VĂN HÓA ONLINE – NGHỆ THUẬT - THỨ BẨY 03 SEP 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Lê Phổ và hội họa Đông Dương trên sàn đấu giá quốc tế
03/8/2022
Hải Di Nguyễn
BBC News Tiếng Việt
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Đấu giá ở Sotheby's ở Singapore: ở giữa là “Vietnamese Lady”, bên phải là một tác phẩm khác của Lê Phổ
Ngày 28/8, tại buổi đấu giá Modern & Contemporary Auction của Sotheby’s ở Singapore, bức tranh “Vietnamese Lady” (Việt Nam nữ sĩ) của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 781.200 SGD (khoảng 557.000 USD).
Để so sánh, bức tranh được “gõ búa” với mức giá cao nhất tại buổi đấu giá là “Tierfabel” của Walter Spies với giá 4.032.000 SGD (khoảng 2,9 triệu USD) và thấp nhất là “Red Letter” của Yunizar với giá 34.020 SGD (khoảng 24.000 USD). Có vài tác phẩm không bán được.
Trong tổng số 50 bức tranh, có tám tác phẩm là của Lê Phổ, nhiều hơn bất kỳ ai khác tại buổi đấu giá. Ngoài ra có ba tranh của Mai Trung Thứ và một của Vũ Cao Đàm.
Bà Rishika Assomull, Phó Giám đốc về khu vực Châu Á và chuyên gia về hội họa hiện đại ở Sotheby’s, nói với BBC Việt ngữ ngày 1/9:
“Trong vài năm trở lại đây, chúng ta nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Lê Phổ là một trong những họa sĩ hiện đại có tranh được săn lùng nhiều nhất hiện nay. Trong phiên đấu giá Modern & Contemporary Art ở Singapore, tám tác phẩm của Lê Phổ được bán hết 100% và bán tổng cộng 2,4 triệu SGD, hay 1,7 triệu USD.”
Tranh Lê Phổ
Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), được đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương và được giáo sư Victor Tardieu xếp vào nhóm tinh hoa của khóa, là một trong những tên tuổi lớn nhất của hội họa Đông Dương.
Nhà thơ Lý Đợi, cây bút nhiều năm về mỹ thuật Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ ngày 30/8:
“Đời vẽ của Lê Phổ có thể tạm chia ra 3 giai đoạn: khi còn ở Hà Nội (vẽ lụa chủ yếu), khi sang Pháp định cư (vẽ song hành lụa và sơn dầu, với chủ đề chủ yếu là hoài cố hương), khi cộng tác/ký hợp đồng với Wally Findlay Gallery của Mỹ (vẽ sơn dầu, với chủ đề vui tươi, hoa và thiếu nữ là chủ yếu).
“Lê Phổ là họa sĩ có xuất thân quý tộc, bản thân lại thích thử nghiệm, tìm tòi nên gần như ông không hài lòng với bất kỳ vật liệu nào. Lụa hoặc sơn dầu của ông cũng có 3-4 kiểu khác nhau, có khi ông vẽ cả sơn dầu trên lụa (oil on silk), như hai lot 8 và 9 của phiên đấu Modern & Contemporary Auction hôm 28/8 tại Singapore. Đôi khi tiếng Anh ghi là oil on board (sơn dầu trên ván ép), nhưng thực tế cũng không phải sơn dầu thuần túy, mà ông pha trộn, dôi khi có cả bột màu và bột mực (gouache), đôi khi ông dung kỹ thuật lụa để vẽ trên toan (canvas).”
Nhà thơ Lý Đợi nói thêm “Nói chung xem tranh Lê Phổ lớt phớt thì dễ, còn truy xét bài bản về các thành phần vật lý thì khá phức tạp, bởi ông thích tìm tòi, thử nghiệm. Từ đây để thấy, việc phân biệt lụa hoặc sơn dầu với Lê Phổ, chỉ là rất tương đối mà thôi.”
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Lot 8 của phiên đấu: “Flowers” của Lê Phổ
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Lot 9 của phiên đấu: “Peonies and delphiniums”, sơn dầu trên lụa
Vì sao bức “Vietnamese Lady” lại cao giá đến vậy?
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Bức tranh “Vietnamese Lady” (Việt Nam nữ sĩ) được bán với giá 781.200 SGD (khoảng 557.000 USD)
Bức tranh “Vietnamese Lady” có kích thước 28,5 x 23,5 cm, tức là khoảng tờ A4.
Đây là tác phẩm có giá ước định cao nhất trong tám bức tranh của Lê Phổ nói riêng và các tác phẩm Việt Nam ở phiên đấu giá này nói chung: 620.000 – 1.000.000 SGD (khoảng 442.000 – 713.000 USD).
Bà Rishika Assomull nói đây “là tác phẩm duy nhất của Lê Phổ trong đợt bán tranh này được vẽ bằng mực và bột màu trên lụa, cho thấy kỹ thuật điêu luyện vô song (unparalleled technical mastery) trong cách sử dụng lụa làm chất liệu”.
“Khi nhìn bức “Vietnamese Lady””, bà nói, “chúng ta có thể thấy Lê Phổ đã đưa kỹ thuật mới lạ này lên mức tuyệt mỹ” và “ông sử dụng một bảng màu mong manh, tinh tế đi với cái mềm mại nhẹ nhàng của lụa, cho bức tranh một vẻ đẹp thanh tao”.
Nhà thơ Lý Đợi cho rằng “Mực và bột mực trên lụa (ink and gouache on silk) là một vật liệu được Lê Phổ say sưa nghiên cứu, thử nghiệm thành công từ khi còn là sinh viên, nên đã mang đến một bảng màu không chỉ mới mẻ, mà còn bền đẹp. So về tuổi đời và bề mặt vật lý với nhiều vật liệu khác như sơn mài hoặc sơn dầu, đâu có mấy bức tranh ra đời trong thập niên 1930 mà còn hoàn hảo như “Vietnamese Lady”.”
Một sức hút khác của bức tranh là nó ra đời năm 1938, không lâu sau khi Lê Phổ chuyển đến Paris, trung tâm của hội họa thế giới, và có điều kiện tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, nhiều dòng nghệ thuật khác nhau.
Theo nhà thơ Lý Đợi “Năm 1938, sáng tác “Vietnamese Lady” theo phong cách hoài cố hương, cũng là năm Lê Phổ mở cửa xưởng vẽ tại Paris cho khách xem và sau đó là triển lãm cá nhân đầu tiên. Chính cột mốc thành công của năm 1938 đã giúp Lê Phổ có vô số hợp đồng sáng tác và triển lãm cá nhân ở Algiers (1941), Paris (1945), Brussels (1948), San Francisco (1962), New York (1963)…”
Ngoài ra, ông cho rằng giá cao cũng có thể là do “bức tranh có một lai lịch và hành tung rõ ràng, qua tay những người sở hữu thanh lịch, hoặc có ảnh hưởng lớn trong giới sưu tập”.
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
“Figures in a Garden” (Hình dáng trong vườn), tác phẩm lớn nhất của Lê Phổ tính về kích thước
Cho đến nay, tác phẩm được giá cao nhất của họa sĩ Lê Phổ là “Figures in a Garden” (Hình dáng trong vườn), được đấu giá ở Sotheby’s ở Hong Kong tháng Tư năm nay và bán với giá 17.920.000 HKD (khoảng 2,3 triệu USD).
Hội họa Đông Dương
Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1924, khai giảng năm 1925 (Lê Phổ học khóa đầu tiên, cùng với Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, v.v..), đến năm 1945 thì kết thúc, với 17 khóa học.
Ông Lý Đợi nói “Mục đích chính của người Pháp và chính quyền thuộc địa khi thành lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924 là dạy thợ vẽ/nghệ nhân, thợ trang trí nội ngoại thất, kiến trúc, đúc gang đúc đồng… Thế nhưng những vị lãnh đạo và những vị thầy như Victor Tardieu, Nam Sơn, Joseph Inguimberty, Alix Aymé… và nhiều người nữa thì muốn “uốn nắn” trường theo hướng dạy nghệ sĩ sáng tác.”
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, nói với BBC Việt ngữ ngày 31/8:
“Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập với mục đích dung hòa bản sắc truyền thống với tính hàn lâm khoa học của phương Tây, bài bác những tác phẩm lại tạp lố bịch thời thượng vào lúc con người chưa có ý niệm cũng như ý thức về cái gọi là "thẩm mỹ". Chính vì vậy, trường Mỹ thuật Đông Dương đã hình thành một dòng chảy mỹ thuật hoàn toàn có tính Việt Nam, thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc đã ăn sâu vào trí tuệ con người sau hơn một ngàn năm bị đô hộ.
Khi nhìn vào những bức tranh thời kỳ này, người ta phân biệt ngay rằng đây là mỹ thuật Việt Nam, chứ không nhầm lẫn vào Trung Quốc hay Nhật Bản…”
Mai Trung Thứ và bức tranh Việt Nam cao giá nhất tới nay
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
“Portrait de Mademoiselle Phuong” (Chân dung cô Phượng) được bán với giá khoảng 3 triệu USD
Không tính thị trường mua bán chuyền tay hoặc bí mật, tác phẩm hội họa Việt Nam cao giá nhất hiện nay là “Portrait de Mademoiselle Phuong” của Mai Trung Thứ (1906-1980): giá 24.375.000 HKD (khoảng 3 triệu USD).
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi “Bức tranh “Chân dung cô Phượng” (được mệnh danh là “Mona Lisa của Việt Nam”) đã được Mai Trung Thứ trình bày bằng những gam màu rất đơn giản. Chính sự đơn giản này tạo ra nét đẹp thuần túy dịu dàng, và nét đẹp ấy đi thẳng vào hồn người bằng những bước chân nhẹ nhàng nhất. Lịch sử bức tranh cũng đẹp như cô, được sinh ra để bước lên đài danh vọng, là một trong những bức tranh được chọn dành cho triển lãm danh tiếng “Quốc tế Thuộc địa Paris 1931”.”
Ở Modern & Contemporary Auction ngày 28/8 tại Singapore, cũng có ba tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ. Bà Rishika Assomull của Sotheby’s nói cả ba tác phẩm đều vượt qua mức ước tính, trong đó bức “Children Playing” bán với giá 504.000 SGD (khoảng 359.000 USD).
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Bức tranh “Children Playing” bán với giá 504.000 SGD (khoảng 359.000 USD)
Sức hút của hội họa Đông Dương: ai sưu tầm những tác phẩm này?
Nguồn hình ảnh, SOTHEBY'S
Chụp lại hình ảnh,
Sotheby’s: bên trái là ba tác phẩm của Mai Trung Thứ, ngoài cùng bên phải là “Vietnamese Lady” của Lê Phổ
Bà Rishika Assomull nói “Chỉ trong một năm rưỡi, chúng tôi đã có ba kỷ lục cho mỹ thuật Việt Nam trong lịch sử đấu giá. Các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam bán tại Sotheby’s Hong Kong năm 2021 đã đạt gấp ba lần tổng doanh thu trước đó của chúng tôi năm 2020.”
Bà nói thêm “Tranh Việt Nam tại các cuộc đấu giá hàng đầu gần đây nhất của Sotheby’s vào mùa xuân 2022 đã được bán hết 100%, và đạt giá 400% so với ước tính thấp.”
Ngoài Lê Phổ và Mai Trung Thứ, trong vài năm qua một số họa sĩ khác cũng có tranh được bán giá cao như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị…
Theo nhà thơ Lý Đợi, có nhiều lý do:
“Đầu tiên, mỹ thuật thời Đông Dương là cột mốc của việc hiện đại nền mỹ thuật Việt Nam, nên nó có vai trò, dấu ấn rất lớn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Thứ hai, ngay từ đầu thế kỷ 20, qua các phiên đấu xảo (hội chợ) quốc tế, đồ cổ, mỹ thuật truyền thống và mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt trên thị trường, sau đó mỹ thuật thời Đông Dương hòa vào dòng chảy này, nên nhiều tác phẩm đã tham gia các giao dịch thứ cấp từ rất sớm, bây giờ giá cao và có sức hấp dẫn cũng là dễ hiểu thôi. Thứ ba, so với bốn thế hệ sưu tập người Việt trong thế kỷ 20, thì thế hệ thứ năm ở thế kỷ 21 đông đúc hơn gấp bội, nguồn tài chính lại dồi dào, định hướng và đầu tư sưu tập rõ ràng, nên mỹ thuật thời Đông Dương càng được lùng kiếm, càng trở nên khan hiếm. Đa số đều muốn trong bộ sưu tập của mình có một vài tác phẩm thời mỹ thuật thời Đông Dương.”
Tuy nhiên, không chỉ có người Việt mua tranh Việt.
Bà Rishika Assomull nói “Chúng tôi cũng chứng kiến sự tham gia tích cực của các nhà sưu tập từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Nghệ thuật Việt Nam từ lâu đã hấp dẫn các nhà sưu tập quốc tế - cần lưu ý là các nhà sưu tập từ Châu Âu, Bắc Mỹ, và Đông Nam Á đã sưu tập những bức tranh này từ nhiều thập kỷ trước sự nở rộ của những năm gần đây, và họ tiếp tục hào hứng mua lại.”
Riêng bức tranh Lê Phổ lập kỷ lục, “Figures in a Garden”, có từ một bộ sưu tập tư nhân của Mỹ và được hàng loạt người đấu giá qua mạng lẫn qua điện thoại từ nhiều nơi trên thế giới.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói:
“Rõ ràng, chúng ta nhận thấy nét đẹp của tranh Đông Dương không hề tàn phai. Ngoài giá trị lịch sử và thời gian, tranh Đông Dương đã có một chỗ đứng rất đặc biệt từ lâu trong lòng khách mến mộ mỹ thuật vì tính thuần túy của nó, và giá trị này càng ngày càng vững mạnh hơn.
Đối với tôi, giá trị tranh Đông Dương sẽ không dừng lại và sẽ còn lũy tiến theo thời gian.”