Những nhà khoa học nguyên tử Bắc Triều Tiên là ai?

17 Tháng Chín 20176:11 CH(Xem: 13029)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  HAI  18  SEP  2017


Những nhà khoa học nguyên tử Bắc Triều Tiên là ai ?


image002Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong buổi tiệc chiêu đãi các nhà khoa học nguyên tử sau vụ thử bom H. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/09/2017.KCNA via REUTERS


Sau vụ thử thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H) ngày 03/09/2017, Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ hạt nhân, dù giới chuyên gia vẫn chưa đánh giá được chính xác cường độ của quả bom đó.


Đầu thập kỷ 1960, khi bắt đầu nghiên cứu hạt nhân, Bắc Triều Tiên dựa vào công nghệ và chuyên gia từ Liên Xô, sau đó là từ Iran và Pakistan. Hiện giờ, Bình Nhưỡng có thể dựa vào các nhà khoa học trong nước và như vậy là càng khó mà kìm hãm tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng. Trước đó, vào tháng 08/2017, The Wall Street Journal trích một nguồn tin tình báo Mỹ, cho biết Bắc Triều Tiên tự chế tạo động cơ tên lửa, trái với một báo cáo gần đây của một tổ chức tư vấn cho rằng động cơ mà Bình Nhưỡng sử dụng là của Ukraina hoặc Nga.


Vậy làm thế nào Bắc Triều Tiên vẫn có thể đạt được những tiến bộ lớn dù cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt ? Theo nhật báo The Wall Street Journal (ngày 06/09), câu trả lời nằm ở chuyên môn mà các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc, mang về cho đất nước. Thông qua nhiều phân tích, nhật báo Mỹ cho biết rõ ràng có nhiều vi phạm liên quan đến một số bộ môn bị cấm giảng dạy cho người Bắc Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt năm 2016 của Liên Hiệp Quốc.


Lách cấm vận để học một số ngành trọng điểm


Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai của Bắc Triều Tiên vào năm 2009, trong một loạt trừng phạt, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên “ngăn chặn giảng dạy chuyên môn hoặc đào tạo” trong lãnh thổ của mình, hoặc do công dân các nước này giảng dạy, có thể giúp phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Liên Hiệp Quốc đã áp dụng lệnh cấm năm 2016 liên quan đến việc giảng dạy một số môn cụ thể để đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng Giêng cùng năm, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như kỹ thuật tiên tiến và khoa học vật liệu sau một vụ thử khác vào tháng 09/2016.


Một số quan chức tỏ ra lo ngại rằng, cho dù quốc tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể đã có đủ kiến thức riêng để phục vụ các mục tiêu hạt nhân của họ. Thực vậy, hàng trăm nhà khoa học Bắc Triều Tiên đã du học nước ngoài trong thời gian gần đây, theo đánh giá của The Wall Street Journal, dựa vào phân tích các số liệu chính thức, công bố nghiên cứu khoa học và dữ liệu từ các trường đại học, trong đó có nhiều trường nằm trong các khu vực mà Liên Hiệp Quốc cho rằng có thể đã giúp chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.


Trong một bản báo cáo hồi tháng 02/2017, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết đã phát hiện một số người Bắc Triều Tiên nghiên cứu vật lý ở Ý và bốn người nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật và thông tin điện tử ở Rumani vào năm 2016 sau lệnh cấm. Các trường liên quan đã không hồi âm yêu cầu bình luận của The Wall Street Journal.


Năm 2016, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng hai người Bắc Triều Tiên đã được tập huấn vào năm này, trước khi có lệnh cấm, tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của Ấn Độ, nơi tiếp nhận 32 người khác đến tập huấn từ năm 1996, trong đó có một người vừa trở thành nhân vật đứng đầu trung tâm điều khiển vệ tinh của Bình Nhưỡng. Trung tâm Ấn Độ cho biết không còn nhận người Bắc Triều Tiên.


Trung Quốc thu hút phần lớn nghiên cứu sinh Bắc Triều Tiên


Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút phần lớn các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học. Theo thống kê của The Wall Street Journal, dựa trên các số liệu chính thức và dữ liệu từ các trường đại học, tại Trung Quốc, năm 2015 có 1.086 sinh viên Bắc Triều Tiên học sau đại học, so con số 354 sinh viên vào năm 2009 được công bố trong một tài liệu của Bộ Giáo Dục Trung Quốc. Tuy nhiên, tài liệu không cho biết họ đã học ở trường nào và chuyên ngành gì. Phía bộ Giáo Dục Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào.


Trong số những nhà khoa học đầu tiên đến Trung Quốc, có Kim Kyong Sol, từng làm luận văn tiến sĩ về Cơ điện tử (Mechatronics), chuyên ngành giảm chấn từ trường MagneRide (MR), ở Viện Công nghệ Uy Hải (Harbin Institute of Technology, HIT) nổi tiếng của Trung Quốc, hơn một năm sau khi Liên Hiệp Quốc ban hành trừng phạt. Chuyên môn mà ông Kim theo học có thể được sử dụng để ổn định tầu vũ trụ và hấp thụ sốc trong hệ thống phóng tên lửa, kể cả tầu ngầm, cũng như giảm rung động trong ô tô, các tòa nhà và máy bay trực thăng.


Sinh năm 1975, từng học ngành cơ khí ở Bắc Triều Tiên trước khi ghi danh vào Trường Kỹ thuật Cơ điện tử của HIT, ông Kim là một trong những người đầu tiên sang Trung Quốc học trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác mà nhiều trường đại học Trung Quốc đã ký từ năm 2010 với các trường đại học Bắc Triều Tiên, trong đó có hai trường mà các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đánh giá là nguồn cung cấp nhân lực và công nghệ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng : đại học Kim Nhật Thành và đại học Công nghệ Kim Chaek, nơi ông Kim từng theo học.


Viện Công nghệ Uy Hải là một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc và thực hiện nhiều nghiên cứu mật liên quan đến quốc phòng và không gian, cũng như nghiên cứu vì mục đích dân sự. Theo trang web của HIT, trường có quan hệ hợp tác với các trường đại học Kim Nhật Thành và Kim Chaek và đón 12 sinh viên tiến sĩ và sau tiến sĩ Bắc Triều Tiên vào năm 2013. Con số này đã tăng lên thành 28 người vào năm 2015.


Nhân viên của trường HIT cho biết ông Kim và những người Bắc Triều Tiên khác ở trường thường kín tiếng, sống chung trong một căn hộ hai phòng ngủ và hiếm khi giao thiệp với bên ngoài. Các sinh viên Bắc Triều Tiên đều có học bổng của chính phủ Trung Quốc, nên được miễn phí nhà ở và học phí, ngoài ra họ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 3.000 nhân dân tệ (450 đô la).


Giáo sư Trần Triệu Ba (Chen Zhaobo), một chuyên gia về kiểm soát rung động, từng làm việc cho các dự án quốc phòng và người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của ông Kim Kyong Sol, cho biết, sau bốn năm học tại Uy Hải bằng học bổng của chính phủ Trung Quốc, ông Kim đã về nước vào tháng 06/2017 vì các lệnh trừng phạt được áp dụng ngay trước khi ông Kim bảo vệ luận án tiến sĩ.


Theo ông Trần Triệu Ba, Kim Kyong Sol đã không được tiếp cận với công nghệ quốc phòng bí mật của Trung Quốc, nhưng nghiên cứu của cựu sinh viên này, nếu được phát triển hơn nữa, có tiềm năng sử dụng cho dân sự và quân sự, kể cả trong lĩnh vực không gian. Chính giáo sư Trần Triệu Ba và hai đồng nghiệp khác cùng làm việc với ông Kim đã thông báo về các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho ông Kim vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2017.


Trước đó, vào tháng 03/2017, nhà khoa học Bắc Triều Tiên Kim Kyong Sol đăng một bài báo nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc, đồng tác giả với bà Vương Hiểu Vũ (Wang Xiaoyu), một kỹ sư thuộc Viện Kỹ thuật Hệ thống Không gian Bắc Kinh, hiện nghiên cứu về các vệ tinh của Trung Quốc và tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc và máy định vị mặt trăng. Bà Vương đã từ chối bình luận.


Sau khi xem xét bài nghiên cứu của ông Kim theo yêu cầu của The Wall Street Journal, ông Katsuhisa Furukawa, thành viên từ năm 2011-2016 của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc theo dõi các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, kết luận rằng bài viết này rơi vào hạng mục bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Vẫn theo ông Furukawa, những người Bắc Triều Tiên được đào tạo ở nước ngoài học nhiều môn khác nhau và “chắc chắn đóng góp vào sự phát triển kiến thức khoa học và thông tin liên quan đến chương trình đạn đạo”.


Ông David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc và là chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, nói rằng điểm chung của các quốc gia đang tìm cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt là tìm kiếm kiến thức ở nước ngoài, trong đó có cả việc cử các nhà khoa học đi học và tham dự các hội nghị. Theo ông, các trường kỹ thuật và các chương trình đào tạo của Trung Quốc cung cấp “cơ hội để hòa nhập với những người có thông tin nhạy cảm, ví dụ người Trung Quốc từng tham gia các chương trình quân sự”.


Ít nhất 11 nghiên cứu sinh tiến sĩ Bắc Triều Tiên khác cũng rời trường HIT vào tháng 06/2017, trong khi một số khác chuyển sang các môn không nằm trong lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, như ngành nghiên cứu quản lý.


Mỗi người có thể mang về nước thêm một chút kiến thức chuyên môn. Theo nhân viên và sinh viên trường đại học HIT, sinh viên Bắc Triều Tiên bị nghi là vi phạm quy định của thư viện bằng cách tải hàng chục ngàn tài liệu tờ từ cơ sở dữ liệu thuê bao trong vài tháng gần đây tại ít nhất hai trường Trung Quốc, trong đó có trường HIT. Ngày 16/05/2017, 57.000 tài liệu đã được 9 sinh viên nước ngoài tải về từ khoa Cơ điện tử và các khoa khác ở trường HIT, theo thông báo từ thư viện của trường. Nhân viên và sinh viên của trường cho biết thủ phạm là người Triều Tiên.


Cử các nhà khoa học ra nước ngoài nghiên cứu và đãi ngộ họ, là trung tâm của chính sách tiến bộ song song “Byungjin” của Kim Jong Un, để vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế. Tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên công khai chính sách này ngay sau khi lên nắm quyền thay người cha quá cố vào năm 2011.


Nhiều chuyên gia và chính phủ phương Tây cho biết chính sách “Byungjin” đã giúp Bình Nhưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, gồm các nhà luyện kim để tạo ra các hợp kim mạnh nhưng nhẹ cho tên lửa, các nhà toán học điều chỉnh các tên lửa và các kỹ sư vệ tinh./ (RFI 13-09-2017)
24 Tháng Ba 2016(Xem: 16498)
"Chủ tịch WIN/Gallup International, Jean-Marc Leger, nói: "Giáo hoàng Francis là nhà lãnh đạo đã vượt lên trên cả chính tôn giáo của mình. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một đa số rất lớn công dân trên thế giới thuộc các tôn giáo khác nhau và ở những vùng đất khác nhau đều có hình ảnh tốt về đức Giáo hoàng."
24 Tháng Ba 2016(Xem: 17220)
"Xuất thân là sĩ quan công an, ông Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog anhbasam để giúp công luận tìm hiểu lịch sử và thông tin ngoài luồng của báo chí và của hệ thống tuyên truyền một chiều".
22 Tháng Ba 2016(Xem: 16094)
"Hãng tin Belga cho biết có những tiếng súng nổ cùng với những tiếng hô to bằng tiếng Ả Rập trước khi xảy ra 2 vụ nổ đầu tiên tại khu vực dành cho khách đi của phi trường, làm vỡ cửa kính của toà nhà".
22 Tháng Ba 2016(Xem: 15760)
Những tiếng hô "Nước Mỹ", "Obama" vang vọng trên con phố nơi Tổng thống Obama và gia đình cầm ô đi dạo dưới mưa.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 17244)
Ông Obama nói với một đám đông tại đại hí viện lịch sử El Gran Teatra de Havana: "La Habana chỉ cách Florida có 145 kilomet, nhưng để đến đây, chúng ta đã phải đi một quãng đường lớn vượt qua các rào cản lịch sử và chủ thuyết, những rào cản của đau khổ và chia cách.” - Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962
21 Tháng Ba 2016(Xem: 16634)
TT Obama nói đùa rằng, "Thời năm 1928, Tổng thống (Calvin) Coolidge đến (Cuba) trên một chiến hạm. Phải mất ba ngày ông ấy mới đến được đây. Tôi chỉ mất có ba giờ."
17 Tháng Ba 2016(Xem: 16200)
Khi loan báo tại Vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama tuyên bố: “Tôi đã chọn một người được nhiều người thừa nhận không những là một trong những đầu óc pháp lý sáng suốt nhất nước Mỹ, mà còn là người đem vào công việc của mình một tinh thần đạo đức, khiêm cung, lương thiện, công bằng và xuất sắc”.
17 Tháng Ba 2016(Xem: 15020)
“Sáng 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị hiệp thương vòng hai để rà soát danh sách đó, và 100% các đại biểu dự hội nghị hiệp thương vòng 2 hôm nay đã biểu quyết và tán thành cả 87 người ứng cử vào đại biểu quốc hội khóa 14, trong đó có 39 người do các cơ quan đoàn thể giới thiệu, và 48 người tự ứng cử".
15 Tháng Ba 2016(Xem: 15783)
"Tại hội thảo, GS Tô Hạo (ĐH Ngoại giao Trung Quốc) cho rằng, hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông không nhằm ý đồ gây hấn mà chỉ là vì TQ muốn đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực (?). Học giả này cũng cho rằng hành động của TQ là do Malaysia, Philippines, VN đã có mặt ở Biển Đông nên TQ muốn có sự hiện diện tương tự… Ông đánh giá thế nào về quan điểm đó của GS Tô Hạo?"
13 Tháng Ba 2016(Xem: 17464)
"Ngày 10/3, tàu vỏ thép mang hiệu số ĐNa 90777 TS chính thức hạ thủy thành công trong niềm vui của nhiều ngư dân Đà Nẵng… Đây là tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ đầu tiên ở Đà Nẵng hạ thủy".
10 Tháng Ba 2016(Xem: 16463)
"Theo báo chí Việt Nam, tàu cá mang số hiệu KH 96440 TS của tỉnh Khánh Hòa với 5 ngư dân trên khoang đã bị chìm tại khu vực cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa 41 hải lý về hướng Đông Nam".
08 Tháng Ba 2016(Xem: 15114)
"Ông Minh nói rằng, Hải Nam có hơn 100 ngàn ngư dân. Chính quyền Hải Nam đã cung cấp hỗ trợ cho lực lượng này trong việc đóng tàu lớn, trợ cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt (bất hợp pháp) trên Biển Đông, đồng thời ngư dân được chính phủ Trung Quốc "đào tạo năng lực tự vệ".
06 Tháng Ba 2016(Xem: 15875)
"Cựu ngoại trưởng Australia Bob Carr cho rằng việc triển khai tàu chiến tới biển Đông là "chiến lược mạo hiểm". Ông Conroy nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang nhìn thấy hành vi rất hiếu chiến từ Trung Quốc – triển khai máy bay quân sự, đội tên lửa, không có sự giải thích, không phù hợp với các tuyên bố trước đây nói rằng họ sẽ không chấp thuận hệ thống luật lệ quốc tế".
06 Tháng Ba 2016(Xem: 16196)
"Vụ tranh chấp này là giữa chính phủ liên bang Nhật và chính quyền địa phương trên đảo Okinawa. Chính phủ của Thủ tướng Abe muốn dời căn cứ không quân Futenma tới một địa điểm ít dân cư hơn của Okinawa, nơi tọa lạc các cơ sở quân sự khác của Mỹ. Các chính quyền địa phương thì muốn căn cứ không quân phải rời hẳn khỏi đảo Okinawa".
06 Tháng Ba 2016(Xem: 16098)
"Emadeldin Elsayed, một sinh viên 23 tuổi tới từ Cairo, đang ra trước một thẩm phán di trú ở Los Angeles sau khi tải lên trang Facebook của anh những dòng chữ nói rằng anh sẵn sàng nhận bản án chung thân vì giết ông Trump. Anh sinh viên nói anh tin rằng thế giới sẽ cảm ơn anh!".
01 Tháng Ba 2016(Xem: 16907)
"Mặc dù cho tới nay chưa tham gia tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông, nhưng Úc vẫn ủng hộ quan điểm của Mỹ..."
01 Tháng Ba 2016(Xem: 16863)
"Tổ chức Di dân Quốc tế loan báo họ đang gia tăng những nỗ lực để đưa di dân Châu Phi bị lạm dụng và ngược đãi ở Libya về nước".