Vatican được bổ nhiệm đại diện thường trú ở Việt Nam

18 Tháng Bảy 20233:28 SA(Xem: 1696)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ BA 18 JULY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Án Phong Chân Phước cho “Con người phương Đông” - Cố Hồng Y Phancicô Xavier


https://www.nhatbaovanhoa.com/a620/an-phong-chan-phuoc-cho-con-nguoi-phuong-dong-co-hong-y-phancico-xavier


Tổng Giám Mục Sài Gòn qua đời trong chuyến hành hương Roma


https://www.nhatbaovanhoa.com/a7208/tong-giam-muc-sai-gon-qua-doi-trong-chuyen-hanh-huong-roma


Vatican được bổ nhiệm đại diện thường trú ở Việt Nam, một bước tiến quan trọng giữa hai nước


RFI 17/07/2023


Việt Nam và Vatican sẽ có một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương với việc đúc kết một thỏa thuận, mà theo đó Hà Nội chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam, theo một quan chức cao cấp của Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội theo dõi sát hồ sơ này. 


image020Những người hành hương từ Việt Nam rước tượng Đức Mẹ trong buổi cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 08/10/2016. REUTERS - Tony Gentile


Thanh Phương


Theo hãng tin Anh Reuters hôm nay, 17/07/2023, thỏa thuận có thể sẽ được thông báo nhân chuyến viếng thăm Vatican trong tháng này của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong chuyến thăm Tòa Thánh, theo dự kiến, ông Võ Văn Thưởng sẽ được giáo hoàng Phanxicô tiếp. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một chủ tịch nước của Việt Nam với lãnh đạo Giáo hội Công Giáo kể từ chuyến thăm của ông Trần Đại Quang vào năm 2016. Một quan chức cao cấp của Vatican nói với Reuters: “ Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ đánh dấu một bước ngoặt (trong quan hệ với Việt Nam). 


Việt Nam hiện có trên 7,2 triệu giáo dân ( số liệu năm 2022 ), chiếm khoảng 7,2% dân số, đứng hàng thứ 5 châu Á về số lượng giáo dân. Hà Nội đã cắt đứt bang giao với Vatican sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 và đến năm 1976 đã trục xuất sứ thần của Tòa Thánh ở Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam vẫn là một trong số hiếm hoi các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Vatican. 


Tuy chưa bình thường hóa bang giao, nhưng vào năm 2011, Hà Nội đã cho phép Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú ở Việt Nam, đó là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Vị đại diện không thường trú hiện nay là Tổng giám mục Marek Zalewski, sứ thần của Tòa Thánh ở Singapore. Vì là không thường trú cho nên mỗi lần mở các chuyến thăm mục vụ đến Việt Nam, đức cha Zalewski đều phải xin phép chính phủ Hà Nội. 


Từ nhiều năm qua, Tòa Thánh vẫn liên tục yêu cầu Hà Nội chấp nhận cho bổ nhiệm một đại diện thường trú và mãi đến năm 2022, hai bên mới đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề này. Vào cuối tháng 3 vừa qua, trong cuộc họp lần thứ 10 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh tại Vatican, hai bên “đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.


Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam có thể dẫn đến việc tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican. Nhưng theo nhận định của hãng tin Reuters, tiến trình bình thường bang giao song phương sẽ còn mất nhiều năm. Nên nhớ rằng "Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican"  đã bắt đầu họp từ năm 2009, nhưng mãi đến năm ngoái mới đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề bổ nhiệm đại diện thường trú của Vatican. 


Một trong những vấn đề vẫn gây cản trở cho việc bình thường hóa bang giao Việt Nam-Vatican, đó là việc bổ nhiệm các giám mục. Theo thỏa thuận giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, việc đề xuất giám mục là quyền của Tòa Thánh, Nhà nước Việt Nam không có quyền đề cử ứng viên, nhưng có quyền từ chối hoặc là chấp thuận.


+++++++++++++++++++++++++++++


Dưới đây là bản tin của RFA:


Hà Nội sẽ chuẩn thuận vị đại diện thường trú của Vatican tại Việt Nam


17/7/2023


image022Đức Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican hôm 23/11/2016. AFP


Quan hệ giữa Việt Nam - quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản vô thần, và Vatican - nước đại diện hàng tỷ tín đồ Hội thánh Công giáo La Mã - sắp đạt được bước cải thiện lớn, qua thỏa thuận đang được đúc kết về việc Hà Nội cho phép Tòa thánh cử một đại diện thường trú tại Việt Nam.


Reuters loan tin ngày chủ nhật 16/7 dẫn nguồn từ một chức sắp cấp cao Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội thạo tin liên quan như vừa nêu. Theo đó, thỏa thuận về vị đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã sẽ được công bố nhân dịp đến thăm Vatican vào cuối tháng này của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.


Nếu cuộc hội kiến diễn ra thì đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2016 giữa vị giáo chủ Công giáo La Mã và Chủ tịch nước Việt Nam. Vào ngày 23/11/2016, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang lúc đó được đương kim Giáo hoàng Phanxicô tiếp tại Vatican.


Vị chức sắc cấp cao của Hội thánh Công giáo Hoàn vũ cho Reuters biết rằng Vatican hy vọng thỏa thuận như vừa nêu sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai phía. Đề nghị Hà Nội cho phép một vị đại diện thường trú của Giáo hoàng tại Việt Nam đã được Vatican đưa ra hơn chục năm qua; và vào năm ngoái, cả hai phía đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc đối với đề nghị này.


Hiện tại vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam của Giáo hoàng La Mã- Tổng Giám mục Marek Zalewski, ở tại Singapore. Ông thường đến thăm Việt Nam nhưng phải có sự đồng ý của chính phủ Hà Nội.


Việc cho phép một đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai phía.


Sau cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975, Hà Nội cắt đứt quan hệ với Vatican. Lúc đó, Đảng và Chính phủ cộng sản cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ lịch sử gắn bó với thực dân Pháp.


Đến năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican để gặp gỡ bàn về vấn đề liên quan giáo hội Công giáo tại Việt Nam và mối quan hệ song phương hai phía.


Hoạt động mới nhất của Nhóm là vòng họp thứ 10 diễn ra tại Vatican vào ngày 31/3 vừa qua. Vòng họp này do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh- Đức ông Miroslaw Wachowski, và người đồng cấp Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, đồng chủ trì.


Hãng thông tấn Công giáo độc lập UCA chuyên đưa tin về giáo hội Công giáo tại Châu Á, cho biết Chính phủ Hà Nội đưa ra nhiều hạn chế đối với hoạt động của Hội thánh Công giáo; như quy định về số giáo xứ…


Thống kê cho thấy có gần bảy triệu tín đồ Công giáo La Mã tại Việt Nam; con số này chỉ chừng 6,6% dân số trong nước.


++++++++++++++++++++++++++++++


Giáo Hoàng tiếp kiến các nhân vật lãnh đạo CsVN


28/11/2016


Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam được công bố vào ngày 16/11/2016 về cuộc hành trình tới Italia của Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang và vợ ông. Chuyến đi này sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 25/11/2016.


image022Đức Giáo hoàng Francis và Chủ tịch Cs Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican ngày 23/11/2016. AFP


Theo Courier du Vietnam cho biết vào ngày 23 tháng 11, ông Trần Đại Quang cũng sẽ có cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô. Thông tin này sau đó cũng đã được một số nguồn tin thân cận với Tòa Thánh công bố.


image025Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp Thủ tướng Cs Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng


Đây không phải là lần đầu tiên một chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới viếng thăm Vị Giáo Hoàng tại Tòa thánh Vatican. Ngày 11 tháng 12 năm 2009, ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Việt Nam cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. Cuộc họp này đã được các quan chức Việt Nam biểu dương và tán đồng vì những lời khuyên mà Đức Giáo Hoàng Benedictô đưa ra cho Giáo Hội Việt Nam là “giáo dân tốt và là công dân tốt”.

Trong những năm trước, bốn quan chức cao cấp nhất của chính phủ và đảng, mỗi người lần lượt cũng đã tới Vatican và được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến. Khởi đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2007, rồi tới chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2009, tiếp tới là Tổng thư ký Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm 2013, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hưng là người thứ tư tới Vatican vào tháng 3 năm 2014 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến. 


Nguồn: http://ubdkcgvn.org.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/giao-hoang-se-tiep-kien-chu-tich-nuoc-viet-nam-ngay-23-11-2016-o81E20A38.html