Mai Loan: Khi phe diều hâu quyết dẹp bỏ thỏa ước hạch tâm với Ba Tư

15 Tháng Năm 20186:46 CH(Xem: 11897)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ TƯ 16 MAY 2018


Khi phe diều hâu quyết dẹp bỏ thỏa ước hạch tâm với Ba Tư


Đề tài thời sự được nhiều người chú ý đến hiện nay là liệu TT Trump sẽ quyết định ra sao với Thoả thuận về Hạch Tâm mà Ba Tư (Iran) đã đồng ý ký kết vào năm 2015 với đối phương là liên minh 6 cường quốc trên thế giới (gồm có 5 nước trong Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Cộng cộng với nước Đức).


TÓM LƯỢC DIỄN TIẾN ĐI ĐẾN THOẢ ƯỚC


Thoả ước này, thường được gọi với cái tên viết tắt “JCPOA” (Joint Comprehensive Plan of Action), sau nhiều năm trời đàm phán, bắt đầu từ năm 2008 và trải qua nhiều lúc căng thẳng tưởng chừng như đổ vỡ, nhưng cuối cùng đã được ký kết vào ngày 14 tháng 7 năm 2015 tại thủ đô Vienna ở nước Áo.


Mục đích chính là để hạn chế tham vọng phát triển hạch tâm của Ba Tư để đánh đổi lại việc nới lỏng các biện pháp cấm vận và chế tài kéo dài trong nhiều năm trước. Đây là một thoả hiệp giữa các bên nhằm ngăn chặn mối nguy Ba Tư có thể trở thành một quốc gia có bom nguyên tử và tránh cho Hoa Kỳ không phải sa lầy khi can thiệp quân sự vào thế giới của người Hồi-giáo.


Thành quả này có được sau một chuỗi dài những cuộc thương thuyết, bí mật cũng như công khai, giữa nhiều nước và xuyên qua nhiều lục địa trong một nỗ lực ngoại giao từ trước tới nay thường bị xem là không có dấu hiệu khả quan. Những cuộc đàm phán này đã bị đổ vỡ hoặc ngưng ngang giữa chừng trong nhiều tháng trời, trong lúc chương trình phát triển hạch tâm của Ba Tư vẫn cứ tiến hành đến mức độ mà nhiều cơ quan tình báo Tây phương tin rằng chỉ cần thêm 2 tháng nữa thì Ba Tư có khả năng chế tạo được bom nguyên tử. Vì thế nên Hoa Kỳ và Do Thái từ lâu đã nhắc lại lời đe doạ rằng họ có thể dùng đến biện pháp quân sự để trả đũa nếu như Ba Tư tiếp tục theo đuổi chương trình hạch tâm của mình.


Phải đến mùa hè năm 2013 khi Ba Tư có một vị tổng thống mới là ông Hassan Rouhani với lời tuyên bố rằng quốc gia họ đã sẵn sàng để nói chuyện điều đình một cách nghiêm túc thì các cuộc thương thuyết mới có dấu hiệu tích cực hơn.


Sau đó, Ba Tư và 6 cường quốc đã loan báo tại thành phố Geneva vào tháng 11/2013 một bản thoả ước tạm thời theo đó Tehran sẽ tạm đình chỉ các chương trình phát triển năng lượng hạch tâm, và đổi lại Hoa Kỳ và Tây Âu cũng tạm tháo gỡ một số các tài sản của Ba Tư để chứng tỏ thiện ý của đôi bên. Đến đầu tháng 4/2015, các phe nói rằng họ đã đạt được một khung sườn thoả thuận tại thành phố Lausanne, với hạn chót dự trù cho thoả thuận chính thức là vào cuối tháng 6/2015.


Trong thoả hiệp mới nhất này, chính quyền Ba Tư sẽ phải từ bỏ tham vọng tích tụ năng lượng hạch tâm để có thể chế tạo bom nguyên tử trong vòng ít nhất là 10 năm sắp tới, cũng như phải chấp nhận cho các phái đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc (thuộc cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế IAEA) đến thanh sát tại bất cứ nhà máy nguyên tử nào, kể cả tại những căn cứ quân sự bí mật. Thoả thuận này quả là một bước đột phá bất ngờ và ngoạn mục sau nhiều thập niên dài đấu đá giữa hai quốc gia thù nghịch , với một bên (Hoa Kỳ) gọi nước kia là “quốc gia bảo trợ hàng đầu cho khủng bố” và Ba Tư thì gọi bên kia là “Đại Ma Quỷ Satan”.


Vào lúc đó, TT Obama nói rằng thoả thuận này “không phải được xây dựng trên nền tảng tin tưởng, nhưng nó được đặt trên nền tảng kiểm chứng.” Nói một cách khác, ông Obama cho rằng Ba Tư cam kết không thôi cũng chưa đủ, mà cộng đồng quốc tế cần phải kiểm chứng cho rõ hư thực rồi mới tin tưởng được, và từ đó sẽ tháo gỡ các biện pháp cấm vận và chế tài. TT Obama cũng nói rằng mọi ngả đường để Ba Tư có thể chế tạo được bom nguyên tử đều đã bị cắt đứt. Còn tại thủ đô Tehran, Tổng thống Rouhani phát biểu rằng “một trang sử mới” đã mở ra trong liên hệ ngoại giao của Ba Tư đối với cộng đồng thế giới. Còn Ngoại trưởng của khối Liên Hiệp Âu Châu là bà Federica Mogherini nói rằng “các nhà ngoại giao lần này đã mang đến cho cộng đồng thế giới một điều mà họ đang hy vọng, đó là sự cam kết cho nền hoà bình và cùng bắt tay nhau để giúp cho thế giới này được an toàn hơn.” Theo bà Mogherini thì thoả hiệp này sẽ bảo đảm rằng chương trình phát triển năng lượng hạch tâm tại Ba Tư sẽ chỉ được dùng vào các mục tiêu thuần tuý dân sự mà thôi.


 image009

Các ngoại trưởng liên hệ trong những cuộc đàm phán dẫn đến thoả thuận về hạch tâm với Ba Tư


Ba Tư cũng nhượng bộ nhiều khi đồng ý cho các phái đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc được thanh sát bất cứ địa điểm nào ở trong nước. Tuy nhiên, việc đến thanh sát các địa điểm này không phải là điều được tự động thoả mãn và có thể bị trì hoãn, một chi tiết mà những người chống đối thoả hiệp này có thể vin vào đó để chỉ trích rằng Ba Tư sẽ khai thác lỗ hổng này để che đậy những hoạt động mờ ám của họ.


Theo bản thoả hiệp, phía Ba Tư có quyền kháng cáo những đòi hỏi của các phái đoàn thanh tra, và một hội đồng hoà giải bao gồm 6 cường quốc và Ba Tư sẽ họp lại để giải quyết những đơn kiện cáo này (theo tiêu chuẩn này thì Ba Tư coi như sẽ ở thế thiểu số so với các nước còn lại). Và một khi hội đồng hoà giải phán xử mà Ba Tư từ chối không cho thanh sát, thì điều này được xem như là sự vi phạm của thoả thuận và các biện pháp cấm vận và chế tài sẽ được tự động áp dụng trở lại. Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế cũng muốn thanh sát nhiều căn cứ tại Ba Tư để hoàn tất những cuộc điều tra đã bị bỏ dở về những chương trình chế tạo vũ khí bí mật của Ba Tư trong quá khứ, để từ đó có thể đánh giá rõ hơn về chính sách và tham vọng cũng như tiến trình phát triển hạch tâm của nước này.


Nếu như Ba Tư chịu thi hành thoả thuận này, họ sẽ nhận được nhiều quyền lợi kinh tế và tài chính khá nhanh chóng và cụ thể. Số tiền hơn 100 tỷ Mỹ-kim của Ba Tư đã bị đóng băng tại các ngân hàng ngoại quốc sau vụ bắt cóc con tin tại toà đại sứ Mỹ vào năm 1979 sẽ được giải toả ngay lập tức. Việc xuất cảng năng lượng của Ba Tư, quốc gia có kho dự trữ dầu thô lớn hàng thứ tư trên thế giới (và kho khí đốt lớn hàng thứ 2 trên toàn cầu), cũng không còn bị ngăn cấm, giúp đem lại một nguồn lợi tức dồi dào và nền kinh tế trong nước được tăng trưởng, cùng lúc khiến cho cuộc sống của người dân trong nước cũng được dễ thở hơn.  


Tuy nhiên, không phải chỉ có Ba Tư được hưởng lợi kinh tế mà nhiều quốc gia khác cũng được hưởng lây nhiều điều tốt đẹp khác. Với kho dầu thô được tung ra thị trường quốc tế, giá dầu sẽ còn xuống thấp hơn nữa, giúp cho nền kinh tế của nhiều quốc gia nhập cảng nhiều dầu thô. Một Ba Tư bớt hung hăng và hiếu chiến (ít ra là trong vòng 10 năm tới) cũng sẽ khiến cho tình hình Trung Đông bớt căng thẳng, giúp cho Hoa Kỳ đỡ “hao tâm tổn sức” và phung phí tiền bạc cũng như nhân mạng cho những cuộc xung đột đẫm máu tại vùng này.


NHỮNG NGƯỜI CHỐNG ĐỐI THOẢ ƯỚC


Dĩ nhiên, không phải ai cũng chia sẻ những nhận định lạc quan hay những mong ước tích cực mà bản thoả thuận này có thể đem lại. Đầu tiên là trong nội địa Hoa Kỳ, nhiều chính trị gia theo khuynh hướng “diều hâu” và bảo thủ quá khích cho rằng không nên tin tưởng vào các chế độ Hồi-giáo quá khích như Ba Tư, và chỉ nên tiếp tục cấm vận kinh tế và nếu cần thì dùng sức mạnh quân sự để buộc Ba Tư phải chịu thua. Dù rằng trong thực tế, điều này chỉ là ảo tưởng vì Hoa Kỳ cũng như cộng đồng thế giới chẳng thể nào khống chế Bắc Hàn trong suốt cả thập niên qua với đủ hình thức áp lực và cấm vận.


Vào lúc đó, phe Cộng Hoà chiếm đa số tại Thượng Viện, và dưới áp lực của một số các nghị sĩ bảo thủ chống đối nên đã thông qua đạo luật để duyệt xét thoả ước này với cái tên là INARA (Iran Nuclear Agreement Review Act). Theo đó, Toà Bạch Ốc mỗi 3 tháng sẽ phải báo cáo chứng nhận (certify) rằng chính quyền Ba Tư đã tuân thủ theo các điều khoản đã quy định, bằng không thì Quốc Hội có 60 ngày để có thể quyết định áp dụng các biện pháp cấm vận trở lại, coi như gián tiếp dẹp bỏ thoả ước.


Ngoài Hoa Kỳ, cũng có hai nơi chống đối mạnh mẽ bản thoả thuận này: đó là Do Thái, dưới trào của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thuộc phe hiếu chiến lúc nào cũng chỉ đòi tấn công Ba Tư để diệt trừ mầm mống hiểm nguy và hậu hoạ. Và ngay cả trong nước Ba Tư, nhiều phần tử bảo thủ giáo điều, dưới sự lãnh đạo của giáo chủ Khamenei cũng không sẵn lòng muốn tháo bỏ những chương trình phát triển hạch tâm mà Ba Tư đã bỏ ra hàng trăm tỷ Mỹ-kim từ trước tới nay để xây dựng. Nhiều quốc gia Ả Rập khác như Saudi Arabia cũng không mấy mặn mòi với thoả thuận này, vì cho rằng một nước Ba Tư không còn bị khống chế bởi các cường quốc trên thế giới thì sẽ dễ dàng dồn nỗ lực để phát triển tiềm năng và gia tăng ảnh hưởng của mình đến các vùng theo hệ phái Shiite như họ.


Tuy không hài lòng với thoả ước JCPOA và luôn miệng chỉ trích rằng điều này chỉ có lợi cho Ba Tư, nhưng khi lên cầm quyền, TT Trump vẫn tiếp tục xác nhận điều này trong hai lần sau đó vào tháng 4 và tháng 7 năm 2017, tương tự như chính quyền Obama đã chứng nhận nhiều lần kể từ cuối năm 2015. Và điều này cũng đã được tất cả chính quyền của các nước đồng minh khác ở Âu Châu cũng xác nhận tương tự rằng Ba Tư đã không hề vi phạm các điều khoản trong thoả ước.


Nhưng đến lần thứ 3 vào tháng 10/2017, TT Trump nói rằng ông không muốn chứng nhận nữa việc Ba Tư đã tuân hành theo các điều khoản trong thoả ước. Mục đích của ông Trump là muốn thảy quả bóng về phía Thượng Viện để quyết định có nên áp đặt lại các biện pháp cấm vận hoặc đặt ra những điều kiện mới để buộc phía Ba Tư phải thi hành.


Tuy vậy, phe Cộng Hoà tại Thượng Viện không hoàn toàn ủng hộ việc áp đặt lại các biện pháp cấm vận, nhất là khi các viên chức cao cấp trong chính quyền đều vẫn xác nhận rằng chính quyền Ba Tư vẫn thi hành đúng các điều khoản, và quan trọng hơn nữa là phía các nước đồng minh Anh, Pháp và Đức cũng không đồng ý với việc rút lui khỏi thoả ước. Vì thế nên thời hạn 60 ngày qua đi nhưng mọi việc cũng không có gì thay đổi, coi như là một hình thức thảy quả bóng trở lại phía Toà Bạch Ốc để lấy quyết định và phải chịu chấp nhận những hậu quả của nó.


Vì thế nên đến đầu tháng Giêng 2018, TT Trump lại đưa ra một thời hạn mới là ngày 12 tháng 5 sắp tới để buộc các đồng minh Âu Châu cần phải cứu xét và giải quyết 3 điều mà ông cho là khiếm khuyết nghiêm trọng của thoả ước JCPOA: đó là nó chỉ giới hạn chương trình phát triển hạch tâm của Ba Tư cho đến năm 2025; kế đến là nó không chú trọng nhiều đến chương trình phát triển đầu đạn hạch tâm của Ba Tư; và sau cùng là chương trình thanh tra của Liên Hiệp Quốc không được toàn quyền đến các căn cứ quân sự ở Ba Tư mà phía Mỹ tình nghi là Lực Lượng Vệ Binh Hồi Giáo đã lén lút theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí nguyên tử trước đây. Nếu như phía các đồng minh Âu Châu từ chối điều này, TT Trump sẽ tuyên bố Hoa Kỳ xóa bỏ thoả ước này.


Nhiều chuyên gia trong lãnh vực này, kể cả những người chống đối thoả ước JCPOA từ lúc ban đầu và nhiều viên chức chính quyền cũng như các nghị sĩ phe Cộng Hoà, đã lên tiếng báo động việc Hoa Kỳ tự ý rút lui sẽ chẳng làm cho tình hình khả quan hơn, nếu không muốn nói là có phần tệ hại hơn vì Ba Tư vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển hạch tâm trở lại mà không bị mang tiếng là vi phạm vì Hoa Kỳ là quốc gia trở mặt trước tiên và không đưa ra được những bằng chứng xác đáng để được sự đồng ý ủng hộ của phía Liên Âu. Và dĩ nhiên, Nga Sô và Trung Cộng cũng khó lòng ủng hộ Hoa Kỳ trong vụ này, nhất là họ còn sẵn sàng vui mừng khi thấy chính quyền Trump có thể sẽ vướng phải một “cục xương khó nuốt” khác trong những ngày tháng tới.


Tuy vậy, vẫn có những người cương quyết chống đối đến cùng để mong TT Trump quyết định xé bỏ thoả ước này. Trong số đó, người hăm hở nhất có lẽ là ông Benjamin Netanyahu, đương kim thủ tướng của Do Thái, lúc nào cũng coi Ba Tư như là một kẻ thù đáng ngại nhất hiện nay tại vùng Trung Đông.


KHI ÔNG THỦ TƯỚNG DO THÁI BÁO ĐỘNG


Sau chuyến công du kéo dài trong 3 ngày của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đến Hoa Kỳ và được đón tiếp trọng thể về mặt nghi thức ngoại giao cũng như trong chốn riêng tư bởi TT Donald Trump, người ta nhận thấy là ông Macron quả là một trong số ít những lãnh tụ trên thế giới có biệt tài thu hút sự chú ý và thiện cảm của TT Trump, có lẽ ít được xem như là một vị tổng thống Mỹ gây nhiều khó chịu và ác cảm nhất từ phía các vị lãnh tụ khác trên thế giới.


Nhưng một vị lãnh tụ khác cũng có biệt tài này không kém gì ông Macron, đó là Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái. Dù rằng ông thủ tướng Do Thái đã có sẵn mối giao tình thuận thảo hơn với ông Trump (xuyên qua việc ông Netanyahu vốn không mặn mòi gì lắm với TT Obama trước đây) nếu so với tổng thống Pháp, qua sự kiện buổi gặp gỡ ban đầu giữa hai vị lãnh tụ Mỹ & Pháp có phần khá căng thẳng với “cú bắt tay đầy căng thẳng” nhân kỳ hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào mùa hè năm 2017.


Vào ngày thứ Hai đầu tuần vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã đọc một bài diễn văn được thu tại cơ quan Kirya là Bộ Quốc Phòng Do Thái và được truyền hình đi khắp nơi để cáo buộc rằng chính quyền Ba Tư đã dối trá về thành tích của họ trong việc đeo đuổi chương trình phát triển vụ khí hạt nhân. Mở đầu bài diễn văn, ông Netanyahu tuyên bố: “Đêm nay, chúng tôi sẽ chứng tỏ cho quý vị thấy một điều mà thế giới từ trước tới giờ chưa thấy được.


Sau đó, ông trình bày cho mọi người thấy cái mà ông gọi là “thư khố nguyên tử” (atomic archive) của Ba Tư, với một màn trình diễn những tài liệu và rất nhiều các dĩa CD-ROM ghi lại những bằng chứng mà ông cho rằng giới tình báo Do Thái vừa mới được thu được, để kết luận rằng “Ba Tư đã gian dối” khi nói rằng mình đã không đeo đuổi tham vọng hạch tâm.


image010

Ông Netanyahu với biểu đồ báo động về “Thư khố Nguyên tử” của Ba Tư


Nhưng theo nhà báo Adam Taylor, trong một bài phân tích ngắn trên tờ Washington Post, tuy hàng triệu người có thể xem hay nghe đọc bài diễn văn này, nhưng ông Netanyahu chỉ nhắm đến một người duy nhất: đó là TT Trump. Bởi vì ông mong muốn rằng chính quyền Trump sẽ làm điều đúng nhất (theo ông) là dẹp bỏ cái thoả ước này và áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận để trừng phạt Ba Tư.


Nhưng điều đáng nói là những điều ông Netanyahu trình bày trong bài diễn văn vừa qua lại chẳng có gì gọi là mới mẻ hoặc đưa ra những thông tin nào mà thế giới chưa được biết đến như lời ông báo động có vẻ nghiêm trọng. Một nhà báo Do Thái là Barak Ravid của đài truyền hình Israel’s Channel 10 qua ngày thứ Ba hôm sau đã viết trên diễn đàn Axios.com rằng thật ra ông Netanyahu đã nói những chi tiết này với TT Trump và các phụ tá cao cấp trong một cuộc gặp gỡ cách nay 2 tháng.


Nhưng lý do mà ông thủ tướng Do Thái muốn tiết lộ cho mọi người biết trong bài diễn văn đầu tuần vừa qua là vì ông ta đang muốn tạo thêm áp lực lên TT Trump trước thời hạn 12/5 sắp tới để mong dẹp bỏ thoả ước JCPOA, nhất là sau khi những vận động mới nhất của các lãnh tụ Âu Châu như TT Emmanuel Macron của Pháp và Thủ tướng Angela Merkel của Đức trong tuần qua đã đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn để thuyết phục ông Trump là đừng xé bỏ nó.


Rất nhiều những lãnh tụ thế giới đã tìm cách để gây ảnh hưởng hoặc thuyết phục TT Trump kể từ ngày ông mới lên nhậm chức vào tháng Giêng năm ngoái. Nhưng dường như chỉ có mình ông Netanyahu là người khôn khéo và tinh ranh hơn hết để hiểu rõ tâm lý và biết cách lấy lòng ông ta rất hữu hiệu.


Ông Netanyahu cũng là một người có biệt tài ăn nói và trình diễn để lôi cuốn sự chú ý của cử toạ tương tự như ông Trump, một loại “showman”. Vì thế nên trong lần đọc diễn văn kỳ này, ông Netanyahu cũng thủ sẵn đầy đủ những phụ tùng cần thiết để đạt được mục đích, qua những thứ cần được trang bị để thu hút sự chú ý của mọi người, trong đó có cả một tủ sắt đựng đầy các tài liệu và các băng CD, mà theo ông nói, đã chứa đựng hơn 100,000 các tài liệu lien quan đến chương trình phát triển hạch tâm của Ba Tư. Sau đó, ông cũng khéo léo trình bày màn “slideshow” với những tấm ảnh nêu rõ những bằng chứng để kết luận rất cụ thể rằng “Ba Tư đã gian dối”.


Tuy vậy, nhiều chuyên gia am tường trong lãnh vực này lại không thấy có điều gì mới lạ hoặc đặc sắc trong phần trình bày của ông. Chẳng hạn như ông Joshua Pollack thuộc viện nghiên cứu về các hồ sơ quốc tế có tên là Middebury Institute of International Studies tại Monterey thì nói rằng hầu như tất cả những thông tin ông Netanyahu đưa ra trong bài diễn văn này đều là những điều mọi người đều đã biết theo kiểu “xưa rồi Diễm ơi!”.


Trong một bài phân tích trên tạp chí Defense One, ông Pollack, cũng là chủ biên của tạp chí NonProliferation Review chuyên nghiên cứu về hồ sơ hạch tâm, viết rằng nếu có những điều mới lạ do ông Netanyahu tiết lộ lần này, thì đó cũng chỉ là một chi tiết nhỏ về một kho vũ khí hạch tâm “rất nhỏ, chẳng đáng kể” (miniscule, unambitious) gì cả của Ba Tư, chỉ đáng làm trò cười nhẹ cho ông Kim Jong Un, nổi tiếng là lãnh tụ đang đẩy mạnh chương trình vũ khí hạch tâm đáng ngại nhiều hơn của Bắc Hàn.


Đó là chi tiết về 5 đầu đạn hạch tâm của Ba Tư, với sức mạnh tương đương cỡ 10 kilotons chất TNT, được coi như là có sức công phá chẳng thấm tháp gì trong các kho vũ khí hạch tâm thời nay, còn thua cả quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Lần thử bom nguyên tử sau cùng của Bắc Hàn được ước tính có sức mạnh cỡ 50 kilotons, nhưng sau đó được điều chỉnh lại là có sức mạnh cỡ 250 kilotons dựa theo sự chấn động đo được.


image011

Ông Netanyahu đang trình bày về các đầu đạn nguyên tử của Ba Tư


Thế nhưng ông Netanyahu không có tham vọng thuyết phục các chuyên gia về hạch tâm. Nhân vật duy nhất mà ông muốn nhắm đến để đạt được mục đích thuyết phục là TT Trump, bởi vì ông biết rõ bản tính của ông Trump không thích các màn thuyết trình dài giòng của các chuyên viên tại Toà Bạch Ốc cũng như của Ngũ Giác Đài. Ngược lại, ông Trump chỉ thích các phần thuyết trình ngắn gọn, nếu có thêm những sơ đồ hay biểu đồ tóm lược thì càng tốt hơn, vì nó khiến ông dễ nắm bắt nội dung một cách mau lẹ và kết luận đơn giản, chứ ông không có tính kiên nhẫn để ngồi nghe phân tích những rắc rối chi ly của nhiều vấn đề.


Vì thế nên liền sau đó, ông Netanyahu đã thấy ngay kết quả thuận lợi về sự chú ý của ông Trump, dù rằng sự chú ý này lại chẳng lấy gì làm chính xác cho lắm. Vào tối thứ Hai hôm đó, Toà Bạch Ốc đã đưa ra một thông cáo qua lời của phát ngôn viên Sarah Sanders Huckabee để nói rằng ông Netanyahu đã chứng minh rõ ràng rằng Ba Tư “đang có một chương trình vũ khí hạch tâm rất mạnh và được lén lút thực hiện”. Nội dung của bản thông cáo này rõ ràng là có mục đích báo động về mối nguy của Ba Tư nên khiến cho mọi người cần phải nên cảnh giác, và do đó có thể biện minh phần nào cho quyết định sắp tới của TT Trump là dẹp bỏ thoả ước JCPA.


Nhưng rồi liền qua ngày hôm sau, các viên chức cao cấp trong chính phủ Trump cũng đã nhận ra sự sai lầm của mình bởi vì nó đã đi ngược lại với quan điểm chính thức của toàn thể các cơ quan tình báo và an ninh của Hoa Kỳ, cho đến nay chưa bao giờ cáo buộc Ba Tư đang tiến hành một chương trình phát triển vũ khí hạch tâm.


Nhà báo Amir Tibon, trên diễn đàn Haaretz.com tại Do Thái, đã viết rằng Toà Bạch Ốc đã viết sai chính tả (spelling mistake) khi dùng chữ “đang có” (has) thay vì “đã có” (had) khi nói về chương trình hạch tâm của Ba Tư. Rõ ràng là trước đây Ba Tư có tham vọng này nhưng đã bị phát giác, dẫn đến việc bị cấm vận bởi liên minh Hoa Kỳ và Âu Châu, để rồi cuối cùng đành phải chịu thua và ký kết thoả ước JCPOA vào năm 2015 sau nhiều năm trời thương thảo.


Vì thế nên sau đó không lâu, Toà Bạch Ốc đã cho đăng lên website của mình bản văn mới của bản thông báo đã đưa ra, với chữ “đang có” được sửa lại thành “đã có”, để âm thầm sửa đổi sự sai lầm của mình hầu cho thấy rằng bản thông cáo không đi ngược lại với quan điểm chính thức của các cơ quan tình báo và an ninh của Hoa Kỳ từ trước tới nay.


NHỮNG NGƯỜI BIẾT THỦ THỈ VỚI TT TRUMP


Thật ra, ông Netanyahu không phải là lãnh tụ ngoại quốc duy nhất biết cách khôn khéo để lấy cảm tình hoặc tạo ảnh hưởng với TT Trump. Tại Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in cũng là người rất khéo léo, để từ một người có những quan điểm cấp tiến gần như trái ngược với lập trường của vị tổng thống bảo thủ của Hoa Kỳ hiện nay, để xoay xở và tự trở thành một đồng minh quan trọng để đẩy mạnh chính sách giảm bớt căng thẳng với Bắc Hàn. Ông tổng thống Nam Hàn cũng áp dụng chiến thuật tương tự như thủ tướng của Do Thái: đó là thay vì tìm cách thuyết phục cả một chính quyền Mỹ hiện nay với những tài liệu, hình ảnh và nhân vật ủng hộ, ông chỉ cần nhắm thẳng tới một người duy nhất: đó là cá nhân ông Trump.


image012

TT Moon của Nam Hàn và TT Trump.


Cũng giống như ông Netanyahu, TT Moon của Nam Hàn cũng học hỏi mau lẹ để biết rằng TT Trump rất thích những gì có tính cách mầu mè, dễ đập mắt thay vì những tài liệu dài dòng và khô khan. Vì thế nên ông đã cho tổ chức cuộc hội nghị tay đôi với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn rất trọng thể với đầy đủ lễ nghi trang trọng và được sửa soạn rất chi tiết, để rồi sau đó những hình ảnh này được truyền đi khắp nơi. Nhưng mục đích chính không phải là để thuyết phục đa số dân chúng tại Nam Hàn hoặc tại Hoa Kỳ, mà duy nhất là nhằm ảnh hưởng đến TT Trump, nhất là khi ông Trump đưa ra đề nghị rằng ông cũng muốn gặp gỡ với lãnh tụ Kim của Bắc Hàn cũng tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) là một ngôi làng ở vùng phi quân sự chia đôi hai nước tại bán đảo Triều Tiên.


Thật ra cuộc hội nghị tay đôi giữa hai lãnh tụ Nam và Bắc Hàn chưa đạt được những thành quả cụ thể nào trong ước muốn giảm nhẹ mối nguy về chiến tranh tại vùng này. Nhưng theo giáo sư Andrei Lankov, giáo sư giảng dạy về đời sống và sinh hoạt chính trị của Triều Tiên tại trường đại học Kookmin ở thủ đô Hán Thánh (Seoul), rõ ràng là những hình ảnh đầy tích cực về cuộc hội họp thượng đỉnh này đã đạt được sự ủng hộ tích cực từ phía TT Trump, và đó cũng là ý định của TT Moon. Nó cho thấy hình ảnh tích cực và thành công của một cuộc hội nghị quan trọng, khiến một số người cũng mơ ước hoặc dự đoán rằng TT Trump cũng có thể đạt được một thành quả tương tự cho kỳ gặp gỡ rất quan trọng sắp tới với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn, mà chỉ cách nay vài tháng, hai ông này còn dùng những ngôn từ rất thô lỗ và nguy hiểm để tấn công hoặc chỉ trích lẫn nhau.


Ông tổng thống Nam Hàn cũng rất khéo léo dùng những lời lẽ để ca ngợi theo kiểu “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” của những người buôn bán khéo léo để đem lại cái lợi thế cho mình hầu đạt được sự ủng hộ hay thiện cảm từ phía TT Trump. Đó là khi ông được nhiều người đánh giá là lãnh tụ rất xứng đáng để được trao giải Nobel Hòa Bình, tương tự như một vị tổng thống Nam Hàn trước đó cũng có lập trường khuynh tả là Kim Dae-jung với sáng kiến gặp gỡ với lãnh tụ Kim Jong Il là bố của lãnh tụ Kim Jong Un hiện nay, ông Moon đã nhanh nhẹn trả lời rằng chính TT Trump mới là người xứng đáng được giải Nobel này vì những nỗ lực để giải quyết cơn khủng hoảng vì mối nguy chiến tranh nguyên tử tại vùng này. (Điều này có lẽ cũng khiến cho ông Trump phải “nở mũi” và những người ủng hộ ông cuồng nhiệt nhanh chóng đem ra để so sánh với ông Obama trước đây đã được trao giải Nobel Hòa Bình).


Nhưng khách quan mà nói, cho đến nay TT Trump chỉ mới làm một quyết định đột phá là chấp nhận lời mời của lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn, nhưng chưa có dấu hiệu gì cụ thể và rõ ràng để cho thấy là cả hai bên có thực sự muốn giải quyết hồ sơ này một cách ổn thoả và tốt đẹp vì những khó khăn nan giải của nó. Ngược lại, những lời lẽ rất cứng rắn trước đây của TT Trump, cũng như những lập luận gần đây cho rằng nhờ thái độ cương quyết và mạnh mẽ của TT Trump nên mới khiến cho phía Bắc Hàn phải xuống giọng và chịu nhượng bộ để quyết định gặp gỡ, nhiều phần là khó có thể được coi là những nỗ lực tốt đẹp và hiệu quả để giải quyết hồ sơ này. Phía Bắc Hàn lại bắn tiếng cho rằng những luận điệu mới đây của ông Trump đang làm hỏng cái bầu không khí “hoà hoãn” (détente) hiện nay tại bán đảo Triều Tiên, và cũng tái xác nhận rằng quyết định giảm cường độ căng thẳng này từ phía Bắc Triều Tiên chẳng hề là vì ảnh hưởng các đòn cấm vận của Hoa Kỳ.


Tuy vậy, không ai chối cãi rằng TT Moon Jae-in của Nam Hàn rõ ràng là đã rất khéo léo để từ một người không lấy gì làm thân thiện với TT Trump lúc trước, nhưng giờ đây có thể được xếp hạng vào hàng ngũ những người “Trump Whisperers”, tức là có thể thủ thỉ bên tai TT Trump.


Trong những phương cách khá đơn giản như vậy nhằm thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng với TT Trump, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang áp dụng đúng những chiêu thức mà các phụ tá trong chính phủ của ông Trump đang thực hiện trong thời gian qua khi bắt đầu hiểu rõ hơn về tính khí cũng như những thói quen bất thường của ông.


Trong một bài phân tích khá chi tiết trên tạp chí The New Yorker mới đây có tựa đề “Mc Master and Commander” để nói về mối liên hệ giữa Trung Tướng H.R. McMaster là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia với TT Trump, tác giả Patrick Radden Keefe đã thuật lại nhiều chi tiết khá độc đáo trong suốt thời gian ông McMaster đảm nhiệm chức vụ phụ tá cao cấp nhất về an ninh trước khi bị TT Trump cách chức hồi tháng 3 vừa qua.


Đó là khi các viên chức làm việc trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council) đã phải thích ứng cách trình bày cho TT Trump một số những điều cần thiết trước khi ông gặp gỡ hoặc nói chuyện với các lãnh tụ các quốc gia khác. Vì những dịp tiếp xúc này có thể bàn đến nhiều đề tài rất đa dạng với nhiều chi tiết rắc rối mà không phải chính trị gia nào cũng có thể nắm vững, các viên chức làm việc tại đây, trong đó có nhiều chuyên gia tùng sự tại các cơ quan khác nhau trong nội các như bộ ngoại giao, bộ quốc phòng, bộ tài chính v.v., phải đúc kết các đề tài liên hệ thành một tập hồ sơ đầy đủ và thường là kéo dài ít nhất là vài trang giấy để trình lên cho vị tổng thống đọc hoặc duyệt qua.


Tuy nhiên, ông Trump không phải là người có tính kiên nhẫn để ngồi đọc các tài liệu này, và ông cũng thường chê bai các lời hướng dẫn trong các tập hồ sơ đúc kết này bằng cách đánh phủ đầu rằng ông chỉ cần có vài phút là đủ để đánh giá hơn thua khi điều đình với các đối tác. Vì thế nên các viên chức ở cơ quan NSC đã phải nhận được lời khuyên rằng họ phải rút ngắn các tập hồ sơ này xuống còn 1 trang giấy mà thôi, dù rằng Tướng McMaster cho rằng các đề tài về an ninh quốc phòng nhiều khi không thể nào rút ngắn một cách đơn giản được vì nó có thể dẫn đến những hiểu lầm và quyết định rất nguy hiểm.


Trong vụ ông Putin vừa mới đắc cử tổng thống gần đây trong một vụ bầu cử không hề được xem là trung thực và dân chủ, các viên chức ở cơ quan NSC đã muốn đưa ra nhiều lý do xác đáng để khuyên can là TT Trump đừng nên có những lời lẽ chúc mừng như thói quen thường giành cho những người mới thắng cử vì nhiều yếu tố, đặc biệt là ông đang bị nhiều cáo buộc là được Nga ủng hộ ngầm trong cuộc bầu cử TT Mỹ năm 2016. Vì như vậy, vô tình lời chúc mừng của ông Trump không những là một lời đề cao cho một lãnh tụ độc tài gian lận bầu cử mà còn là lời khen cho một người đã gián tiếp giúp đỡ cho mình trong một hành động chẳng hay ho gì. Tuy nhiên, cuối cùng các viên chức chỉ đúc kết lại lời khuyên cho TT Trump trong vài chữ ngắn gọn được ghi trên một tờ giấy nhỏ: “DO NOT CONGRATULATE!” (Đừng Nên Chúc Mừng!)


Tuy nhiên, họ cũng rút được kinh nghiệm là những tập hồ sơ hay bản báo cáo này nếu được kèm theo những hình ảnh, hay những biểu đồ tóm gọn thì dễ thu hút sự chú ý của TT Trump hơn là những dòng chữ đầy chi tiết rắc rối. Chẳng hạn như trong hồ sơ A Phú Hãn, mặc dù TT Trump không ủng hộ chính sách đưa quân Mỹ sang các chiến trường ở Trung Đông, nhưng nhờ vào những hình ảnh cho thấy một thủ đô Kabul tương đối thanh bình thời thập niên 1970 để thấy rằng tình hình không đến nỗi tuyệt vọng và có thể xoay chiều theo hướng khả quan hơn, Tướng McMaster cũng đã thuyết phục được TT Trump tiếp tục tăng số quân Mỹ đến chiến trường này.


Điều đáng nói trong vấn đề chiến thuật đơn giản để thuyết phục TT Trump là bản thân ông ta là một người hay thay đổi xoành xoạch, khiến những người không thích ông thường chê bai rằng đó là bản tính sẵn sàng lật lọng theo kiểu con buôn. Hơn nữa, còn có vấn đề khác là khi dễ dàng thay đổi quyết định sau khi nghe nhiều người tâng bốc hoặc thủ thỉ vào tai những điều nào đúng với sở thích hay tâm lý của mình, hoặc thoả mãn đúng tự ái cá nhân, ông Trump sẽ dễ rơi vào tình cảnh là dễ thuận theo lời của người sau cùng mởi thủ thỉ những lời đường ngọt với ông. (Để rồi sau đó ông ta cũng vẫn có thể thay đổi hay lật lọng kiểu khác.)


Đó chính là điều mà ông Netanyahu chứng tỏ cho mọi người thấy ông ta có lẽ là người khôn ngoan hơn hết. Bởi vì giống như một viên chức trong chính quyền Do Thái đã nói với nhà báo Barak David: “Tuần trước là cơ hội cho những lãnh tụ của Âu Châu, và tuần này là cơ hội cho lãnh tụ Do Thái của chúng tôi.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 10 tháng 5/2018


anhtuantaberd74@gmail.com