TT Trump quyết định ám sát tướng Iran như thế nào

05 Tháng Giêng 20203:05 CH(Xem: 6106)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE SAIGON TỚI W.DC. - THỨ HAI 06 JAN 2020


TT Trump quyết định ám sát tướng Iran như thế nào


Trọng Thuấn  ZING - 04/01/2020


Vài giờ trước vụ không kích giết chết kẻ thù hàng đầu của Mỹ, Tổng thống Trump đang thư giãn tại Florida. Ông bình tĩnh vì đã ra quyết định này từ lâu.


Buổi sáng ngày 2/1 (giờ Mỹ), ông chơi 18 lỗ golf ở sân của chính mình tại West Palm Beach.


Tới 15h, ông trở về khu resort Mar-a-Lago, nơi ông coi là “Nhà Trắng Mùa đông”, rồi chờ đợi.


Ông đã ra quyết định đầy rủi ro, thậm chí sẽ thay đổi thế giới, từ trước đó: cho phép quân đội Mỹ tiêu diệt Qassem Soleimani, vị tư lệnh đầy quyền lực của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Ông Soleimani còn được coi là nhân vật quyền lực số 2 ở Iran sau lãnh đạo tối cao Khamenei.


image073

Tổng thống Trump từ trước đó đã cho phép quân đội tiêu diệt Qassem Soleimani. Ảnh: Khamenei.ir.


Chỉ thị ám sát hai tháng trước đó


Trong tuần này, ông đã họp ở Mar-a-Lago với các quan chức cao cấp, cũng như gọi điện cho các cố vấn để lấy ý kiến, theo Politico.


“Ông ấy bình tĩnh, thoải mái”, Howie Carr, dẫn chương trình một đài radio bảo thủ, người đã nói chuyện với ông Trump trong ngày 2/1 không lâu sau khi có thông tin về vụ không kích. “Tôi không hề biết đã có biến cho tới khi về đến nhà”.


Sau hai tháng mà căn cứ Mỹ ở Iraq liên tục bị tên lửa tấn công, Tổng thống Trump đã ra chỉ thị đặc biệt cho Lầu Năm Góc: quân đội Mỹ được phép ám sát Soleimani khi có cơ hội tiếp theo, một quan chức quốc phòng cao cấp giấu tên nói với Politico.


“Chúng tôi đã được phép hành động từ trước vụ không kích này”, vị quan chức này nói, nhưng không tiết lộ ông Trump đã “bật đèn xanh” cho quân đội khi nào - trước vài giờ, vài tuần hay vài tháng.


Các quan chức Mỹ mô tả tướng Qassem Soleimani là ông trùm chỉ đạo được mạng lưới các phiến quân Hồi giáo trên khắp Trung Đông, một kẻ độc ác nhưng nham hiểm chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người Mỹ.


image074image075image076image077


Hiện trường vụ không kích của Mỹ vào sân bay Baghdad sáng sớm 3/1. Ảnh: CNN


Tình báo Mỹ biết rõ từng giờ tướng Soleimani ở đâu


Về phần mình, tướng Soleimani không giấu giếm quyền lực và ảnh hưởng của mình. Ông vẫn thường bay đi bay lại giữa các thủ đô Tehran, Baghdad và Beirut để gặp các nhóm phiến quân.


“Tôi nghĩ cũng không quá khó (để biết ông ta ở đâu), vì ông ta đã không hoạt động ngầm từ 2-3 năm nay”, cựu quan chức cao cấp trong chính phủ Israel nói. Ông Soleimani từng một thời di chuyển một cách tuyệt mật, nhưng “trong 2-3 năm nay, ông ấy làm việc công khai”.


Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người mạnh mẽ cổ vũ chiến lược thay đổi chính thể ở Iran, mô tả việc tiêu diệt tướng Soleimani là “điều được tính toán từ rất lâu”.


“Chúng tôi biết Soleimani ở đâu hàng ngày, hàng giờ, trong nhiều năm nay - từng ngày một, không có lúc nào mà 5-6 cơ quan tình báo không biết hắn ở đâu”, một quan chức ngoại giao đảng Cộng hòa cho biết. “Thực ra đó cũng là câu nói cửa miệng của hắn: Người Mỹ lúc nào cũng tìm được tôi, họ chỉ không dám xử tôi”.


Nhưng sự tự tin đó không còn đúng rạng sáng ngày 3/1 ở sân bay Baghdad, Iraq, nơi ông Soleimani hạ cánh giữa vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Iran.


“Ông ấy hạ cánh xuống sân bay, và cơ hội mở ra cho chúng tôi, và dựa vào chỉ thị của tổng thống, chúng tôi làm theo”, quan chức quốc phòng cao cấp nói.


Các quan chức Mỹ tổ chức cuộc điện với giới chuyên gia ngày 3/1, và nói Mỹ đã nhận được “các thông tin tình báo tinh vi” về kế hoạch tấn công người Mỹ ở Iraq, Syria và Lebanon, theo một người biết thông tin cuộc gọi.


Bằng việc tiêu diệt ông Soleimani, các quan chức nói họ đã phá vỡ kế hoạch trên.


image078


Người dân Iran tưởng nhớ Qassem Soleimani. Ảnh: New York Times


Tối nhiễu loạn tin đồn ở Washington


Bản tin ban đầu về vụ không kích vào tối 2/1 (giờ Mỹ) chỉ như diễn biến quân sự, mang tính kỹ thuật. “Các tên lửa Katyusha đã rơi xuống khu vực sân bay quốc tế Baghdad”, tin của Reuters viết.


Nhưng sau đó, khoảng 19h, tin đồn bắt đầu xuất hiện, rằng Mỹ đã ám sát nhân vật quan trọng của Iran. Trong khi các phóng viên loay hoay kiểm chứng các tin đồn, truyền hình nhà nước Iraq đưa tin ông Soleimani cùng với một số chỉ huy phiến quân Iraq đã thiệt mạng.


Phóng viên BBC chia sẻ bức ảnh ghê rợn về bàn tay đã nát của ông Soleimani, đeo chiếc nhẫn ngọc của chính ông. Một số ảnh khác là đống đổ nát của đoàn xe bị tấn công.


Phải đến 21h46, chính phủ Mỹ mới chính thức xác nhận cái chết của Soleimani bằng thông cáo của Lầu Năm Góc.


“Theo lệnh của tổng thống, quân đội Mỹ đã ra quyết định tự vệ để bảo vệ tính mạng người Mỹ bằng cách tiêu diệt Qassem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố”, thông cáo viết.


Tổng thống Trump khi ấy chỉ đăng ảnh lá cờ Mỹ trên Twitter, không một lời giải thích. Nhưng các đồng minh của ông nhanh chóng lên TV để bình luận.


Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của bang Florida, đồng minh thân cận của tổng thống, người đã ở Mar-a-Lago tối 2/1, mô tả tâm trạng của tổng thống lúc đó là “rất tập trung”.


“Tôi thấy ông ấy rất chú ý tới cách mà Soleimani đang lên kế hoạch cướp đi sinh mạng người Mỹ, nhắm đến các nhà ngoại giao của chúng ta và đẩy cả khu vực vào nội chiến”, ông Gaetz nói trên Fox News. “Tôi nghĩ chúng tôi đều hiểu đấy là một quyết định lớn. Ông ấy hiểu được tầm quan trọng”.


image071

Ông Soleimani thường xuyên bay giữa Tehran, Beirut và Baghdad để chỉ đạo các nhóm phiến quân thân Iran. Ảnh: Reuters.


Nhà Trắng dường như chỉ thông báo cho các nghị sĩ thân cận nhất trong Quốc hội, trong khi các nghị sĩ Dân chủ phàn nàn rằng họ không được báo trước về quyết định không kích.


Một số dấu hiệu giờ đây nhìn lại có lẽ chính là sự chuẩn bị cho vụ tấn công. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hủy chuyến công du Ukraine và một số nước khác, để có thời gian theo dõi căng thẳng trong khu vực.


Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập đại sứ Iraq tại Washington vào chiều 2/1, theo một người biết về cuộc gặp, nhưng không rõ hai bên đã thảo luận những gì.


“Tôi nghĩ (việc nhắm đến ông Soleimani) được lên kế hoạch từ lâu, chứ không phải là quyết định giờ chót”, một quan chức Trung Đông nói. “Tôi không nghĩ đây là tình huống ‘Ồ chúng ta tìm ra hắn rồi, xử hắn thôi’”.


“Việc theo dõi Soleimani đã được tiến hành từ tháng 5, khi nổi lên hàng loạt đe dọa mới (đối với Mỹ)”, một cựu quan chức quốc phòng nói với Politico.


Tuy vậy, tướng về hưu Michael Nagata, cựu chỉ huy đặc nhiệm cấp cao ở Trung Đông, từng là giám đốc chiến lược của Trung Tâm Chống khủng bố Quốc gia (Mỹ), cho rằng để thực sự tiêu diệt ông Soleimani vẫn là thách thức lớn.


“Không những phải biết hắn ở đâu, mà còn phải biết hắn sẽ ở đâu vào thời điểm nào đó trong tương lai”, ông Nagata nói.


Đó là lý do vì sao “chúng ta chưa bao giờ nhắm tới chính hắn” trước đây, nhất là trong những năm mà Soleimani hoạt động bí mật và ít đi lại. Quân đội Mỹ không muốn dồn nguồn lực tình báo vào mục tiêu mà ít người nghĩ rằng tổng thống sẽ đồng ý tiêu diệt.


“Soleimani là con nhện ở giữa mạng lưới, vì vậy đã có những tranh luận liên tục nhiều năm nay về những gì cần chuẩn bị để tiêu diệt hắn”, ông Nagata nói.