Blinken: Mỹ không mong ‘chiến tranh lạnh’, chỉ muốn Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế
27/05/2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Hoa Kỳ không tìm cách đẩy Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế toàn cầu, nhưng muốn Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc quốc tế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố trong bài phát biểu ngày 26/5 về chiến lược của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc.
Ông Blinken nói Washington sẽ không ngăn cản Trung Quốc phát triển kinh tế hoặc tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Bắc Kinh, nhưng sẽ bảo vệ luật pháp và thể chế quốc tế duy trì hòa bình và an ninh cũng như tạo điều kiện cho các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng tồn tại.
“Chúng tôi không muốn xung đột hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Ngược lại, chúng tôi quyết tâm tránh cả hai”, ông Blinken nói trong bài phát biểu dài 45 phút tại Đại học George Washington bao gồm toàn bộ các vấn đề gây tranh cãi nhất trong các quan hệ song phương.
Quan hệ Mỹ-Trung xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên dưới thời chính quyền ông Trump và càng trở nên tồi tệ hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden, người cho đến nay vẫn giữ nguyên mức thuế quan của người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng cũng theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa để đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
17 tháng cầm quyền, ông Biden, đảng viên Đảng Dân chủ, đã đối mặt với chỉ trích từ đảng Cộng hòa và một số nhà theo dõi chính sách đối ngoại vì không công bố một chiến lược chính thức về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ và là đối thủ chiến lược chính của Washington.
Các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài, bao gồm cả cuộc rút quân của Mỹ ra khỏi Afghanistan vào năm ngoái và cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đã tạo ra sự phân tâm cho ông Biden, người đã thề sẽ không để Trung Quốc vượt qua Mỹ với tư cách lãnh đạo toàn cầu trong nhiệm kỳ của ông.
Nhưng chính quyền của ông đã tìm cách tận dụng tình đoàn kết mới mẻ với các đồng minh được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ đối tác “không giới hạn” mà Trung Quốc đã công bố với Moscow chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm nay.
Bài phát biểu của ông Blinken trùng với thời điểm bắt đầu chuyến công du sâu rộng của Ngoại trưởng Trung Quốc tới các quốc đảo Thái Bình Dương, một mặt trận ngày càng căng thẳng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington cùng các đồng minh.
Ông Blinken nói, Washington vẫn tập trung vào Trung Quốc, là nước đề ra “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế”.
‘Áp bức’ và ‘hung hăng’
Washington từ lâu đã phàn nàn về những gì họ cho là các tập tục thương mại không công bằng của Trung Quốc, chẳng hạn như trợ cấp do nhà nước dẫn đầu và các rào cản tiếp cận thị trường, cũng như sự hiếp đáp kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các nước.
Dù ông Blinken ghi nhận sự làm việc chăm chỉ của người dân Trung Quốc đối với sự chuyển đổi kinh tế lịch sử của đất nước họ trong bốn thập niên qua, ông đã công kích nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Dưới thời Chủ tịch Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã trở nên đàn áp hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở nước ngoài”, ông nói và nhấn mạnh đảng này đang sử dụng quyền lực của mình để phá hoại các nguyên tắc và thể chế đã tạo nên thành công của họ.
Trong bài phát biểu, ông đã đưa ra các đường nét của chiến lược đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ và liên kết với các đồng minh và đối tác để cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông Blinken nói chính quyền Biden sẵn sàng tăng cường liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh về nhiều vấn đề và sẽ “phản ứng tích cực” nếu các quan chức Trung Quốc có hành động để giải quyết các quan ngại.
“Nhưng chúng tôi không thể dựa vào Bắc Kinh để thay đổi quỹ đạo của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế rộng mở và bao trùm”, ông nói.
Sự ủng hộ ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền vẫn là một điểm gây tranh cãi, mặc dù Hoa Kỳ, về mặt chính thức, vẫn giữ chính sách mơ hồ chiến lược lâu nay về việc liệu họ có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không.
Ngoại trưởng Blinken nhắc lại cam kết của Mỹ đối với chính sách một Trung Quốc, dù Tổng thống Biden hồi đầu tuần nói rằng Hoa Kỳ sẽ can dự quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Ông và các phụ tá sau đó cho biết phát biểu của ông không phản ánh sự thay đổi trong chính sách.
Theo chính sách một Trung Quốc, Washington chính thức công nhận Bắc Kinh về mặt ngoại giao chứ không phải Đài Bắc mặc dù bị ràng buộc bởi luật pháp phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Ông Blinken nói: “Điều đã thay đổi là sự cưỡng bức ngày càng tăng của Bắc Kinh, như cố gắng cắt đứt quan hệ của Đài Loan với các nước trên thế giới và ngăn đảo này tham gia vào các tổ chức quốc tế”, ông Blinken nói và cho biết thêm rằng hoạt động gần như hàng ngày của quân đội Trung Quốc gần hòn đảo này là “gây bất ổn sâu sắc.”
Bài phát biểu của ông Blinken đã bị hoãn một lần sau khi ông xét nghiệm dương tính với COVID hồi đầu tháng 5 và sau một tháng hoạt động ngoại giao căng thẳng của Hoa Kỳ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả chuyến đi đầu tiên của ông Biden với tư cách Tổng thống tới khu vực.
Các cuộc gặp của Tổng thống Biden ở Châu Á với các nhà lãnh đạo từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, một phần là nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Biden cũng đã tìm cách tạo ra đà tiến mới trong quan hệ với Đông Nam Á, tuyên bố một “kỷ nguyên mới” của quan hệ tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington trong tháng này.