VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ NĂM 20 FEB 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)
California: Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trước dàn "đàn hặc" dân chủ và nhân quyền
* San Jose: Đeo khăn quàng Cờ Vàng lên cổ Đại sứ.
* Little Saigon: Dân chủ và Nhân quyền hỏi tới tấp.
VĂN HÓA
20/2/2020
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trong buổi tiếp xúc với tập thể cộng đồng Việt-Mỹ tại nam California, tổ chức tại hội trường đại học Coastline College, Tp Garden Grove hôm 219/2/2020. Ảnh Lý Kiến Trúc.
Quang cảnh tập thể cộng đồng Việt - Mỹ ngồi trên bục cao đối diện với bàn chủ tọa.
Trên bàn chủ tọa từ trái: Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal (D), Đại sứ Daniel J. Kritenbrink (R), Dân biểu Liên bang Lou Correa (D - cựu Thượng Nghị Sĩ), Dân biểu Liên bang Harley Rouda (D), Dân biểu Liên bang Katie Porter (D). Photo: Lý Kiến Trúc
Đại Sứ Daniel J. Kritenbrink đã có hai buổi tiếp xúc với tập thể cộng đồng Việt - Mỹ và họp báo tại Jan Jose (bắc Calif.,) vào ngày thứ Ba 18/2/2020, và tại Little Saigon (nam Calif.,) vào ngày thứ Tư 19/2/2020, thu hút đông đảo cử tri người Việt và giới truyền thông báo chí tham dự.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trước cộng đồng Việt Mỹ tại California được hình thành với sự hiện diện của các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ như: Zoe Lofgren, Anna Eshoo (bắc California) và Alan Lowenthal, Lou Correa, Harley Rouda, Katie Porter (nam California).
Những nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ hai miền nam bắc California đã tổ chức hai cuộc gặp gỡ với đại sứ Daniel J. Kritenbrink, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, được Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) bổ nhiệm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nma vào ngày 27/7/2017.
Trước khi Đại Sứ Daniel J. Kritenbrink từ Hà Nội qua California, nhiều luồng dư luận dự báo ông sẽ phải đối phó với "cơn bão Dân chủ và Nhân quyền" đang sôi sục ở Mỹ cũng như đang u tối tại Việt Nam.
Người ta chờ đợi phản ứng và những câu hỏi dồn dập từ phía cộng đồng cũng như báo chí ở California đến với đại sứ "DAN". Những phản ứng này tựa như "bài bản chào hàng" ông đại sứ Mỹ thuộc chính phủ của đảng Cộng hòa.
Nhưng thực tế không đến nỗi như vậy, vị đại sứ chuyên nghiệp ngoại giao luôn tươi cười và trả lời nhã nhặn những câu hỏi, ông tỏ ra rất vững chãi trước cuộc "đàn hặc bày binh bố trận" về Dân chủ và Nhân quyền đón tiếp ông.
Tham dự cuộc họp báo ở nam California, bổn báo Văn Hóa Online có lẽ là nhà báo ít ỏi đặt các câu hỏi về Biển Đông (South China Sea) đối với Đại sứ Mỹ. Do khá nhiều câu hỏi của các phóng viên, để không làm mất thì giờ, câu hỏi của Văn Hóa Online được in ra hai thứ tiếng Việt - Anh trao tận tay ông đại sứ.
TT Donald Trump, người bổ nhiệm Đại sứ Daniel J. Kritenbrink thay thế Đại sứ Ted Osius, từng bị nhiều chỉ trích vì tỏ ra ít để ý tới tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, có lần ông từng cầm Cờ đỏ phất vui với thiếu nhi Việt trong lần đến thăm ngoại giao Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 27/2/2019.
Văn Hóa Online trích đăng dưới đây hai bài tường thuật của nhà báo Bùi Văn Phú từ San Jose (BBC) và nhà báo Đằng Giao ở Little Saigon (Người Việt). Xin cảm ơn hai vị ký giả. (lkt)
Giới truyền thông báo chí trong cuộc họp báo với đại sứ Daniel J. Kritenbrink ở phòng 206 đại học Coastline College, Tp Garden Grone nam California. Ảnh LKT
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội ‘lắng nghe nguyện vọng’ người Việt vùng Little Saigon
Đằng-Giao/Người Việt
Feb 19, 2020
Ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong buổi nói chuyện tại Little Saigon. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – Ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, vừa có buổi nói chuyện với cộng đồng người Việt vùng Little Saigon, Orange County, California, sáng Thứ Tư, 19 Tháng Hai, tại đại học Coastline Community College, Garden Grove.
Đây là lần đầu tiên ông Kritenbrink đến Little Saigon. Điểm đáng chú ý là ở cánh trái bục nói chuyện, có một lá cờ VNCH, và điều này không gây trở ngại gì cho vị đại sứ.
Trong phát biểu mở đầu, ông Kritenbrink khẳng định rằng hôm nay ông “đến đây với một mục đích quan trọng nhất là lắng nghe nguyện vọng của mọi người để có thể phục vụ hữu hiệu hơn tại Việt Nam.”
Năm nay kỷ niệm năm thứ 45 Cuộc Chiến Việt Nam chấm dứt và kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ông Kritenbrink cho biết, từ ngày nhậm chức hồi Tháng Mười Một, 2017, ông đã làm việc với nhà cầm quyền Việt Nam trên nhiều phương diện như giáo dục, kinh tế, y tế, và củng cố nền hòa bình cũng như tự do mậu dịch giữa hai nước, ngõ hầu giúp Việt Nam có thể độc lập về kinh tế và có một nền an ninh vững vàng.
Từ trái, Dân Biểu Alan Lowenthal, Đại Sứ Daniel Kritenbrink, Dân Biểu Lou Correa, Dân Biểu Harley Rouda, và Dân Biểu Katie Porter. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Chúng tôi đạt dược nhiều tiến triển nhưng vẫn còn nhiều thử thách cần vượt qua,” ông nói.
Vẫn theo vị đại sứ, vấn đề quan trọng bây giờ là giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống an ninh dọc theo vùng duyên hải và “Việt Nam và các quốc gia láng giềng cần củng cố lực lượng quân đội quanh Biển Đông.”
Ngoài ra, vẫn theo ông Kritenbrink, Mỹ sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Về kinh tế, ông nhấn mạnh: “Hai mươi lăm năm trước, hai nước không hề có quan hệ mậu dịch, bây giờ buôn bán hai chiều lên tới $78 tỷ rồi.”
Tuy nhiên, ông tiếp: “Việc đi vào thị trường Việt Nam vẫn có những khó khăn cho nhiều công ty Mỹ.”
Ông cam kết sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua những trở ngại nêu trên.
“Thị trường Việt Nam vẫn là một trong những thị trường phát triển mạnh nhất đối với Hoa Kỳ,” ông tiếp.
Ngay từ đầu, vị đại sứ thứ bảy của Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn là tâm niệm mỗi ngày của ông khi làm việc tại Việt Nam.
Cờ VNCH trong khán phòng. Bìa phải là bà Helen Nguyễn Bảo Hiếu, vợ ông Michael Phương Minh Nguyễn – người đấu tranh cho quyền lợi của người Việt Nam bị CSVN bắt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Tôi luôn giữ trong mình một tấm thẻ để tự nhắc nhở mình là luôn đặt vấn đề nhân quyền và các quyền tự do khác như tôn giáo, ngôn luận, lên hàng đầu,” ông tuyên bố. “Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho tất cả công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam, từ người gốc Việt đến mọi sắc dân khác, hoặc đang du lịch, hoặc đang làm việc.”
Đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, ông Kritenbrink cho biết cách ông làm việc là giải quyết từng trường hợp cá nhân hay đoàn thể song song với bàn thảo với nhà cầm quyền Việt Nam trên địa bàn rộng lớn hơn là toàn quốc.
“Nhưng đây là việc cần thời gian,” ông nói.
Ông nhấn mạnh: “Trong bốn năm qua, việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp là một điều đáng quan tâm. Chúng tôi nhắc nhở chuyện này với họ hằng ngày.”
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đấu tranh, hiện giờ tình hình đàn áp đã khá hơn 10 năm trước đây, theo vị đại sứ cho biết.
Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt rằng ông có đích thân đến thăm những người đấu tranh cho quyền lợi của người Việt như ông Michael Phương Minh Nguyễn hay ông Trần Huỳnh Duy Thức hay không và tình hình sức khỏe của họ ra sao, ông nói: “Tôi chưa có dịp đích thân gặp gỡ họ, nhưng nhân viên của tôi gặp họ ít nhất là một lần mỗi tháng, có khi nhiều hơn. Sức khỏe của họ vẫn khả quan.”
Ông Kritenbrink: “Lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng là nhiệm vụ duy nhất của tôi hôm nay.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ngoài ra, ông vẫn thường xuyên tiếp xúc với đại diện những hội đoàn nhân quyền ngay tại nhà ông ở Hà Nội.
Ông nói. “Được gặp gỡ những nhà đấu tranh này mà không bị cản trở là một điều đáng khích lệ đối với tôi.”
Ông tiếp: “Chúng tôi vẫn tiếp tục thương lượng với nhà cầm quyền Việt Nam để đưa ông Michael về Mỹ càng sớm càng tốt. Đây là một cuộc thương lượng cần nhiều thời gian chứ không thể giải quyết một sớm một chiều.”
Tiếp lời ông về chuyện ông Michael, Dân Biểu Katie Porter (Dân Chủ-Irvine) nói: “Đúng ra ông Michael phải được trả tự do rồi. Mỗi ngày qua đi là một ngày về trễ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có nhiều bước khả quan trong việc đưa ông về với gia đình.”
Bà giải thích: “Năm ngoái, không ai biết tông tích gì về ông cả. Và bây giờ, khi ông được tuyên án rõ ràng rồi, chúng ta sẽ vận động kêu gọi phía Việt Nam thả ông với lý do nhân đạo.”
Về sự kiện Đồng Tâm, ông nói: “Tôi rất tiếc khi thấy sự mâu thuẫn giữa hai phe, nhà cầm quyền và người dân lại căng thẳng đến như vậy, đến nỗi có nhiều người thiệt mạng.”
Hiện giờ, theo ông Kritenbrink, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang làm việc rất sát với cả hai bên để mong sẽ đưa đến một giải quyết ổn thỏa.
Về những quy định mới liên quan đến luật lao động ở Việt Nam, ông cho biết cách nay vài tháng, ông có bàn về chuyện này.
Khán phòng chật người tham dự và giới truyền thông. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Luật nào cũng vậy, luật chỉ có giá trị nếu mọi ngưới dân đều tuân thủ,” ông nói.
Về nghĩa trang Biên Hòa (nay là nghĩa trang Bình An, tỉnh Bình Dương) ông cho biết: “Tôi đã đến tận nơi hai lần, thứ nhất là để quan sát tình hình và thứ hai là để tỏ lòng kính trọng đối với những người chiến sĩ đã nằm xuống.”
Ông cũng cho hay sẽ vẫn làm việc ráo riết để tìm hài cốt 1,246 quân nhân Hoa Kỳ còn mất tích tại Việt Nam.
Chính quyền Hoa Kỳ, ông cho biết, đã bỏ ra $120 triệu để dọn dẹp những thiệt hại do chất độc da cam gây ra. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bãi mìn tại Việt Nam, nhất là tại Quảng Trị.
“Mười năm trước, hơn 70 người chết hàng năm vì đạp mìn tại đây. Trong hai năm qua, con số là zê rô,” ông Kritenbrink nói.
Buổi nói chuyện của đại sứ Mỹ tại Little Saigon được bốn dân biểu liên bang thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang California, đồng tổ chức với sự hợp tác của đại học Coastline Community College.
Bốn dân biểu này là ông Alan Lowenthal, ông Lou Correa, ông Harley Rouda, và bà Katie Porter.
Trước buổi gặp gỡ cộng đồng, ông Kritenbrink có gặp bà Helen Nguyễn Bảo Hiếu, vợ ông Michael Phương Minh Nguyễn, và cho biết rất hân hạnh được gặp bà và các con. (Đằng-Giao)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++
San Jose: Đại sứ Mỹ tại VN: Đối thoại thẳng thắn để giải quyết khó khăn
Bùi Văn Phú Gửi đến BBC từ San Jose California 20/2/2020
Bản quyền hình ảnh Bùi Văn Phú Image caption Đại sứ Daniel Kritenbrink
"Nhân quyền là căn bản và là một thành tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ," Đại sứ Daniel Kritenbrink phát biểu trong buổi gặp gỡ người Việt vùng San Jose chiều thứ Ba 18/2 vừa qua.
Đại sứ Kritenbrink nói ông rất quan tâm đến tù nhân lương tâm và trong túi ông luôn có danh sách một số tù nhân đáng quan tâm, tuy ông không tiết lộ họ là những ai.
Nhưng khi một người đại diện cho Câu lạc bộ Nhà báo Độc lập tại Việt Nam nêu trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam từ mấy tháng qua, ông đại sứ dường như không biết ông Dũng là ai và đã yêu cầu người nêu câu hỏi cung cấp cho vị phụ tá thêm chi tiết về trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng.
Liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam xấu đi trong bốn năm qua, đại diện văn phòng Dân biểu Ro Khanna, ông Nguyễn Hiệp đặt vấn đề là Hoa Kỳ cần phải có những hành động cụ thể để buộc Hà Nội chấm dứt vi phạm các quyền tự do căn bản của dân, Đại sứ Mỹ trả lời: "qua những đối thoại cởi mở và thẳng thắn sẽ giúp giải quyết được những khó khăn này".
Trong ba năm qua ông Đại sứ đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người trong giới hoạt động xã hội dân sự và lắng nghe những quan điểm của họ. Ông tin vào một tương lai phồn thịnh và phát triển cho Việt Nam.
Bản quyền hình ảnh Bùi Văn Phú Image caption Khách tham dự buổi gặp gỡ với Đại sứ Mỹ ở San Jose hôm 18/2/20
Khoảng 70 người đã có mặt tại phòng họp của Quận hạt Santa Clara để nghe Đại sứ Daniel Kritenbrink nói về hiện tình quan hệ Mỹ-Việt 25 năm sau khi hai nước nối lại bang giao. Buổi gặp gỡ do văn phòng của các Dân biểu Zoe Lofgren và Anna Eshoo đứng ra tổ chức.
Dân biểu Lofgren là người đứng đầu của nhóm dân cử quan tâm đến Việt Nam, với danh xưng Vietnam Caucus, tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Trong phát biểu mở đầu, bà nhắc lại là bà luôn quan tâm đến các quyền tự do căn bản, tự do dân sự của người Việt Nam và hôm đầu tháng bà đã cùng đồng viện trong Vietnam Caucus gửi một lá thư đến Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc đàn áp những nhà hoạt động và thả hết các tù nhân lương tâm. Bà cũng đã yêu cầu Chủ tịch Trọng cho mở điều tra liên quan đến tranh chấp đất đai gần đây ở Việt Nam.
Bà Lofgren cho biết trước những vi phạm về tự do tôn giáo của Hà Nội nên Ủy hội Quốc tế về Tôn giáo đã khuyến cáo bộ ngoại giao đưa Việt Nam trở lại vào danh sách những quốc gia đặc biệt quan tâm.
Dân biểu Anna Eshoo nhắc đến những tiến triển trong quan hệ hai nước kể từ ngày cuộc chiến kết thúc vào năm 1975. Từ quan hệ thương mại đến những vấn đề còn tồn đọng như bom mìn trong lòng đất đã làm nhiều người dân vô tội thiệt mạng hay bị thương vong. Quốc hội Hoa Kỳ đã chi ra 132 triệu đô la cho việc gỡ bom mìn trong gần hai thập niên qua.
Bản quyền hình ảnh Bùi Văn Phú Image caption Từ trái: Dân biểu Anna Eshoo, Đại sứ Daniel Kritenbrink, Dân biểu Zoe Lofgren
Đại sứ Kritenbrink cũng nhắc đến thành quả này, nhất là công tác tại khu vực tỉnh Quảng Trị. Ông cho biết trong năm qua đã không có ai bị chết hay bị thương tích do bom mìn còn sót lại.
Xử lí chất độc dioxin cũng nằm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo lời Đại sứ Mỹ, khu vực quanh phi trường Đà Nẵng đã được tẩy rửa hết độc tố da cam vào năm 2018 và công tác đang được tiến hành trong khu vực phi trường Biên Hoà.
Phát biểu trong buổi tiếp xúc, Đại sứ Kritenbrink nhắc đến những thành tựu trong quan hệ hai nước sau 25 năm, từ trao đổi thương mại vào năm 1995 gần như con số không lên đến 78 tỉ đôla hiện nay, đến giáo dục với gần 30 nghìn sinh viên từ Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, họ là những đại sứ thiện chí và sẽ đóng góp cho Việt Nam sau này. Chương trình học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) tuy đã chấm dứt nhưng hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp từ các đại học Mỹ và sẽ giúp Việt Nam phát triển. Đại học Fulbright tại Việt Nam cũng là dấu chỉ Hoa Kỳ giúp Việt Nam về giáo dục nhân văn vì đại học này có quỹ từ bộ ngoại giao Hoa Kỳ, từ USAID và trong tương lai sẽ vận động nguồn tài trợ từ tư nhân.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác với nhau trong các lãnh vực giáo dục, y tế, năng lượng, giao thông, an ninh biển. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền là những khó khăn trong quan hệ giữa hai nước. Ông Đại sứ và Dân biểu Lofgren nhắc đến luật an ninh mạng mà Hoa Kỳ rất chú ý đến và nêu vấn đề với lãnh đạo Hà Nội vì nó giới hạn quyền tự do biểu đạt của người dân.
Trả lời câu hỏi về chương trình đưa tình nguyện viên Peace Corps vào Việt Nam để huấn luyện giáo viên dạy tiếng Anh đã được hai bên ký kết trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, Đại sứ Mỹ nói còn một số chi tiết mà hai bên cần thảo luận trước khi thi hành thoả thuận. Ông hy vọng không bao lâu nữa sẽ có tình nguyện viên Peace Corps đến Việt Nam.
Trong các câu hỏi đặt ra cho ông đại sứ, nhiều người quan tâm đến biến cố Đồng Tâm hồi đầu năm nay. Đại sứ Kritenbrink nói Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát nhưng có nhiều quan tâm đến vụ việc, tuy nhiên thật khó biết được sự thật về những gì đã xảy ra tại đó. Ông tiếc là đã có những người chết trong sự kiện và mong hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách ôn hoà và trong tinh thần pháp trị.
Vấn đề tự do tôn giáo cũng được nêu lên khi người Hmong và người dân Tây Nguyên bị ép buộc chối bỏ đạo của họ, nếu không thì bị chính quyền đàn áp khiến hàng nghìn người chạy trốn qua Thái Lan, hoặc còn ở lại thì không được cấp hộ khẩu nên không thể làm ăn, sinh sống, con cái không được đến trường. Đại sứ Mỹ lắng nghe và ghi nhận.
Một người đã sống tại địa phương 38 năm nêu vấn đề có thể bị trục xuất về Việt Nam do chính sách của Tổng thống Trump, vì ông có phạm pháp trong quá khứ nhưng nay đã hối cải và đang là một cư dân tốt, ông lo sợ bị trục xuất, phải chia cách với hai người con.
Đại sứ giải thích là theo những gì đã ký kết với Việt Nam thì không trả về những ai qua Mỹ trước ngày hai nước bang giao vào tháng 7-1995. Nhưng ông nói thoả ước cũng không nói là cấm không trao trả những ai đến Mỹ trước đó.
Dân biểu Anna Eshoo nói chúng ta sống trong một đất nước dân chủ, có quyền bầu chọn, vì thế bầu cho một tổng thống khác thì chính sách sẽ thay đổi. Bà ngạc nhiên khi biết người bị trục xuất chỉ phạm lỗi nhỏ. Bà nói các chính sách di dân của Tổng thống Donald Trump là tàn ác, bất công và rất sai trái.
Dân biểu Lofgren nói những chính sách di dân hiện nay không có lợi cho người Việt, như không còn chương trình tị nạn, việc trao trả về Việt Nam những người có tiền án gây nhiều bất an.
Trả lời câu hỏi về an ninh lãnh hải, Đại sứ Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuyển giao nhiều tầu tuần duyên để giúp Việt Nam tuần tra trên biển. Về xung đột Biển Đông, ông mong các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp theo tinh thần luật pháp quốc tế.
Bản quyền hình ảnh Huỳnh Lương Thiện, Mõ SF Image caption Đại sứ Daniel Kritenbrink vui vẻ nhận quà kỷ niệm là giây đeo có hình ảnh cờ Mỹ và cờ Vàng và chụp ảnh chung với một số khách tham dự buổi gặp gỡ
Một người hỏi về tình trạng song tịch, Đại sứ khuyên là khi đến Việt Nam nếu có cả hai hộ chiếu Hoa Kỳ và Việt Nam thì nên dùng hộ chiếu Mỹ.
Về hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như giữa người Việt với nhau, Đại sứ cho biết đã hai lần đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ, cũng như ông đã đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ông mới gặp ông Nguyễn Đạc Thành và tán thành công việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hoà của tổ chức của ông Thành.
Một người phát biểu đưa đề nghị chuyến đi Mỹ trong tương lai của thủ tướng Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội nên có chuyến thăm viếng Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington.
Đại sứ Daniel Kritenbrink nhận chức tại Hà Nội từ năm 2017 và đây là lần đầu tiên ông có buổi tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt vùng San Jose. Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với 26 năm trong ngành và hầu hết thời gian phục vụ tại châu Á.
Sau ba năm làm đại diện nước Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink nói rằng hiện nay 96% người Việt có cái nhìn thiện cảm với Hoa Kỳ.
Sau buổi gặp gỡ, ông Đại sứ Kritenbrink được cô Đỗ Minh Ngọc tặng dây đeo với cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng hoà và đứng chụp hình kỷ niệm với một số khách tham dự.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ San Jose, California, Hoa Kỳ.
++++++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Tân đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink: Giấc mơ thành sự thật!
20/11/2017
TTO - “Này anh bạn, hãy gọi tôi là Dan” - ông Daniel J. Kritenbrink bắt đầu cuộc trò chuyện cởi mở với Tuổi Trẻ. Đây là cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên với báo chí Việt Nam của ông trên cương vị đại sứ.
Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink - Ảnh: NG.KHÁNH
Với chiều cao ấn tượng khoảng 1,9m và phong thái thân thiện, tân đại sứ Mỹ cho biết sau kỳ nghỉ phép, ông sẽ cùng người vợ Nhật và hai con đến Việt Nam vào đầu tháng 12 để bắt đầu cuộc sống mới.
Thúc đẩy ngoại giao nhân dân
* Cảm xúc của ông ra sao khi Tổng thống Donald Trump đề cử ông làm đại sứ tại Việt Nam?
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Đó là một giấc mơ thành sự thật, khi tôi có thể đại diện đất nước tôi ở một quốc gia quan trọng như Việt Nam. Tôi rất hào hứng làm việc ở đây, bởi vì tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ hai nước.
Chính phủ Mỹ tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác với Việt Nam là một trong những mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực, nếu không nói là trên toàn thế giới. Trên cương vị mới, tôi cũng cảm thấy nhiều trách nhiệm. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ hai nước.
Lời chào của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink - Nguồn: Facebook của đại sứ
* Gia đình ông phản ứng ra sao khi ông chính thức trở thành tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam, khi họ sẽ đến sống cùng ông trong khoảng 3 năm ở một vùng đất với nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt?
Đây là lần thứ tư tôi đến Việt Nam. Gia đình của tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Vợ và hai con tôi cũng tìm hiểu về Việt Nam qua đọc sách và xem tivi. Chúng tôi rất yêu thích ẩm thực Việt Nam.
Chúng tôi sống ở phía bắc bang Virginia, gần nhà chúng tôi có một nhà hàng Việt Nam. Đó là nhà hàng yêu thích nhất của gia đình tôi. Gia đình tôi mong đợi được thưởng thức món ăn Việt thực sự ngay trên đất Việt Nam.
* Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên ông nêu trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ về thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, đâu là những lĩnh vực khác ông quan tâm và muốn ghi lại dấu ấn cá nhân?
Tôi đã cố gắng phác thảo ra 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ ở Việt Nam và đó đều là những lĩnh vực quan trọng, bao gồm: thương mại - đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người và cuối cùng là xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh.
Tôi cũng sẽ tham gia những lĩnh vực khác như xử lý các dịch bệnh, vấn đề năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, có một lĩnh vực tôi muốn ưu tiên hơn cả chính là thúc đẩy giao lưu nhân dân, đưa sinh viên Việt Nam đến Mỹ và đưa sinh viên Mỹ đến học tập và du lịch ở Việt Nam, cũng như tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho khách du lịch và doanh nghiệp hai nước.
Chúng ta đã vượt qua phần đau thương của lịch sử, hòa giải để xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hai nước. Và trên nền tảng vững chắc này, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu khổng lồ trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân.
Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink
Thương mại là trụ cột
* Tổng thống Donald Trump thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ. Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà ông Trump kêu gọi?
Nhìn vào bản tuyên bố chung và nội dung cuộc họp báo giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chúng ta thấy nhiều dấu hiệu hứa hẹn cho mối quan hệ song phương tốt đẹp trong những năm tới.
Về thương mại, hai bên đã ký kết các thỏa thuận trị giá 12 tỉ USD. Chúng ta cũng đã có những cam kết hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy hợp tác giáo dục thông qua Đại học Fulbright, xử lý hậu quả chiến tranh như cam kết tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, thỏa thuận cho sứ quán Mỹ thuê đất xây trụ sở làm việc.
* Nói với các lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh thương mại công bằng, có qua có lại. Xin ông nói rõ hơn về cách tiếp cận này trong thời gian tới?
Mỹ rất chú trọng theo đuổi thương mại công bằng và có qua có lại. Các công ty Mỹ đang hiện diện ở Việt Nam thuộc những công ty hàng đầu thế giới, có thể đóng góp cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam, giúp cải cách nền kinh tế của nước bạn và mang lại thịnh vượng cho người dân.
Có một số công ty Mỹ lo ngại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có những chính sách phân biệt đối xử các công ty Mỹ và các rào cản đối với cạnh tranh công bằng. Đó là những gì mà Tổng thống Trump muốn chú trọng.
Ông ấy thật sự mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Quan hệ kinh tế - thương mại chính là trụ cột chính của quan hệ song phương.
Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam
* Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Donald Trump nói ông có thể làm trung gian hòa giải tranh chấp ở Biển Đông. Ông có bình luận gì về khả năng này?
Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Nó là tuyến đường biển trọng yếu cho các dòng chảy thương mại. Chúng tôi kiên định rằng sẽ tiếp tục di chuyển và bay qua bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông. Việt Nam và Mỹ nhất trí các nguyên tắc này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng vào các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp. Song song đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam.
* Ông nhận định ra sao về triển vọng hợp tác an ninh hàng hải giữa hai nước, đặc biệt Mỹ thông báo đưa tàu sân bay đến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2018?
Nước Mỹ sẽ hỗ trợ những đối tác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia phát triển năng lực hàng hải của chính mình để họ có thể bảo vệ vùng biển quốc gia, hỗ trợ ngư dân của họ.
Tôi tin tưởng rằng hợp tác an ninh hàng hải chính là một phần thú vị của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là khi một tàu sân bay của chúng tôi sẽ chính thức thăm Việt Nam vào năm 2018.
Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam chính là một biểu tượng đầy sức mạnh trong mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ.
Daniel Kritenbrink: Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
06/11/2017
Thượng viện Mỹ ngày 26-10-2017 đã phê chuẩn ông Daniel J. Kritenbrink làm tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ông Kritenbrink sẽ thay Đại sứ Ted Osius, người sẽ hết nhiệm kỳ tại Việt Nam vào cuối năm 2017.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói: “Mỹ cần một đại sứ tại Việt Nam có thể làm việc để đảm bảo các hiệp định thương mại và dẫn dắt các cuộc đối thoại ngoại giao. Ông Dan Kritenbrink có thể làm được cả 2 nhiệm vụ này”.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đề cử ông Kritenbrink làm đại sứ tại Việt Nam vào cuối tháng 7.
20 năm kinh nghiệm
Là người gốc Virginia, ông Kritenbrink tham gia hoạt động ngoại giao từ năm 1994 và từng đảm trách nhiều cương vị khác nhau. Kritenbrink lớn lên ở nông trại bên ngoài Ashland, Nebraska, con trai của Joyce và Donald Kritenbrink. Ông học trường Trung cấp Ashland High School, nơi ông nổi tiếng với khả năng chơi bóng rổ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kritenbrink là một cố vấn cấp cao phụ trách các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Trước đó, ông từng là Giám đốc phụ trách Các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong cương vị này ông đã từng làm việc với Việt Nam và tham gia các cuộc đàm phán nhằm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng từng đảm đương chức vụ Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và “chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ nhân viên ngoại giao gồm 2.200 người tại 48 văn phòng”.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kritenbrink đã có 20 năm làm nhiệm vụ ngoại giao ở châu Á trong các vai trò nhà phân tích, chuyên gia ngoại giao và nhà hoạch định chiến lược. Ông được miêu tả là người “có thể quản lý một đội ngũ đa dạng và năng động, xoa dịu sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương” và có kinh nghiệm trong các vấn đề khác nhau, từ an ninh cho đến xây dựng mối liên kết thương mại. Ông được coi là “ứng cử viên hoàn hảo để đảm đương chức vụ Đại sứ Mỹ tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Kritenbrink đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Virginia, bang Virginia vào năm 1993, sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân tại Đại học Nebraska - Kearney, bang Nebraska (Mỹ) năm 1991.
Ngoài những chức vụ nêu trên, ông Kritenbrink đã từng giữ chức Cố vấn Chính trị ở Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc (từ 2011 đến 2013), Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ (2009 - 2011) và làm quan chức chính trị tại Trung Quốc (2006 - 2009).
Ông cũng từng là quan chức chính trị và quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Nhật Bản, sau khi kết thúc một khóa huấn luyện tại thủ đô Tokyo (2000 - 2001). Ông Kritenbrink là nhân viên trợ lý của Cục Các vấn đề vùng Cận Đông (1999 - 2000), sau khi làm nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Kuwait từ 1997 đến 1999.
Trong nhiều năm làm nhiệm vụ, ông đã nhận được 10 giải thưởng tuyên dương của Bộ Ngoại giao Mỹ vì những đóng góp lớn của ông. Sau nhiều năm làm việc ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông Kritenbrink có thể nói thông thạo ngôn ngữ của hai nước này.
Năm 1995, ông Kritenbrink và bà Nami gặp nhau ở Tokyo, Nhật Bản. Năm 1996, họ kết hôn và có 2 người con.
Sẽ tạo sự khác biệt
“Tôi thật sự muốn tạo sự khác biệt với những gì tôi làm hoặc công việc nào tôi chọn” là câu nói nổi tiếng của ông Kritenbrink.
Hôm 27-9 vừa qua, ông Kritenbrink đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về những công việc sẽ làm nếu được phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam.
Tại buổi điều trần, ông Kritenbrink nhận định trong 40 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ có những chuyển biến sâu sắc, Việt Nam đã trở thành một "đối tác mang tính chiến lược và quý giá", nhờ nỗ lực của các chính quyền Mỹ trước, quốc hội, cựu binh, cộng đồng doanh nhân và nhiều người trong số hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt.
"Nếu được phê chuẩn, tôi mong muốn làm việc chặt chẽ với thượng viện nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ và xây dựng dựa trên mối quan hệ mạnh mẽ sẵn có giữa Mỹ và Việt Nam", ông Kritenbrink nói.
Ông Kritenbrink tuyên bố sẽ cố gắng tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, hỗ trợ một loạt lợi ích chung, trong 5 lĩnh vực: an ninh, thương mại và đầu tư, nhân quyền, giao lưu nhân dân và các vấn đề nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh.
Được biết, tháng 5-2016, Kritenbrink từng tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này, ông Kritenbrink từng khẳng định “Việt Nam là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi trong Chiến lược tái cân bằng sang châu Á từ những ngày đầu tiên”.
Khi đó, ông Kritenbrink đã nói với báo giới: “Phát triển các mối quan hệ đối tác với những quốc gia như Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chúng tôi. Mỹ mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với những đối tác mới nổi trong khu vực như Việt Nam, sau đó là thắt chặt quan hệ với các đồng minh, cụ thể là Nhật Bản vốn là trọng tâm trong chiến lược châu Á của Mỹ. Chúng tôi muốn cho người dân ở Mỹ thấy một thực tế rằng mối quan hệ đối tác với Việt Nam rất quan trọng cho nền kinh tế của 2 đất nước”.
Được tiền nhiệm ủng hộ
Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Việt Nam dành lời khen cho người được Tổng thống Trump đề cử giữ vai trò kế nhiệm ông. "Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam", Đại sứ Ted Osius đã đăng trên tài khoản Facebook. Osius cho biết ông đã quen biết ứng viên Daniel Kritenbrink từ lâu.
Đại sứ Osius cho biết sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ ở lại Việt Nam và làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hy vọng tiếp tục đóng góp cho quan hệ 2 nước. Ông Osius cho biết dự định như vậy tại buổi chào từ biệt Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác (2014-2017) hôm 17-10, tại Hà Nội.
Ước Lễ
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink vừa đến thăm nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đại sứ Daniel Kritenbrink, thứ tư từ phải sang, tại Nghĩa trang Biên Hòa 6/12/2018. Courtesy of Lê Nguyễn Hương Trà