Việt Nam trong “Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Đông Nam Á”

04 Tháng Tư 20228:37 SA(Xem: 4160)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 - - THỨ HAI 04 APRIL 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam trong “Tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Đông Nam Á”


RFI 04/04/2022


image003Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier 3, giới thiệu với RFI Tiếng Việt cuốn Un triangle à l'épreuve. La Chine, les Etats-Unis et l'Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch : Một tam giác chiến lược trải qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ 1947), ngày 19/04/2022. © RFI / Thu Hằng


Thu Hằng


Vị trí của Ukraina hiện nay giữa phương Tây và Nga làm liên tưởng đến vị trí của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay, bắt đầu từ thời Chiến tranh lạnh, cũng như những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, gay gắt từ thập niên 1970, được phân tích trong một tác phẩm do Đại học Paul Valery Montpellier 3 phát thành vào tháng 03/2022.


RFI Tiếng Việt phỏng vấn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, chủ biên cuốn Un triangle stratégique à l’épreuve. La Chine, les États-Unis et l’Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch : Một tam giác chiến lược qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ năm 1947).  


*****


RFI : Cuốn sách tổng hợp tham luận của 21 tác giả và do ông làm chủ biên bắt đầu từ năm 1947. Tại sao lại chọn cột mốc này ? Tại sao lại là “Một tam giác chiến lược” và vị trí của Việt Nam trong tam giác này ?


GS. Pierre Journoud : Tại sao cuốn sách có tên là Một tam giác chiến lược ? Bởi vì có thể thấy rõ mỗi góc của hình tam giác đều liên quan chặt chẽ đến nhau. Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ từ thời Chiến tranh lạnh. Chúng tôi bắt đầu cuốn sách từ năm 1947 bởi vì đó là năm chính thức bắt đầu Chiến lạnh ở châu Âu. Sự đối đầu về ý thức hệ giữa hai khối Cộng sản và chống Cộng sản định hình mối quan hệ quốc tế và gây hàng loạt tác động trên khắp thế giới, dĩ nhiên là cả Đông Nam Á với những xung đột được phân tích trong nửa đầu tác phẩm của chúng tôi. Năm 1947 cũng là năm ông Aung San, một trong những nhà thành lập nước Miến Điện đương đại, cha của bà Aung San Suu Kyi, bị sát hại. Năm 1947 cũng là năm nội chiến ở Trung Quốc…


Đúng là ở châu Á, khúc ngoặt lịch sử là vào thời điểm 1949-1950. Năm 1949 với việc Mao Trạch Đông lên nắm quyền và Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Cộng sản, với sự ảnh hưởng lớn của Matxcơva. Trong năm tiếp theo, Việt Nam cũng đi theo hướng này, cuộc chiến với Pháp vẫn tiếp tục, rồi Việt Nam bị cuốn theo bối cảnh Chiến tranh lạnh. Thực vậy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngày 02/09/1945 được Trung Quốc của Mao Trạch Đông công nhận trước tiên, tiếp theo là Liên Xô và toàn khối Cộng sản. Còn một Nhà nước khác do Pháp thành lập để làm đối trọng với Nhà nước của Hồ Chí Minh, thì được Hoa Kỳ, Anh và khối “thế giới tự do” phương Tây lúc đó công nhận. Đó là một cuộc xung đột gây hệ quả tức thì cho Đông Nam Á.


Tình hình hiện nay ở Đông Nam Á đúng là rất đáng quan ngại vì Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh rất gay gắt giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, dĩ nhiên là trong bối cảnh khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng vẫn có thể thấy những yếu tố liên tục nào đó của sự cạnh tranh Mỹ-Trung, xuất phát từ thời đầu Chiến tranh lạnh. Mao Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến và muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc. Khi Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam, họ hiểu ý đồ đó cũng như chủ trương can thiệp rất rõ ràng của Mao Trạch Đông vào các nước Đông Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ tất cả các đảng Cộng Sản ở khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, nên dẫn đến sự đối đầu ngày càng nghiêm trọng và kéo Việt Nam vào chuỗi chiến tranh. Những sự kiện này được chúng tôi nêu rất chi tiết trong cuốn sách.


RFI : Lần đầu tiên, vào ngày 14/02/2022, thủ tướng Việt Nam chủ trì lễ kỉ niệm chính thức 64 quân nhân Việt Nam tử trận ở Gạc Ma (Johnson South Reef) năm 1988 khi bị Trung Quốc tấn công xâm chiếm. Sự kiện đau thương này nằm trong chuỗi căng thẳng gia tăng trong vùng, được đề cập trong phần 2 của tác phẩm về “những viễn cảnh mới về chiến tranh Đông Dương lần thứ 3”. Xin ông giải thích thêm.


GS. Pierre Journoud : Tôi cũng ngạc nhiên về việc chính quyền cấp cao Việt Nam tưởng niệm 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải Quân Việt Nam hy sinh ở quần đảo Trường Sa năm 1988.


Thực ra, cuộc xung đột quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, đã có từ lâu, từ thời thuộc địa những năm 1930 đến cuối Thế Chiến II, nhưng trở nên gay gắt hơn từ những năm 1970. Điều ngạc nhiên là lập trường của Trung Quốc và Việt Nam về những yêu sách chủ quyền của mỗi bên ở Biển Đông có từ rất sớm. Ví dụ, qua bài tham luận của tôi trong trong cuốn sách này, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu quốc tế, đặc biệt là của Liên Hiệp Quốc, các tài liệu lưu trữ của Liên Hiệp Quốc cho thấy xung đột đã được định hình ngay những năm 1970, sớm hơn cả chiến tranh biên giới năm 1979.


Tóm lại, cuộc xung đột này bắt đầu từ diễn đàn ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, trước cả khi xảy ra xung đột trên bộ năm 1979. Cần nhắc lại rằng Trung Quốc là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 và trong suốt thập niên đó, Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với Liên Hiệp Quốc hơn, còn nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977. Từ đó, phái đoàn của Trung Quốc và Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đã tìm cách thuyết phục tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc về mức độ chính xác trong lập trường của họ.


Chúng tôi cũng nhận thấy là cuộc xung đột năm 1979, dĩ nhiên còn do những nguyên nhân khác, cũng xuất phát từ lĩnh vực hàng hải. Cho đến nay, khía cạnh này rất ít được khai thác nhưng lại được nêu rất rõ trong tài liệu lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc. Năm 1979, phái đoàn Việt Nam, lúc đó do đại sứ Hà Văn Lâu dẫn đầu, đã phản ánh rằng có. rất nhiều tầu Trung Quốc thâm nhập vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng tôi đã tham khảo được nhiều báo cáo khá quan trọng về nguồn gốc của xung đột này.


Tiếp theo, trong mục Địa-Chính trị của cuốn sách, một số tác giả đề cập đến lập trường của Hoa Kỳ, của Trung Quốc, cũng như của một vài nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Chúng ta thấy là trong thời gian khá lâu, Indonesia giữ lập trường khá ôn hòa với Bắc Kinh, nhưng sau đó giữ khoảng cách vì chính quyền Jakarta cũng phải đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc và phải cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của họ.


Dĩ nhiên đây không phải là chủ đề duy nhất của cuốn sách. Tuy nhiên, những bài tham luận về vấn đề này giúp hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của cuộc xung đột trên bộ, trên biển, về mặt quốc tế, ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, cấp ASEAN…


RFI : Nhiều chuyên gia dự đoán nếu Chiến tranh Thế giới thứ 3 xảy ra thì sẽ là ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do những căng thẳng và cạnh tranh Mỹ-Trung. Liệu mối lo vẫn này còn chính đáng khi chiến tranh lại nổ ra ở Ukraina ?


GS. Pierre Journoud : Đúng. Đó là một thắc mắc lớn, một câu hỏi nghiêm túc. Tôi muốn thận trọng trong việc đưa ra một dự đoán chính xác bởi vì trường hợp Ukraina cho thấy rõ, kể cả những chuyên gia về Nga và Ukraina đã không lường trước được tốc độ, sự tàn khốc của cuộc xâm lược Nga ở Ukraina. Các nhà quan sát không nghĩ rằng tổng thống Putin sẽ đưa ra một quyết định như vậy trong bối cảnh quan hệ ở châu Âu và quốc tế tương đối thanh bình, dù căng thẳng có gia tăng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.


Tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đúng là từ lâu đã có nhiều căng thẳng lớn giữa Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc. Tiếp theo là căng thẳng giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Điều quan ngại là sự cố liên tục xảy ra. Trung Quốc ngày càng điều thêm nhiều tầu chiến đến các vùng biển lân cận, điều chiến đấu cơ tuần tiễu trên eo biển Đài Loan hoặc tổ chức tập trận đơn phương và đa phương trong những vùng biển đó. Nhiều lần tầu chiến Trung Quốc và Mỹ gần như chạm mặt nhau, có lúc với tầu chiến Pháp vì thời gian gần đây Paris cũng điều chiếm hạm, tầu ngầm, tầu sân bay đến khu vực.


Rất khó dự đoán được là sắp tới hay trong vài tháng, vài năm nữa sẽ xảy ra một cuộc xung đột có thể là vũ trang và có thể sẽ có quy mô như ở Ukraina hiện nay nếu như Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Và nếu xảy ra thì sẽ có chung kịch bản như Ukraina và sẽ gây chấn động toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ phải phản ứng bằng cách này hay cách khác. Chúng ta không biết chính xác sẽ như thế nào nhưng các bên đều chuẩn bị.


Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chưa chắc sẽ xảy ra bởi vì có thể thấy trong cuộc chiến ở Ukraina hiện nay, tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần điện đàm với nhau. Do đó không loại trừ khả năng Bắc Kinh và Washington tìm được tiếng nói để giảm bớt phần nào căng thẳng, không chỉ cho cuộc chiến ở Ukraina, mà còn cho cuộc xung đột, dù hiện không phải là vũ trang nhưng ngấm ngầm, giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.


Cả hai cường quốc này nghi ngờ nhau và đều có tham vọng thống trị không gian hàng hải, đặc biệt là ở Thái Bình Dương và Biển Đông. Trung Quốc muốn xua Hoa Kỳ ra khỏi biên giới của họ xa nhất có thể vì chẳng có lợi gì với Bắc Kinh khi Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Còn Mỹ lại muốn giữ vai trò cường quốc ở Thái Bình Dương, duy trì sự hiện diện của Hạm Đội 7, tiến hành các chuyến hải hành “qua lại vô hại” dù đó là các chiến hạm, tầu khu trục, tầu sân bay…  


Có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một giải pháp có tính thương lượng khá cao và từ đó sẽ dẫn đến một giải pháp trên quy mô khu vực. Đây cũng là mong muốn của các nước thành viên ASEAN, đang đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có thể hình dung ra một sự cố, ví dụ mang tính cục bộ, biến thành xung đột khu vực. Đây chính là giả thuyết mà nhiều chuyên gia lo sợ. Tôi không hẳn là một trong những người bi quan nhất bởi vì các kênh đối thoại và đàm phán vẫn tồn tại, đặc biệt là thông qua ASEAN và tại các thể chế khác. Dù sao thì chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì.


RFI : Chiến sự ở châu Âu có khiến Mỹ phần nào lơ là Biển Đông không ? Liệu Washington không tìm cách làm phật lòng thêm Bắc Kinh do lo ngại Trung Quốc ủng hộ và giúp Nga lách trừng phạt ? Liên minh Nga-Trung có kéo theo rủi ro, thậm chí là mối đe dọa cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không ?


GS. Pierre Journoud : Có hai câu hỏi trong phần này. Về câu hỏi thứ nhất liên quan đến tác động của chiến tranh Ukraina có khiến Mỹ, và phương Tây nói chung, lơ là tình hình Biển Đông hay không, tôi nghĩ là không. Trước hết, Hoa Kỳ là một thế lực toàn cầu, luôn theo dõi mọi khu vực có nguy cơ xung đột trên thế giới. Chính sách xoay trục sang châu Á có từ thời tổng thống Obama, tập trung thêm phương tiện quân sự, tài chính, kinh tế vào châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, là điều vẫn được các tổng thống sau này tiếp tục, dù ông Trump có thể không ủng hộ chính sách đa phương như người tiền nhiệm.


Chiến tranh ở Ukraina có lẽ không làm Mỹ lơ là tập trung ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraina hôm 24/02, Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tầu chiến. Cứ hai năm, đội tầu Trung Quốc được cho là tăng gấp đôi về trọng tải. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc mà tôi tra cứu năm 2021, nỗ lực và sự đầu tư ồ ạt đáng kể đó đã giúp Hải Quân Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về trọng tải, dù có thể không phải về chất lượng hay công nghệ.  


Theo tôi, hiện tại không có gì thay đổi ở trong vùng do tác động từ chiến sự ở Ukraina. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến câu hỏi thứ hai liên quan đến Nga. Trung Quốc là một đối tác lớn của Nga. Người ta nói đến liên minh, dù chưa biết liên minh này sẽ đi tới đâu nhưng rõ ràng là Bắc Kinh ủng hộ nước Nga của ông Putin và không nhắc đến “cuộc xâm lược Ukraina” của tổng thống Putin. 


Có thể thấy là Trung Quốc không được thoải mái vì quyết định của điện Kremlin dường như không được bàn với Bắc Kinh và cản trở tham vọng của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình, giữ một trật tự nào đó để nước này mở rộng ảnh hưởng và có thể là sự thống trị ở trong vùng. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã cản trở những kế hoạch và tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự thành công nhất định cho đến giờ của trục Matxcơva-Bắc Kinh, cùng với một vài nước khác, nhằm vẽ lại các mối quan hệ quốc tế hiện tại, hình thành một mô hình thay thế mô hình của Mỹ và làm thay đổi phần nào bản chất của hệ thống quốc tế.


Chính sách của ông Putin lại gây hiệu ứng ngược vì đã khiến các nước châu Âu đoàn kết hơn, hàn gắn khối NATO đang rệu rã. Các nước NATO, Liên Hiệp Châu Âu, lo chiến tranh tang thương như ở Ukraina lan sang khối này và cuối cùng khiến những nước này hình thành một mặt trận, không phải chống Nga mà là chống Putin. Không rõ kết cục sẽ đi đến đâu : khởi đầu là Crimée, tiếp theo là Donbass, rồi Ukraina, biết đâu nay mai lại là các nước Baltic, vốn từng chịu ảnh hưởng của Liên Xô.


Tôi nghĩ là ông Tập Cận Bình theo dõi sát sao tình hình Ukraina. Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ đề xuất đàm phán một giải pháp chính trị để sớm chấm dứt cuộc chiến đang làm xấu hình ảnh nước Nga. Dù sao mọi người đang chờ xem ông Tập Cận Bình sẽ có lập trường như nào, hoặc là giữ khoảng cách với đối tác Nga, hoặc làm trung gian hòa giải. Căn cứ vào mối quan hệ tương đối tốt giữa Matxcơva và Bắc Kinh, vào tiềm lực kinh tế, tài chính, quân sự của Trung Quốc, dường như chỉ có ông Tập Cận Bình mới có khả năng áp đặt, hoặc dù sao định hướng một giải pháp theo hướng này.


RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier 3.


*****


Giáo sư Pierre Journoud là tác giả và là đồng tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam : Paroles de Dien Bien Phu (với giáo sư Hugues Tertrais), De Gaulle et le Vietnam (1945-1969), Dien Bien Phu. La fin d'un monde...
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 18390)
Sáng ngày 16/7, trang nhà của Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chính thức xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 đã di dời ra khỏi vùng biển của Việt Nam và đang hướng về đảo Hải Nam. Tin này cũng được báo Tuổi Trẻ Online ngày 16/5 loan tải dẫn lời của ông Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư thuộc Bộ Ngư nghiệp và Phát triển nông thôn của CSVN.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 17843)
Ngày 4 tháng 7 năm 2014 Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) tên tiếng Anh là Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN) công khai tuyên bố thành lập nhằm “Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”?
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 21795)
Nhớ lại những ngày đầu năm 1973. Sau đợt ném bom Hà Nội những ngày Giáng Sinh tháng 12 năm 1972. Hội nghị Paris họp lại. Hai bên ngả ngũ rất nhanh. Không khí Hà Nội hân hoan, mọi việc khẩn trương, ngừng bắn, hòa bình đến nơi rồi. Trong tầm tay. Phía Mỹ mệt mỏi ra mặt, chỉ muốn quên 2 chữ Việt Nam cho sớm nhất. Phía ‘’ta’’ lúc ấy cũng mệt mỏi, Bắc Kinh hòa hoãn với Mỹ, thậm chí chìa tay bè bạn để cô lập Liên Xô.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 18173)
Những người bạn trẻ mới ra tù như Nguyễn Tiến Trung và Đỗ Thị Minh Hạnh đều thốt lên với gương mặt rạng rỡ đến ngỡ ngàng “Thật không thể tin nổi!”.
08 Tháng Bảy 2014(Xem: 19132)
Một nhà nghiên cứu hải quân của Mỹ nhận định trên nhật báo New York Times rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chiến thắng ‘trong mọi kịch bản có thể’ nếu xảy ra chiến sự với Việt Nam.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 18052)
Để có một xã hội dân sự đúng nghĩa và hiệu quả, Tự do Ngôn luận là một quyền không thể thiếu. Một khi chính kiến và ý kiến của mọi thành phần xã hội có được môi trường biểu hiện một cách tự do, thì tinh thần dân chủ mới có điều kiện thực thi.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 20138)
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Đối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 18418)
Năm 16 tuổi, tôi tình nguyện đi bộ đội khi bom Mỹ ném quanh Hà Nội và cuộc chiến trực tiếp cầm súng đã làm tôi hết cả tuổi xanh. Hòa bình trở về, bao nhiêu năm sau, nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn mơ khủng khiếp
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 16826)
Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng tại Biển Đông : Phát hành bản đồ « đường 10 đoạn » nuốt gọn 80% biển Đông Nam Á, đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào khu vực, sử dụng hàng trăm tàu thuộc lực lượng tuần duyên trấn áp cảnh sát biển Việt Nam. Bắc Kinh thật sự tính toán gì ?
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 16503)
- Gần 2 tháng bị phản đối vì đặt trái phép giàn khoan 981, Trung Quốc không lùi bước mà kéo thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, có nhiều tuyên bố phá vỡ nguyên trạng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, diễn biến tiếp tới theo ông sẽ là gì?
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 16176)
Trao đổi với báo chí trước thềm hội thảo tại Đà Nẵng, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, chia sẻ những thách thức khi biến những bằng chứng lịch sử thành chứng cứ pháp lý trong trường hợp VN kiện TQ ra tòa về những hành động xâm phạm chủ quyền.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 20878)
Cách đây hơn một năm, các em trường PTTH Nguyễn Hiền – Sài Gòn đã có một bữa tiệc ăn mừng bằng hành động xé đề cương ôn thi sử ném xuống sân trường, khi nghe thông báo môn lịch sử không đưa vào môn thi tốt nghiệp PTTH kỳ thi năm 2013 (http://tuoitre.vn/).
13 Tháng Sáu 2014(Xem: 18622)
Hiệp định Genève 1954 là hiệp định được kí kết để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, hội nghị Genève về Đông Dương chính thức được khai mạc.
09 Tháng Sáu 2014(Xem: 39557)
(1) Đào Tiến Thi: Số phận Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong trên đất Trung quốc Bất cứ ai, chỉ cần qua ghế nhà trường cấp 2, cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào xạm đen khói súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 21462)
Một chuyên viên nghiên cứu địa chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO) cho rằng, Trung Quốc còn có nhiều mối quan tâm khác không chỉ trên Biển Đông mà còn trên Biển Hoa Đông, trong khi với Việt Nam, Biển Đông là ‘sống còn’.
25 Tháng Năm 2014(Xem: 20713)
Hôm nay ngày thứ Năm 22-05-2014. Chúng tôi, Lý Kiến Trúc hân hạnh được tiếp xúc với Giáo sư Sử học Đinh Kim Phúc,một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn. Trong tình hình thời sự nóng bỏng hiện nay, ý kiến riêng của ông Đinh Kim Phúc thể hiện phần nào suy nghĩ chung của công luận người Việt trong ngoài nước trĩu nặng tấm lòng hướng về tổ quốc.
23 Tháng Năm 2014(Xem: 31122)
Trung Quốc đưa giàn khoan ra chỉ một tháng sau 'lễ thượng cờ' cho hai tàu kilo của Việt Nam "Trung Quốc có chiến lược biên giới mềm [trên biển]. Họ mạnh tới đâu, biên giới của họ ở đó," một nhà nghiên cứu biển có tiếng của Việt Nam nói với tôi như vậy từ cách đây cả 10 năm.
21 Tháng Năm 2014(Xem: 22259)
Công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng hiện vẫn là “lá bài tẩy” của Trung cộng; Văn Hóa Magazine đăng tải lại 2 bài tranh luận của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới VN và ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân để rộng đường dư luận.
18 Tháng Năm 2014(Xem: 17248)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án 'không hòa bình' để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Phát biểu tại một hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5, ông Đam được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" và việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa là trái phép.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 17607)
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người Việt Nam đều rõ chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông nói chung và với Việt Nam nói riêng. Từ hằng nghìn năm nay Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bao nhiêu triều đại của nước ta đã phải chống chọi với các triều đại Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử hai nước. Điều này thì ai cũng rõ.