Giải mã Lưu Quang Vũ
BBC Cập nhật: 11:52 GMT - thứ tư, 25 tháng 9, 2013
Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt đã được diễn ở nhiều nơi trên thế giới
Đông đảo khán giả đã tới xem các vở kịch của Lưu Quang Vũ được trình diễn từ 09-15/09 nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông.
Tiến sỹ nghệ thuật học Phạm Thị Thành, nghệ sỹ nhân dân từng dựng nhiều vở của Lưu Quang Vũ nói "không một buổi nào không đông" và khán giả sẵn sàng ngồi dưới đất, hay thậm chí đứng xem, hoặc xem qua truyền hình từ bên ngoài.
Bà Phạm Thị Thành cho rằng, thành công của kịch Lưu Quang Vũ là do đề cập đến được bức xúc trong cuộc sống của người dân, và các vở đều kết thúc có hậu, nhưng đều là do nhân dân đứng lên vì nhận ra mình không thể bị đối xử tệ.
"Lâu lắm rồi giới sân khấu mới lại chứng kiến một cuộc hội ngộ mà nhất là với khán giả được đông như vậy.
"Nhiều người rất muốn vào mà không được vào và nhiều người vào thì phải ngồi dưới đường đi, ngồi dưới đất."
Bà Thành nói sau một phần tư thế kỷ qua "vẫn chưa có ai thay thế được ông Lưu Quang Vũ", người bà đánh giá là tài hoa và làm việc chăm chỉ.
"Trong vòng 10 năm ông ấy viết được hơn 50 vở kịch, tuy không phải vở nào cũng hay, nhưng hai phần ba trong số đó là thành công," vị tiến sỹ nhận xét.
'Phê phán cái sai'
Giải thích lý do kịch của tác giả Lưu Quang Vũ được khán giả hâm mộ, Tiến sỹ Thành nhận xét:
"Người ta ham mê là bởi vì kịch của anh Lưu Quang Vũ vừa nói lên được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng người dân nhưng đồng thời nói lên được những cái vĩ đại, những cái lớn của đất nước mà nhân dân đang bức xúc.
"...Anh ấy dám nói và có thể nói các vở của anh ấy hầu như dự báo trước những vấn đề mà bây giờ đang xảy ra còn nặng hơn hồi anh ấy nói.
"Anh ấy dám nói và có thể nói các vở của anh ấy hầu như dự báo trước những vấn đề mà bây giờ đang xảy ra còn nặng hơn hồi anh ấy nói."
Tiến sỹ Phạm Thị Thành
"Ví dụ vở 'Lời thề thứ chín' chẳng hạn. Anh ấy nói về những người lính trẻ ở tiền tuyến đang rất anh dũng chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu không được nghỉ ngơi, không được về gia đình.
"Trong khi đó ở hậu phương, chính quyền ở xã, huyện quan liêu, có những điều làm không tốt để người lính mất tập trung ở trên tiền tuyến...
"Có một cái lạ, anh ấy viết bao giờ kết thúc cũng rất có hậu, rất tốt đẹp nhưng cái tốt đẹp đó là do những người dân giản dị bình thường và biết yêu nước, biết làm thế nào để sửa chữa những cái đó.
"Họ là những người phê phán những cái sai và những người cầm quyền cũng phải nhận rằng họ có những cái sai."
'Tài hoa giời cho'
Tiến sỹ Thành cho rằng những người có khả năng sáng tác 'tài hoa' như ông Lưu Quang Vũ rất hiếm và đó là lý do người ta tấp nập đến xem các vở kịch của ông trong khi khá thờ ơ với sân khấu kịch nói chung.
Bà nói: "Có thể nói là hiện nay vẫn có nhiều đoàn kịch hoạt động ở phía nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh [nơi] nhiều vở kịch được diễn và khán giả đi xem đông hơn.
"Còn ở ngoài Bắc và Hà Nội thì lâu nay, từ sau những năm 80 sang những năm 90 khán giả cứ ít dần, có khi giấy mời hẳn hoi mà cũng ít người đến cơ.
"Bây giờ mọi người đều ngạc nhiên [khi] các vở kịch của ông Lưu Quang Vũ được mọi người đến đông vượt bậc hẳn lên so với những vở đang diễn."
Tiến sỹ Thành nói chưa ai thay thế được Lưu Quang Vũ sau một phần tư thế kỷ
"Nói về tài hoa của con người thì không phải là cứ người nọ mất đi thì người khác lên thay thế được.
"Đó là cái tài hoa đặc biệt cộng với sự rèn luyện và tìm hiểu trong đời sống, trong nhân dân, cộng với lao động miệt mài."
"Cái bản năng tự nhiên, cái tài hoa mà giời cho, hoặc gia đình, bố mẹ cho thì không phải ai cũng có được như nhau.
"Hiện nay chưa có tác giả nào vượt được anh Lưu Quang Vũ hay so sánh được bằng anh Lưu Quang Vũ."
Tiến sỹ Thành cũng nói kiểm duyệt không phải là lý do chính khiến sân khấu kịch thiếu sức hút và bà cho rằng kiểm duyệt đã "nhẹ nhàng hơn nhiều" so với thời Lưu Quang Vũ.
Bà nói vở kịch nổi tiếng 'Hồn Trương Ba da hàng thịt' của tác giả cũng đã qua nhiều vòng kiểm duyệt trước khi được diễn ở Việt Nam và sau đó là Mỹ và Liên Xô cũ.
Bà cũng nói ngay cả hiện nay một số người vẫn không sẵn sàng dựng một số vở kịch có tính phê phán xã hội cao của ông Lưu Quang Vũ./