"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 27 MAY 2016
Các nhà lãnh đạo khối G7 nhóm họp tại Nhật Bản
Các nhà lãnh đạo thế giới chụp ảnh lưu niệm trong ngày đầu tiên của cuộc họp của khối G7 ở Ise Shima, Nhật Bản, ngày 26/5/2016.
Các nhà lãnh đạo khối G7 hôm nay nhóm họp tại Nhật Bản để bàn về các vấn đề kinh tế, khủng bố và an ninh hải dương. Theo tường thuật của thông tín viên Jeff Custer của đài VOA, cuộc họp diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bàn về vụ án mạng ở Okinawa đang gây bất mãn cho dân chúng Nhật.
Các vị nguyên thủ của 7 nước giàu nhất thế giới cùng với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu đã bắt đầu hội nghị thường niên tại thành phố ven biển Ise Shima ở Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nghênh đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada tại Đền Ise, ngôi đền linh thiêng nhất của Thần đạo Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo đã lần lượt đi qua một chiếc cầu dài dẫn tới ngôi đền, trước khi đứng chụp hình chung với nhau.
Tin tức từ địa điểm hội nghị cho biết nghị trình của cuộc họp hai ngày này xoay quanh ba vấn đề chính là vực dậy nền kinh tế toàn cầu, chống khủng bố và an ninh hải dương.
Vấn đề thứ ba rõ ràng là có dính líu tới những hành động mỗi ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Tổng thống Obama hôm nay cho biết cuộc họp đã có một khởi đầu tốt đẹp và “đạt được rất nhiều thành quả.”
"Chúng tôi bắt đầu bàn tới một số vấn đề an ninh then chốt, những vấn đề quan trọng đối với tất cả chúng ta: (đó là) Biển Đông và an ninh hải dương. Chúng tôi đã bàn về những vấn đề liên quan tới Ukraine, nơi mà chúng tôi bắt đầu nhận thấy một số tiến bộ trong các cuộc thương thuyết nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy có quá nhiều bạo động và chúng ta cần phải giải quyết. Chúng tôi sẽ dành thêm thời giờ vào tối nay để tìm cách giải quyết một số điểm nóng quốc tế quan trọng."
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra một ngày khi Tổng thống Obama họp với Thủ tướng Abe giữa lúc dân chúng Nhật Bản tức giận vì vụ một thiếu nữ Nhật bị một cựu chiến binh Thuỷ quân Lục chiến Mỹ giết hại bên ngoài một căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay trong một cuộc họp báo.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, không bao lâu sau khi ông Obama tới Nhật, Thủ tướng Abe cho biết đôi bên đã thảo luận về vụ án mạng này.
"Toàn bộ thời gian của cuộc thảo luận nhóm nhỏ đã được dùng để bàn về vụ án mạng ở Okinawa, và tôi cảm thấy hết sức bất bình đối với tội ác cực kỳ đáng kinh tởm này. Vụ án mạng này chẳng những làm rúng động Okinawa mà còn gây chấn động cho toàn thể nước Nhật. Tôi đã trình bày với Tổng thống Obama là những cảm xúc của người dân Nhật Bản phải được tôn trọng một cách chân thành. Tôi cũng thúc giục Hoa Kỳ thực hiện mọi biện pháp hữu hiệu và thấu đáo để ngăn ngừa một sự tái diễn và để giải quyết vấn đề một cách tích cực và nghiêm túc."
Giới hữu trách Nhật Bản cho biết ông Kenneth Franklin Shinzato, 32 tuổi, thú nhận đã đâm và siết cổ cô Rina Shimabukuro, 20 tuổi, rồi vất xác cô ở một bụi rậm gần căn cứ Mỹ trên đảo Okinawa, nơi ông làm việc.
Tổng thống Obama cam kết phía Mỹ sẽ hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra.
"Liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một nền tảng hết sức quan trọng cho nền an ninh của cả hai nước. Liên minh đó cũng đã góp phần củng cố hoà bình và an ninh trên khắp khu vực. Chúng tôi đã thảo luận về thảm kịch xảy ra ở Okinawa và tôi đã trình bày sự phân ưu chân thành nhất và sự hối tiếc sâu xa nhất. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra và bảo đảm công lý sẽ được thể hiện dựa theo hệ thống pháp luật của Nhật Bản."
Vụ án mạng làm nhiều người nhớ lại vụ một nữ sinh Nhật bị nhân viên quân đội Mỹ cưỡng hiếp ở Okinawa năm 1995, làm bùng ra những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự hiện diện của các căn cứ Mỹ.
Vấn đề tội phạm này có thể gây cản trở nhiều hơn nữa đối với nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm thúc đẩy cho kế hoạch di chuyển một phi trường của Thủy quân Lục chiến Mỹ đến một chỗ khác trên đảo chính của Okinawa. Kế hoạch này đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của dân chúng ở địa phương.
53.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, cùng với 43.000 vợ con thân nhân, và 5.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng. 15 trong tổng số 23 căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Okinawa.
Mỹ đã chiếm đóng Okinawa kể từ khi đánh bại Nhật trong Thế chiến thứ II vào năm 1945 cho đến năm 1972./
VOA 26.5.2016
++++++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
VN kêu gọi Hoàng Sa: "Song phương"; Trường Sa: "Đa phương"
19 Tháng Tư 201611:44 CH(Xem: 188)
"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 20 APRIL 2016
VN: Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa
TTO - Ngày 14-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nếu liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp báo ngày 13-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hoan nghênh phát biểu trước báo chí của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về vấn đề Biển Đông.
Tại cuộc họp báo với truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc, và Mông Cổ ngày 12-4 tại thủ đô Matxcơva, ông Sergey Lavrov cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua kênh chính trị, ngoại giao trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.
Ngoại trưởng Nga cũng yêu cầu “các nước đứng ngoài” dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Khi được hỏi về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga tại họp báo thường kỳ chiều 14-4 ở Hà Nội, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ:
“Đối với vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.
Và đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.
Ông Bình khẳng định lại lập trường của VN đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Shenyang J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố hành động này của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực.
Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.
“Là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thời là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” ông Bình tuyên bố.
QUỲNH TRUNG 14/04/2016