Trần Anh Tuấn viết về Linh mục sử gia Nguyễn Phương

20 Tháng Mười 20217:27 SA(Xem: 3130)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ TƯ 20 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Linh mục sử gia Nguyễn Phương

image001

TRẦN ANH TUẤN


Linh mục sử gia Nguyễn Phương sinh năm 1921 tại Quảng Bình. Thụ phong linh mục năm 1953, năm sau linh mục đi du học Hoa Kỳ và lấy bằng Master of Arts (MA) tại San Francisco State University năm 1956.


Bộ Quốc Gia Giáo Dục thời Đệ Nhất Cộng Hòa trong thập niên 1950 chỉ xét văn bằng Bachelor (BA) tương đương với Cử Nhân Tự Do và Master (MA) tương đương Cử Nhân Giáo Khoa. Do đó, khi linh mục Nguyễn Phương hồi hương thì về Đà Nẵng dậy tại trung học tư thục Sao Mai.


(Sau này, vào thập niên 1960 khi ảnh hưởng của Mỹ càng ngày càng sâu đậm trong đời sống công tại VNCH thì MA được nâng lên tương đương với văn bằng Cao Học. Rồi thập niên 1970 thì Hội Cựu Sinh Viên các Đại Học Hoa Kỳ tại Sài Gòn vận động để MA tương đương văn bằng Tiến Sĩ khiến báo chí Sài Gòn bấy giờ đưa nhiều bản tin chi tiết về tiến sĩ MA!)


Nhờ một vị linh mục khác, là Cha Cao Văn Luận hồi đó là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế can thiệp, nên linh mục Nguyễn Phương được về làm giáo sư Sử Học tại hai trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Huế từ năm 1957 cho đến tháng 4.1975.


Tháng 5.1975, linh mục trở thành thuyền nhân từ Vũng Tàu đến được Singapore rồi sang Hoa Kỳ, làm một người “homeless, stateless, and helpless” như linh mục tự nhận. 


Năm 1976 cùng một số nhà nghiên cứu khác định cư tại Hoa Kỳ, linh mục Nguyễn Phương được tổ chức Ford Foundation trợ cấp để nghiên cứu một đề tài tự chọn. Đó là nghĩa cử của Mỹ nhằm giúp một số trí thức gốc Việt ổn định cuộc sống khi mới định cư. Linh mục chọn đề tài The Ancient History of Vietnam. A New Study (bản thảo chưa in, 202 tr.). Đây có lẽ chỉ là bản dịch tác phẩm Cổ Sử Việt Nam Trong Ngoại Kỷ Toàn Thư hoàn tất từ tháng 10.1973 mà khi vượt biển linh mục Phương đã đem theo.


Ở trong nước ngay từ năm 1957, linh mục Nguyễn Phương đã cho xuất bản Liên Lạc Giữa Mỹ và Việt Nam (có lẽ đây là tiểu luận Master về Sử tại San Francisco State University), Sự Quan Trọng của Đông Dương Trước Mặt Quốc Tế...


Đến năm 1964, linh mục cho xuất bản tác phẩm Phương Pháp Sử Học vốn được đăng từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) trước đó. Song song với linh mục Nguyễn Phương tại Viện Đại Học Huế, môn Phương Pháp Sử được dạy tại Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn do giáo sư Trương Bửu Lâm phụ trách.


Tiếp theo là một loạt những sử phẩm khác, gồm Việt Nam Thời Khai Sinh (1965), Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn (1967), Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn (1974)... Linh mục soạn cả sách giáo khoa trung học, như 82 Năm Việt-Sử 1802-1884 (1963).


Khi định cư tại  Hoa Kỳ, sau The Ancient History of Vietnam. A New Study, linh mục viết tiếp A Parade of American Puppets. A Story of South Vietnam from 1954 to 1975 nhằm đề cao lòng ái quốc cùng vai trò lịch sử của tổng thống Ngô Đình Diệm và kết án chính sách của chính quyền Hoa Kỳ, là sử dụng những người bù nhìn tại Việt Nam Cộng Hòa, điển hình là Nguyễn Văn Thiệu. 


Trong nghiên cứu, linh mục Nguyễn Phương tỏ ra xông xáo với nhiều ý tưởng mới lạ, nhờ đó hoàn tất một số công trình có tính cách khai phá.


Như sách Phương Pháp Sử Học là tác phẩm in và phát hành đầu tiên về đề tài này thời VNCH. Trước đó, giảng khóa Sử Học Phương Pháp Luận của giáo sư Trương Bửu Lâm chỉ được quay ronéo dành riêng cho sinh viên Ban Sử Địa trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn niên khóa 1963-64. Năm 1970 thì giảng khóa này mới được in trong Sử Học Nhập Môn (Sài Gòn, Văn Hào xb), nhưng cẩu thả đến những lỗi đánh máy trong bản ronéo cũng còn nguyên, và tựa đề biến thành Phương pháp sử học Tây phương, còn tên tác giả không còn là giáo sư Trương Bửu Lâm nữa, mà là tên Châu Long, một cán bộ Cộng Sản nằm vùng đội lốt giáo sư tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Phải nói ngay là sau năm 1975, ông Châu Long đã hối hận và vào tu ở một ngôi chùa.


Như nghiên cứu cách phân kỳ trong lịch sử Việt Nam mà linh mục sau khi phân tích các sử gia trước đó như Trần Trọng Kim, Lê Thành Khôi, Trương Bửu Lâm... (thời Thượng Cổ, thời Bắc Thuộc, thời Tự Chủ, thời Cận Kim...) để rút ra cách phân kỳ riêng của linh mục có tính cách sống động (thời Khai  Sinh, thời Củng Cố, thời Phục Hưng, thời Bành Trướng...).


Như nguồn gốc dân tộc mà linh mục Nguyễn Phương kết luận là hậu duệ của người Tàu. Kết luận này của linh mục Nguyễn Phương đã bị phê bình ngay từ thời VNCH.


Nhưng vị linh mục này cho đến năm 1976 tại Hoa Kỳ vẫn kết luận, nguyên văn trong bản thảo The Ancient History of Vietnam. A New Study nơi trang 187: “Tóm lại, Việt Nam căn bản là lãnh thổ của Tàu nơi miền nam xa xôi. Và người Việt là hậu duệ của những người Tàu lập cư ở đó.” (Nguyên văn: In short, Vietnam was originally a portion of Chinese far-south territory. And the Vietnamese people were descendants of Chinese colons.”)


Ngay sau hai câu trên, linh mục Nguyễn Phương lại ví von, là “Nếu xác định dân Việt là hậu duệ của Lạc Việt thì chẳng khác gì xác định người Hoa Kỳ là hậu duệ của giống Da Đỏ Sioux.” (Nguyên văn: To insist that the Vietnamese were the descendants of the Lạc-Việt, for example, is similar to insist that the American people are descendants of, say, the Sioux.)


Vậy là suốt một đời nghiên cứu, linh mục sử gia Nguyễn Phương luôn luôn quả quyết đến độ thách đố, rằng gốc gác dân tộc Việt là dân Tàu! 


Sự thật, sự xác định chắc chắn nguồn gốc dân tộc vốn là một đề tài mà thời gian cách nay cả mấy ngàn năm là một điều bất thường. Huống chi lại căn cứ vào sách vở tài liệu của người Tàu, là kẻ ngoại xâm đối với dân tộc, để kết luận về dân tộc thì kết luận ấy càng bất thường hơn nữa.


image002Bản thảo đánh máy của linh mục Nguyễn Phương nộp

cho Ford Foundation năm 1976 tại Hoa Kỳ. (Thư viện TAT)


Một nét đặc biệt của sử gia Nguyễn Phương khác với những người nghiên cứu khác là vị linh mục này thích đương đầu và tranh cãi.


Cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 chứng kiến cuộc bút chiến dai dẳng giữa linh mục ở Huế với Văn Tân ở Hà Nội về vấn đề ai thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh. Linh mục Nguyễn Phương xác định công thống nhất là Nguyễn Ánh, còn Viện Trưởng Viện Sử Học Văn Tân ở Hà Nội kết luận công đó thuộc về Nguyễn Huệ. Trong vấn đề này, linh mục Nguyễn Phương lập luận và trình bầy căn cứ vào những sự kiện lịch sử trong quá khứ, còn Văn Tân tranh công về cho Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một động thái chính trị nhằm giảm thiểu vai trò của Nguyễn Ánh trong dòng lịch sử!                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        


Đến thập niên 1970 thì linh mục cố tình hạ thấp vai trò của sử gia Nguyễn Thế Anh trong sách The Ancient History of Vietnam. A New Study. Nơi trang 18, linh mục chỉ danh giáo sư Anh là Mr. Nguyễn Thế Anh, Mr. Anh, và chua agrégé en Histoire.


Phải tinh ý mới thấy được thâm ý của linh mục Nguyễn Phương. Thứ nhất, chỉ danh giáo sư Anh “Mr. Anh” là hàm ý không xem giáo sư Anh là giáo sư đại học như linh mục. Thứ hai, chỉ chua bằng agrégé en Histoire nguyên văn tiếng Pháp là hàm ý -nhưng thiếu sự trung thực vì che dấu bằng Tiến Sĩ Sử Học của giáo sư Anh- giáo sư Anh chỉ là một giáo sư trung học vì theo học chế của Pháp, văn bằng Agrégé en Histoire chỉ được phép dạy trung học mà thôi. Học chế Pháp ngày xưa rắc rối thế này: ai có văn bằng agrégé về môn dạy ở trung học thì văn bằng này có giá trị dạy trung học môn đó, tức là agrégé thấp hơn tiến sĩ. Còn ai có agrégé về môn không dạy ở trung học thì agrégé cao hơn tiến sĩ, như agrégé về Y Khoa và Luật Khoa.


Tôi không hiểu có sự bất đồng bất mãn gì giữa hai vị giáo sư của Viện Đại Học Huế, mà một giáo sư (linh mục Phương) lại bỉ thử một giáo sư khác (giáo sư Anh) từng là Viện Trưởng của chính linh mục tại Viện Đại Học Huế trong các năm 1966-1968.


Cung cách đối xử thiếu sự tương kính trong giới trí thức của linh mục Nguyễn Phương khi đề cập đến đồng nghiệp sau này đã được môn sinh của linh mục học tập. Đó là tác giả Nguyễn Đức Cung trong Kỷ Yếu Đại Học Sư Phạm Huế. 50 Năm Thành Lập Đại Học Sư Phạm Huế (1957-2007). Nơi trang 68, môn sinh họ Nguyễn viết bài vinh danh linh mục Nguyễn Phương đã chỉ danh tôi, nguyên văn: “Nguyễn Thế Anh (Thạc Sĩ Sử Học)... Ông Trần Anh Tuấn (học trò của Giáo sư Nguyễn Thế Anh)...”


Tức, hệt như linh mục Nguyễn Phương, tác giả Nguyễn Đức Cung cũng nhắc lại văn bằng chỉ cho phép dạy trung học của giáo sư Nguyễn Thế Anh, nhưng lập lại bằng Việt ngữ, là Thạc Sĩ Sử Học. Rồi môn sinh của ông giáo sư trung học gọi là “học trò” thì phải rồi!


Đúng là cách viết xách mé vì tâm địa giống nhau, thầy nào trò nấy! Thật khác với những người bạn tôi tại Đại Học Huế, là giáo sư Trương Ngọc Phú và giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan.


Nhân đây, xin nói về trường hợp giáo sư Trương Ngọc Phú. Giáo sư Phú tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế và trình tiểu luận Cao Học Sử tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau Cao Học, giáo sư Phú được chuyển về dạy Sử tại Đại Học Văn Khoa Huế. Tiểu luận Cao Học của ông lấy đề tài “Việt Nam Quốc Dân Đảng” do đó sau ngày 30.4.1975 ông bị sa thải khỏi Viện Đại Học Huế có lẽ vì chính quyền Cộng Sản nghi ông là đảng viên VNQDĐ.


Không được phép đi dậy, ông thất nghiệp nằm nhà. Một chủ quán cà phê ở Huế vốn là cựu sinh viên của ông thương tình vị thầy cũ nên để ông đến giúp. Cán bộ Cộng Sản địa phương liền triệu tập anh chủ quán đến làm việc, và cảnh cáo anh đã làm xấu mặt Chính Quyền Địa Phương vì tội mướn một giáo sư đại học làm chân chạy bàn! Thế là giáo sư đại học họ Trương lại tiếp tục nằm nhà. Huế có loại người hiểm ác đa trá là vậy đó!  


Năm 1988, linh mục Nguyễn Phương về hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công Việt Nam tại Carthage, Missouri và mất tại đó năm 1993, chấm dứt cuộc đời của một sử gia có nhiều soạn phẩm làm rực rỡ thêm và phong phú thêm nền Sử Học thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975).


TRẤN ANH TUẤN


Tháng 10.2021


Trích Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2021)


++++++++++++++++++++++++++


Cùng tác giả trên Văn Hóa Online:


Trần Anh Tuấn
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 587)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 534)