Đọc: Nguyễn Trọng Vĩnh; Lý Thái Hùng

09 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 20054)
“VĂN HÓA MAGAZINE” THỨ NĂM 11 SEP 2014

VN 'cần cảnh giác TQ'

BBC - thứ hai, 8 tháng 9, 2014

image025
Tướng Vĩnh cho rằng Việt Nam làm hòa với Trung Quốc 'trong thế yếu'

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, vừa có bài viết đăng trên mạng internet, cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam không nên lơ là cảnh giác trước Trung Quốc khi mà nước này đang tiến hành xây dựng trên bãi Gạc Ma trên Biển Đông.

Ông cũng nói với BBC rằng giữa lãnh đạo và người dân ‘có ý kiến khác nhau’ về cách đối phó với Trung Quốc.

Tướng Vĩnh đã đưa ra ý kiến trên trong bài viết đăng trên trang Bauxite Việt Nam hôm thứ Hai ngày 8/9 với tiêu đề: ‘Trường Sa của chúng ta sẽ bị uy hiếp’.

‘Có tội với Tổ quốc’

“Nếu giới cầm quyền nước ta không sớm tố cáo, đấu tranh, lại bưng bít thông tin, không để cho nhân dân đấu tranh... để đến khi căn cứ quân sự của Trung Quốc hoàn thành sẽ trở thành sự uy hiếp nặng nề đối với quần đảo Trường Sa của chúng ta,” ông viết.

“Không hành động, không chuẩn bị là có tội với Tổ quốc.”

Nói chuyện với BBC, Tướng Vĩnh nói: "Các lãnh đạo cứ hòa giải với Trung Quốc nên không quan tâm đến việc họ xây dựng căn cứ trên quần đảo Trường Sa.”

"Bao giờ tôi cũng muốn hòa bình ổn định (với Trung Quốc). Nhưng Trung Quốc có dừng lại đâu? Họ đang xây dựng bãi Gạc Ma thành căn cứ quân sự."

Thiếu tướng NguyễnTrọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc

“Nhưng chúng tôi thì cảnh giác. Phải đấu tranh, phải tố cáo với thế giới,” ông nói thêm.

Khi được hỏi về việc Việt Nam mới đây cử ông Lê Hồng Anh sang Bắc Kinh, ông Vĩnh trả lời:

“Bao giờ tôi cũng muốn hòa bình ổn định với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc có dừng lại đâu? Họ đang xây dựng bãi Gạc Ma thành căn cứ quân sự.”

Vị tướng cao tuổi này cũng thừa nhận rằng làm căng với Trung Quốc là không có lợi với Việt Nam nhưng nói thêm rằng Hà Nội ‘phải làm bạn với nhiều nước lên chứ không phải chỉ mật thiết với một mình Bắc Kinh’.

Ông chỉ trích các nhà lãnh đạo Việt Nam ‘vẫn cứ sợ và vẫn cứ tin Trung Quốc’ và ‘không rút ra được bài học’ từ sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

“Giữ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc thì tôi đồng ý, nhưng lãnh đạo Trung Quốc thì không bao giờ hữu nghị với chúng tôi,” ông nói.

“Phải vừa hợp tác vừa đấu tranh. Cái gì vi phạm lợi ích quốc gia thì đấu tranh,” ông nói thêm.

++++++++++++++++++++++++++

“VĂN HÓA MAGAZINE” THỨ NĂM 11 SEP 2014

Về Chuyến Đi Tàu Của Lê Hồng Anh

 Lý Thái Hùng

Báo chí Việt Nam loan tải khá lớn chuyến đi Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, ủy viên bộ chính trị, thường trực ban bí thư và nguyên bộ trưởng công an CSVN vào 2 ngày 26 và 27 tháng 8 vừa qua.

Ông Lê Hồng Anh được ông Nguyễn Phú Trọng cử đi nên được gọi là “đặc phái viên” của Tổng bí thư theo lời mời của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày đầu tiên mới sang, ông Lê Hồng Anh được sắp xếp gặp riêng ông Tập Cận Bình tại đại lễ đường nhân dân và sáng ngày hôm sau 27/8 thì hội đàm với ông Lưu Vân Sơn, ủy viên bộ chính trị, bí thư ban bí thư trung ương, nguyên trưởng ban tuyên truyền trung ương đảng.

Qua cách sắp xếp gặp gỡ nói trên cho thấy là Trung Quốc đã dành cho “đặc phái viên” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một cuộc đón tiếp đúng nghi thức của một “sứ thần”.

Bình thường ra, ông Lưu Vân Sơn phải là người đón tiếp và hội đàm với ông Lê Hồng Anh trước khi gặp Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình theo đúng thứ bậc trong quan hệ giữa hai đảng.

Đàng này, ông Lê Hồng Anh được gặp Tập Cận Bình ngày đầu tiên chẳng khác nào Thiên triều phương Bắc cho phép sứ thần (ngày nay ta gọi là đặc phái viên) yết kiến trước khi bàn chuyện công vụ.

Vì thế mà khi gặp ông Tập Cận Bình, Lê Hồng Anh đã lên tiếng khẳng định rằng “đảng và nhà nước CSVN luôn luôn coi trọng đảng và nhà nước Trung Quốc, và sẽ không ngừng củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển lành mạnh, lâu dài.” 

Điều này chẳng khác gì sự khấu tấu của một sứ thần.

Hơn thế nữa, trong buổi làm việc với người cùng cấp là Lưu Vân Sơn, ông Lê Hồng Anh cũng không dám nêu lên lý do vì sao hai phía đã trở nên căng thẳng, qua việc Bắc Kinh ngang ngược mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Lưu Vân Sơn rất đểu khi cho rằng Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc hết sức coi trọng chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Lê Hồng Anh và hy vọng rằng chuyến đi này sẽ mở ra một quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong thời kỳ mới.

Nhưng đọc qua tuyên bố kết thúc buổi làm việc giữa hai ông Lê Hồng Anh và Lưu Vân Sơn, người ta không thấy triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tình hình mới mà chỉ toàn lập lại những quan điểm cũ rích chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Ba năm trước đây, chính Bắc Kinh là người đưa ra cái gọi là “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” sau khi xảy ra vụ tàu kiểm ngư của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh trong vùng lãnh hải Việt Nam vào năm 2011. Bây giờ trong cuộc gặp gỡ Lê Hồng Anh, Bắc Kinh lại nhắc đến thỏa thuận này với yêu cầu hai phía “nghiêm túc thực hiện”, chẳng khác gì hành động vừa ăn cướp vừa la làng.

Dựa trên những gì loan tải của báo chí quanh chuyến đi Tàu của ông Lê Hồng Anh và cách đối xử của lãnh đạo Bắc Kinh, thêm một lần nữa lãnh đạo CSVN đã tự lừa chính mình với quan hệ “hữu nghị” của kẻ xâm lược hoặc đã tình nguyện rơi vào bẫy của Trung Quốc để duy trì sự “ổn định” trong vòng tay Bắc phương.

Thứ nhất, Bắc Kinh tiếp tục đòi hỏi lãnh đạo CSVN phải gắn chặt quan hệ với Trung Quốc, dù trong nội bộ có những bất bình về sự ngang ngược của thiên triều qua vụ giàn khoan.

Thứ hai, Bắc Kinh đã cho dư luận nhìn thấy hình ảnh sứ thần của Lê Hồng Anh để biến Hà Nội kể từ nay tuân phục các hướng dẫn của Bắc Kinh được tóm lược qua ba điểm căn bản rút ra từ buổi làm việc giữa Lê Hồng Anh và Lưu Vân Sơn.

Thứ ba, Bắc Kinh đã chuyển một thông điệp đến Hoa Kỳ, Nhật Bản và những quốc gia trong liên minh bao vây Trung Quốc rằng Hà Nội không thoát ra khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc.

Phải chăng phe “bám Trung” đang muốn đặt phe muốn “thoát Trung” vào thế đã rồi hay tình trạng lệ thuộc Bắc triều “vô phương cứu chữa”.

Lý Thái Hùng

29/8/2014