VĂN HÓA ONLINE – TÁC GIẢ - YOUTUBE - THỨ HAI 04 APRIL 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Ca sĩ Sangeeta Kaur tức Teresa Mai đoạt Grammy lần thứ 64
04/4/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Sangeeta Kaur lên sân khấu nhận giải Grammy ngày 3/4/2022
Ca sĩ người Mỹ gốc Việt Sangeeta Kaur vừa đoạt giải Grammy lần thứ 64 cho album 'Mythologies' ở Hoa Kỳ.
Theo thông báo của Ban Tổ chức giải Grammy năm nay, giải nhất cho hạng mục album đơn ca cổ điển (The Best Classical Solo Vocal Album) được trao cho đĩa nhạc Mythologies của Sangeeta Kaur và Hila Plitmann.
Đây là tác phẩm nhạc của nữ nghệ sĩ piano Danaë Xanthe Vlasse được Sangeeta Kaur trình bày.
Hồi tháng 12/2021, cây đơn ca Sangeeta Kaur lần đầu tiên được đề cử giải Grammy cho hoạt động nghệ thuật, thể hiện album mới Mythologies của Danaë Xanthe Vlasse.
Chụp lại video, Cảnh báo: Nội dung bên thứ ba có thể có quảng cáo
Cuối YouTube tin, 1
Đây là lần đầu tiên một nữ nghệ sĩ Mỹ gốc Việt được đề cử Grammy Award trong hạng mục nói trên, theo các báo Hoa Kỳ cùng thời gian.
Các trang này cũng nói Sangeeta Kaur từng có mặt trong các tác phẩm của nghệ sĩ nhạc rock Stewart Copleand (The Police) và nhà soạn nhạc Ấn Độ Kej.
Chụp lại video, Cảnh báo: Nội dung bên thứ ba có thể có quảng cáo
Cuối YouTube tin, 2
Cô Sangeeta Kaur được trích lời trên trang EnigmaOnline.com năm 2021 nói rằng "Thu âm cho Mythologies là một trải nghiệm đặc biệt với tôi".
Sinh ra ở Hoa Kỳ trong gia đình cha mẹ người Việt, cô có tên là Trịnh Hoàng Mai hoặc Teresa Mai.
Tốt nghiệp Bob Cole Music Conservatory ở Đại học California State University, Long Beach, và có bằng thạc sĩ trình diễn ca khúc (Master of Music in Vocal Performance) ở Nhạc viện Boston Conservatory, cô chịu ảnh hưởng của triết học Ấn Độ và yoga.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Sangeeta Kaur lên sân khấu nhận giải Grammy ngày 3/4
Thường trình diễn cùng chồng là nghệ sĩ guitar Hải Nguyễn, Teresa Mai, từ 2009, lấy nghệ danh mới Sangeeta Kaur theo tiếng Ấn, nghĩa là 'Công chúa của âm nhạc và sự hài hòa'.
Sinh ra ở Hoa Kỳ, cô vẫn có thể trả lời bằng tiếng Việt khi trả lời phỏng vấn.
Sangeeta Kaur cũng hát tiếng Việt thuần thục, như trong các lần biểu diễu nhạc Việt tại Hoa Kỳ.
Trong một phỏng vấn gần đây, cô cho biết "rất muốn sang Việt Nam để tổ chức hòa nhạc".
Cô cũng cho biết rằng vài năm trước cô đã từng thăm Hà Nội và Sài Gòn trong khoảng hai tuần, không phải để hát mà để dạy yoga.
Chụp lại video, Cảnh báo: Nội dung bên thứ ba có thể có quảng cáo
Cuối YouTube tin, 3
+++++++++++++++++++++++++++
Văn hóa Việt Nam đi về đâu?
- Đoàn Bảo Châu
- Nhà văn, võ sư
1 tháng 12 2021
Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM. Loa phường vẫn hiện diện ở Việt Nam
Ông Đoàn Bảo Châu cho rằng, bao hội nghị được tổ chức cũng sẽ rơi vào quên lãng nhạt nhoà nếu không làm được một bước đơn giản đầu tiên là có được văn hoá nói thẳng, nói thật.
Nhân đang có hội nghị và các vị lãnh đạo cấp cao nhất nói nhiều về văn hoá nên tôi cũng muốn góp mấy câu. Văn hoá là một khái niệm bao trùm kiến thức, truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, cách ứng xử, thói quen của một người, một nhóm người hay của một đất nước.
Tôi thấy cách các vị bàn về văn hoá cũng giống như việc xác định vào năm 2045 Việt Nam sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vậy. Tức là nó không có giá trị thực tiễn với đất nước và người dân.
Muốn tạo ra được giá trị thực tiễn thì cần có một cái nhìn thẳng thắn trước mọi góc độ của chủ đề nêu ra. Tránh hô khẩu hiệu và không cần nhắc lại những định nghĩa và phương hướng quá xa của văn hoá.
Ta đang ở đâu?
Cái nhìn thẳng thắn là cần thiết để biết ta đang ở đâu và muốn biết ta ở đâu thì cần so sánh với mặt bằng nhân loại.
Tại sao một đất nước được gọi là văn hiến, với mấy nghìn năm lịch sử mà những đóng góp về khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật với văn hoá chung của nhân loại lại mờ nhạt đến vậy?
Có vị nhạc sỹ thì rên rỉ về việc thế hệ trẻ yêu nhạc Hàn, phim Hàn, phim Trung Quốc, truyện tranh Nhật và chẳng để ý tới phim, truyện, âm nhạc hay văn hoá truyền thống của Việt Nam. Sự rên rỉ ấy chẳng đóng góp gì cho đất nước cả.
Mấy nét văn hoá phổ biến
Tôi thấy mấy nét văn hoá đang thịnh hành ở Việt Nam để các vị tham khảo:
1. Văn hoá "mộng mơ" phi lý. Việt Nam chưa bao giờ mạnh về triết học, về lý luận chủ nghĩa này nọ. Vậy tại sao các vị khẳng định dám khẳng định sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vào năm 2045 khi mà đa phần cả thế giới đều cho rằng CNXH hay CNCS chỉ là một giấc mơ thiếu cơ sở khoa học, đẹp về lý thuyết nhưng thực hành rất dở. Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức, Bắc và Nam Triều Tiên? Điều gì tạo ra một Cu Ba khốn khổ trong hiện tại?
Tôi đề nghị hãy xây dựng một văn hoá nói thẳng, nói thật, văn hoá "tỉnh giấc" trước những mây mù lý luận.
2. Văn hoá phong bì: Cái thói quen này cũng là một nét văn hoá. Một văn hoá tha hoá người đưa và người nhận phong bì. Nó làm cả kẻ đưa và kẻ nhận đều thấy mình sai, hèn kém trong thang bậc làm người. Đấy là một sự dối trá lẩn sau lưng pháp luật.
3. Văn hoá chửi, văn hoá đấu tố. Các vị còn xây dựng cả một đội quân chửi trên mạng gọi là đội quân DLV với kĩ năng duy nhất, "lý luận" duy nhất là mấy câu chửi bậy, gọi cả những người bằng tuổi cha mẹ ông bà của chúng là thằng là con, gọi người ta là ba que, đu càng, phản động…
4. Văn hoá ngậm miệng trước bất công, trước kẻ có quyền lực: Ngay trong ngành giáo dục, một ngành đáng nhẽ phải động viên học sinh tư duy phản biện, một xu hướng mà các nền giáo dục tiên tiến hướng theo. Chỉ với tư duy phản biện thì người học mới động não, phát huy sáng tạo và mới phát triển được mạnh mẽ. Ấy vậy mà đa phần các thày cô giáo chỉ biết làm theo một cách ngoan ngoãn, máy móc những chỉ thị của cấp trên. Cấp trên bảo vào báo cáo mấy trang Facebook được cho là "phản động" là báo cáo, không cần tìm hiểu những người ấy là ai, họ viết gì.
Khi giáo viên như vậy thì học sinh đương nhiên sẽ trở thành những công dân "ngoan ngoãn", lãnh đạo nói gì biết nấy, sẽ biết cúi lưng vâng dạ làm bất cứ mệnh lệnh gì, kể cả sai trái. Điều ấy tưởng là ai khi nó tạo ra một sự "ổn định" xã hội nhưng về lâu dài nó làm yếu đi nhiều sức mạnh của dân tộc. Rồi đây khi ngoại bang xâm lăng, đứng trước toà quốc tế để tranh biện về một tranh chấp nào đấy thì lấy đâu ra nhân tài để bảo vệ quyền lợi đất nước được thành công?
Tư duy phản biện
Muốn một nền giáo dục văn minh, một văn hoá mạnh mẽ thì tư duy phản biện là then chốt, là điều cốt tử không thể thiếu. Điều ấy đa phần những người trong hệ thống ì trệ, rập khuôn máy móc không nhìn ra được.
Đừng nhìn vào mấy con đường cao tốc, mấy toà nhà cao tầng rồi ngửa mặt lên tự hào. Hãy so sánh với Trung Quốc để thấy đất nước ta tụt hậu đến đâu. Chúng ta bị xâm lăng văn hoá từ Hàn, từ Nhật, Trung Quốc, từ Mỹ chính là bởi văn hoá chúng ta đang quá yếu ớt mà yếu ớt là bởi quan niệm cổ hủ, bảo thủ lấy mệnh lệnh chính trị để tạo khuôn mẫu cho văn hoá. Thứ văn hoá chịu mệnh lệnh chính trị là thứ văn hoá cớm nắng, thiếu chất và giả tạo. Nó bị xâm lăng, bị bắt nạt là điều đương nhiên.
Đã chịu lép vế về văn hoá thì sẽ phải chịu những kém cạnh khác, bởi văn hoá là sức sống nội tại của mỗi đất nước, nó có tác dụng thúc đẩy những mặt khác phát triển. Hãy nhìn xem, chưa bao giờ trong lịch sử mà tương quan sức mạnh giữa ta với Trung Quốc lại chênh lệch đến vậy. Nhìn lại lịch sử để thấy ông cha ta mạnh mẽ ra sao. Chẳng cần nói thêm về điều này.
Bao hội nghị được tổ chức cũng sẽ rơi vào quên lãng nhạt nhoà nếu không làm được một bước đơn giản đầu tiên là có được văn hoá nói thẳng, nói thật. Tôi chỉ là một người dân ít học nhưng coi trọng việc suy nghĩ thật mà có được vài nhận thức khiêm tốn, các vị lãnh đạo học cao, quyền cao chức trọng sao không nhìn thấy những điều cơ bản ấy?
Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả, thể hiện văn phong và quan điểm của nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu, sống tại Hà Nội.
++++++++++++++++++++++++++++++++++
TS Phương Nguyễn: 'Văn hóa VN ở hải ngoại sẽ do thế hệ mới giữ gìn'
- Tina Hà Giang
- BBC News Tiếng Việt
3 tháng 5 2021
Nguồn hình ảnh, Others. TS Phương Nguyễn, tác giả cuốn Becoming Refugee American - the Politics of Rescue in Little Saigon, xuất bản năm 2017
Theo cha mẹ đến Mỹ tị nạn năm 1977, lúc mới hai tuổi, TS Phương Nguyễn ít có cơ hội học tiếng Việt và không được sinh hoạt nhiều với cộng đồng người Việt lúc còn nhỏ.
Thế mà sau khi tốt nghiệp cao học môn sử học tại đại học USC (University of Southern California), ông đã nghiên cứu và viết về cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California.
Công trình nghiên cứu 10 năm của ông được tóm gọn trong cuốn 'Becoming Refugee American - the Politics of Rescue in Little Saigon', do University of Illinois Press xuất bản năm 2017.
'Becoming Refugee American' mô tả sự giằng co giữa nỗ lực hòa nhập vào giòng chính và ý muốn giữ gìn bản sắc của người Mỹ gốc Việt ở Nam California, trong quá trình hình thành một cộng đồng khá đặc thù và năng động so với những cộng đồng khác ở Mỹ.
Tác giả viết trong phần kết cuốn sách:
''Ngôn ngữ đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho sự tiếp nối của văn hóa. Rất ít kinh nghiệm về người tị nạn được kể lại bằng tiếng Anh.
Các bậc cha mẹ chống cộng người Mỹ gốc Việt [trong cộng đồng] thường nói với con cái là không nên tin vào hầu hết những gì đã được xuất bản về Chiến tranh Việt Nam, nhưng lại hầu như không làm gì để cung cấp cho thế hệ sau những tài liệu tiếng Anh đáng tin cậy.''
Nguồn hình ảnh, Others. TS Phương Nguyễn (thứ 2, từ trái) trong một buổi sinh hoạt tại Cornell University năm 2016, khi đại sứ Việt Nam tại LHQ đến thăm trường
Một thế hệ 'không giỏi tiếng Việt'
Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt, TS Phương Nguyễn chia sẻ cảm nghĩ về những người Việt nói tiếng mẹ đẻ như ngôn ngữ thứ hai:
''Người Việt thuộc thế hệ mới phải đối diện với những thử thách, và lựa chọn rất khác với thế hệ trước.
'Rời Việt Nam khi còn tấm bé, hoặc sinh ra ở Mỹ, những người trẻ này có quyền lựa chọn bỏ lại văn hóa Việt Nam, và hoàn toàn biến thành người bản xứ. Điều đó có lợi hơn cho họ về mặt xã hội, chính trị, vì sẽ giúp họ hòa nhập dễ hơn vào dòng chính, thay vì ôm lấy và nhấn mạnh văn hóa Việt Nam. Nhấn mạnh sự khác biệt của mình chắc chắn là điều bất lợi ở những xã hội sẵn sàng và có lẽ sẽ luôn luôn xem mình là 'người ngoài.'
Thế nhưng, cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ, việc họ chọn đón nhận và nhấn mạnh di sản Việt Nam, và tìm ra những phương cách mới để xác định di sản đó, tôi nghĩ thực sự đã cho chúng ta thấy năng lượng và sự tự hào của thế hệ trẻ trong cách họ suy nghĩ và định nghĩa thế nào là người Việt.''
Về rào cản ngôn ngữ, ông nói:
''Ngôn ngữ quan trọng, nhưng không phải là rào cản không thể vượt qua được trong việc tìm hiểu về văn hóa và cội nguồn. Những người trẻ này có điểm chung là họ cảm thấy gắn bó đủ với cộng đồng để bỏ thì giờ ra tìm hiểu di sản của mình và tổ chức những sinh hoạt để duy trì duy sản đó, dù họ chỉ có thể nói được tiếng Việt ở mức trung bình.
Mãi khi lớn lên tôi mới có dịp và cố gắng học tiếng Việt. Khi phỏng vấn những người ở Mỹ, những người cùng là người Việt Nam, tôi hay nói tiếng Anh vì tiếng Việt không trôi chảy lắm, và những người này cho rằng chắc tôi lạc lõng với văn hóa của mình, chắc tôi không ăn thức ăn Việt Nam, không có bạn người Việt.''
Nguồn hình ảnh, TS Phuong Nguyen. TS Phương Nguyễn cùng nhóm hợp ca Quintessence sau đêm văn hóa Cafe Sài Gòn do Hội Sinh viên Người Việt tại Đại học Cornell tổ chức năm 2017
''Nhưng đây là một ngộ nhận lớn. Người ta cho rằng thành thạo ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để chúng ta giao tiếp với xã hội chung quanh. Nhưng điều đó có lẽ không quan trọng bằng việc mình có đặt di sản của mình thành một ưu tiên không.
Ở nhà tôi nói chuyện với vợ bằng tiếng Anh cho nhanh. Nhưng hai chúng tôi rất Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, sinh hoạt với người Việt, có bạn bè người Việt. Cha mẹ tôi nói chuyện với con gái 3 tuổi của tôi bằng tiếng Việt, và cháu nói bặp bẹ được vài chữ tiếng Việt, như 'kẹo'...
''Không nói được tiếng Việt lưu loát, nhưng tôi vẫn có nhiều bạn là người Việt.'' Ông nói thêm.
''Phải có bạn bè người Việt thì chúng ta mới có thể chuyện trò và rủ nhau tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng, mới thấy mình có cảm giác thuộc về, rồi chọn thế nào để là người Việt [ở Mỹ] theo cách của mình.
Vợ tôi là một người lớn lên với nhà thờ, đó là lối vào cộng đồng của cô ấy. Ca hát, tham dự những sinh hoạt văn nghệ của nhà thờ là chìa khóa để vợ tôi học về văn hóa và học tiếng Việt.
Những sinh hoạt chung này là yếu tố giữ gìn và phát triển cộng đồng. Khi chúng tôi còn đang mới là bạn, vợ tôi chính là người hết sức khuyến khích và sát cánh hỗ trợ tôi trong việc nghiên cứu và viết cho xong cuốn sách.
Giữ gìn di sản tinh thần luôn luôn là một thách thức với một cộng đồng di dân, nhưng có vẻ thế hệ mới của người Việt hải ngoại đang tìm ra những cách rất sáng tạo để làm điều đó. Nếu có điều kiện viết một cuốn sách nữa về người Việt hải ngoại, tôi chắc chắn sẽ viết về thế hệ mới này.''
Ông giải thích:
''Chúng ta đang sống ở một đất nước mà chuẩn mực là chủ nghĩa cá nhân, nơi hầu hết mọi người đều bận rộn với công việc và trách nhiệm riêng, không có thì giờ cho những sinh hoạt rất 'bao đồng' đó.
Chúng ta rất cần những con người đặc biệt, biết hướng tới cộng đồng này. Họ gọi là những 'nhân viên xã hội phi chính thức'. Họ tạo ra các sự kiện chung, cơ sở hạ tầng, nơi mọi người có thể tận hưởng không khí chung đó. Họ là nền tảng kéo mọi người lại với nhau, là chất keo gắn kết mọi người, cho phép mọi người xác định mình cùng thuộc về một cộng đồng, thay vì chỉ là một nhóm người rời rạc đến từ cùng một nguồn gốc.''
Những khuôn mặt 'nhạy cảm'
Những khuôn mặt tiêu biểu mà TS Phương Nguyễn mô tả là 'sẽ giữ gìn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại,' rất 'tha thiết với di sản Việt Nam và tích cực trong những sinh hoạt cộng đồng', dường như bị chính quyền Việt Nam liệt vào dạng 'nhạy cảm'.
TS Phương Nguyễn tiết lộ:
''Khi được một tờ báo trong nước yêu cầu viết một bài về cộng đồng người Việt hải ngoại nhân dịp 30/4 năm nay, tôi đã viết về những người Việt thuộc thế hệ mới này.
Tôi nghĩ bất cứ người đọc nào ở Việt Nam cũng tò mò muốn biết làm sao mà người Việt ở Mỹ hay ở những nước khác có thể giữ được di sản của mình cho đến giờ. Và khi viết về những người Việt trẻ, tôi cho rằng mình có giúp người trong nước hình dung ra được điều gì đã xảy ra cho cộng đồng người Việt hải ngoại trong vòng 46 năm qua.
Nhưng rất tiếc, tôi được thông báo vào giờ chót, là vì lý do 'nhậy cảm', bài viết của tôi không được đăng.''
TS Phương Nguyễn cho biết những người trẻ này gồm 4 người ở Mỹ và 5 người ở Canada.
Ông tả nhanh về họ:
''TS Thuy Vo Dang, tác giả cuốn 'Vietnamese in Orange County', hiện làm việc với Trung tâm Lưu trữ Đông Nam Á, tại đại học UCI. Thuy Vo Dang là người trẻ tuổi Việt Nam đầu tiên tôi gặp đã chịu khó bỏ thì giờ ra để nghiên cứu về cộng đồng, vì sự tò mò và lòng yêu thương.''
''Alex Thái Võ, Tiến sĩ sử học, hiện đang làm việc tại Honolulu, Hawaii. Alex Thái Võ từng về Việt Nam dạy sử, và cống hiến một phần cuộc đời mình để kết nối với Việt Nam, với con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam dù bất cứ ở nơi nào.''
Nguồn hình ảnh, Others. BS Thu Quach và TS Alex Thái Võ
''Bác sĩ Thu Quach ở Bắc California, là người làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo các viên chức y tế công cộng đáp ứng được nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người Việt làm nails và những người châu Á khác.''
''TS Jennifer Tran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Việt Mỹ tại Oakland, California. Khả năng lãnh đạo của Jennifer trong việc đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Oakland rất đáng ca ngợi.''
Nguồn hình ảnh, Others. TS Thuy Vo Dang và TS Jennifer Tran
''Thai-Hoa Le, một diễn viên, hiện sống ở Vacouver, Canada, thể hiện hành trình của một người sinh ra ở nước ngoài nhưng kết nối với di sản của mình qua nghệ thuật trình diễn.''
''Jessica Ly, ở Vancouver, Canada, tận tụy với việc dùng nhạc pop Việt Nam để giúp giới trẻ gốc Việt hãnh diện mình là người Việt, và mang lại sự thoải mái và nhẹ nhõm cho người Việt tha hương nói chung.''
''Paul Nguyen, một nhà báo, hiện ở Toronto, Canada, là người tôn vinh và làm nổi bật văn hóa giới trẻ tại thành phố nơi anh sống.''
Nguồn hình ảnh, Others. Paul Nguyen, Jessica Ly và Thai-Hoa Le
''Mai-Nguyen Lim đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Toronto bằng cách tham gia vào ban tổ chức những công tác từ thiện.''
''Van Dang, một nhà hoạt động, hiện ở Vancouver, Canada, đang làm một công việc có giá trị là tiếp cận với giới trẻ Việt Nam ở mọi thành phần.''
Nguồn hình ảnh, Mai-Nguyen Lim. Mai-Nguyen Lim va Van Dang
Văn hóa VN ở Mỹ sẽ khác với văn hóa VN trong nước?
Được hỏi ông rút tỉa được điều gì về tương lai cộng đồng và văn hóa của người Việt tại hải ngoại, sau khi nghiên cứu về những người trẻ này, TS Phương Nguyễn nhận định:
''Hiện tượng thường thấy là thế hệ thứ nhất của một giống dân nào đó khi đến một đất nước mới sẽ tạo ra cộng đồng để nương tựa vào nhau và cùng sinh hoạt. Nhưng những thế hệ sau sẽ hòa mình vào dòng chính, và cộng đồng đó dần dà biến mất.
Với những người Âu châu đến Mỹ định cư, điều này khá đúng. Họ sống tản mát, có thể mỗi năm có một lễ hội nào đó như Oktoberfest của người Đức, chẳng hạn, và chỉ thế thôi.
Với người Việt hải ngoại, với sự gắn bó với di sản tinh thần và tận tụy với sinh hoạt chung của những người trẻ tôi đã gặp, tôi cho rằng dù có thể dần dà sẽ không còn nhiều người nói được tiếng Việt, nhưng họ vẫn sẽ là người Việt, vẫn giữ gìn văn hóa Việt.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ theo tôi sẽ tồn tại và lớn mạnh, dù chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận là định nghĩa thế nào là người Việt ở hải ngoại sẽ khác với định nghĩa thế nào là người Việt ở trong nước.
Nói một cách khác, văn hóa Việt Nam đang được giữ gìn và được phát huy ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Nó có thể không phải là văn hóa mà chúng ta có ở trong nước hay văn hóa mà thế hệ người Việt tị nạn đầu tiên ở Mỹ đã có, nhưng văn hóa Việt Nam chắc chắn đang hiện hữu và đang được phát triển ở hải ngoại.
Văn hóa có lẽ không phải là thứ mà chúng ta mô tả là thuần túy hay bị pha loãng, mà theo thời gian và tùy không gian nó có thể có những đặc tính cá biệt.
Việc chúng ta có hai nền văn hóa vì hai hoàn cảnh sống, hai môi trường sống khác nhau không có gì là sai, miễn là người Việt chúng ta vẫn nói chuyện với nhau và vẫn giữ được những di sản chung.''
TS Phương Nguyễn hiện là Phó giáo sư môn lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học CSU Monterey Bay.