Chiến tranh không phải trò đùa

01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 18480)

VnEpress - Thứ bảy, 14/6/2014 | 09:22 GMT+7

Chiến tranh không phải trò đùa
image020 

Nguyễn Văn Thọ

Năm 16 tuổi, tôi tình nguyện đi bộ đội khi bom Mỹ ném quanh Hà Nội và cuộc chiến trực tiếp cầm súng đã làm tôi hết cả tuổi xanh.

Hòa bình trở về, bao nhiêu năm sau, nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn mơ khủng khiếp. Những đồng ngũ hy sinh trên tay tôi nhiều lắm, thương đau cũng nhiều, nước mắt cũng lắm. Nhưng không hãi hùng và đau đớn bằng cảnh hàng trăm người nông dân, rất nhiều thiếu nữ và trẻ em đã chết không toàn thây khi bom Mỹ ném vào một làng ở Văn Giang năm 1967. Khắp làng nghi ngút hương khói, y như một nghĩa trang khổng lồ, ba bốn đêm liền vẳng ra trận địa tiếng la khóc ai oán rùng rợn. Cũng những tiếng khóc y hệt thế, tôi lại nghe vào một đêm ở căn cứ Đồng Dù, khi người dân Sài Gòn ra bới xác tìm con cái họ sau trận chiến thảm khốc...

Năm đánh từ Tây Nguyên xuống Cheo Reo, đạn pháo hai bên chả kiêng ai, hàng trăm người dân và binh sĩ hai bên chết la liệt đầy trên mặt đường. Tiếng dạ dầy nổ bôm bốp dưới gầm xe pháo, nhiều bánh xe dính đầy máu. Khi đi qua một khúc cua, tôi thấy rõ xác một phụ nữ rất trẻ, thanh tú, hai tay ôm chặt đứa con đã chết, cổ chị ta còn đeo lủng lặng một dây chuyền và mớ tóc dài đen mượt xòa đổ ra trên mặt đất, hai hốc mắt đen ngòm đầy ruồi bọ... Và những hình ảnh tương tự như thế cứ ám ảnh tôi suốt hơn hai mươi năm, để ra tận xứ người, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và viết thiên truyện ngắn Tiếng Khóc.

Tôi thường nhớ tới những cơn ác mộng trong chiến tranh nhiều hơn là sự vinh quang của kẻ thắng trận và đủ kinh nghiệm để hiểu ra rằng: Ở góc độ Con Người, chiến tranh là điều khủng khiếp và tàn nhẫn. Khi ra thế giới, tôi lại nhận thêm ra rằng, người ta sinh ra để mưu cầu hạnh phúc cá nhân hay cộng đồng, chứ không phải cầm súng và làm một cuộc chiến nhiều máu, các dân tộc cần được sống để thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.

Từ tháng 5, nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nghiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Những hành vi ngang ngược muốn biến biển của chúng ta như ao nhà của họ làm ai ai là con dân nước Nam trong cũng như ngoài nước đều căm giận; kể cả nhiều người dân tộc khác trên thế giới khi nhận ra thực chất đó không phải là sự tranh chấp, mà hành vi xâm lược phi nghĩa của nhà nước Trung Quốc.

Làm sao cho đất nước yên ổn hòa bình lâu dài mà lại dứt khoát “không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì” thực là một vấn đề lớn, rất khó khăn đòi hỏi ở Chính phủ và toàn dân ta nhiều nỗ lực lớn lao, đầy thử thách, buộc phải tỉnh táo thông minh để vượt qua.

Chiến tranh không phải là sự giải tỏa bức xúc vội vã, thiếu sự sâu sắc chín chắn để hành động, chưa làm hết sức, hết cách để tránh đi cái đau thương mất mát của hàng triệu sinh mạng. Thế giới hôm nay khác xưa nhiều. Chiến tranh không phải muốn là được, dù Trung Quốc đang khiêu khích và chăng bẫy hàng ngày, bởi vẫn có một thế giới của những người yêu chuộng hòa bình, nhân nghĩa. Chính vì thế tôi tán thành chủ trương của Chính phủ ta, kiên trì tố cáo hành vi ngang ngược của nhà nước Trung Quốc trên trường quốc tế để tranh thủ dư luận tiến bộ trên toàn thế. Cũng như thế, chúng ta kiên trì hòa bình dùng ngoại giao để các nước có chung quyền lợi trên biển Đông hợp sức với chúng ta ngăn chặn hành vi ngang ngược của Trung Quốc độc chiếm biển Đông, thậm chí phải đưa ra tòa án quốc tế.

Nhà nước và đại bộ phận con dân Việt Nam đang kiên trì điều đó. Đặc biệt các chiến sĩ của ta trên biển vô cùng kỷ luật đã kiên nhẫn từng giây phút không mắc mưu kẻ thù dầu rằng việc bảo vệ ôn hòa trên biển có thể trả giá bằng sinh mạng của họ.

Trong những ngày căng thẳng ở biển Đông, tôi trầm lặng quan sát, ngắm bất kỳ đâu, bất cứ ai, từ những đứa trẻ ngày ngày cắp sách tới trường tới phiên chợ cóc sớm sớm tinh mơ; từ cảnh các em sinh viên trên giảng trường hay dòng người kẻ chợ đang sinh hoạt bình thường ở Hà Nội để lòng luôn tự hỏi, quang cảnh yên bình kia nếu có chiến tranh mọi người sẽ sống ra sao? Con tôi sẽ ra sao, cháu tôi sẽ ra sao, hàng triệu người lam lũ sẽ ra sao? Chứ không nghĩ giản đơn: Ức quá, choảng thôi... Đấy là cái tức của người âu bồng bột, chưa hiểu biết thật sâu sắc nỗi buồn chiến tranh và hai từ thiêng liêng "dân tộc" và đất nước.

Tôi cũng từng gặp gỡ và tâm sự với nhiều cựu chiến binh, họ cũng như tôi, không kể những người già quá ốm đâu, chúng tôi chung ý nghĩ, chúng ta kiên trì hòa bình nhưng nếu Trung Quốc tấn công vào đất nước, chúng tôi sẽ lên đường. Riêng tôi sẽ rời bỏ châu Âu trở về, mang sức tàn này góp thêm một hạt bụi trong cơn bão cuồng bộ của nhân dân để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chúng tôi đều cầu nguyện đất nước Việt Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn này, hòa bình cho dân tộc, cho con cháu. Vì hơn ai hết chúng tôi, những người lính nơi mặt trận đều hiểu rằng, chiến tranh không phải trò đùa và máu của con người không phải nước lã.

Nguyễn Văn Thọ

+++++++++++++++++++

VnEpress Thứ sáu, 6/6/2014 | 10:07 GMT+7

Làm gì để dân giàu?
image021 

Võ Tá Hân

Là “xương sống” của nền kinh tế, khối doanh nghiệp dân doanh phải nên được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, cần được chăm sóc và trân quý thay vì bắt họ phải hứng chịu nhiều khó khăn hành chánh, thủ tục nhiêu khê, luật lệ chồng chéo.

“Dân giàu, nước mạnh” là cụm từ mà chúng ta đã quá quen thuộc. Nhưng thế nào gọi là “dân giàu” và cần làm gì để cho “dân giàu”? Dĩ nhiên là có nhiều góc nhìn về chữ “giàu” nhưng chúng ta hãy xét về phương diện kinh tế. 

Trước hết thì mức độ giàu có của một quốc gia được tính từ con số “tổng sản lượng quốc gia”, là tổng cộng tất cả giá trị sản phẩm và dịch vụ sản xuất trong nước, mang chia đều con số này cho toàn dân thì sẽ có số “thu nhập bình quân đầu người”. Căn cứ vào ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á thì thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với Indonesia và 1/3 so với Thái Lan. Vắn tắt thì Việt Nam vẫn là một nước nghèo so với hầu hết nước láng giềng.

Với tử số (tổng sản lượng quốc gia) và mẫu số (dân số) luôn gia tăng, muốn cho “dân giàu” nghĩa là muốn nâng cao chỉ số thu nhập bình quân thì chỉ có hai cách là làm sao để mẫu số tăng chậm và tử số tăng nhanh. Trong phạm vi bài này tôi gác qua việc kềm mức tăng trưởng dân số như Trung Quốc hạn chế sinh đẻ, mà chỉ bàn về việc làm sao để tổng sản lượng quốc gia tăng nhanh.

Cơ cấu kinh tế như ta biết là gồm 2 khối căn bản: sản xuất và tiêu thụ. Khối sản xuất gồm các doanh nghiệp công và tư có tầm cỡ từ nhỏ, vừa đến lớn, cung cấp đủ loại sản phẩm và dịch vụ. Khối tiêu thụ gồm những cá nhân cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp để được trả lương rồi lại dùng đồng lương này để: a) mua sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp, b) đóng thuế cho nhà nước, c) để dành và đầu tư sinh lợi... Khi “nối mạng” với các nước khác thì phát sinh ra hoạt động thương mại quốc tế: một phần sản phẩm và dịch vụ sản xuất trong nước được bán ra nước ngoài (xuất khẩu) và một phần đồng lương của khối tiêu thụ lại được dùng để mua sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài (nhập khẩu). Căn bản kinh tế thì thực sự giản dị chỉ có thế.

Con số tổng sản lượng quốc gia có thể ước tính được bằng cách cộng các số chi tiêu bên khối tiêu thụ của người tiêu dùng, của nhà nước, tiền đầu tư… hoặc cũng có thể tính được từ đầu ra của khối sản xuất gồm tất cả các doanh nghiệp trong nước. Như vậy muốn giúp cho “dân giàu” thì điều căn bản là cần tạo điều kiện tốt đẹp để giúp cho khối doanh nghiệp này được phát triển mạnh.

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thì chúng ta hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp cỡ lớn chiếm 2%, doanh nghiệp cỡ vừa 2%, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính cả các hộ cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể chiếm tới 99,9%. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước được quan tâm tập trung để giúp lớn lên và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì bản thân họ có sức mạnh kết nối trong chuỗi năng lực toàn cầu nên hoạt động vẫn rất tốt.

Riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân thì đang đứng trước một giai đoạn khó khăn nhất của mình. Với quy mô, năng lực tài chính yếu kém, công nghệ lạc hậu, lượng nhân công ít ỏi, lại thiếu bẵng đi các biện pháp trợ giúp của nhà nước, vì thế nên các doanh nghiệp dân doanh không lớn được nhanh và khi có cú sốc tiêu cực ập đến thì khu vực này không có sức đề kháng…

Bài thảo luận chính sách của một nhóm nghiên cứu gia thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (Đại học Harvard) năm ngoái về tình hình kinh tế Việt Nam cũng đã nhận xét rằng: “Đóng góp của khu vực doanh nghiệp cho nền kinh tế so với khu vực tư nhân không tương xứng với những ưu ái và nguồn lực mà khu vực này đang được hưởng”. Bài thảo luận cũng viết về khu vực doanh nghiệp dân doanh: “Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã trở nên rất năng động từ khi đổi mới đến nay, nhất là sau thập niên 2000. Khu vực này đã đóng vai trò đáng kể vào tăng trưởng và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đứng trước nguy cơ teo tóp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đến mức báo động”.

Tôi muốn lướt qua một vài điểm chính như sau:

Đi tắt đón đầu

Chỉ trong vòng một thế hệ mà Nam Triều Tiên đã nhảy vọt từ một nước chậm tiến thành một quốc gia tân tiến. Nghiên cứu những mô hình phát triển kinh tế thần kỳ này, nhà nước cũng đã chọn một số ngành công nghệ làm mũi nhọn, thành lập nhiều tập đoàn lớn để tìm cách “đi tắt đón đầu” và nhanh chóng “đưa thuyền ra biển lớn”. Thế nhưng chiến thuật này đã không mang lại kết quả mong muốn. Bài thảo luận Fulbright / Harvard viết: “Từ khi các tổng công ty được chuyển ào ạt thành tập đoàn kinh tế, những yếu kém cơ bản của khu vực doanh nghiệp bộc lộ ngày càng rõ, đặc biệt dưới tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả là sự sụp đổ của một số tập đoàn kinh tế và sự kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được phơi bày, những điều này đã góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của hệ thống ngân hàng. Những trục trặc này, đến lượt mình, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của hai động cơ tăng trưởng nội địa khác là khu vực tư nhân và nông nghiệp”.

“Đi tắt đón đầu” quả là một chiến thuật chính đáng, nhưng muốn thực thi chính sách thì cần có những thể chế vững chắc và quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Muốn đưa thuyền ra biển lớn thì phải có những vị thuyền trưởng tài ba, đầy kinh nghiệm để lèo lái những tập đoàn kinh tế này, không khéo chưa ra khơi thì thuyền đã chìm ngỉm để rồi đất nước lại gánh thêm nợ.

Như một vị tướng tài trong thời chiến, người CEO của một tập đoàn lớn cần có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để lãnh đạo doanh nghiệp mình xông pha thương trường, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Nếu một quan chức nhà nước không thể bước ngang sang làm bác sĩ mổ xẻ trong một bệnh viện hay làm nhạc trưởng của một ban đại hợp tấu thì chúng ta cũng không thể mong quan chức ấy trong một thời gian ngắn có thể trở thành vị tổng giám đốc tài ba của một tập đoàn công nghệ hay một ngân hàng lớn được. 

Quản lý doanh nghiệp là việc vô cùng phức tạp và khó khăn hơn việc mổ xẻ hay điều khiển một ban nhạc rất nhiều vì thương trường luôn biến động không ngừng và sự cạnh tranh khốc liệt liên tục không hề nương tay cho một ai. Không phải chỉ cần đổ tiền ra tậu của cải, mua công ty, mua ngân hàng, tạo “phần cứng” là sẽ có ngay một cỗ máy làm tiền, mà vấn đề gai góc nhất là ở cái “phần mềm” quản lý.

Như một quân nhân phải mất nhiều năm để leo từ cấp úy, cấp tá trước khi được phong hàm tướng, để có thể lèo lái một tập đoàn lớn, một vị CEO cũng cần được rèn luyện bài bản từ những doanh nghiệp hay các phân ngành từ nhỏ đến lớn để trưởng thành theo thời gian. Thế nhưng sân huấn luyện CEO của chúng ta có đủ khả năng đào tạo hay chưa?

Tạo công ăn việc làm

Nói chung nền kinh tế Việt Nam cần phải tạo ra ít nhất một triệu việc làm mới mỗi năm chỉ để hấp thụ lao động mới. Về điểm này thì một bài thảo luận khác của nhóm nghiên cứu Fulbright / Harvard trước đó đã đưa ra nhận xét như sau: “Nói một cách đơn giản, khu vực nhà nước không tạo ra được nhiều việc làm, nhưng lại chiếm một nửa giá trị đầu tư doanh nghiệp. Trong khi đó khu vực tư nhân, hiện đang tạo ra được việc làm, lại chủ yếu bao gồm những doanh nghiệp nhỏ với cơ cấu vốn yếu kém, gặp khó khăn trong việc tăng trưởng để trở thành các doanh nghiệp vừa và lớn, vì khó tiếp cận được đất đai và vốn vay ngân hàng”.

Thiếu liên kết với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư ở Việt Nam cũng không khác mang những ngọn lửa công nghệ mới về nước và mong làm mồi châm cho những doanh nghiệp trong nước để cùng nhau thắp sáng bộ mặt kinh tế Việt Nam. Tiếc thay mang những đốm lửa ấy về nhưng lại không thấy “bắt mồi”.

Bài thảo luận trên đây cũng đã viết như sau: “Các trở ngại đối với sự tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước đã làm hạn chế sự phát triển của những ngành phụ trợ vốn hưởng lợi nhiều nhất từ những liên kết này. Hơn thế nữa, nếu không có mối quan hệ vững chắc và lâu dài với các nhà cung ứng nội địa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có ít động cơ ở lại Việt Nam một khi chi phí lao động và những chi phí khác tăng lên…”.

Doanh nghiệp là nguồn đóng thuế quan trọng

Cũng đừng quên rằng các doanh nghiệp trong nước là một nguồn đóng thuế rất lớn cho nhà nước. Doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập trên lương chủ và nhân viên, cùng nhiều chi phí khác… Lương tiền trả cho quân đội, cảnh sát, cán bộ công nhân viên nhà nước cùng các chi phí từ cấp làng xã đến quốc gia… tất cả đều lấy từ nguồn thuế là chính. Không thu đủ thuế để trang trải mọi chi phí quốc gia thì ngân sách thiếu hụt và nhà nước phải vay nợ trong và ngoài nước, hoặc phải… in tiền để rồi đưa đến lạm phát.

Ai bảo làm doanh nhân là dễ?

Dấn thân vào thương trường là một quyết định táo bạo vì đây là một con đường đầy chông gai và rủi ro. Ngay ở Mỹ, trong một môi trường thuận lợi và với những điều kiện hoạt động tốt đẹp nhất mà tỷ lệ doanh nghiệp tử vong cũng rất cao. Tính ra cứ 100 doanh nghiệp được thành lập thì trong vòng 5 năm đầu đã có đến 75% phải đóng cửa và đến năm thứ 10 thì có 90% doanh nghiệp dẹp tiệm. Tỷ lệ doanh nghiệp tử vong trong nước chắc hẳn là còn cao hơn nhiều!

Chính sách cần thay đổi

Nhìn lại vấn đề từ các góc cạnh trên thì vai trò chính của các cơ quan quản lý nhà nước là để hỗ trợ doanh nghiệp, tương tự như bộ phận hậu cần hỗ trợ các chiến sĩ tiền tuyến. Bài thảo luận Fulbright / Harvard (2013) đã có nhắc đến điểm này như sau: “Sau khi thực thi Luật Doanh Nghiệp năm 1999, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp có vẻ đang trở lại. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh không được cải thiện đáng kể, một phần lớn thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp được tiêu tốn để đáp ứng các thủ tục quản lý còn thiếu tường minh và không nhất quán từ phía các cơ quan quản lý nhà nước”.

Là “xương sống” của nền kinh tế, khối doanh nghiệp dân doanh phải nên được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, cần được chăm sóc và trân quý thay vì bắt họ phải hứng chịu nhiều khó khăn hành chánh, thủ tục nhiêu khê, luật lệ chồng chéo.

Ai bảo cứ xài hàng ngoại là xịn?

Nếu cứ đổ lỗi cho chính sách và chờ đợi được nhà nước hỗ trợ thì quả cũng là một điều khiếm khuyết. Dù cho được ưu đãi, dù chính sách thay đổi nhưng không hẳn cứ nhờ đó mà các doanh nghiệp sẽ làm ăn dễ dàng hơn. Doanh nghiệp chỉ là khối sản xuất mà thành công hay không cũng còn tùy thuộc ở mảng tiêu thụ. Đồng tiền là dòng máu luân lưu trong một cơ thể kinh tế, là gió để nâng các con diều doanh nghiệp trong nước bay cao. Mua một món hàng sản xuất trong nước là giữ cho đồng tiền lưu chuyển trong nước, giữ cho máu còn nằm trong cơ thể, giúp cho nhà máy chúng ta tiếp tục hoạt động, nhân công chúng ta có công ăn việc làm, gia đình của họ có tiền để sống, con cái của họ được ăn học... Biết thế nhưng dân ta vẫn cứ mua hàng ngoại, vô tư “hiến máu” ra nước ngoài, để rồi bó tay nhìn nhau mà hỏi rằng đồng tiền mình chạy đi đâu, vì sao nhà máy mình đóng cửa hàng loạt, vì sao bất động sản mình bán không chạy, vì sao kinh tế mình xuống dốc?

Các vec tơ cần hướng về một phía

Hơn bao giờ hết đây là thời điểm mà khối doanh nghiệp tư nhân đang chờ đợi một niềm tin, động lực mới từ sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành để họ yên tâm khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh đóng góp sức lực, của cải cho nền kinh tế. Điều quan trọng hơn cả là nhà nước nên có cái nhìn mới đối với khối doanh nghiệp tư nhân và dần dần rút về đóng vai trò điều hành và hỗ trợ thay vì trực tiếp nhúng tay vào việc kinh doanh. Về phía người dân là những người tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, thì cũng cần phải đóng góp bằng cách mua hàng nội. Có như thế thì kinh tế mới phát triển để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và giúp cho dân giàu nước mạnh.

Võ Tá Hân

09 Tháng Sáu 2014(Xem: 39629)
(1) Đào Tiến Thi: Số phận Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong trên đất Trung quốc Bất cứ ai, chỉ cần qua ghế nhà trường cấp 2, cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào xạm đen khói súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 21525)
Một chuyên viên nghiên cứu địa chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO) cho rằng, Trung Quốc còn có nhiều mối quan tâm khác không chỉ trên Biển Đông mà còn trên Biển Hoa Đông, trong khi với Việt Nam, Biển Đông là ‘sống còn’.
25 Tháng Năm 2014(Xem: 20790)
Hôm nay ngày thứ Năm 22-05-2014. Chúng tôi, Lý Kiến Trúc hân hạnh được tiếp xúc với Giáo sư Sử học Đinh Kim Phúc,một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn. Trong tình hình thời sự nóng bỏng hiện nay, ý kiến riêng của ông Đinh Kim Phúc thể hiện phần nào suy nghĩ chung của công luận người Việt trong ngoài nước trĩu nặng tấm lòng hướng về tổ quốc.
23 Tháng Năm 2014(Xem: 31174)
Trung Quốc đưa giàn khoan ra chỉ một tháng sau 'lễ thượng cờ' cho hai tàu kilo của Việt Nam "Trung Quốc có chiến lược biên giới mềm [trên biển]. Họ mạnh tới đâu, biên giới của họ ở đó," một nhà nghiên cứu biển có tiếng của Việt Nam nói với tôi như vậy từ cách đây cả 10 năm.
21 Tháng Năm 2014(Xem: 22316)
Công hàm 1958 của TT Phạm Văn Đồng hiện vẫn là “lá bài tẩy” của Trung cộng; Văn Hóa Magazine đăng tải lại 2 bài tranh luận của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới VN và ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân để rộng đường dư luận.
18 Tháng Năm 2014(Xem: 17304)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo của Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án 'không hòa bình' để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Phát biểu tại một hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5, ông Đam được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" và việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa là trái phép.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 17668)
Ts. Cù Huy Hà Vũ: Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người Việt Nam đều rõ chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông nói chung và với Việt Nam nói riêng. Từ hằng nghìn năm nay Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bao nhiêu triều đại của nước ta đã phải chống chọi với các triều đại Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử hai nước. Điều này thì ai cũng rõ.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 17909)
Ngày 03/5 hàng năm được Liên Hợp Quốc lấy làm ngày tự do về truyền thông trên toàn thế giới. Tự do tự do báo chí, truyền thông và tự do tư tưởng xét đến cuối cùng về mặt nguyên tắc đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội kể cả cho nhà nước, theo quan điểm của một nhà nghiên cứu xã hội từ Việt Nam.
16 Tháng Tư 2014(Xem: 17855)
Trả lời BBC từ Hà Nội, nơi ông đang tham dự hội nghị về Việt Nam với sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, giáo sư Thayer từ Đại học New South Wales, Australia, nói: "Việt Nam chịu sức ép của Hoa Kỳ liên quan tới TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) và Hiệp định [hạt nhân dân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam] 123 do nhân quyền được coi là điều kiện của cả hai văn bản này.
27 Tháng Ba 2014(Xem: 17987)
“Không phải tính hiếu kỳ đã giết con ngỗng đẻ trứng vàng, mà lòng tham vô độ vượt qua giới hạn của lý trí bình thường – It was not curiosity that killed the goose who laid the golden egg, but an insatiable greed that devoured common sense – E. A. Bucchianeri”
23 Tháng Ba 2014(Xem: 18220)
Thầy giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, người hiện đang rất yếu do ung thư dạ dày giai đoạn 4, vừa nhận được quyết định đặc xá từ chủ tịch nước. Gia Minh hỏi chuyện bà Đặng Thị Dinh, vợ của thầy giáo Đinh Đăng Định về lệnh đó cũng như tình hình của ông này hiện nay.
09 Tháng Ba 2014(Xem: 47604)
Sáng 14/3/2013, tại Chùa Tảo Sách, Quận Tây Hồ, Hà Nội, một số bà con đã tổ chức một buổi tưởng niệm nho nhỏ tri ân 64 Liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến không cân sức chống lại quân Trung Quốc xâm lược tại đảo Gạc Ma, Trường Sa.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 18175)
Viktor Yanukovych đang là kẻ tội phạm bị hệ thống pháp luật Ukraina truy lùng khẩn cấp, với tội danh chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 80 công dân trong các cuộc nổi dậy trong tháng 2/2014 này. Viktor Yanukovych, 64 tuổi , được bầu làm tổng thống của nước Cộng hòa Ukraina trong năm 2010, nhậm chức từ ngày 25/2/2010 và bị Quốc hội phế truất ngày 22/2/2014, với tỷ lệ bỏ phiếu thuận là 328/450.
04 Tháng Ba 2014(Xem: 16396)
Dưới quan điểm của Giáo Sư Tương Lai, nguyên giám đốc Viện Xã Hội Việt Nam thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có tầm nhìn xa và có thể làm cho Việt Nam biến chuyển theo hướng tích cực. Đây là một nhận xét rất gây tranh cãi và cuộc phỏng vấn đặc biệt do Mặc Lâm thực hiện hoàn toàn không nói lên quan điểm của người phỏng vấn cũng như Đài Á châu Tự do, mời quý vị theo dõi:
02 Tháng Ba 2014(Xem: 16693)
Các Blogger tập trung tại cà phê Starbucks gần khách sạn New World, TPHCM để bàn luận các biện pháp nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại của công dân đã quy định trong hiến pháp vào sáng ngày 1/3/2014.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 15761)
Trong bài viết mới đây của Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng “Công hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi Trung Quốc chỉ ủng hộ và thừa nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với tên gọi Tây Sa, Nam Sa.”
23 Tháng Hai 2014(Xem: 16824)
Hơn một tuần qua, đợt bạo lực “tồi tệ nhất châu Âu kể từ cuộc chiến Balkans” đang diễn ra ở Kiev chiếm trọn nhiều mặt báo quốc tế.
20 Tháng Hai 2014(Xem: 16273)
Khi tiếp một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông Chủ tịch Hạ viện Bỉ có nói: « Nước Bỉ chúng tôi cũng có một lịch sử phức tạp. Chúng tôi chống đối nhau gay gắt. Chúng tôi tốn rất nhiều giấy, mực, nhưng chúng tôi không tốn máu ».
16 Tháng Hai 2014(Xem: 18501)
Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 có thể xuất phát từ tưởng tượng của Bắc Kinh về nguy cơ bị bao vây bởi “vòng cung chữ C” trong lúc đường biển ra thế giới chưa được Mỹ dỡ bỏ.
13 Tháng Hai 2014(Xem: 17228)
Hôm 21/12 năm 2013, tôi có dự buổi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa do Tiến sỹ Nguyễn Nhã chủ tọa mà sau đó được nhắc đến trên diễn đàn BBC trong bài “Bấm Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1”.