Diễn đàn Hương Sơn 2016: Bắc kinh đòi "Thiết lập Trật tự mới ở châu Á"

13 Tháng Mười 20167:14 CH(Xem: 14435)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  14  OCT  2016


Diễn đàn Hương Sơn 2016: Bắc kinh đòi "Thiết lập Trật tự mới ở châu Á"


Theo TT 13/10/16, tại Diễn đàn An ninh Hương Sơn 2016 kết thúc hôm 12/10 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiếp tục quảng bá ý tưởng "Một thế giới đa cực" và đề xuất mô hình an ninh mới cho châu Á -  Thái Bình Dương.


Diễn đàn quốc phòng ở Bắc Kinh mới mở màn đã nóng


11/10/2016


TTO - Diễn đàn Quốc phòng thường niên Hương Sơn mới khai mạc hôm nay tại Bắc Kinh đã nóng bỏng với những lời lẽ cao giọng từ bộ Quốc phòng Trung Quốc.


image007

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn phát biểu tại phiên khai mạc - Ảnh: Reuters.


Ngay trong ngày khai mạc của diễn đàn hai ngày này, Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng Mỹ đã sử dụng lợi thế quân sự cường quốc can thiệp vào châu Á, đặc biệt trong các tranh chấp ở Biển Đông và vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.


Phát biểu tại phiên khai mạc sáng nay (11-10), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói thẳng: "Một số quốc gia muốn tìm kiếm ưu thế tuyệt đối về quân sự, không ngừng tăng cường các liên minh quân sự của họ, và tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối cho mình bằng các chi phí an ninh của các nước khác".


Diễn đàn quốc phòng khu vực Hương Sơn lần thứ bảy khai mạc tại Bắc Kinh qui tụ hơn 500 phái đoàn từ khoảng 60 quốc gia, gồm các phái đoàn của các cơ quan thực thi luật pháp cho đến các viện nghiên cứu về quốc phòng, an ninh.


Chủ đề chính của phiên họp ngày đầu tiên là "Xây dựng kiểu quan hệ quốc tế mới". Theo báo Inquirer của Philippines, chủ đề này đã phản ánh mong muốn vai trò mới của Trung Quốc sau một năm đầy căng thẳng trong khu vực với những chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của các phương tiện chiến tranh hạng nặng của Mỹ và cả quyết định thiết lập hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại của Mỹ tại Hàn Quốc.


Trong thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama không ít lần tuyên bố lẫn thực thi trên thực địa chính sách "xoay trục sang châu Á" với các động thái cam kết về quân sự lẫn kinh tế với các đồng minh trong khu vực.


Phía chính quyền Bắc Kinh cho rằng những động thái trên là cách dằn mặt, kìm nén sự vươn lên của Trung Quốc.


Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn đầu tiên do Bộ quốc phòng Trung Quốc tổ chức vào năm 2006 và từ năm 2015 đã được tổ chức thành diễn đàn thường niên.


Tại diễn đàn đang diễn ra ở Bắc Kinh hôm nay, đại biểu các nước tham dự cũng lên tiếng mạnh mẽ về việc các bên phải kiềm chế.


Phát biểu tại diễn đàn, cựu Thủ tướng Úc Robert Hawke cảnh báo thẳng rằng nếu không giải quyết tốt các tranh chấp hiện nay thì khu vực sẽ trở thành “điểm nóng xung đột Mỹ-Trung”.


“Những tranh chấp này đang ẩn chứa nguy cơ gây bất ổn cho toàn khu vực", ông Hawke nhận định.


Thậm chí, Trung Quốc cũng bất chấp sự tế nhị ngoại giao của nước chủ nhà, chỉnh đốn luôn cả khách mời là bộ trưởng Quốc phòng New Zealand.


Bà Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, nhắc lại lập trường mà nước này đã nêu trong Đối thoại Shangri-La mới đây ở Singapore: "Chúng tôi hy vọng rằng các nước không có liên quan trong các tranh chấp tôn trọng các nước đang có tranh chấp để họ làm việc với nhau". 


Ở vai trò chủ trì một phiên thảo luận tại Diễn đàn Hương Sơn, bà Fu, vốn là một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, đã nói quá thẳng: "Tôi nghĩ rằng tình hình vừa qua đã cho thấy sự can thiệp từ bên ngoài chỉ càng làm phức tạp những khác biệt vốn có và đôi khi thậm chí còn khiến cho căng thẳng tăng thêm".


Ý kiến ​​của bà Fu rõ ràng là sự đáp trả đối với nhận xét trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee về mối quan ngại của đất nước mình với tình hình trên Biển Đông hiện nay.


Bộ trưởng của New Zealand phát biểu: "Chúng tôi phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn niềm tin và muốn được thấy tất cả các bên tích cực thực hiện các bước để giảm bớt những căng thẳng".


"Là một quốc gia nhỏ bé trong lĩnh vực giao thương hàng hải, nên đối với New Zealand, pháp luật quốc tế và đặc biệt, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) rất quan trọng. Chúng tôi ủng hỗ các tiến trình tài phán và tin rằng các nước có quyền tìm kiếm giải pháp quốc tế", bộ trưởng Gerry Brownlee nhấn mạnh.


Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore và là một trong hơn 100 chuyên gia an ninh được mời tham dự diễn đàn, nói với nhật báo South China Morning Post của Hong Kong rằng các đoàn đại biểu từ các nước Đông Nam Á sẽ có những phản ứng khác nhau đối với phán quyết hôm 12-7 của Tòa trọng tài, trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 


Theo tiến sĩ Chaturvedy, Bắc Kinh sẽ tìm cách lợi dụng diễn đàn này để thúc đẩy sáng kiến về chiến lược phát triển "Một vành đai, Một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các sáng kiến khu vực khác.


Chủ đề của diễn đàn lần này là "Tăng cường hợp tác đối thoại an ninh, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới", chủ yếu thảo luận 4 đề tài lớn gồm "Hợp tác ứng phó thách thức mới về an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", "Vai trò của quân đội trong quản lý toàn cầu", "Hợp tác an ninh trên biển", "Mối đe dọa khủng bố quốc tế và biện pháp ứng phó".


Ngoài ra còn có 4 đề tài thảo luận nhóm gồm "Quan hệ giữa các nước lớn với cục diện chiến lược toàn cầu", "Quản lý toàn cầu: Sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa đối với an ninh quốc tế", "Xu hướng mới của chủ nghĩa khủng bố và tư duy mới ứng phó bằng hợp tác", "Quản lý khủng hoảng trên biển với ổn định khu vực".

NGUYỄN QUÂN


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Kissinger và “Trật tự thế giới”


TT - Thế giới dường như đang hỗn loạn hơn: khủng bố xuyên quốc gia, nhiều khu vực dường như không có chính phủ, trong khi có những quốc gia như một thực thể đang bị đe dọa.


image009

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - Ảnh: Washington Post


Trật tự thế giới, quyển sách thứ 17 của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, tìm cách lý giải những vận động này.


Tháng 7-1971, Henry Kissinger lên một chiếc máy bay ở Islamabad (Pakistan) rồi đột ngột biến mất.


Tuyên bố chính thức từ Washington khi đó nói Kissinger bị ốm vài ngày nhưng thực tế thì cố vấn an ninh Mỹ đã bí mật lên đường tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử của Nixon vào tháng 2-1972 - chuyến thăm đã thay đổi hoàn toàn lịch sử quan hệ hai nước và làm rúng động trật tự Đông - Tây khi đó.


Suốt cuộc đời mình, Kissinger đã đạt được rất nhiều bước ngoặt đối ngoại. Dù đó là cú bắt tay lịch sử với Trung Quốc năm 1972, đạt được hòa hoãn với Liên Xô, lật lại sự thù địch giữa Ai Cập - Israel sau cuộc chiến khốc liệt Yom Kippur hồi năm 1973.


Frank Shakespear, người đứng đầu cơ quan thông tin Mỹ (USIA), từng nói Kissinger có thể gặp sáu người cực thông minh với quan điểm cực kỳ khác biệt nhưng vẫn có thể thuyết phục họ rằng ông có quan điểm giống y hệt họ.


Ở tuổi 91, ông vẫn là người được các tổng thống, các ngoại trưởng Mỹ tìm đến khi Washington gặp những khó khăn đối ngoại. Rất gây tranh cãi (đã có rất nhiều nhóm muốn đưa ông ra tòa án quốc tế) nhưng ông được coi là ngoại trưởng xuất chúng nhất của lịch sử Mỹ. 


Nhưng khi lịch sử đã lùi 43 năm, người từng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc giờ đang nói về nguy cơ chiến tranh Trung - Mỹ như một quy luật thường lặp lại giữa các cường quốc cũ và mới khi trật tự của quan hệ quốc tế đang vận động hình thành.


Cuốn sách mới nhất của ông (cuốn thứ 17) có tựa đề World Order (Trật tự thế giới) đặc biệt đề cập tới sự vận động của trật tự này. 


Điều đặc biệt về World Order là cách Kissinger diễn giải rành mạch sự định hình của trật tự thế giới hiện tại và các quy luật của nó với căn nguyên từ hòa ước Westphalia 1648, sau cuộc chiến 30 năm từng khiến gần 1/4 dân số châu Âu diệt vong.


Trong cuốn sách hơn 400 trang, ông nhận định rằng “một trật tự bị sụp đổ thường không phải từ thất bại quân sự hay là thiếu cân bằng nguồn lực (điều này thường xảy ra sau đó), mà là do không hiểu được bản chất và quy mô của các thách thức mà nó đối mặt”. 


Kissinger thừa nhận sự nổi lên của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế trong thế kỷ 21, y như cách nước Đức từng đe dọa trật tự ở châu Âu và dẫn tới hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20.


Trong cuốn sách mới, ông trích lại nghiên cứu của Harvard chỉ ra rằng trong lịch sử 10/15 lần có sự cạnh tranh giữa một cường quốc mới và một cường quốc cũ, kết cục của nó là chiến tranh. Ông thừa nhận dù hai ông Obama và Tập Cận Bình đều tuyên bố muốn xóa bỏ căng thẳng giữa hai siêu cường cũ - mới nhưng thực tế không thể hiện được điều này. 


Khi nói về căng thẳng ở biển Đông, ông không hề lạc quan khi cho rằng “sớm hay muộn một trong những căng thẳng này sẽ dẫn tới đối đầu. Tôi không muốn Trung Quốc và Mỹ giống như Đức và Anh hồi năm 1914, nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể cưỡng lại điều này chỉ bằng cách đưa quân tới dọc biên giới Trung Quốc.


Câu hỏi thật sự là: liệu chúng ta có thể tạo được khoảng trống giữa chúng ta và Trung Quốc... với sự hiện diện của quân đội từ xa mà chúng ta có thể cạnh tranh (với họ được) bằng một số luật chơi được xác định rõ”. 


Nhưng tiến sĩ Kissinger, một người Cộng hòa, lại khá “nhẹ nhàng” với nước Nga khi nói vai trò của Nga vô cùng quan trọng trong lịch sử. Ông chỉ ra rõ nước Nga từ thế kỷ 17 tới thế kỷ 20 đã đóng vai trò cực sống còn khi ngăn chặn sự bành trướng của vua Charles XII của Thụy Điển rồi sau đó là Napoleon và Hitler. 


Dưới đây là một số trích đoạn ông trao đổi với tạp chí Đức Der Spiegel về cuốn sách. 


“Trở thành siêu cường với sự khôn ngoan và tầm nhìn xa”


* Khi chúng ta nhìn thế giới hôm nay, dường như nó đang hỗn loạn hơn bao giờ hết... Trật tự thế giới đang bất ổn hơn? 


- Dường như là vậy. Hỗn loạn do vũ khí hủy diệt hàng loạt và khủng bố xuyên biên giới đang đe dọa chúng ta. Rồi có hiện tượng các khu vực gần như không chính phủ như Libya chẳng hạn và các khu vực này có ảnh hưởng rất lớn đối với tình trạng bất ổn hiện nay. 


Quốc gia với tư cách là một thực thể đang bị đe dọa ở rất nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng cùng lúc, rất nghịch lý, đây là lần đầu tiên chúng ta thật sự có thể nói về trật tự thế giới. 


* Ý ông là sao? 


- Phần lớn lịch sử thế giới, cho tới tận gần đây, trật tự thế giới thực tế chỉ là trật tự khu vực. Giờ là thời điểm đầu tiên mà các khu vực có thể tương tác với nhau trên thế giới. Điều này khiến một trật tự mới cho thế giới toàn cầu hóa là cần thiết. Nhưng hiện không có một luật lệ nào được mọi người chấp nhận. Có quan điểm của Trung Quốc, có quan điểm của Hồi giáo, của phương Tây, và trên góc độ nào đó là quan điểm của Nga. Và các quan điểm này không phải luôn đồng nhất. 


* Trong cuốn sách, ông thường xuyên nhắc tới hòa ước Westphalia năm 1648, kết thúc chiến tranh 30 năm, như là điểm mốc cho trật tự thế giới. Tại sao một hòa ước cách đây hơn 350 năm vẫn còn ý nghĩa tới giờ? 


- Hòa ước Westphalia có được sau khi gần 1/4 dân số Trung Âu bị giết hại vì chiến tranh, bệnh dịch và chết đói. Hòa ước dựa trên sự cần thiết của thỏa thuận giữa các nước thay vì sự vượt trội về đạo lý nào đó, các quốc gia độc lập quyết định sẽ không can thiệp công việc nội bộ nước khác. Điều đó tạo ra cân bằng quyền lực mà giờ chúng ta đang thiếu. 


* Chúng ta có cần một cuộc chiến 30 năm nữa không để có trật tự thế giới mới? 


- Đó là câu hỏi rất hay. Chúng ta đạt được trật tự thế giới nhờ hỗn loạn hay là sự sáng suốt? Một người sẽ nghĩ [mối đe dọa] của vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và khủng bố là đủ để chúng ta có một tầm nhìn chung. Vì vậy, tôi hi vọng chúng ta đủ khôn ngoan để không rơi vào một cuộc chiến 30 năm nữa. 


* Nói cụ thể hơn: phương Tây nên phản ứng thế nào với việc Nga sáp nhập Crimea? Ông có sợ rằng điều này đồng nghĩa với biên giới trong tương lai sẽ không còn là bất khả tranh cãi nữa? 


- Crimea chỉ là hiện tượng chứ không phải nguyên nhân. Hơn nữa, Crimea là trường hợp đặc biệt. Ukraine trong một thời gian là lãnh thổ của Nga. Chúng ta không chấp nhận chuyện một nước có thể thay đổi biên giới và lấy một tỉnh của nước khác.


Nhưng nếu phương Tây trung thực với bản thân mình, họ phải thú nhận rằng chính họ đã có những sai lầm. Việc chiếm Crimea không phải là bước tiến để chiếm thế giới. Nó không giống như Hitler đưa quân vào Tiệp Khắc. 


* Vậy thì đó là gì? 


- Chúng ta phải hỏi câu này: ông Putin đã chi hàng chục tỉ USD cho Olympic mùa đông ở Sochi. Thông điệp của Olympic là Nga là đất nước đã phát triển, gắn liền hơn với phương Tây qua văn hóa và họ muốn trở thành một phần của phương Tây.


Vì vậy, rất khó hiểu chỉ một tuần sau khi kết thúc Olympic, ông Putin lại chiếm Crimea và bắt đầu cuộc chiến với Ukraine. Ai đó phải tự hỏi tại sao việc đó xảy ra? 


* Như vậy ông nói phương Tây ít nhất có trách nhiệm cho việc leo thang căng thẳng? 


- Đúng vậy. Châu Âu và Mỹ đã không hiểu ảnh hưởng của những diễn biến, từ chuyện thỏa thuận hợp tác kinh tế của Ukraine với EU cho tới đỉnh cao là các cuộc biểu tình ở Kiev. Các sự kiện này, ảnh hưởng của nó, đúng ra cần được trao đổi với Nga. Điều này dù vậy không có nghĩa là phản ứng của Nga là đúng. 


Ông có vẻ cảm thông rất nhiều cho ông Putin. Nhưng chẳng phải ông ta đang làm đúng những gì ông đang cảnh báo - tạo hỗn loạn ở miền đông Ukraine và đe dọa chủ quyền (nước khác)? 


- Đúng là thế. Nhưng Ukraine luôn có tầm quan trọng đặc biệt với Nga. Việc không nhận ra điều đó chính là sai lầm (của phương Tây và Mỹ). 


* Việc chiếm Crimea của Nga buộc EU và Mỹ phản ứng bằng việc áp lệnh cấm vận? 


- Thứ nhất, phương Tây không chấp nhận chuyện sáp nhập, một số biện pháp phản ứng là cần thiết. Nhưng không ai ở phương Tây đưa ra kế hoạch rõ ràng nào về chuyện khôi phục Crimea. Không ai (trong phương Tây) muốn chiến đấu ở miền đông Ukraine. Đó là sự thật.


Ai đó (phương Tây) có thể nói chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này (chuyện chiếm Crimea), và sẽ không coi Crimea như là lãnh thổ Nga theo luật quốc tế - giống như chúng ta từng coi các nước Baltic là độc lập suốt thời kỳ Liên Xô. 


* Vậy việc tương tác với ông ta (Putin) có ý nghĩa gì không? 


- Chúng ta phải nhớ rằng Nga là nhân tố quan trọng của hệ thống quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong các cuộc khủng hoảng khác như chương trình hạt nhân Iran hay Syria. Việc này vì vậy quan trọng hơn là leo thang căng thẳng mang tính chiến thuật. 


Mặt khác, điều quan trọng là Ukraine vẫn duy trì là một quốc gia độc lập và họ có quyền lựa chọn về liên minh kinh tế thương mại. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ đương nhiên trở thành thành viên NATO. Cả anh và tôi đều biết rằng NATO sẽ không bao giờ bỏ phiếu đồng thuận để chấp nhận Ukraine gia nhập. 


Ông vẫn nói như thể một siêu cường mà vẫn quen mọi thứ phải theo ý mình. 


- Không, nước Mỹ không còn có thể chi phối được nữa và nước Mỹ cũng không nên như vậy. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ thế. 


* Trong cuốn sách, ông viết rằng trật tự thế giới “nên được vun trồng chứ không phải áp đặt”. Điều đó là sao? 


- Điều đó có nghĩa là người Mỹ chúng tôi sẽ vẫn là yếu tố quan trọng nhờ sức mạnh và giá trị của mình. Anh trở thành siêu cường không chỉ bằng sức mạnh mà bằng cả sự khôn ngoan và tầm nhìn xa. Nhưng giờ thì không có quốc gia nào đủ mạnh, đủ khôn ngoan để một mình tạo lập trật tự thế giới. 


* Chính sách đối ngoại Mỹ có còn khôn ngoan và quyết đoán vào lúc này?


- Chúng tôi vẫn có niềm tin rằng nước Mỹ có thể thay đổi thế giới không chỉ bằng sức mạnh mềm mà bằng cả sức mạnh quân sự thật sự. Châu Âu không còn niềm tin đó./ (theo TT 03/12/2014)  


THANH TUẤN
06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 14379)
Trung Quốc hôm nay, 1/11, chính thức ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20, chứng tỏ sức mạnh quân sự.
06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15379)
Các cuộc biểu tình nổ ra vài giờ sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ để xét xử 9 lãnh đạo và nhà báo của báo Cumhuriyet thế tục đối lập.
06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15254)
Chính quyền Obama ngày 04/11/2016 lại lên tiếng cảnh báo về những rủi ro nếu Quốc Hội Mỹ không thông qua Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, cho rằng hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ có thể bị mất đi nếu Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương có hiệu lực.
06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15437)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: "Tôi tự tin về tương lai mối quan hệ song phương, mặc dù có một sự khác biệt ở đây, cách này hay cách khác.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15483)
Đích thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/11 đã tới chào từ biệt 17 ngư phủ Việt Nam, gần hai tháng sau khi họ bị bắt giữ. Ngư dân Việt vẫy chào tạm biệt Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức khác tại cảng Sual, tỉnh Pangasinan, miền bắc Philippines, 2/11/2016.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15429)
Hơn 200 di dân đã chết đuối trong hai vụ đắm tàu riêng biệt ở ngoài khơi bờ biển Libya, nhiều người sống sót cho Liên Hiệp Quốc biết.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15757)
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang trở thành một trong những nhân vật có tiếng nói lớn nhất ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi ông chế giễu ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Năm, nói rằng ông Trump là “người đặc biệt thiếu năng lực để trở thành tổng thống nhất”.
01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 14415)
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin bà Choi Soon Sil - bạn thân của tổng thống Park Geun Hye đã bị bắt vào cuối ngày 31-10 sau khi bà này đến văn phòng công tố Seoul theo lệnh triệu tập.
23 Tháng Mười 2016(Xem: 16683)
Pháo hạm cường quốc lũ lượt tiến vào Cam Ranh
20 Tháng Mười 2016(Xem: 16183)
Ông Donald Trump trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng hôm 20/10 đã đưa ra nhận xét về Việt Nam.
20 Tháng Mười 2016(Xem: 15680)
Không cho nước nào đặt căn cứ! Nhưng: VĂN HÓA tổng hợp 19/10/16 Cảng Cam Ranh nhìn từ đài chỉ huy. Ảnh VH DIỄN TIẾN: - 12/4/2016: Hai chiến hạm Nhật Bản có chuyến "thăm lịch sử” đến cảng Cam Ranh. - 02/5/2016: Tàu Thủy Văn Nga "thăm" Cam Ranh. - Đầu tháng 10/2016 , hai tàu khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tới "thăm" Cam Ranh. - 16/10/2016: Ba chiến hạm 529, 531 và 890 thuộc hạm đội Bắc Hải TQ "thăm" cảng Sihanoukville hôm Chủ Nhật 16/10/2016 và ở lại thêm bốn ngày. -22/10/2016: Ba chiến hạm Tầu dự trù sẽ "thăm" Cam Ranh.
18 Tháng Mười 2016(Xem: 15362)
Thủ tướng Singapore thăm Úc để nâng cấp một thỏa thuận tự do thương mại và chung quyết một thỏa thuận có thể nhân đôi khả năng của các cơ sở huấn luyện quân sự Singapore tại các vùng nhiệt đới của Úc.
18 Tháng Mười 2016(Xem: 15436)
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể là cơ hội vàng để Trung Quốc thay đổi tình thế ở Biển Đông khi Mỹ ngày càng bị đẩy xa khỏi Philippines.
13 Tháng Mười 2016(Xem: 14950)
Trong buổi tiếp tư lệnh không quân Úc Mark Binski tới Bắc Kinh dự cuộc đối thoại Quốc phòng thường niên giữa hai nước, tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Quốc nói : “Bắc Kinh mong muốn Úc phát biểu và hành động thật cẩn trọng trong vấn đề Biển Đông” (theo thông cáo bộ Quốc Phòng Trung Quốc).
11 Tháng Mười 2016(Xem: 14483)
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình : « Chính thứ trưởng Quốc Phòng Nikolaï Pankov là người đưa ra thông tin trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện : « Chúng ta sẽ có một căn cứ quân sự thường trực ở Tartus ».