VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ BẨY 21 NOV 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Tổng thống Donald Trump công bố Chiến lược Indo-Pacific tại Hội nghị thượng đỉnh APEC-Đà Nẵng 10/11/2017.
Dấu ấn quan hệ Việt - Mỹ trong chiến lược Indo-Pacific
21/11/2020 Thanh Niên
Giới chuyên gia quốc tế nhận định việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien thăm Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ song phương mà cả với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp ông Robert O’Brien bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 35 tại Thái Lan tháng 11.2019 Ảnh: TTXVN
Theo kế hoạch, ông O’Brien đã đến Việt Nam vào tối qua, có các cuộc làm việc vào hôm 21.11.2020 và ngày mai 22.11.2020 với các viên chức Việt Nam.
Chuyển động mạnh mẽ
Trả lời Thanh Niên ngày 20.11, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng chuyến công du của ông O’Brien đến Việt Nam và Philippines lần này mang ý nghĩa lớn.
“Bởi vì thực tế dù Covid-19 bùng nổ, nhưng rõ ràng mật độ công du của lãnh đạo, quan chức cấp cao Mỹ cũng như một số đối tác và đồng minh của nước này vẫn rất dày đặc”, TS Nagao nhận xét và dẫn chứng: “Với Mỹ thì vào tháng 10, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Tokyo (Nhật) để tham gia cuộc hội đàm của ngoại trưởng các nước “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc). Cũng trong tháng 10, Ngoại trưởng Pompeo lại tiếp tục có chuyến công du Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia và Việt Nam. Giờ đây, đến phiên Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien công du đến Việt Nam và Philippines”.
Ông Nagao dẫn chứng thêm: “Cũng trong thời gian vừa qua, lãnh đạo các nước khác thuộc “bộ tứ kim cương” cũng công du liên tục. Tháng 9, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam làm điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Cùng đợt này, ông Suga cũng đã đến thăm Indonesia. Rồi tháng 11 này, Thủ tướng Úc Scott Morrison đi thăm Nhật Bản”.
Theo TS Nagao, trong giai đoạn đại dịch, nhiều cuộc hội đàm cấp cao đã diễn ra trực tuyến. Nhưng thực tế, việc hội đàm trực tuyến vẫn có rủi ro bị tin tặc do thám, nên nhiều nội dung quan trọng có thể bị rò rỉ thông tin. Từ lý do này, nhiều nội dung thảo luận quan trọng cần được trao đổi trực tiếp. Vì thế, các cuộc làm việc trực tiếp giữa mùa đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc các bên cần thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.
“Kết hợp cùng các cuộc tập trận đang diễn ra ở Indo-Pacific, rõ ràng việc tăng cường hợp tác giữa các nước với “bộ tứ kim cương” đang chuyển động mạnh mẽ”, TS Nagao bình luận.
Cam kết của Washington
Phân tích với Thanh Niên về chuyến công du của ông O’Brien, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Mỹ đang tiếp tục xây dựng lòng tin rằng Washington cam kết hợp tác cùng Việt Nam dù lãnh đạo Nhà Trắng là ai. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra khi ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống Mỹ. Vì chiến lược Indo-Pacific của Mỹ sẽ tiếp tục hướng đến nâng cao quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực”.
“Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, có thể nhìn thấy Washington có cách tiếp cận đa phương, có hệ thống nhằm thúc đẩy quan hệ với đồng minh cũng như các đối tác quan trọng trong khu vực”, PGS Nagy nhận xét.