Nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh "Nói về tướng Hoàng cơ Minh

17 Tháng Mười Hai 20157:44 CH(Xem: 6811)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU DEC 2015

Nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh "Nói về tướng Hoàng cơ Minh                    
          

Giới thiệu của Giao Chỉ, San Jose.

Lời nói đầu: Nhân dịp thời sự còn bàn tán về cuốn phim Terror in Little Saigon với đề tài các nhà báo Việt Nam bị sát haị 35 năm trước, chúng tôi đăng bài "Trách chi người đem thân giúp nước" để giới thiệu hồi ký của một kháng chiến quân.

Qua bài viết tôi bầy tỏ công khai cảm tình với kháng chiến và đặc biệt hết sức quý trọng tinh thần hy sinh của tướng Hoàng Cơ Minh. Bài viết tác giả nghĩ là trung thực nhưng vẫn có một số anh em kháng chiến không vui. Số người thường trực chống đối thì đánh phá đồng loạt. Các diễn đàn đăng tải những luận điệu xấu xa, sai lầm một chiều đã giết chết các cơ hội thào luận đứng đắn. Nhiều thức giả sợ hãi không còn muốn lên tiếng.

Nhưng có một người đã can đảm nói ra tấm lòng ngưỡng mộ các anh hùng kháng chiến và đề đốc Hoàng Cơ Minh. Đó là bà Điệp Mỹ Linh. Một tiểu thuyết gia có nhiều tác phẩm. Đặc biệt, vì là phu nhân một sĩ quan hải quân VNCH bà đã có nhiều tin tức và cơ hội sáng tác cuốn ký sử Hải quân VNCH ra khơi. Năm xưa, khi Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Phạm-Hoàng-Tùng ra mắt tại Houston. Điệp-Mỹ-Linh là người duy nhất giới thiệu Hồi Ký này.Tôi rất hân hạnh giới thiệu nguyên văn bài nói chuyện dưới đây.

Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh trong Hồi Ký Kháng Chiến Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Kháng Chiến Quân Phạm Hoàng Tùng

Điệp-Mỹ-Linh

Kính thưa quý vị,

Trước khi vào chủ đề của buổi ra mắt Hồi Ký Kháng Chiến Hành Trình Người Đi Cứu Nước của cựu Kháng Chiến Quân Phạm-Hoàng-Tùng, tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã dành cho tôi vinh dự hiếm hoi này. Và tôi cũng xin xác định, tôi chỉ sẽ nói về hai cuốn Hồi Ký này chứ tôi sẽ không gián tiếp hoặc trực tiếp đề cập đến bất cứ một đoàn thể, một cá nhân hay là một tổ chức nào cả.

Kính thưa quý vị,

Sau khi nhận lời của ban tổ chức tôi hơi phân vân, khó nghĩ, vì tôi chỉ là một ngòi bút tài tử. Tôi không thích và không hề tham gia vào các hoạt động chính trị, mà đây là một buổi ra mắt của hai cuốn hồi ký mang nhiều dữ kiện chính trị thời đại. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy rằng tôi hành động đúng khi nhận lời phát biểu cảm tưởng về hai cuốn tài liệu chính trị này; bởi vì, khi một nhà văn cầm bút viết ra một tác phẩm – dù chỉ là một tác phẩm tình cảm lãng mạn lứa đôi – thì nhà văn đó đã, một phần nào, hé lộ chiều hướng chính trị của mình. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng độc giả của tôi cũng đã âm thầm đặt tôi vào vị thế không cùng giới tuyến với những người đã đem đau thương, tang tóc vào miền Nam Việt-Nam.

Một lý do khác cũng khiến tôi rất ngại ngùng, đó là tôi không nhận được sách từ sớm để đọc. Đến tối thứ Năm, cách nay 3 hôm, đi làm, về tôi mới nhận được cuốn thứ nhất. Khi thấy hai chữ “Bí mật” trên bìa sách, tôi hơi khựng lại. Rồi thứ Sáu tôi mới nhận được cuốn thứ hai. Trong khi đọc sách và tìm ý để viết bài thì vài người bạn, sau khi nghe đài phát thanh thông báo Điệp Mỹ Linh sẽ là người giới thiệu hai cuốn Hồi Ký đó, đã điện thoại, khuyên tôi không nên “dính” vào hai cuốn sách này... nguy hiểm! Tôi lại suy nghĩ và lo âu, có ý muốn từ chối, không giới thiệu sách nữa. Nhưng nghĩ lại, tự biết là người tự trọng, có trách nhiệm và luôn luôn tôn trọng sự thật; thêm nữa Hành Trình Người Đi Cứu Nước chỉ là những trang sách ghi lại những diễn tiến trong cuộc đời của một thanh niên, vì hoài bão lớn, vì lòng yêu Quê Hương, đã dấn thân và vô tình trở thành chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử, cho nên tôi vẫn viết bài.

Vậy thì, dù hôm nay, nếu chỉ có một vị quan khách thôi, tôi cũng sẽ rất vui lòng trình bày cảm nghĩ của tôi để vị đó cùng chia xẻ với tôi. Vì đây là hai cuốn sách mà ai không đọc thì người đó sẽ không tìm được những phút giây ngậm ngùi để lòng mình lắng xuống cho những xót xa, ray rứt dâng trào!

Kính thưa quý vị,

Về hình thức, tác phẩm được trình bày rất công phu, đẹp và tỉ mỉ. Cách sắp xếp các chương theo thứ tự thời gian. Tác giả cũng có công tìm tòi nhiều chi tiết địa lý rất chi li về những vùng mà tác giả đã đi qua. Sơ đồ của các vùng chiến khu cũng được vẽ rất rõ ràng, dễ hiểu.

Về nội dung, Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước chứa đựng rất nhiều dữ kiện mà chính tác giả Phạm-Hoàng-Tùng đã trực tiếp tham dự. Vì vậy, đây không những là hồi ký của một người đã thật sự dấn thân cho đại cuộc mà đây còn là tài liệu lịch sử rất giá trị, viết về những người hùng có thật, những đau thương có thật, những dã man có thật, những cuộc đụng độ với Việt-Cộng có thật và những cái chết đầy bi hùng cũng có thật!

Sở dĩ tôi tin những gì tác giả Phạm-Hoàng-Tùng viết là sự thật, vì 3 lý do sau đây:

1.-Tác giả viết từ vị thế của một thanh niên đi theo tiếng gọi thầm kín của lòng yêu nước chứ không phải từ cương vị của một cấp lãnh đạo hoặc cương vị của một người viết hồi ký để đánh bóng cái “tôi” của họ rồi đổ bừa tất cả lỗi lầm cho người đã chết. Tác giả không ngại ngùng khi viết về sự rời bỏ đơn vị của chính anh, khi đơn vị của anh đụng độ trận quyết liệt cuối cùng với Việt-Cộng. Và tác giả cũng rất thành thật khi viết về thân thế của anh chứ anh không hề thêm bớt hoặc vay mượn như nhiều người khác.

2.- Văn phong của tác giả rất dung dị, chừng mực, bình thản, trầm tĩnh. Phạm-Hoàng-Tùng không nặng lời với bất cứ nhân vật nào và anh cũng không hề oán trách ai. Ngay như đối với Cộng Sản Việt-Nam, một tập thể bất nhân, đầy ác tính, đã tạo ra không biết bao nhiêu cảnh tương tàn trên Quê Hương và đã đưa tác giả Phạm-Hoàng-Tùng vào lao tù mà Phạm-Hoàng-Tùng cũng chỉ vạch rõ những sai lầm, những bất nhân của họ chứ Phạm-Hoàng- Tùng cũng không thóa mạ, không dành cho họ những danh từ hạ cấp, thiếu lễ độ. Tôi nghĩ đây là tác phong của người trí thức, của người cầm bút có nhiều tự tin và tự trọng.

3.-Phạm-Hoàng-Tùng ghi lại danh tánh và cho biết tình trạng còn sống, đã chết, mất tích hoặc còn bị cầm tù của từng Phục Quốc Quân.

Thưa quý vị, tôi còn nhớ, khoảng đầu thập niên 80, tại University of Houston, khi cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh cùng tổ chức của Ông trình diện trước nhiều ngàn đồng bào, tôi đã khóc vì xúc động! Tôi thầm mong Ông cũng như những người trẻ dấn thân sẽ làm được “một chút gì” cho Quê Hương. “Một chút gì” đó không có nghĩa là lập lại hoàn toàn những khuôn mẫu của thời Việt-Nam Cộng-Hòa trước năm 1975 mà là “một chút gì” tốt đẹp hơn.

Nói đến “một chút gì” tốt đẹp cho Quê Hương, tôi chợt nhớ đến một nhân vật chính trong truyện ngắn Cây Đàn của Thầy Dưỡng do Điệp-Mỹ-Linh viết, dựa theo những chi tiết có thật của một người bạn của Ba tôi trong Hội-Mỹ-Thuật Nha-Trang vào thập niên 40 và cũng là vị giáo sư toán của tôi thời trung học. Tôi muốn nói đến Giáo Sư Nguyễn-Hữu-Dưỡng mà ở Nha-Trang hầu như mọi học sinh ban Toán đều biết.

Thập niên 40, Thầy Dưỡng, cũng như Ba tôi, tham gia kháng chiến chống Tây. Nhưng khi nhận ra chính sách lừa lọc, dối trá và dã man của Việt Minh, Thầy Dưỡng và Ba tôi rời bỏ hàng ngũ Việt Minh, trở về Thành.

Sau năm 1975, Thầy Dưỡng thành lập cơ cấu phục quốc. Sự việc bại lộ. Thầy Dưỡng bị Cộng Sản Việt Nam bắt và bị tra tấn rất tàn bạo. Ba tôi, sau khi mãn tù, đã vào nhà tù Nghĩa-Phú thăm người bạn xưa. Khi thấy tình trạng sức khỏe của Thầy Dưỡng quá suy sụp, Ba tôi hỏi nhỏ: “Dưỡng! Mày nghĩ như thế nào về những việc mày đã làm?” Thầy Dưỡng đáp: “Tao không bao giờ hối hận về bất cứ điều gì tao đã làm. Có điều, nếu những việc tao làm mà chỉ để lập lại ‘cái đã mất’ năm 75 thì tao không làm”.

Vâng, đúng như Thầy của tôi đã khẳng định: “Cái đã mất” năm 1975 không phải cái nào cũng đáng tiếc và đáng quý. Và chính trong Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước, ở nhiều đoạn, tác giả Phạm-Hoàng-Tùng cũng đã mạnh dạn vạch ra những cái không đáng quý, không đáng tiếc trong “cái đã mất” năm 75.

Theo tôi nghĩ, cái đáng tiếc và đáng quý nhất trong “cái đã mất” năm 75 là sự hy sinh oan uổng của không biết bao nhiêu thanh niên miền Nam. Và, theo sự cảm nhận cũng như những điều được tác giả Phạm-Hoàng-Tùng ghi lại trong Hành Trình Người Đi Cứu Nước, tôi nghĩ rằng sự hy sinh mạng sống và tuổi trẻ của những Khánh-Chiến-Quân cũng là một sự oan uổng! Chúng ta nên ghi nhớ và đề cao.

Trong vài đoạn tác giả có vẻ tiếc cho sự thất bại của một tổ chức kháng Cộng quy mô nhất của tập thể tị nạn mà tác giả đã đặt trọn niềm tin cũng như đã dấn thân theo đuổi – dù tác giả biết rõ rằng: “Đường cách mạng chỉ có một chiều: Giải phóng hay là chết!” (Trang 474)

Nhiều đoạn tác giả diễn tả lại các trận đụng độ nặng giữa vài đơn vị Kháng Chiến với Việt Cộng và những cái chết tuyệt “đẹp”, tưởng chỉ thấy-được-trong-phim-ảnh, của các vị chỉ huy trực tiếp và sau hết là của toàn Ban Lãnh Đạo Mặt Trận, khiến tôi ngậm ngùi thán phục! Nhưng cũng có nhiều đoạn khiến tôi đau lòng, phải dừng lại trong phút giây rồi mới đủ can đảm đọc tiếp; vì tính chất bi phẫn đến cùng cực của sự việc do tác giả thuật lại. (Trang 492, 493, 494...)

Cũng có nhiều đoạn tác giả viết về những vấn đề khác. Nhưng tôi nghĩ, tất cả những vấn đề đó đều quá nhỏ nhoi và tầm thường so với sự dấn thân, sự hy sinh và những cái chết tức tửi, oai hùng của những chàng trai nước Việt như Nguyễn-Huy, Lưu-Minh-Hưng, Huỳnh-văn-Tiến, Lê- văn-Long, Trần-văn-Đực, Nguyễn-vĩnh-Lộc, Nguyễn-Hoàng v.v… Xin quý vị hãy nghe đoạn văn ngắn này để ngậm ngùi, kính phục những người con ưu tú của Mẹ Việt-Nam: “...Còn chiến hữu Võ-Hoàng, khi thấy chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh tự sát, đã nói: ‘Tôi không thể chết, tôi phải là nhân chứng cho sự hào hùng và bi thảm này!’ Nhưng khi Võ-Hoàng vừa bò lên khỏi vách suối thì bị trúng nguyên một trái đạn M79 vào đầu...” (trang 662)

Ngoài những điều như tôi đã nêu ở phần trên, Phạm-Hoàng-Tùng còn làm ray rứt lòng người đọc bằng những đoạn viết về những ý nghĩ thầm kín của anh, một thanh niên trẻ, sống xa gia đình, và sống lâu trong rừng sâu núi thẳm: “Nét yểu điệu của phái nữ như có sức cuốn hút lạ lùng. Ý nghĩ tôi lại xa thoát thực tại trong phút chốc. Một chút gợi nhớ gì đó trong tôi về không gian bình yên xa vắng lâu rồi, một chút luyến tiếc hương vị nồng nàn, êm đềm nhiều cám dỗ của quá khứ ấm cúng gia đình...”(Trang 568) Và rồi.... “Buổi chiều đó, sau khi được tháo còng để ra giếng và ăn cơm tù. Lúc người bộ đội chưa tới phòng giam còng chân tôi lại như mọi khi, tôi tiến đến gần cửa sổ ngôi nhà sàn, có chiếc ghế cũ, chậm chạp ngồi xuống đấy, toàn thân như mềm mại hơn, hướng cặp mắt mệt mỏi, u buồn nhìn ra dòng sông Mekong trước mặt. Dòng nước chuyển dịch im lặng nhưng tràn sức mạnh, nó đang hướng về quê hương tôi tận bên dưới kia. Dòng Mekong vẫn chảy như nó đã chảy tự bao giờ, hằng trăm năm trước đây, khi không có tôi nơi đây cũng như không có những con người mà tôi được biết, được nghe nói, được chỉ dạy là đồng bào của tôi mà lại giam cầm tôi như một sinh vật mang chứng bệnh cần tránh xa, nếu có thể được, họ sẽ khai tử tôi, sinh vật tù tội, ra khỏi cuộc sống phàm tục này.

Cảnh dòng sông im lặng giữa cái nắng nhạt dần của buổi hoàng hôn đang đến chầm chậm nhưng trong lòng tôi lại dâng tràn cơn xúc động. Những giọt nước mắt hiếm hoi tưởng chừng rất kiên nghị, ẩn sâu kín trong hốc mắt như sẵn sàng chực ứa trào ra. Tôi biết chắc rằng đoàn quân Đông Tiến sẽ bị tiêu diệt trong nay mai! Nhưng khi nghe tin chiến hữu Chủ Tịch Hoàng-Cơ-Minh đã nằm lại vĩnh viễn trong rừng sâu kia, bên cạnh những thanh niên trẻ – các chiến hữu của tôi – từng nuôi ước mơ đẹp, hoài bão cao thượng, xây lại đời. Không hiểu tại sao, trong tôi dấy lên nỗi niềm bi phẫn mênh mông, nói không thành lời!...” (Trang 679)

Tác giả Phạm-Hoàng-Tùng cũng gián tiếp cho thấy rằng không phải chỉ một mình anh mới mang trong lòng “nỗi niềm bi phẫn mênh mông” mà các cựu Kháng Chiến Quân khác, ngay trong nhà tù Cộng-Sản, cũng vẫn lén lút tổ chức ngày giỗ Chủ Tịch – Cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh – để có dịp nhắc lại những chuyện đau lòng ngày trước! Điều này cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự của Mặt Trận đã tan rã, nhưng lý tưởng đấu tranh giải phóng đất nước và cái chết oai hùng của cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh cũng vẫn được nhiều cựu Kháng Chiến Quân tưởng nhớ và tôn kính.

 Kính thưa quý vị,

nhân vật nổi bật nhất trong hai cuốn hồi ký này không phải là tác giả Phạm-Hoàng-Tùng mà là Cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh, một sĩ quan cao cấp rất can trường, đạo đức cao và rất cứng rắn – cứng rắn ngay cả với chính bản thân Ông – của Hải-Quân Q.L./V.N.C.H.. Nói lên điều này không có nghĩa rằng tôi muốn đề cao Cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh vì tôi thuộc vào gia đình Hải Quân, mà hầu như đại đa số quân nhân Hải Quân, từ Sĩ Quan cho đến Thủy Thủ, đều nhận thấy, nhất là từ khi Ông đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ. Cứ mỗi khi đơn vị Thủy-Bộ nào đụng trận là thấy trực thăng chở Tư Lệnh Hoàng-Cơ-Minh bay vòng quanh trận địa để điều động và chỉ huy.

Tôi may mắn được biết Cố Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh từ ngày Ông còn là sĩ quan cấp Tá. Thời gian đó, đơn vị do Bố của các con tôi – cựu Hải Quân Trung Tá Hồ-Quang-Minh – chỉ huy, có cùng hậu cứ tại Căn Cứ Hải Quân Rạch Sỏi với Tư Lệnh Thủy-Bộ Hoàng-Cơ-Minh. Tôi thấy, mỗi khi vợ con của Ông từ Saigon xuống thăm, đích thân Ông lái xe đi mua thức ăn về cho vợ con của Ông dùng chứ Ông không bao giờ nhờ tài xế hoặc các anh cận vệ.

Vào tháng 03 và tháng 04-1975, Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh được chỉ định giữ những chức vụ quan trọng như thay thế Tướng Phan-Đình-Niệm ở chức vụ Tư Lệnh chiến trường Bình-Định; và sau đó Ông được bổ nhiệm kiêm luôn chức vụ Tổng Trấn Qui-Nhơn trong nhiệm vụ phối trí các lực lượng để đổ quân vào tái chiếm Qui-Nhơn....(Theo Tài Liệu Lịch Sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh).

Và, khi Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H. trên hải hành tiến đến Subic Bay, có nhiều sĩ quan cao cấp Hải Quân khác điều động đoàn tàu; nhưng chỉ có Cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh túc trực 24/24 trên máy truyền tin để hướng dẫn và điều động đoàn tàu. Nhiều vị Hải Quân vẫn còn nhớ, trong đêm khuya, giữa sóng nước mịt mùng, khẩu lệnh của cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh vang vang trên máy truyền tin của một Hạm Đội vừa mất bến Mẹ nghe đậm đặc tính chất bi hùng!

Đến Guam, trại Orote Point, một buổi trưa, Bố của các con tôi trở về lều, cho biết rằng cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh bảo rằng Ông sẽ trở về! Rồi anh lắc đầu, tiếp: “Ai chứ ông Hoàng-Cơ-Minh, hễ Ổng nói là Ổng làm!”

Vâng! Cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh đã thực hiện hoài bão của Ông. Và cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh cũng đã chọn một cái chết rất hào hùng!

Cái chết hào hùng của Ông Hoàng-Cơ-Minh cũng như của các Kháng-Chiến-Quân trong hồi ký của Phạm-Hoàng-Tùng khiến tôi nhớ đến 3 cái chết tưởng như không thật của cố Hải-Quân Trung Tá Ngụy-Văn-Thà, người đã chết theo Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, trong trận hải chiến với Trung Cộng tại Hoàng Sa; Cố Hải-Quân Thiếu Tá Lê-Anh-Tuấn, người đã tuẫn tiết trên chiến đỉnh, bên bờ sông Vàm Cỏ đêm 30-04 rạng ngày 01 tháng 05-1975; và Cố Hải-Quân Thiếu Tá Đặng-Hữu-Thân, người đã thành lập tổ chức Phục Quốc, sự việc bị bại lộ, Việt-Cộng bắt và xử bắn Ông tại trại tù A30!

Ai rồi cũng phải chết. Nhưng như Garnier đã nói: “Ai chết cho quê hương thì sống đời đời.”

Riêng về tác giả Phạm-Hoàng-Tùng, sau khi đọc xong hai cuốn Hồi Ký, tôi nghĩ, quý vị cũng sẽ như tôi, đều thấy rằng Phạm-Hoàng-Tùng không những là một Kháng-Chiến-Quân, một nhà báo làm việc cho đài phát thanh mà còn là một nhà văn chuyên nghiệp nữa; bởi vì chỉ có nhà văn chuyên nghiệp mới đủ khả năng diễn đạt được những rung động thầm kín, sâu xa của mình để làm ray rứt lòng người đọc. Tôi, sau hai đêm đọc xong hơn 900 trang sách, chữ nhỏ, lòng cứ ray rứt, bồi hồi. Tôi tự hỏi tại sao với những dữ kiện sống thực như vậy mà tác giả Phạm-Hoàng-Tùng đợi đến bây giờ mới phổ biến? Tại sao tác giả không khai triển thành một trường thiên và dựng thành phim?

 PĐĐ Hoàng Cơ Minh

Những ai chưa đọc hai cuốn Hồi Ký này thì xin người đó đừng kết tội Cố Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh – về những lem nhem, lũng đoạn của tổ chức Kháng Chiến tại Hoa Kỳ – và cũng xin đừng vội lên án Phạm-Hoàng-Tùng là tay sai của Việt-Cộng, được Việt-Cộng thả tù sớm để viết sách làm hoang mang, lũng đoạn và phân hóa cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Sự thật thì Phạm-Hoàng-Tùng vượt thoát trại tù – sự kiện này không phải là hiếm hoi; bởi vì, vài tù nhân chính trị, như Lý-Tống, như nhà văn Phụng-Hồng – tức Bác Sĩ Quân Y Tạ-Thúc-Phú – cũng đã vượt thoát thành công chứ không phải một mình Phạm-Hoàng-Tùng. Và, cũng trong hai cuốn Hồi Ký này, Phạm-Hoàng-Tùng đã vạch ra nhiều tội ác của Việt-Cộng như xua thanh niên Việt-Nam xâm lăng các nước lân bang.

Nói tóm lại, hai cuốn Hồi Ký này có thể ví như là một tác phẩm điêu khắc hay là một xã hội thu hẹp. Tùy vị thế, nhãn quan và cảm quan của mỗi người mà nhìn ra những nét đẹp, những nét hùng vĩ hoặc những dị dạng của nó.

Riêng tôi, tôi đã nhận ra những nét hùng vĩ mà tác giả Phạm-Hoàng-Tùng đã ghi lại; cũng như tôi đã biết được những sự kiện lịch sử rất hào hùng nhưng không kém phần bi thảm về cái chết của cựu Phó-Đề-Đốc Hoàng-Cơ-Minh và lòng quả cảm cùng sự hy sinh cao cả của những thanh niên cùng thời đại với chúng ta.

Đến đây tôi xin dứt lời.

ĐIỆP MỸ LINH

29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6881)
06 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8792)
24 Tháng Mười 2015(Xem: 7046)
Có vẻ như trang phục của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc thường có nét giống nhau về màu sắc.