VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA - THỨ TƯ 26 DEC 2018
Krakatoa: Vụ nổ có âm thanh lớn nhất trong lịch sử nhân loại
Hàng nghìn người đã bị điếc vĩnh viễn từ vụ nổ có cường độ âm thanh khủng khiếp này! Ảnh minh họa.
Với cường độ âm thanh lên tới 200 dB trong bán kính 20km, vụ nổ của núi lửa Krakatoa đã hủy diệt thính giác của hàng nghìn người trong tích tắc.
Sự kiện núi lửa Krakatoa (tiếng Indonesia: Krakatau) phun trào cách đây 133 năm được đánh giá là vụ nổ có âm thanh lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo dữ liệu đo được thời bấy giờ, âm thanh của vụ nổ Krakatoa vang xa tới mức, người dân ở cách đó 4.800km vẫn có thể nghe thấy rõ ràng.
Hình ảnh phục dựng mô tả vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử nhân loại. Ảnh minh họa.
Âm thanh vụ nổ phát ra trong bán kính 20km có cường độ khủng khiếp lên tới 200 deciben (dB)! Với cường độ này, tai con người hoàn toàn điếc vĩnh viễn (vì tầm nghe của chúng ta dao động từ 0 đến 125 dB).
Rất may, khoảng cách từ Việt Nam tới khu vực xảy ra vụ nổ là trên 3.000km, nên chúng ta chỉ cảm nhận được rung chấn và sóng xung kích từ Krakatoa mà không phải nhận hậu quả nghiêm trọng.
Vòng bán kính thể hiện rung chấn rõ rệt của vụ nổ Krakatoa. Ảnh: Reddit.
Theo các nhà địa chất học, vụ núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883 là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại.
Vụ nổ tự nhiên này đã khiến ít nhất 36.000 người chết, toàn bộ vùng đảo có núi lửa bị nham thạch phá hủy không còn dấu hiệu của sự sống.
Sau vụ nổ, hàng triệu tấn nham thạch đổ xuống biển đã gây nên những cơn sóng thần khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng.
Thảm họa khủng khiếp này đã xảy ra như thế nào?
Chuỗi ngày đen tối từ "cơn ác mộng" tự nhiên kinh hoàng bậc nhất lịch sử nhân loại
Núi lửa Krakatoa nằm tại vùng eo biển Sunda, khu vực giữa các đảo Java và Sumatra của Indonesia. Ngọn núi này cao 813m trên mực nước biển, diện tích mặt nước là 10,5 km2.
Các nhà địa chất cho hay, Krakatoa chưa thức giấc lần nào trong vòng 200 năm trước đó. Đây có thể là yếu tố khiến nhiều người thời bấy giờ không cảnh giác trước những dấu hiệu mà họ cho là bình thường dưới đây.
Theo một bài báo điều tra đăng trên tờ The Atlantic năm 1884 thì, không một người dân làng Anjer (cách núi lửa 40km) và Merak (cách 56km) nghe hoặc thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Krakatoa sẽ thức giấc.
Trong khi đó, làng Batvia (cách Krakatoa 128km) lại một phen hốt hoảng khi bỗng nhiên xuất hiện một tiếng nổ ầm ì, các cánh cửa và cửa sổ khi đó rung lắc một cách bất thường.
Tiếng nổ cảnh báo này xảy ra vào tháng 5/1883, cách thời điểm núi lửa Krakatoa thực sự thức giấc 3 tháng. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng đó là dấu hiệu báo trước "cơn ác mộng" thực sự kinh hoàng của tự nhiên, hủy diệt hoàn toàn sự sống của các khu làng xung quanh.
Vào 12h53 ngày 26/8/1883, vụ nổ ban đầu đã giải phóng vùng đám mây bụi khí rộng 24km. Đến lúc này, nhiều người vẫn chưa tin rằng Krakatoa sắp thực sự gây ra đại họa.
5h30 sáng ngày 28/8/1883, 4 vụ nổ khủng khiếp liên tục trong 4 giờ đồng hồ đã nhấn chìm toàn bộ người dân, các ngôi làng của vùng đảo xung quanh dưới lớp magma nóng rẫy.
Dòng dung nham nóng rẫy đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Hình minh họa.
Thảm kịch kinh hoàng xảy đến khi hàng chục nghìn người còn chưa tỉnh giấc hẳn sau một đêm yên bình.
Thậm chí, sau vụ nổ vài ngày, người dân thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng với thảm kịch mà không có bất cứ một dự báo nào được đưa ra trước đó!
Những con số chết chóc của "hung thần" Krakatoa
Dưới đây là những con số "chết chóc" được liệt kê sau khi núi lửa Krakatoa phun trào:
Ước tính, núi lửa Krakatoa đã bắn ra 25 km³ đá, tro và đá bọt vào một vùng không gian rộng 442km. Bụi, tro dày tới mức tia nắng Mặt Trời không thể xuyên qua để đến mặt đất trong vòng gần 2 tuần.
Núi lửa phun trào nhả ra hàng km khối tro bụi, khí nóng. Ảnh minh họa.
Sức công phá khủng khiếp của nó tương đương với 200 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần sức hủy diệt của quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Ít nhất 36.000 người thiệt mạng sau thảm kịch tự nhiên khủng khiếp này, 165 thành phố và thị trấn gần đó bị phá hủy hoàn toàn, 132 ngôi làng bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng chục nghìn người chết ngay tức khắc do bị biển dung nham nóng nhấm chìm.
Dư chấn của vụ nổ đã tạo nên cơn sóng thần cao gần 30m đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Số còn lại chết vì nhiễm tro bụi và chấn động thần kinh vì phải chịu đựng âm thanh vụ nổ quá sức chịu đựng của con người.
Hậu quả của vụ phun trào núi lửa khủng khiếp này đã gây họa không chỉ cho cư dân vùng xung quanh mà còn cho toàn cầu.
Hình ảnh phục dựng vụ núi lửa Krakatoa phun trào nhìn từ không gian.
Vụ nổ đã khiến toàn thế giới rung chuyển trong vài phút. Thậm chí, sóng xung kích lan ra toàn địa cầu 5 ngày sau vụ nổ và gây chấn động không hề nhỏ đển đảo Rodrigues (thuộc quần đảo Mascarene ở Ấn Độ Dương) cách đó gần 5.000km.
10 ngày sau thảm họa tự nhiên khủng khiếp này, Trái Đất chìm trong lớp khói bụi dày. Lượng lưu huỳnh trong tro phản ứng với ozon khí quyển gây ra cảnh hoàng hôn trên toàn thế giới trong 3 tiếng.
13 ngày sau vụ nổ, ánh Mặt Trời mới có thể xuyên qua lớp bụi dày để chiếu sáng cho Trái Đất.
4 năm sau vụ nổ, nhiều nơi trên thế giới phải hứng chịu "mùa đông núi lửa": Nhiệt độ toàn cầu giảm gần 2 độ, tuyết rơi kỷ lục được ghi nhận nhiều nhất trong lịch sử.
Năm 1927, phún thạch của núi lửa đã cho ra đời một hòn đảo mới có tên Anak Krakatoa (còn gọi là "Đứa con của Krakatau"). Hòn đảo này có bán kính gần 2 km và cao hơn 200 m so với mực nước biển.
Hình ảnh núi lửa Anak Krakatoa trên hòn đảo cùng tên, "hậu duệ" của Krakatoa. Ảnh: NASA.
Chính hòn đảo mới này cũng xuất hiện một núi lửa "con" mới tên Anak Krakatoa. Ngày nay, ngọn núi lửa con này vẫn đang hoạt động.
Cho đến nay, 133 năm kể từ ngày thảm họa tự nhiên khủng khiếp bậc nhất nhân loại xảy ra, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng trước hậu quả hủy diệt mà nó mang đến con người và tự nhiên.
Hi vọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ có những công trình nghiên cứu nhằm cảnh báo những thảm họa thế giới này, giúp con người có những biện pháp phòng và tránh hiệu quả.
*Bài viết dịch từ các nguồn: Mentalfloss, Livescience, Wikipedia theo Trí Thức Trẻ