VĂN HÓA ONLINE - VĂN NGHỆ - THỨ SÁU 18 OCT 2018
Hoàng Lan Chi
Song Ngọc, Tháng Mười Sao Rụng
Bây giờ là tháng Mười.
Chớm Thu thì lá vàng chưa ngập đường đi nhưng sắc thì đã đổi mầu.
Một vì sao rực rỡ của vòm trời ca nhạc VNCH vừa rụng.
1960
Thuở ấy tôi đang chập chững trung học. Vào một buổi chiều, tiếng hát trầm mà nhiều người đặt tên “liêu trai” , Thanh Thúy, vang lên qua làn sóng phát thanh:
Người về chiều nay hay đêm mai
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vì hành tinh rung rung
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi .
Tôi sững người. Hay quá. Thấm thía quá. Tình tự quá. Não nùng quá. Sắp đi hay đã đi rồi. Đưa người hay đưa tôi.
Bản nhạc Tiễn Đưa do Song Ngọc phổ từ thơ Nguyên Sa đã đến với tôi lần đầu thuở xa xứ ấy. Cũng là một ngày tháng Mười khi phượng đỏ mùa hè đã tàn, tiếng ve thôi râm ran và áo trắng lại tung bay trường Gia Long yêu dấu.
Tôi tìm ngược lại dòng dĩ vãng. Ô coi kìa, chưa tròn hai mươi và nhạc phẩm được ban Hợp Ca Thăng Long trình bày “Bừng Sáng” (Màn đêm chơi vơi buông lơi Gió rừng reo xuyến xao khung trời. Vọng lên trong muôn nơi nơi Tiếng đoàn trai ...). Nhạc phẩm ấy rất “vững chãi”.
“Tài năng” đã nở từ sự đam mê. Chỉ có lòng thiết tha với âm nhạc thì người nhạc sĩ mới có thể viế được những giòng nhạc như thế trong bất cứ không gian nào. Ngoại cảnh không còn là vấn đề. Họ chìm đắm trong thế giới âm thanh và từng nốt, từng nốt nhạc tuyệt diệu vang lên.
1963
Thanh Tuyền lảnh lót với Chiều Thương Đô Thị. Tôi dừng trong chốc lát không giải bài toán để lắng nghe. Bolero không phải sở thích nhưng hôm ấy tôi đã “uống” trọn vẹn. Melody cũng vừa phải, cho mọi nhạc phẩm về lính thời ấy nhưng cái “lời của bản nhạc” thì đã thấm đẫm trong tôi : (Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô. Reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu. ) ( Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình, Chuyện người trai chốn xa , Và người đi chiến đấu vẫn đợi chờ nhau).
Thời gian trôi
Song Ngọc sáng tác bolero nhiều hơn hết thảy. Nhạc phẩm về lính hao hao những tác phẩm của Trịnh Lâm Ngân nên tôi không say đắm như của Nguyễn Văn Đông vì tôi vẫn yêu những nốt nhạc sang trọng, những âm thanh hùng tráng, lồng lộng gió ngàn, những lời ca với hào khí Kinh Kha ngất trời.
Cho đến một ngày tôi ngỡ ngàng với “Hà Nội ngày tháng cũ” . Trước đó, tôi đang yêu Anh Bằng với (Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ.Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa). Thật tình mà nói, melody không lộng lẫy lắm nhưng lời (phổ thơ) làm lòng người miền Bắc di cư chùng xuống.
“ Hà Nội ngày tháng cũ” thì không thế.
Với cá nhân tôi: đó là một tuyệt phẩm của Song Ngọc.
Hơn 13 bài phổ thơ Nguyên Sa thì tuy Tiễn Đưa xuất hiện trước và nổi tiếng hơn nhưng khi đến Hà Nội ngày tháng cũ thì cái tài năng của Song Ngọc như đã chín muồi. Melody thật tuyệt. Thật sang trọng. Giòng nhạc nhẹ lướt êm và có khi trào dâng, dù chỉ như một ngọn sóng nhỏ và có khi lại chùng xuống lững lờ như thác ngàn vừa gieo mình từ núi rừng đổ xuống đồng cỏ hoang vu. Với tôi Sĩ Phú là chọn lọc số một cho Hà Nội ngày tháng cũ.
Tôi thong thả tìm đến Song Ngọc cũng vào tháng Mười mùa thu của vùng Đông Bắc HK hơn mười năm trước. Khi ấy, lá phong đã đổi mầu. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Khi ấy tôi đang làm chương trình âm nhạc nên nghe lại một số tiêu biểu của vài nhạc sĩ.
Tôi kinh ngạc vì Song Ngọc thật đa dạng.
Những bản nhạc sang trọng như Hà Nội ngày tháng cũ và Mưa Ướt Mi Buồn. Sĩ Phú là chọn lựa cho bài đầu và Lưu Bích là chọn lựa cho bài sau.
Những bản nhạc sôi động đầy chất trẻ và thật quyến rũ qua tiếng hát Elvis Phương: Anh sẽ không bao giờ, Đàn bà..
Những bản nhạc thấm đẫm tình tự quê hương, âm điệu dân ca như Yêu cái đèn cù, Giờ Tý Canh Ba…
Những nhạc phẩm về lính thì không lãng mạn như Trần Thiện Thanh mà có chứa trong đấy nghĩa vụ của người nhạc sĩ đang công tác trong ngành CT TLCT: Nó và tôi (Hôm chia tay hai đứa cùng bùi ngùi.Ngày mai nó tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời.Giận nhau gắn vui, dù cho vành môi sẽ khô mấy cũng mỉm cười .Hai năm sau mới có thư về.Nhìn con dấu ghi nơi nắng cháy biên thùy.Người quen cho biết tin. Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống khắp đơn vị tiếc thương ) và ( Nó đi nhưng còn đây.Muôn lớp trai đi nghìn sau theo dấu chân đi vào thiên lý.Biết bao người trai nợ xương máu không trở về .Người đi vào tôi vẫn lưu danh cho đời mãi.Nó anh hùng ngày mai).
Những nhạc phẩm tình quê hương, gia đình thì xuất sắc nhất là Thư Cho Vợ Hiền (Ngày đó anh còn nhớ buổi đăng trình em bồng con đứng nhìn. Ngoài kia trống giục quân reo bao lớp trai anh hùng, đã tìm ra chiến trường. Còn nhớ con mình ngày đó tháng chưa tròn anh đặt tên chúng mình. Giờ con biết đọc hay chưa? Hay nhắc tên ba hoài để em nhớ thương thêm.) rồi sau đó là Hương Đồng Gió Nội ( Hôm qua em đi tỉnh về, đợi em ở mãi con đê đầu làng)
Song Ngọc đa dạng như những nhạc sĩ tài danh thuở ấy như Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông. Nhưng có lẽ vì nhu cầu sinh kế, vì nhu cầu nghĩa vụ của một nhạc sĩ chiến tranh chính trị nên SN đã viết những nhạc phẩm bolero hoặc nhạc về lính. Tuy thế, phải chăng tiềm ẩn trong sâu thẳm người con trai đất Long Xuyên, vùng đồng bằng miền Nam yên bình nhưng lại rất thơ văn, rất trí thức, rất dí dỏm của những người “một thuở mang gươm đi mở cõi”?
Hãy cứ xem lại PBN 74 để thấy khuôn mặt điển trai như tài tử với đôi mắt hai mí đẹp, sống mũi thẳng, bờ môi đầy đặn và nhất là những cái dí dỏm tự nhiên, “môi mép”, điều hiếm thấy từ những người con hồn hậu chất phác của ruộng lúa Cửu Long.
Một đời người rồi cũng xong.
Quan trọng là nếp sống và những gì để lại.
Quan trọng là những gì mà người đời CÒN NHỚ VÀ CÒN THƯƠNG
Tháng Mười hoa cúc vàng trước ngõ.
Tháng Mười lá phong đỏ xào xạc gót chân.
Tháng Mười gió heo may nhè nhẹ.
Tháng Mười đưa tiễn tình nhân, những người tình của chúng ta đã tung tăng đến với đời bằng những nốt nhạc muôn màu làm cuộc sống chúng ta tươi đẹp vô ngần.
…Người đã đi và đã đi rồi
Muôn vì hành tinh lung linh
Tôi đưa người trong thanh vắng
Xin yên bình giấc ngủ đơn côi…
Hoàng Lan Chi
Rừng Gió Brisbane 10/2018