đổi gì được.


Vào thời gian sắp đế giờ hành lễ, một số người nằm trong danh sách như Thị Trưởng Charles Smith, ông Giám Đốc Caltrans, hai cô hoa hậu Việt Nam lần lượt lên sân khấu, riêng hai ông Phạm Đình Tuân và ông Tony Lâm vì không được thông báo bị gạch tên nên hai ông cũng thanh thản bước lên sân khấu, nhưng hai ông bị người Security cản lại không cho bước lên, vì nhìn vào bảng danh sách thì tên của cả hai ông đã bị tôi gạch bỏ, thế là hai ông phải lặng lẽ bước xuống và xuống ngồi trong hàng ghế phía dưới dành cho quan khách và đồng hương.


Theo tôi ghĩ, cho đến giờ này tất cả mọi người, kể cả ông Phạm Đình Tuân, ông Tony Lâm và tất cả thành viên của cả hai Ủy Ban cũng không biết tại sao hai ông không được lên sân khấu, và chắc họ cũng không biết tôi là người quyết định gạch bỏ tên hai ông. Âu đó cũng là "chuyện chẳng đặng đừng" và hoàn toàn ngoài ý muốn mà thôi.


Khi Thống Đốc George Deukmejian gần đến, thì tôi mới chợt nhớ ra là "chết rồi," bây giờ hai ông Phạm Đình Tuân và ông Tony Lâm không còn được đứng trên sân khấu nữa, thì ai sẽ là người nhân sĩ đại diện cho cộng đồng nói lời cám ơn và trao Bằng Tri Ân cho ông thống đốc?! Đang chới với" thì tình cờ tôi thấy một cụ già rất "đẹp lão," với chòm râu trắng uy nghi, tôi bèn đến ngõ lời nhờ cụ đại diện cộng đồng lên sân khấu đứng cùng ông thống đốc, và cụ đồng ý, hú hồn! Tôi mới biết ra cụ là Giáo sư Nguyễn Tư Mô, từng làm Khoa Trưởng Nha Khoa tại Sài Gòn, và gia đình cụ mới từ Âu Châu qua Mỹ định cư. Đây quả là một cái "duyên" của cụ với ông thống đốc vào giờ chót chứ hoàn toàn tôi không tính toán trước.


image039

Thống Đốc George Deukmejian (đứng bên trái) kéo tấm màn đỏ khai trương bảng Little Saigon trên sân khấu Phước Lộc Thọ. Đứng bên phải là Thị trưởng Westminster Chuck Smith. Ảnh Ngô Kỷ cung cấp.


Rồi lại thêm một rắc rối nữa, vì Thống Đốc George Deukmejian về đây để vinh danh sự thành công kinh tế, thương mại của cộng đồng người Việt, nên ông thống đốc muốn đi một "tour" thăm hỏi các cơ sở thương mai nằm trong thương xá Phước Lộc Thọ.


Bình thường là ông Frank Jao tức Triệu Phát, chủ nhân thương xá Phước Lộc Thọ lãnh phần hướng dẫn các chính trị gia đi tham quan các cơ sở trong thương xá vì đó là "nghề" của ông ta mà, nhưng vì tôi "dị ứng" về lời tuyên bố của ông và Tony Lâm muốn gọi khu này là Chinatown hay Asiantown, chứ không đồng ý Little Saigon, do đó tôi quyết định vào giờ chót là kêu anh Tuệ, thư ký của Phòng thương Mại Việt Nam chạy về chở gấp Bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, lúc đó đang làm Chủ tịch Phòng Thương Mai Việt Nam đến để hướng dẫn ông thống đốc tham quan các cơ sở thương mại trong thương xá, và chỉ vài chục phút sau là Bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ xuất hiện và hoàn thành "công tác" mỹ mãn. 


Thật sự mà nói, nhờ dịp này mà hình ảnh, tên tuổi của Bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ được giới truyền thông loan tải rộng rãi, rất tiếc sau đó khoảng 6, 7 năm, khi Tổng Thống Bill Clinton giải tỏa cấm vận và bang giao với Việt cộng, thì Bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ là một trong những người đầu tiên dẫn phái đoàn về Việt Nam làm ăn, để rồi bị biểu tình, phản đối triền miên. Cho đến giờ này tôi tự trách mình kêu cái ông Bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ tới mà làm chi, nhưng rồi tự an ủi là tôi cũng chẳng có "tội" gì vì lúc đó ông ta là cựu bác sĩ Quân Y VNCH chống cộng mà, làm sao tôi có thể tiên đoán được "tương lai" của thiên hạ.


Còn phần chót này nữa, lúc ông thống đốc chưa tới, thì tôi mới phát giác ra cái tấm bảng "Little Saigon Next Exit" dựng chình ình trên sân khấu, mà chẳng có phủ tấm màn vải nào cả, thế thì lấy gì để ông thống đốc kéo xuống gọi là "cắt băng khánh thành," thế là "mót" trong túi còn 10 đô la, bèn xin Trần Thái Văn 10 đô la nữa tổng cổng 20 đô la, chạy vội qua tiệm vải Bình Minh hay Xuân Loan bên cạnh, mua mấy chục thước vải màu đỏ, rồi "thánh nhân đãi kẻ khù khờ," thấy trên lầu tiệm may "QUÂN" mở cửa sớm, bèn ca bài "cá sống vì nước," động lòng "trắc ẩn," anh chủ nhân hoan hỉ ngồi vào máy cắt, nối mấy chục thước vải thành một tấm màn đỏ to "vĩ đại," để tôi có cơ hội phủ nó lên tấm bảng, để vài giờ sau đó mọi người tham dự vỗ tay inh ỏi khi Thống Đốc George Deukmejian kéo tấm màn đỏ xuống, lộ ra chữ "Little Saigon Next Exit" thân thương.


image040image041image042image043


Kỷ niệm thì nói hoài không hết, tôi xin ngừng tại đây. Bây giờ mỗi lần chạy trên Freeway 405, 22 thấy mấy tấm bảng "Little Saigon Next Exit" làm tôi chạnh lòng nhớ về kỷ niệm, mà kỷ niệm này thì tôi khó mà quên được cho đến lúc xa lìa trần thế./


Ngô Kỷ
01 Tháng Mười 2017(Xem: 6713)
28 Tháng Chín 2017(Xem: 8486)