Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Kinh tế số ở VN mở ra cơ hội mới

05 Tháng Mười Hai 20198:16 SA(Xem: 7999)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ NĂM 05 DEC 2019


Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội mới


Lê Viết Thọ BBC News Tiếng Việt 3/12/2019


 image040

Bản quyền hình ảnh |NVCC Image caption Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google.


Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google, nói rằng sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội cho rất nhiều người.


Bản phúc trình mà Google phối hợp với một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore Temasek Holdings và tập đoàn tư vấn tài chính Bain & Company công bố hồi tháng 10 năm nay cho thấy, quy mô ngành kinh doanh dựa trên nền tảng internet của khu vực Đông Nam Á đang trên đà vượt quá con số 100 tỷ đô la trong năm nay và sẽ tăng lên gấp ba vào năm 2025.


Phúc trình này dự đoán, Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất về thương mại trực tuyến trên thế giới, nhờ vào lực lượng dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều.


Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Google và là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, cũng có chung nhận xét như vậy.


Ông nói rằng, thay đổi lớn nhất mà ông được chứng kiến ở châu Á trong 30 năm vừa qua là việc internet đã mở ra cơ hội cho mọi người, nhất là những người trẻ tiếp nhận thông tin, kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài, hay cũng có thể chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu giải trí.


Ông Osius nói: "Tất cả những điều ấy, trước đây, có mơ người ta cũng sẽ không bao giờ hình dung được. Còn giờ, ai cũng có thể học được các kỹ năng mới, như tạo code hay học thêm một ngoại ngữ mới, tất cả đều đơn giản chỉ bằng cách lên mạng.


"Và cùng với điều đó, các doanh nghiệp nhỏ châu Á cũng có thêm những phương cách mới để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh số.


"Thêm nữa, ai cũng có thể lên mạng tìm việc làm. Và đây mới là điều thực sự ý nghĩa, bởi tất thảy chúng ta đều hiểu, sự trao quyền sẽ có ý nghĩa như thế nào," ông Osius nói.


Tận dụng cơ hội


Nhưng theo ông Osius, điều có ý nghĩa hơn cả chính là việc Internet đang giúp cho những người yếu thế hay kém may mắn có thể tận dụng cơ hội của nền kinh tế kết nối để vươn lên.


Ông Osius dẫn chứng câu chuyện của anh Lê Nguyên Bình và chị Mai Thị Kim Quyên ở Hội An.


Năm 15 tuổi, anh Bình bị liệt sau một lần mắc bệnh và từ đó, cuộc sống của anh gắn với chiếc xe lăn.


Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người có thể đã bị gục ngã hoàn toàn trước số phận.


image043

Bản quyền hình ảnh NVCC Image caption Anh Lê Nguyên Bình và chị Mai Thị Kim Quyên ở Hội An đã sử dụng quảng cáo trực tuyến và các công cụ trên Internet để phát triển kinh doanh.


Nhưng anh Bình đã tự học tin học, lập diễn đàn trên mạng dành cho người khuyết tật cũng như lập trung tâm tin học dạy lại cho những người khác.


Năm 2015 anh được tạp chí eChip bình chọn là Hiệp sĩ công nghệ thông tin.


Nhưng anh Bình và chị Quyên còn muốn làm một điều gì đó nữa, để vừa tạo cho họ một động lực sống và còn có thể giúp đỡ những người kém may mắn khác.


Và họ đã tạo ra "Reaching Out Teahouse" (Hòa nhập) - một tiệm trà và bán hàng lưu niệm thủ công ở Hội An.


Điểm đặc biệt là họ sử dụng quảng cáo trực tuyến và các công cụ trên Internet để phát triển việc kinh doanh, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.


Sản phẩm thủ công mà tiệm này bán ra hoàn toàn do người khuyết tật làm ra.


Qua Internet, họ cũng tạo lập và phát triển một mạng lưới chuyên hỗ trợ cho những người khác cũng gặp những trở ngại về thể chất tương tự với họ.


"Không có internet, làm sao có những loại hình doanh nghiệp xã hội như vậy," ông Osius nhận định.


image044

Bản quyền hình ảnh NVCC Image caption Chương trình Tăng tốc kỹ thuật số Việt Nam 4.0 được Google triển khai từ năm 2018 mở cơ hội tiếp cận cho nhiều người.


Trách nhiệm của các công ty công nghệ


Những thay đổi như vậy hoàn toàn không phải là điều hiển nhiên, Xét đến cùng, dẫu cho kỹ thuật có tiến bộ đến dâu, thì khởi điểm vẫn là con người - những người biết nắm bắt và mở ra sự thay đổi nhờ kỹ thuật mới.


"Chúng ta cần tiếp tục mở rộng những lợi ích và cơ hội này đến nhiều người hơn ở Việt Nam và trong khu vực," ông Osius nói.


Nhưng lâu nay, khi nói đến việc đó, người ta thường đặt yêu cầu với chính phủ trong việc bảo đảm việc truy cập internet cho nhiều người, nhất là trong tình cảnh, khoảng cách về khả năng tiếp cận số (digital divide) vẫn là một thực tế, không chỉ ở Việt Nam.


image045

Bản quyền hình ảnh BSIP/Getty Images Image caption Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh thứ ba và có quy mô lớn vào hàng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.


Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bản thân những công ty công nghệ lớn, như Google hay Facebook cũng phải nhận lãnh trách nhiệm.


Chẳng hạn, với Google, ông Ted dẫn số liệu cho biết, chương trình Tăng tốc kỹ thuật số Việt Nam 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0) được công ty này bắt đầu triển khai từ năm 2018.


Đến nay, Google đã đào tạo miễn phí cho 500 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay, Google cũng đã đào tạo 85 ngàn người kinh doanh nhỏ tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.


Vào tháng 8/2019, Google cũng ra mắt Xe buýt kỹ thuật số, giúp người dân, nhất là những người sống ở nông thôn, tiếp cận dễ dàng hơn với các đào tạo về kỹ thuật số.


Xe buýt kỹ thuật số đã hoàn thành tuyến đường đầu tiên với 1.000 km, với hơn 3.300 người tại 10 tỉnh Đông Bắc Việt Nam được huấn luyện.


Đến tháng 12/2020, xe này sẽ tiếp tục đi đến 49 tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam.


Google cũng hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam ra mắt ứng dụng Google Primer, giúp người dân khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận hơn với việc đào tạo số.


Tiềm năng kinh tế số


Nói về triển vọng của phát triển kinh tế số, ông Osius nói rằng, điều đó là vô hạn.


"Bốn năm qua, chúng tôi cùng Temasek Holdings và Bain & Company thực hiện phúc trình thường niên về nền kinh tế internet Đông Nam Á. Và cũng hàng năm, sự tăng trưởng của nền kinh tế này đã vượt quá sự kỳ vọng của chúng tôi.


"Chẳng như, mới 12 tháng trước, chúng tôi cho rằng, quy mô của nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á sẽ đạt 250 tỉ đô la vào năm 2025. Nhưng giờ, chúng tôi nghĩ con số đó sẽ là 300 tỉ đô la.


"Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như gọi xe (ride-hailing) và thương mại điện tử. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy sự phát triển trong thanh toán số.


"Sự gia tăng như vậy có thể sẽ mang lại tác động khá sâu sắc, nếu chúng ta biết rằng, hiện nhiều người dân ở khu vực Đông Nam Á thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng," ông Osiusnói.


Với Việt Nam, ông Osius nói rằng, nước này có nền kinh tế số phát triển nhanh thứ ba và có quy mô lớn vào hàng thứ hai trong khu vực.


Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế dựa trên internet có tác động lớn nhất đến GDP. Điều này cho thấy sự phát triển manh mẽ của kỹ thuật số ở Việt Nam, khi mà năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, và trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động mỗi ngày.


Theo phúc trình nói trên, tại Đông Nam Á, V iệt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.


Nền kinh tế số tại Việt Nam, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ đã đạt 12 tỉ đô la năm 2019 và sẽ lên đến con số 43 tỉ đô la vào năm 2025.


Tự do Internet?


Tuy nhiên, dẫu Việt Nam có sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế số như vậy nhưng nước này vẫn nằm chót bảng về tự do Internet, theo báo cáo "Freedom on the Net 2019" (Tự do trên mạng 2019), do tổ chức Freedom House công bố đầu tháng 11 năm nay.


Báo cáo này xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do internet, với số điểm 24 trên tổng số 100.


Với con số này, Việt Nam đứng gần chót bảng và chỉ trên có Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc.


Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp sau tất cả các nước được đánh giá kể cả các nước láng giềng Đông Nam Á và chỉ trên Trung Quốc.