VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ NĂM 22 AUG 2024
Tòa án Pháp lại bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện các tập đoàn sản xuất chất da cam
Tòa Phúc Thẩm Paris, Pháp, hôm 22/08/2024, đã ra phán quyết bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga đòi Bayer-Monsanto và 13 tập đoàn hóa chất đa quốc gia khác phải chịu trách nhiệm vì đã sản xuất chất da cam (chất khai quang ) cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.
Luật sư của bà Tố Nga cho biết sẽ tiếp tục kiện lên cấp cao hơn.
RFI 22/08/2024
Bà Trần Tố Nga giới thiệu sách về hậu quả chất da cam, Hà Nội, Việt Nam, ngày 17/04/2023. © NHAC NGUYEN / AFP Chi Phương
Trong phán quyết được AFP trích dẫn, tòa Phúc Thẩm Paris ra phán quyết giống như của Tòa sơ thẩm Evry năm 2021, rằng tòa không có thẩm quyền xét xử các công ty hóa chất nói trên, với lý do các công ty này được hưởng quyền « miễn trừ tư pháp » đối với một quốc gia, vì họ đã hành động theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ.
Về phán quyết nói trên, một trong những luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga, Bertrand Repolt, trả lời RFI Tiếng Việt cho biết: « Dĩ nhiên là chúng tôi thất vọng, nhưng chúng tôi không ngạc nhiên vì đây là một khả năng mà chúng tôi đã dự trù. Chúng tôi cho rằng Tòa Phúc Thẩm đã áp dụng sai quyền miễn trừ tư pháp (cho các tập đoàn hóa chất) và đưa ra một quyết định lỗi thời, đi ngược lại những yếu tố đã được đưa ra tranh luận và tính hiện đại của luật pháp, mà theo tôi là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và luật pháp châu Âu. Đây không phải là phán quyết cuối cùng vì chúng tôi sẽ tiếp tục kiện lên tòa phá án. »
Từ nhiều năm qua, bà Trần Tố Nga, người Pháp gốc Việt, cùng các hiệp hội ủng hộ bà đã chuẩn bị nhiều thủ tục pháp lý để kiện các tập đoàn hóa chất sản xuất chất độc màu da cam.
Sinh năm 1942 tại miền nam Việt Nam, bà Trần Tố Nga từng là phóng viên (Saigon/VNCH) làm việc tại những khu vực mà quân đội Mỹ dùng chất da cam để phá hủy những cánh rừng nghi là nơi ẩn náu của Việt Cộng. Theo hiệp hội Vietnam Dioxine, hiện bà mắc bệnh lao, ung thư và tiểu đường tuýp II. Con gái bà Nga, sinh năm 1969, đã qua đời vì dị tật tim. Hai người con khác và cháu của bà cũng mắc các chứng bệnh khác.
Nhật ký Trần Tố Nga: Tôi ra tòa
TRẦN TỐ NGA
https://tuoitre.vn/nhat-ky-tran-to-nga-toi-ra-toa-20240822090918133.htm
2009, tôi tự nguyện đến làm chứng phiên tòa Công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam tại Paris: "Tôi xin được nói thay cho những người không còn có thể nói và những nạn nhân không đến được nơi này".
“Kết quả phúc thẩm ra sao, chúng tôi vẫn sẽ đi tiếp” - Trần Tố Nga - Ảnh NVCC
Đây là NGA. Lần đầu tiên, một khách hàng trở thành bạn thân của chúng tôi. Ngọn gió của lịch sử đã đưa Nga vào con đường đấu tranh này và kéo chúng tôi đi cùng. Vụ kiện này là duy nhất, mang tính lịch sử và chính trị, và nhiều năm sau sẽ được nhắc đến trong các bài học của các trường luật…
Luật sư William Bourdon
Ông luật sư thuyết phục: Nếu bà không kiện, thảm họa da cam mà hiện hơn 3 triệu nạn nhân Việt Nam đang gánh chịu sẽ chìm vào bụi thời gian.
Đã ba lần nạn nhân da cam Việt Nam đệ đơn kiện tại các tòa án Mỹ, ba lần bị bác bỏ. Nạn nhân da cam là những cựu binh Mỹ cũng từng kiện và đã nhận bồi thường, quyền đấu tranh cũng đã bị tước.
Định mệnh chọn tôi thành người duy nhất hội đủ các điều kiện để mở vụ kiện quốc tế. Một cuộc chiến lâu dài, khốc liệt, chưa lường kết quả.
21-1-2021
7 năm trải qua 19 phiên tòa thủ tục, không thể thống kê hết gian truân, chúng tôi mới đến được phiên tranh tụng sơ thẩm.
Chỉ còn 14 công ty hầu tòa vì 5 công ty xin được loại ra khỏi danh sách do họ mới mua lại công ty sau chiến tranh Việt Nam.
Sáng sớm phiên sơ thẩm, tôi mặc áo quần như bình thường, một áo len xám bên ngoài, một bandeau xám tiệp với màu tóc, tự lái xe đi cùng Thủy Tiên, cô em đã đi hơn 300km để có mặt với tôi. Dịch Covid thì mặc Covid, người quen và cả người không quen đã đến rất đông: "Chúng tôi đồng hành cùng bạn".
Chúng tôi vào phòng xử số 3. Bên trái là 15 luật sư đại diện cho 14 công ty hóa dầu Mỹ, đối diện là ba luật sư của tôi - ông William Bourdon vừa bị mổ phải chống gậy đi, hai luật sư Amelie Lefebvre và Bertrand Repolt đã cống hiến 7 năm tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp nhân ái và cao quý này.
Bên cạnh và phía sau tôi là tất cả những ai có thể len vào phòng, không có chỗ ngồi, phải đứng, bất kể là đại sứ Việt Nam tại Pháp hay các Thị trưởng ngực quấn dải quốc kỳ.
Hội thẩm đoàn bước vào và ngay tức khắc, bà chánh án làm cho không khí trở nên căng thẳng, yêu cầu mọi người phải rời khỏi phòng xử với lý do an ninh và Covid.
Phiên xử bắt đầu bằng những bắt bẻ vô lý của bà chánh án, đến mức phía đối lập cũng phải lên tiếng "để giữ tính trung thực". 90 phút sẽ được dành cho phần tranh luận của luật sư bên nguyên và 4 tiếng đồng hồ cho bên bị đơn.
Trong 90 phút, ba luật sư của tôi đã đanh thép, đàng hoàng, lập luận chặt chẽ để chứng minh rằng các tập đoàn hóa chất đã chủ động dự thầu củaChính phủ Mỹ, hiểu rõ độc tính của chất khai quang.
Bốn giờ dài còn lại, các luật sư đối lập nói những lời ác nhất, dối trá nhất, xúc phạm nhất. Những bạn ngồi gần, thỉnh thoảng lại vuốt lưng tôi, bóp vai tôi vì chính họ chịu đựng không nổi những dối trá, xúc phạm đó.
Một trong những điều họ nói dối: chúng tôi chỉ rải một lượng rất nhỏ thuốc khai quang, ít đến mức các giọt nhỏ không đến được các ngọn cây; bà Trần đã ngu xuẩn đến mức không chạy khỏi chỗ ấy; con bà ấy chết vì thiếu ăn trong rừng...
Bà chánh án hỏi: Bà Trần muốn nói gì không? Tôi chưa kịp trả lời thì một luật sư của Tập đoàn Hercules đứng phắt dậy, la lớn: bà Trần hôm nay đã tạo ra một phiên tòa ngay trước cổng tòa án và bà đã nói ròng rã suốt 6 năm qua rồi. Chúng tôi không muốn nghe bà nữa.
Chính cái ác của họ đã phản biện lại họ. Chánh án tuyên bố sẽ tuyên án vào ngày 10-5-2021.
Ngoài phòng xử, hơn 50 người vẫn kiên trì chờ chúng tôi. Có người ôm tôi mà nước mắt lặng lẽ tuôn. Các nhà báo vây quanh luật sư.
Phía bên kia, 14 luật sư bên bị đơn âm thầm bỏ đi. Ngang qua tôi, họ khựng lại. Tôi cười: "Nếu có dịp đến Việt Nam, tôi sẽ đưa các vị đi thăm một nạn nhân, chỉ một thôi và tôi tin các vị sẽ không còn can đảm nói những lời đó".
Tuần hành ủng hộ vụ kiện của Trần Tố Nga tại Pháp - Ảnh: NVCC
22-1-2021
Một cuộc tập hợp đã được tổ chức tại quảng trường Trocadero đối diện tháp Eiffel. Hơn 300 người với đầy đủ các thành phần của xã hội Pháp từ đại biểu quốc hội đến các thị trưởng, từ người lớn tuổi đến các bạn trẻ làm nên lực lượng chiến đấu mới sát cánh bên tôi đã có mặt, với tiếng trống nhịp nhàng, với những tiếng hô vang như tiếng hát làm nức lòng người: "Công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Công lý cho Trần Tố Nga".
6 năm trước, ở "kinh đô ánh sáng" này không ai biết đến chất độc da cam. 6 năm trước, tôi bắt đầu cuộc chiến đấu đòi công lý một mình.
Và hôm nay, tôi đứng giữa một rừng người yêu công lý, yêu Việt Nam, ủng hộ nạn nhân da cam. Hơn 200 bài báo, phim ảnh, phỏng vấn tại Pháp, tại Mỹ và nhiều nước khác viết về "Vụ kiện lịch sử" của Trần Tố Nga, từ nay đã có thể chính thức gọi là vụ kiện của chúng ta.
10-5-2021
Mất gần 7 năm để tòa án đi đến kết luận là không đủ thẩm quyền xét xử. Một tuyên bố không bất ngờ.
10h sáng 11-5-2021, tôi và các luật sư quyết định kháng án.
30-4-2024
Một cuộc họp báo với sự có mặt của hơn 20 nhà báo đại diện cho tất cả báo và đài lớn của Paris và nước Pháp, của Việt Nam. Sau buổi họp, rất nhiều báo và đài Việt Nam, kể cả người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam, đã thông báo chính thức về phiên xử phúc thẩm sắp tới. Một bức thư của Hội Luật gia dân chủ thế giới phân tích rất rõ tính chính nghĩa của vụ kiện đã được gửi trực tiếp cho tòa án. Hơn 20 bài báo Pháp lên tiếng và thông báo về "sự kiện mang tính lịch sử" và kêu gọi tập hợp.
4-5-2024
Hơn 300 người, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội Pháp, nhiều thị trưởng mang dải băng cờ Pháp đã hô vang CÔNG LÝ CHO Trần Tố Nga tại quảng trường lớn Paris. Trước biển người ủng hộ chính nghĩa, trước những tiếng reo đòi công lý, làm sao mà mình không thấy hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, làm sao mà mình có thể lùi bước.
7-5-2024, phiên tòa phúc thẩm
Khi được luật sư thông báo phiên xử phúc thẩm được mở vào ngày 7-5-2024, tôi bỗng cảm nhận một thông điệp của hồn thiêng sông núi. 7-5-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội; 7-5-2024, trên đất Pháp, một phụ nữ Việt Nam sẽ đương đầu với 14 tập đoàn hóa chất giàu mạnh.
Tôi ra tòa mà như đi trẩy hội, cả trăm người đứng trước cổng. Mọi người ôm hôn nhau, bắt tay nhau, cười nói râm ran, chỉ không dám hô khẩu hiệu, sợ rắc rối cho phiên xử.
Một phòng xử nhỏ, bên trái không đủ chỗ cho 17 luật sư và đại diện của 14 tập đoàn Mỹ. Bên phải chỉ có hai luật sư của chúng ta, một bà già đầu bạc và vây xung quanh chật phòng là những người ủng hộ vụ kiện, kẻ ngồi, người đứng vì thiếu chỗ.
Hình ảnh giống như phiên sơ thẩm, nhưng vì chúng tôi đã có kinh nghiệm nên chủ động hơn. 40 phút dành cho luật sư của bà Trần, hơn 3 tiếng dành cho luật sư bên bị, chỉ tranh tụng một chủ đề: quyền miễn trừ pháp lý của các tập đoàn Mỹ.
Nếu như trong phiên sơ thẩm, các luật sư bị đơn tập trung tấn công, bôi bác sự thật hiển nhiên, xúc phạm bên nguyên thì trong phiên phúc thẩm, mỗi luật sư đại diện cho từng công ty tranh nhau thanh minh để được quyền miễn trừ pháp lý, tự bảo vệ mình.
Bên ngoài, nhiều bạn trẻ đứng chờ ở ngoài đường, trước cổng tòa án và câu "CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN DA CAM" lại được hô vang.
Hôm nay, 22-8-2024, tòa phúc thẩm sẽ tuyên án.
Kiên nhẫn - Can đảm - Hy vọng
Kiên nhẫn: Các luật sư đã đấu tranh bằng những phản biện gửi lên Tòa phúc thẩm Paris, chứng minh khoa học việc các công ty hóa dầu Mỹ cung cấp chất khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là lợi ích, bất chấp sản xuất chất khai quang chứa hàm lượng dioxin rất lớn.
Can đảm: Ba luật sư của tôi vững vàng, bình tĩnh, sáng suốt và luôn đanh thép chọi lại 28 luật sư sừng sỏ bên bị. Nhiều lần tôi hỏi: Các bạn mệt chưa, các bạn có nản không? Trả lời tôi là một nụ cười đầy tự tin, như một hiển nhiên.
Hy vọng: Một cách trung thực, không thể nói rằng tôi hoàn toàn hy vọng vào công lý của tòa án. Khi chính trị xen vào vụ kiện, một phán quyết đi ngược lại công lý như của tòa sơ thẩm là có thể hiểu, có thể đoán được. Hy vọng vào phán quyết của tòa chỉ mong manh, nhưng tôi không thể không hy vọng dù mong manh. (Trần Tố Nga)