Bắc Kinh huy động Oanh tạc cơ H-6G; Pháp điều Mẫu hạm Tonnerre; USS Curtis Wilbur hành quân tuần tra eo biển Đài Loan

26 Tháng Hai 20218:20 SA(Xem: 2298)

VĂN HÓA ONLINE - ĐÔNG HẢI LIỆT QUỐC - THỨ SÁU 26 FEB 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Bắc Kinh huy động Oanh tạc cơ H-6G; Pháp điều Mẫu hạm Tonnerre; USS Curtis Wilbur hành quân tuần tra eo biển Đài Loan


25/02/2021


image007Ảnh minh họa : Oanh tạc cơ Trung Quốc H-6G bay trên vùng giữa đảo Okinawa và Miyako, Nhật Bản, tháng 10/2013. AFP PHOTO / JOINT STAFF


Trọng Thành


Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vừa có đợt tập trận tấn công tàu chiến trên biển, với các oanh tạc cơ « hiện đại nhất », để sẵn sàng đối phó với Hải Quân Mỹ, Pháp, cũng như các lực lượng nước ngoài khác tại Biển Đông.


Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh, trong ấn bản Anh ngữ, hôm qua, 24/02/2021, dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc, khẳng định cuộc tập trận cho thấy Quân Đội Trung Quốc có đủ khả năng đối phó hiệu quả trước các lực lượng quân sự nước ngoài. Chuyên gia về hải quân Lý Kiện (Li Jie), ở Bắc Kinh, nhấn mạnh với Hoàn Cầu Thời Báo: « Việc triển khai các oanh tạc cơ ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Mỹ, nhờ khả năng tác chiến hải quân vượt trội ». Tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nói rõ « cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia bên ngoài khu vực, bao gồm Mỹ và Pháp, đang có những hoạt động khiêu khích tại Biển Đông ».


Hoàn Cầu Thời Báo cũng dẫn một nguồn tin chuyên gia quân sự khác, xin ẩn danh, khẳng định Trung Quốc « có ưu thế quân sự rất lớn ở Biển Đông, Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc có khả năng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia không chỉ bằng tên lửa đạn đạo chống hạm, mà còn với các cuộc tấn công từ oanh tạc cơ, tàu chiến và tàu ngầm ».


Theo thông tin chính thức hôm 23/02, tham gia vào cuộc tập trận có ít nhất 10 oanh tạc cơ H-6G và H-6J, được coi là « tân tiến nhất » của Quân đội Trung Quốc. Các máy bay tham gia tập trận thuộc Chiến khu Nam Bộ, phụ trách địa bàn Biển Đông. Cuộc tập trận bao gồm các bài tập tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu là các tàu chiến trên biển, và các mục tiêu huấn luyện khác. Oanh tạc cơ tiên tiến nhất của Hải Quân Trung Quốc H-6J có khả năng mang sáu tên lửa hành trình chống hạm. H-6G, oanh tạc cơ thế hệ cũ hơn, có thể mang 4 tên lửa. Một trong các mục tiêu chủ yếu của cuộc tập trận nói trên là để kiểm tra khả năng phối hợp giữa các phi công mới và các phi công kỳ cựu.


Theo Hoàn Cầu Thời Báo, lần này cuộc tập trận không quân tấn công tàu chiến trên biển của Quân Đội Trung Quốc diễn ra cũng đúng vào lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vừa tập trận chung ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông kể từ khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, và ngay sau khi Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, cho phép tàu tuần duyên Trung Quốc bắn vào tàu nước ngoài tại Biển Đông, có hiệu lực.


Tập trận và tuần tra bảo vệ « tự do hàng hải » tại Biển Đông, và vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung, chống lại việc Trung Quốc đơn phương áp đặt các yêu sách chủ quyền trái ngược với luật pháp quốc tế, là chủ trương của chính quyền Mỹ từ nhiều năm nay. Trong thời gian gần đây, Pháp cũng huy động nhiều lực lượng tham gia. Ngày 18/02, tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và khu trục hạm Surcouf của Pháp khởi sự chuyến đi đến vùng biển Thái Bình Dương, dự kiến sẽ đi hai lần đi qua Biển Đông. Quân Đội Pháp cũng thông báo tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng vừa hoàn tất một chuyến tuần tra ở Biển Đông. Anh Quốc cũng có kế hoạch điều một nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông trong thời gian tới.


Chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan


Riêng về eo biển Đài Loan, một chiến hạm của Mỹ đã đi qua vùng biển này hôm qua, 24/02. Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 khẳng định: « Việc tàu chiến Mỹ quá cảnh eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ». Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho biết con tàu thực hiện nhiệm vụ này là tàu khu trục với tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54).


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Pháp liên tiếp điều chiến hạm đến Biển Đông


25/02/2021


image009Ảnh minh họa: Mẫu hạm trực thăng Tonnerre (Sấm sét) của Pháp neo đậu ở hải cảng Beyrouth, Liban. Chiến hạm Tonnerre của Pháp. 1/09//2020. © AFP


Mai Vân


Chỉ vài ngày sau khi Bộ Quân Lực Pháp xác nhận đã cho tàu ngầm đi qua Biển Đông, hôm 18/02/2021 vừa qua, hai chiến hạm Pháp đã ra khơi trực chỉ châu Á trong một chiến dịch kéo dài 5 tháng, sẽ đi ngang Biển Đông, ghé thăm nhiều cảng Đông Nam Á và đặc biệt là tham gia một cuộc tập trận chung với hai đồng minh Mỹ và Nhật ở vùng biển Nhật Bản.


Theo các nhà phân tích, khi cho Hải Quân đến hoạt động trong vùng Biển Đông, Pháp đã bất chấp phản ứng không hài lòng từ phía Trung Quốc, nước tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng biển này.


Theo Bộ Quân Lực Pháp, tham gia chiến dịch mang tên Jeanne d’Arc 2021 là hai chiến hạm của Hải Quân Pháp gồm Mẫu hạm trực thăng Tonnerre và khinh hạm tàng hình Surcouf thuộc nhóm Sẵn Sàng Đổ Bộ (ARG). Trong đợt triển khai kéo dài cho đến tháng 7, chiến hạm Pháp sẽ hai lần đi ngang Biển Đông, đồng thời có kế hoạch ghé cảng nhiều nước, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam trên đường đi, và Singapore, Malaysia trên đường về.


Jeanne d’Arc là một chiến dịch tập huấn thường niên nhằm cung cấp cho các học viên sĩ quan kỹ năng tác chiến “trên biển” trước khi gia nhập đơn vị của họ. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng là dịp Hải Quân Pháp rèn luyện năng lực hoạt động tại các vùng biển có giá trị chiến lược, trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác.


Năm nay, theo trang mạng thông tin về hải quân Naval News, các chiến hạm Pháp sẽ có nhiều hoạt động tương tác với Hải Quân các nước trong hành trình, mà đỉnh cao sẽ là cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới đây.


Publicité


Khi được hỏi về mục đích của nhiệm vụ này, hạm trưởng tàu chỉ huy Tonnerre, Arnaud Tranchant, không ngần ngại nói rõ mục tiêu góp phần “tăng cường quan hệ đối tác của Pháp với Bộ Tứ Quad bao gồm bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn”. 


Phản ứng bất bình của giới chuyên gia Trung Quốc


Sự kiện Pháp càng lúc càng cho thấy ý định dấn thân sâu hơn vào Biển Đông, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh cùng quan tâm đến khu vực, đã khiến Trung Quốc bất bình. Trang mạng thông tin Pháp Asialyst ngày 22/02 vừa qua đã không ngần ngại cho là chiến dịch của hai chiến hạm Pháp Tonnerre và Surcouf là “một thách thức trực tiếp mới gởi đến Trung Quốc”. Asialyst đồng thời ghi nhận một số phản ứng đầu tiên từ phía Bắc Kinh.


Đối với ông Phó Côn Thành (Fu Kuncheng), một chuyên gia tại Viện Biển Đông thuộc trường Đại Học Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, các hoạt động của chiến hạm Pháp tại một khu vực biển có tranh chấp là một điều “đáng báo động”, buộc Trung Quốc phải suy nghĩ về cách đáp trả thỏa đáng.


Đối với chuyên gia Trung Quốc này thì Pháp đang chịu sức ép của Mỹ: “Rõ ràng là Hoa Kỳ đang hy vọng cùng với các đồng minh trong NATO phô trương lực lượng ở Biển Đông bằng các hoạt động gọi là ‘tự do hàng hải’. Khi các nước này chủ trương tự do hàng hải, Trung Quốc nên cử tàu chiến bám sát theo. Và nếu các tàu đó đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta phải phản đối theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.


Tống Trung Bình (Song Zhongping), một cựu sĩ quan huấn luyện của Quân Đội Trung Quốc, hiện là nhà nghiên cứu và bình luận quân sự, đã nói rõ hơn với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post: “Hiển nhiên là Pháp có ý định chứng tỏ sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới áp lực của Hoa Kỳ, để phối hợp với các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ”.


Mối quan tâm của Pháp


Đối với giới quan sát, quả thực là Pháp trong những ngày đầu năm 2021 đã đột nhiên cho thấy mối quan tâm đến tình hình Biển Đông. Ngay trước khi khởi động chiến dịch Jeanne d’Arc 2021 với một vế quan trọng tại các vùng biển Châu Á, Pháp đã cho một tàu ngầm tấn công của mình qua hoạt động ở Biển Đông, điều đã được chính bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly xác nhận ngày 08/02 vừa qua.


Trên Twitter, bà Parly giải thích là việc đi qua vùng biển quốc tế mà gần như toàn bộ diện tích bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, là "bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai xa và lâu dài của Hải Quân Pháp trong mối quan hệ với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ hoặc Nhật Bản". Bộ Quân Lực Pháp thì nhắc lại sự quan tâm của Pháp đối với quyền tự do hàng hải.


Chuyên gia Pháp Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hôm 11/02, đã cho rằng chiến dịch tuần tra Marianne, mà chiếc tàu ngầm Émeraude cùng với một tàu hỗ trợ thực hiện kể từ tháng 9 năm 2020, là nhằm chứng tỏ rằng Pháp luôn luôn hiện diên trong vùng Ấn Độ  - Thái Bình Dương về mặt quân sự.


Theo ông Brisset: “Đó là một lời hứa cũ từ ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, khi ông vẫn còn là Bộ trưởng Quốc phòng [cho đến năm 2017]”. Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng ở các vùng biển châu Á - căng thẳng Trung-Mỹ ở Biển Đông, những cuộc cãi vã giữa Bắc Kinh và Canberra - Pháp muốn nhắc lại rằng họ có những lợi ích riêng mà họ muốn theo bảo vệ.


Antoine Bondaz, chuyên gia tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược nhắc lại: “Trên quan điểm pháp lý, việc Hải Quân Pháp qua lại (vùng Biển Đông) trong khuôn khổ các hoạt động toàn cầu của Pháp là một điều hoàn toàn hợp pháp.”


Pháp khẳng định vai trò trong khu vực


Vấn đề đặt ra là trên bình diện địa chính trị, Biển Đông là chủ đề của các yêu sách lãnh thổ chồng lấn giữa Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Philippines và Việt Nam, chưa kể căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn chiến hạm nước ngoài hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Pháp can dự vào Biển Đông.


Pháp đã thấy rõ điều này vào năm 2019 sau khi gửi một tàu hộ tống hạm đến đó. Trung Quốc sau đó đã chính thức tỏ bực tức trước hành động bị cho là “xâm phạm lãnh hải” đó. Mặc dù vậy, Paris đã quyết định quay trở lại. Và lần này là với tàu ngầm tấn công hạt nhân, trong khi chờ đợi hai chiếc Tonnerre và Surcouf.


Jean-Dominique Merchet, nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc phòng trên trang L’Opinion, cho biết: “Tàu ngầm là một tín hiệu mạnh hơn một tàu hộ tống. Còn ông Jean-Vincent Brisset thì nhận định : “Trong bối cảnh toàn cầu về quan hệ ngoại giao, đây là cách để Pháp cho thấy họ không sợ đọ sức với Trung Quốc. Do đó, Pháp đang cố gắng tự khẳng định mình là người bảo đảm quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế.


Về phần mình, chuyên gia về châu Á Antoine Bondaz phân tích: “Đó là một cách để nói với các đối tác Úc, Ấn Độ và Nhật Bản rằng Pháp không chỉ đưa ra những bài phát biểu mỹ miều. Paris sẽ chỉ có uy tín trong khu vực khi cho thấy rằng họ sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc của mình”.


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Mẫu hạm trực thăng Tonnerre (Pháp) thăm cng Cam Ranh


RFI 02/05/2016


image002Mẫu hạm trực thăng Tonnerre (Pháp) thăm cảng Cam Ranh ngày 02/5/2016.


Thụy My


Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam loan báo: Mẫu hạm trực thăng Tonnerre thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong bốn ngày 02-06/05/2016. Thông cáo cho biết đây là dấu hiệu của « ý hướng tăng cường hợp tác giữa quân đội và chính phủ hai nước ».


Trong chuyến thăm hữu nghị bốn ngày này, thủy thủ đoàn chiến hạm Tonnerre (Sấm sét) tham gia các hoạt động giao lưu, và tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, quân đội tỉnh Khánh Hòa, vùng 4 Hải Quân và Học Viện Hải Quân.


Các thủy thủ Pháp-Việt sẽ cùng luyện tập tìm kiếm, cứu hộ, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển. Đây là lần thứ hai chiếc Tonnerre thăm Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch Jeanne d’Arc.


Chiếc BPC Tonnerre (L9014) là một trong ba tàu chỉ huy và đổ bộ của Pháp, thuộc loại tàu có trọng tải lớn chỉ đứng sau hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle. Chiến hạm dài 199 mét, rộng 32 mét, trọng tải 21.300 tấn, đã từng tham gia can thiệp quân sự Harmattan tại Libya năm 2011.


Như vậy là sau khi được khánh thành ngày 8/3, đã có ba chuyến thăm của chiến hạm ngoại quốc đến cảng quốc tế Cam Ranh. Đầu tiên là tàu RSS Endurance của Hải quân Singapore vào ngày 17/3, sau đó là hai chiến hạm Nhật Ariake và Setogiri ngày 12/4.


Cam Ranh là cảng có vị trí chiến lược ở Biển Đông, nằm trong vịnh kín gió, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và tàu bè có thể neo đậu trong điều kiện giông bão đến cấp 8.

11 Tháng Năm 2023(Xem: 1181)
Vũ bão phương Tây: NATO dịch chuyển về Đông?
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1569)