Nguyên Giác: “Đọc Kinh Phật, nhớ Bùi Giáng”

06 Tháng Mười 20219:45 SA(Xem: 2709)

VĂN HÓA ONLINE – NHÂN VĂN - THỨ TƯ 06 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


LTS: Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), người gốc Quảng Nam (Quảng Nôm), nơi có Thánh địa Mỹ Sơn, được xem là thủ đô nguyên thủy bí ẩn của Vương quốc Champa. Mạch sống của người dân Champa chịu ảnh hưởng rất lớn đạo Bà La Môn và tục lệ thờ cúng Linga và Shiva.


Nói đến người Chàm, người ta hay nói đến người Hời, giọng hò Hời ai oán. Danh xưng Hời hay người Hời rất ít được nhắc đến, chữ này xuất hiện một vài lần trong tập thơ Điêu Tàn, năm 1937, của Chế Lan Viên.


Chính sử viết, năm 1306, Vua Trần Nhân Tông “gả” Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân, đổi lại, sính lễ của Chế Mân là dâng hai châu Thuận Châu và Hóa Châu cho Đại Việt.


Ngoại sử viết trong những trận đại chiến giữa quân Đại Việt và quân Champa, quân Đại Việt đã giết 60 ngàn quân Champa trong một đêm, chỉ chừa lại đàn bà, và sau đó để lại hàng vạn tân binh Đại Việt trụ - khai khẩn ở đất Quảng Nam và các vùng đất khác thuộc Chiêm Thành.


Nếu quả đúng như vậy, di sản các trận hòa huyết khác thường độc đáo của quân dân Đại Việt trải hơn 700 trăm năm cho đến ngày nay, người-sắc tộc Champa trở nên một cộng đồng nhân văn gần gũi trong cộng đồng xã hội Việt Nam. Những kiến trúc của Vương quốc Champa như Tháp Chàm, mỹ thuật cổ vật Chàm, được UNESCO vinh danh là di sản bất hủ không những của nhân loại mà còn là tài sản vô giá của quốc gia Việt Nam.


Trong một lần về thăm Phan Rang năm 2016, khi đến viếng Tháp Chàm, tôi có phỏng vấn một vị đàn ông lớn tuổi người Chăm có nhiệm vụ chăm sóc Tháp Chàm, hỏi sao không thấy chỗ thờ bà Huyền Trân ở đây, ông ta chỉ về dẫy núi xa xa và nói am thờ bà Huyền Trân ở mãi chân núi đằng kia kìa. Có vẻ như người Chàm không thích Công chúa Huyền Trân.


Thi sĩ Bùi Giang không chỉ là một thiên tài về thi ca - ngôn ngữ thi ca, ông còn là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa văn học ở miền nam Việt Nam trước năm 1975.


Bùi Giáng được xem như một hiện tượng dị kỳ trong văn học, văn hóa, văn nghệ miền nam VN, phải chăng ông là hiện thân của Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm?


Dư luận đồn rằng, nữ kịch sĩ Kim Cương - một huyền thoại tình yêu ngự trong tim thi sĩ Bùi Giáng.


Sau ngày 30/4/75, hình ảnh Bùi Giáng đậm nét là một người đàn ông “rách rưới điên khùng” đã tới thời kỳ "bắt đầu điên rực rỡ", sáng chiều hay đứng ở cầu đường Trương Minh Giảng trước cửa Đại học Vạn Hạnh, khoa chân múa tay “chỉ đường” cho người và xe chạy.


Xin giới thiệu bạn đọc bài viết đặc biệt của nhà báo đạo Phật, Cư sĩ Nguyên Giác: “Đọc Kinh Phật Nhớ Bùi Giáng”. (lý kiến trúc)
image013

Đọc Kinh Phật, nhớ Bùi Giáng


Nguyên Giác


Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời về nhà thơ Bùi Giáng. Người viết không có thẩm quyền gì, cả về Phật học và văn học.


Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít. Nếu đúng như thế, hẳn Bùi Giáng phải là một bậc thánh. Cũng cần tự nhắc: chỉ có Đức Phật mới nhận định được rằng người này, hay người kia đã tới mức thế này, hay thế kia. Do đó, hễ tự suy đoán là không nên. Dù vậy, rất nhiều lần, khi đọc Kinh Phật, tôi lại bất chợt nhớ tới nhà thơ Bùi Giáng, người lãng đãng giữa cuộc đời với một cách sống rất dị thường.


Kể từ thời Đức Phật cho tới nhiều thế kỷ sau, các nhà sư là kẻ không nhà, thường mặc áo vá, có khi lang thang hay trú xứ chỉ là nơi bất định, hàng ngày đi khất thực, không làm những việc bất thiện, không nói những lời bất thiện, không nghĩ những niệm bất thiện, và sống với tâm hướng về không tham sân si. Có phải đó là một hình ảnh, rất giống với một Bùi Giáng ở Sài Gòn?


.


Nhà thơ Bùi Giáng đã viết rất nhiều, dịch rất nhiều và đặc biệt làm thơ rất nhiều, như dường chỉ quan tâm thuần túy mỹ học ngôn ngữ. Nhưng không phải. Bùi Giáng quan tâm về lịch sử theo cách riêng, và về Phật học theo cách riêng. Như thế, Bùi Giáng đã làm thơ và bình thơ cũng theo cách riêng. Đôi khi chỉ một câu thơ, mà các nhà phê bình khác có thể xem là bình thường, lại được Bùi Giáng nhìn như là gói trọn mấy trăm bộ kinh Phật.


Trên blog của nhà văn Lưu Khâm Hưng, nhà thơ Bùi Giáng trong sách “Đi vào cõi thơ” khi nhận định về thơ Hồ Dzếnh đã viết, trích:


Vì trong đó có ba sử lịch đang gùn ghè nhau. Sử lịch Trung Hoa, sử lịch Việt Nam, sử lịch Chiêm Thành:


Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm


Một câu thơ đơn giản như thế mang toàn khối Như Lai trong mấy trăm bộ kinh Phật. Và thừa dư công lực hư vô để thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học Tây Phương.[...] Hễ thong dong tự tại thả mình theo thơ đó, thì cảm thấy như mình biến làm thiên thần. Mà hễ hì hục cố bàn giải vào, thì bỗng nhiên tức thở, ngột hơi, cảm thấy mình là một con đười ươi lếu láo trơ trẽn, không biết xấu hổ là gì. Lỡ viết ra đôi lời giải thích thì về sau sẽ ân hận, sẽ mòn mỏi máu me kịch liệt…” (Bùi Giáng – Đi vào cõi thơ)


Xin mời đọc kỹ, đọc chậm, đọc đi và đọc lại các dòng chữ trên. Bùi Giáng đã quan tâm về những trận thảm sát giữa các dân tộc, nhưng không để tâm bị lôi cuốn vào những dính mắc rất trần gian. Bùi Giáng thương cảm cho một đất nước Chàm bị xóa sổ, nhưng đã đưa vào dòng Kinh Phật để chỉ ra rằng đó là khổ, đó là vô thường, đó là lòng tham giữa các chúng sinh cõi này, giữa những người tự chấp thủ để chia phe rằng có tôi và có ta là Trung Hoa, là Việt Nam, là Chiêm Thành. Bùi Giáng dẫn vào câu thơ, chỉ vào chiếc lá rụng, chỉ vào nụ hoa rơi để nói về đất nước Chàm, và rồi hiển lộ các pháp ấn Như Lai. Và rồi, nhà phê bình văn học Bùi Giáng yêu cầu “hễ thong dong tự tại” thì sẽ khinh an, sẽ hỷ lạc… còn như vin vào chữ mà “hì hục cố bàn giải vào” thì sẽ rơi vào cõi “đười ươi lếu láo” chẳng biết tàm quý là gì. Than ôi, cõi này đâu có bao nhiêu người hoằng pháp được như Bùi Giáng: chỉ bình thơ thế gian mà chỉ ra lối vào của Thiền Tông.


Giữ tâm thong dong tự tại, chính là ngay trong đi đứng nằm ngồi mà vẫn tịch mặc vô ngôn. Trong tận cùng, Đức Phật đã dạy như thế. Hễ thong dong tự tại, hễ nhận ra tâm tịch mặc vô ngôn, thì hãy quăng bỏ hết các bè đang vác trên vai đi, chớ còn hỏi làm chi về những cái gọi là pháp học với pháp hành. Trong Thiền sử Việt Nam, có nhà sư Vô Ngôn Thông đã chỉ ra nơi tận cùng tâm thể giải thoát, là nơi tịch mặc vô ngôn. Và rồi bây giờ, Bùi Giáng đã viết rất nhiều lời, cũng để chỉ ra cái-không-lời, cái vô ngôn tịch mặc.


.


Trong Kinh MA-100, Đức Phật đã chỉ vào cõi tâm tịch mặc vô ngôn, theo bản dịch của Tuệ Sỹ, trích:


Này Ni-kiền, ý ông nghĩ sao, vua Tần-tì-sa-la có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong bảy ngày bảy đêm không?’ Ni-kiền đáp, ‘Không, thưa Cù-đàm’. Ta hỏi, ‘Thế có được hoan hỷ, khoái lạc trong vòng sáu, năm, bốn, ba, hai hay một ngày một đêm không?’ Ni-kiền đáp: ‘Không, thưa Cù-đàm’. Ta lại hỏi, ‘Này Ni-kiền, Ta có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong một ngày một đêm không?’ Ni-kiền đáp, ‘Được, thưa Cù-đàm’. Ta hỏi, ‘Thế Ta có được hoan hỷ trong vòng hai, ba, bốn, năm, sáu, cho đến bảy ngày bảy đêm không?’. ‘Được, thưa Cù-đàm’.” (1)


.


Lời dạy về nhận ra tâm tịch mặc vô ngôn đã có từ rất xa xưa trong Thiền sử Việt Nam, thí dụ, như với ngài Vô Ngôn Thông (759 (?) – 826), một Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, ngài Vô Ngôn Thông qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết sư là cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, sư gọi Cảm Thành đến nói kệ:


Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh
Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.


Tạm dịch:


Tất cả các pháp đều từ tâm sinh khởi
[Thấy] tâm không chỗ sinh, [thì] pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất tâm chỗ trụ không ngại
[Nếu] không gặp thượng căn, hãy dè dặt chớ dạy.


Đó là chỉ vào bản tâm tịch mặc vô ngôn. Chỉ nói với người thượng căn thôi. Thấy được tâm thể này thì không cần ngồi, không cần tụng kinh, không cần làm bất cứ gì nữa, vì thấy tâm tịch mặc vô ngôn này là đã lìa xa tất cả những gì gọi là tham sân si. Thấy xong, tức là Thấy Tánh, thì không cần làm gì nữa, chỉ cần bảo nhiệm, chớ để thất niệm.


Thực sự, chữ “tâm” vẫn còn khó hiểu, bởi vì đã gói gọn vào một chữ. Nếu tách ra, để có thể diễn dịch sang cách khác, sẽ thấy dễ hiểu hơn. Thử bắt chước Đức Phật, để tách ra từng phương diện, thử thay các chữ “cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi… cái được tư lường” thay cho chữ “tâm” --- chúng ta sẽ nhận ra lời Đức Phật từ rất xa xưa. Trong Kinh Bahiya, Đức Phật không nói kiểu ngắn gọn là “tâm” mà đã nói rời ra rằng hãy giữ tâm thế này: “Thế này, Bahiya. Ông nên tu tập thế này. Trong cái được thấy chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe là cái được nghe…” Hễ tâm giữ được như thế, tức khắc các duyên của ba cõi, sáu đường đều biến mất. Và lúc đó là tịch mặc vô ngôn.


Tất cả những hình ảnh, những âm thanh, những mùi hương… nhẫn tới những niệm tưởng đều thực sự như bọt nước, như quáng nắng… không từ đâu thực sự sinh ra, đều từ vô lượng duyên để khởi dậy, và rồi để tịch diệt, như chẳng đi về đâu. Kinh Phật đã nói rằng, cũng như khi dầu đã cạn, khi bấc lụn tàn, ngọn lửa sẽ tắt, và lửa chẳng thể nói là đã đi về đâu. Và lửa đó, chính là các tia lửa được thấy lung linh khi còn dầu, chính là cái mùi hương được ngửi của khói khi còn dầu, chính là hơi nóng được cảm thọ của lửa khi còn dầu… Các pháp đều vô thường như thế. Vậy thì lấy pháp nào để trụ.  Ngay khi tâm đã nhận ra chỗ tịch mặc vô ngôn đó của tâm, thì tức khắc tham sân si chỉ còn là chuyện của những ngày hôm qua.


Như dường dẫn ra Kinh Phật, Bùi Giáng đã viết rằng cái được thấycái được nghe chỉ là như mộng:


Tôi nhìn tôi ngắm tôi nghe
Nghe là nghe mộng không nghe tò mò


(Bùi Giáng - bài đầu trong thi tập Đêm ngắm trăng)


Nói về cái được thấy. Cũng như khi chúng ta nhìn trăng, thấy chiếc dĩa tròn lơ lửng trên bầu trời, lúc tròn, lúc khuyết. Thấy trăng, dù trăng trên bầu trời hay trăng ảnh hiện nơi mặt nước, chỉ là tâm nhìn thấy tâm, chỉ là tâm nhìn thấy cái được thấy. Nghĩa là, các pháp vốn tịch mặc vô ngôn, nhưng chỉ có tâm chúng ta động. Đó là lý do khi thấy hai vị tăng đang tranh cãi, người nói rằng gió động, người nói phướn động, thì Lục Tổ Huệ Năng nói rằng chỉ là tâm của hai vị động.


Nói về cái được nghe. Thí dụ, tiếng đàn tỳ bà. Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà) ghi lời Đức Phật kể về một vị vua khi nghe tiếng đàn tỳ bà, nhận ra tiếng đàn khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn nên vua ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn tỳ bà làm cả trăm mảnh, nhưng cũng không tìm ra, vì tiếng đàn là do nhiều nhân duyên mới thành. Nghĩa là tất cả pháp đều vô ngã. Nghĩa là, cái được nghe chính là hiển lộ của tâm, ứng vật mà hiển lộ, nhưng có tìm hoài cũng không ra dấu vết. Vì bản tâm, nơi lìa tất cả các chỗ trụ, lìa tất cả sở duyên, thì đó là tịch mặc vô ngôn. Có thể dẫn ra cái được nghe (lá rơi) qua thơ Bùi Giáng, rồi chìm vào sương mù vô ngôn tịch lặng:


Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù.


(Bùi Giáng - Mai sau em về)


Tương tự với mùi hương, tức là cái được ngửi. Bùi Giáng chỉ ra rằng mùi hương đã hiển lộ như không từ đâu, hệt như từ Không mà hiện ra Có, và rồi lãng đãng biến mất như chẳng về đâu. Vì thực sự không có cái gì gọi được là Có hay Không, vì tất cả các pháp chỉ là đang diễn biến, đang hình thành, đang chảy xiết, và không có cái gì gọi được là cái gì, vì tất cả chỉ là ảnh của gương tâm vốn rất mực tịch lặng vô ngôn. Trong thi tập Như Sương, nhà thơ Bùi Giáng qua bài “Lúc ngoảnh lại” đã viết, trích:


Lúc ngoảnh lại - mùi hương bay mất
Lúc quay đi - phảng phất phía sau
Muôn hương muôn sắc muôn màu
Tập thành hậu diện Chiêm Bao Niết Bàn


(Bùi Giáng – Lúc ngoảnh lại)


.


Đối với Thiền Tông, hễ thấy nguồn tâm vốn tịch lặng vô ngôn, thì không cần làm gì nữa, chỉ cần chăn trâu thôi, hãy cứ để mặc các pháp hiển lộ. Theo kiểu riêng, Bùi Giáng cũng nói về cái tịch mặc vô ngôn giữa vô lượng ngôn từ của ông. Phải chăng, Bùi Giáng đã từng mời gọi độc giả lắng nghe cái vô ngôn giữa những gì ông viết? Trên mạng Talawas, nhà văn Mộc Giai đã trích lục nguyên văn từ bài Tựa, do Bùi Giáng viết năm 1965 cho quyển Sương Tỳ Hải, sách ấn hành bởi nxb Phú Vang, Sài Gòn 1966. Bài rất dài, nơi đây chúng ta trích lại phần rất ngắn:


Ngôn ngữ tái tạo tân thanh. Ngôn ngữ thiết lập thịnh triều của ngôn ngữ. Vô thanh vô tức trong Nếp gấp Bất tư nghi của Vô Ngôn. Nói nghìn lời để dìu cái-không-lời về trong cái-không-nói. Và cái-không-nói cũng thường là cái mệnh đề phụ thuộc giắt cài thêm, lửng lơ như cái-nói-rằng-không là triền miên trong-có vậy.


Thường thấy người ta phàn nàn: thằng nọ viết văn làm thơ lớ mớ, nửa cỏ nửa gai, không gì ra rành mạch cả. Sao nó không viết đơn giản rành rõ như ông Nguyễn Du, như ông Hồ Dzếnh, như ông Khổng, ông Lão, ông Trang? Tưởng như ông Khổng, ông Trang, ông Du, ông Dzếnh viết văn rành mạch đơn giản lắm! Tưởng như người ta đã hiểu rõ cái điều ông Khổng, ông Du đã nói! Và hỡi ôi! Tưởng như ai ai cũng có thể và có bổn phận phải viết như các thánh sống, thần linh kia! Kỳ dị thay!” (Bùi Giáng – Không cốc túc âm, 1965) (2)


Rất nhiều Thiền sư gần đây cũng chỉ về một bản tâm tịch lặng vô ngôn. Thầy Thích Thanh Từ, trong "Hoa Vô Ưu - tập 9" qua bài thuyết pháp ở Chùa Vạn Đức, Hội An, năm 2002 đã nói, trích: "Trực chỉ nhân tâm là chỉ thẳng tâm người. Kiến tánh thành Phật là thấy tánh thành Phật. Nếu ta phản quan nhìn lại tâm lăng xăng thì nó lặng, chứng tỏ tâm đó hư dối không thật. Khi tâm hư dối lặng rồi, ta liền nhận ra bản tánh Phật của mình. Thế nên nói trực chỉ, chỉ thẳng chớ không quanh co, vòng vo gì hết."


Thầy Nhất Hạnh cũng thường dạy về sự im lặng hùng tráng, sự im lặng thánh thiện. Thầy Thông Triệt cũng thường dạy rằng hãy ngừng tiếng nói thầm trong tâm. Trong sách Tiểu Chỉ Quán (không nhớ chính xác nhan đề, chỉ nhớ sách dày khoảng 30-40 trang), dạy về Thiền Chỉ Quán mà tôi có cơ duyên đọc và đã say mê Thiền tập theo từ những ngày còn rất thơ trẻ --- để rồi một thời gian sau chợt nhận ra 3 chữ quan trọng trong sách, và còn in mãi trong tâm tới giờ: “Thể chân chỉ” (nương theo cái chân thực mà tịch lặng).


Nói chuyện như thế, không phải để vin theo các bậc trưởng lão. Thực sự, trong tâm tôi vẫn gần với Bùi Giáng hơn tất cả các nhà sư. Tôi từng nghĩ, nếu gọi Bùi Giáng là Bang chủ chín túi của Cái Bang, đương nhiên tôi hẳn là thiếu niên một hay hai túi đang lẹt đẹt chạy theo họ Bùi. Nói như thế, cũng là tự mình chấp thủ. Tôi thường tránh nói là mình đứng nơi bang nào, tông nào, phái nào, đặc biệt thường tránh những cuộc tranh luận về Thiền hay Tịnh, về Nam Tông hay Bắc Tông. Nếu bất đắc dĩ phải nói thì chỉ xin mượn lời một Thiền sư Trung Hoa để tự nhận là kẻ không nhà (lìa cả danh sắc), không ruộng (lìa cả phước điền của ba cõi), không đất cắm dùi (lìa cả tâm có và tâm không) … thì dò đâu ra tông nào. May ra, nói là Cái Bang thì hợp hơn. Trong cái tâm tịch lặng vô ngôn, trong cái tâm lìa tham sân si… lấy chỗ nào mà gọi là Nam Bắc Đông Tây hay bất kỳ một chữ nào.


Khi mới vào đại học, tôi nghĩ rằng Bùi Giáng mang nhiều tính Phật học hơn là văn học, phần lớn cũng vì biết họ Bùi đang ngụ cư trong Đại Học Vạn Hạnh. Suy luận như thế, bởi vì tôi hoàn toàn không hiểu hết những gì Bùi Giáng viết, dù là thơ. Thực tế, cuốn Tư Tưởng Hiện Đại thì tôi chịu thua, không hiểu nổi…  Nhưng tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng Bùi Giáng viết văn và làm thơ hẳn là có hàm ý đạo. Tôi không hiểu hết tất cả những gì Bùi Giáng viết (cả lúc đó, và cả bây giờ), nhưng nhiều câu thơ họ Bùi mang ý đạo rất thâm sâu, đọc chỉ lờ mờ mà hiểu (và bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau đó, nếu gọi là hiểu, cũng e là không chắc). Và tôi nghĩ là mình chỉ hiểu phần nào Bùi Giáng khi đối chiếu với Kinh Phật (dĩ nhiên, xin nhắc rằng, tất cả các dòng chữ trong bài này không có thẩm quyền gì hết).


Trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân” trong thi tập đầu tay, nhan đề Mưa Nguồn (hình như lần đầu in là 1962 hay 1963), đoạn cuối bài là 4 câu nêu lên một cõi tịch lặng trong pháp giới tâm sinh diệt trùng trùng đó:


…Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân


Hay chỉ là trùng hợp thôi? Nhưng, đọc kỹ, vẫn cứ thấy pháp ấn vô thường luôn luôn ẩn hiện trong các dòng thơ Bùi Giáng. Cũng trong thi tập Mưa Nguồn đó, pháp ấn vô thường đã được Bùi Giáng nói ngay trong 4 câu đầu bài thơ “Màu Thiên Thanh Mở” --- không phải vô thường là ngày với tháng, nhưng là chỉ trong một phút, và hình ảnh rất thơ mộng với màu sắc, với suối và đồi, với mây và đất, trích:


Một phút nữa thôi
Và màu sẽ mất
Suối sẽ xa đồi
Như mây xa đất...


Nhiều thập niên sau, khi đã ra hải ngoại, được đọc thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Bùi Giáng – một người như dường không còn tham (không hề tham tiền, không hề tham danh vọng; kể cả không tham nhan sắc vì như dường phụ nữ đã trở thành một biểu tượng, không còn là một hình dáng để mắt ưa nhìn, để tai ưa nghe và để thân thể xúc chạm), không còn sân (không nghe ai kể về chuyện họ Bùi nổi giận với ai), và không còn si (có lúc làm thơ cả trăm bài không ngưng nghỉ; có lúc nào họ Bùi si thì chúng ta không biết rõ). Tôi nghĩ, thế thì, ngay cả khi còn mờ nhạt tham sân si, thì cũng hẳn là một bậc thánh, nếu không phải bậc Bất Lai (không về lại cõi này), hẳn là Nhất Lai (về chỉ một kiếp nữa), thì hẳn là Thất Lai (về 7 kiếp nữa).


Nếu Bùi Giáng mặc áo nhà sư, hẳn là chúng ta sẽ tin rằng họ Bùi là một vị tái sanh. Thậm chí, sẽ có người nói Bùi Giáng là một phiên bản Tế Điên Hòa Thượng (1130 - 1209), một nhà sư Trung Hoa dị thường như dường không có thực. Bùi Giáng cũng thế, vài thế kỷ sau, nhiều người đời sau cũng có thể ngờ vực rằng họ Bùi không có thực, chỉ là nhân vật nửa huyền thoại, nửa đời thực. Chỉ có những người cùng thế hệ với họ Bùi mới tin rằng thật sự có người như thế thơ mộng như thế, gần như gọi được là ly tham sân si như thế. 


Trong Kinh AN 3.34, Đức Phật giải thích về cõi vô sanh của bậc ly tham sân si như thế (và chúng ta có thể thấy phần nào hình ảnh Bùi Giáng nơi đây):


Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.


Phàm nghiệp nào được làm vì không sân … Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si … Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.” (3)


.


Xin phép nói thêm một kinh nghiệm rất mực kỳ lạ. Khi đọc Kinh Pháp Cú, nơi Phẩm Bà-La-Môn (Phẩm 26), tôi đã thấy như dường Đức Phật đang nói về nhà thơ Bùi Giáng. Nơi bản dịch của Thầy Thích Minh Châu, xin trích từ phẩm này, như sau (viết theo văn xuôi cho dễ đọc), trích:


385. "Không bờ này, bờ kia. Cả hai bờ không có. Lìa khổ, không trói buộc. Ta gọi Bà-la-môn."


391. "Với người thân miệng ý, Không làm các ác hạnh. Ba nghiệp được phòng hộ, Ta gọi Bà-la-môn."


406. "Thân thiện giữa thù địch. Ôn hòa giữa hung hăng. Không nhiễm, giữa nhiễm trước, Ta gọi Bà-la-môn."


407. "Người bỏ rơi tham sân, Không mạn không ganh tị, Như hột cải đầu kim, Ta gọi Bà-la-môn."


410. "Người không có hy cầu, Đời này và đời sau, Không hy cầu, giải thoát, Ta gọi Bà-la-môn."


412. "Người sống ở đời này. Không nhiễm cả thiện ác, Không sầu, sạch không bụi. Ta gọi Bà-la-môn."


417. "Bỏ trói buộc loài người, Vượt trói buộc cõi trời. Giải thoát mọi buộc ràng, Ta gọi Bà-la-môn."


421 "Ai quá, hiện, vị lai. Không một sở hữu gì, Không sở hữu không nắm, Ta gọi Bà-la-môn." (4)


.


Nơi đây, xin ghi chú thêm về bài kệ 407 dẫn trên, nhóm chữ "như hột cải đầu kim" là nói người sống được cái vô thường, thấy tất cả các pháp đang chảy xiết trên thân tâm mình hệt như hạt cải lơ lửng nơi đầu mũi kim. Bất kỳ ai kinh nghiệm như thế, thì không còn một chữ nào hiện lên trong tâm, vì trên dòng chảy xiết nơi đầu mũi kim, không pháp nào hình thành được để gọi là có một vật. Nghĩa là, "Không phải Phật, không phải tâm, không phải vật" và nơi dòng chảy xiết đó, không còn thấy gì gọi là thiện hay ác nữa (như bài kệ 412 nêu trên); lúc đó, tất cả buộc ràng đều biến mất, vì tất cả chỉ là một pháp Như thị. Có phải nhà thơ Bùi Giáng đã sống với tâm như thế? Nơi đây, không dám trả lời khẳng định, chỉ đoán rằng, họ Bùi hẳn là đã rất gần như thế.


Nguyên Giác, 10/2021 --- Để tưởng niệm ngày Bùi Giáng từ trần 7/10/1998.


GHI CHÚ:


(1) Kinh MA-100: https://suttacentral.net/ma100/vi/tue_sy


(2) Bùi Giáng, Không cốc túc âm: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php/gn/showFile.php?res=2443&rb=0306


(3) Kinh AN 3.34: https://suttacentral.net/an3.34/vi/minh_chau


(4) Kinh Pháp Cú: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/1/pham-21-26
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 553)