Nguyễn Quan Duy: TT Ngô Đình Diệm: Độc tài hay nhân trị?

03 Tháng Mười Một 20166:21 CH(Xem: 13987)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  04  OCT  2016


Tổng thống Ngô Đình Diệm: Độc tài hay nhân trị?


Nguyễn Quang Duy Gửi tới BBC từ Melboune, Úc


 

image032

Image copyright Keystone/Getty Images Image caption Ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện tại một hội chợ ở Sài Gòn năm 1957


Tổng thống Ngô Đình Diệm là người có công sáng lập Việt Nam Cộng Hòa, công định cư hàng triệu người Bắc di cư, công đưa miền Nam từ chiến tranh sang một thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử cận đại, công xây dựng nền tảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cho miền Nam tự do.


Bên cạnh đó không ít người cho rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Bài viết nhìn vào hoàn cảnh chính trị nhận định, phân tích, làm rõ vấn đề, để rút ra bài học.


Thời thế tạo Thủ tướng


Trong bài viết đăng trên Talawas: "Một lựa chọn dân chủ trong quá khứ: Hoàng đế Bảo Đại - Thủ tướng Ngô Đình Diệm" tôi đã trình bày chính Quốc trưởng Bảo Đại chọn ông Diệm làm Thủ Tướng với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia.


Đánh giá về ông Diệm, Quốc trưởng Bảo Đại cho biết:


"Trước đây tôi đã dùng ông Diệm, tôi biết rằng ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín, và tin vào Đấng Cứu thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn.


Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ, ông là nhân vật có đủ khả năng đối phó với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hỗ trợ ông.


Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông, đang đứng đầu Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc, ông được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ; các vị này từng làm đổ chính phủ Nguyễn Văn Tâm và chính phủ Bửu Lộc.


Tóm lại, nhờ cương quyết và cuồng tín, ông là người chống cộng chắc chắn. Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh."


image033

Image copyright AFP/Getty Images Image caption Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại


Vua Bảo Đại còn cho biết vì hoàn cảnh bấy giờ, ông Diệm phải đương đầu với Pháp và Việt Minh cộng sản nên chính nhà vua đã trao toàn quyền quân sự, chính trị và cả ngoại giao cho ông Diệm.


Thời thế tạo Quốc trưởng


Trên thực tế quân đội, cảnh sát và các giáo phái vẫn chịu ảnh hưởng nhiều ở người Pháp, của vua Bảo Đại và không muốn chia sẻ quyền lực với Thủ tướng Ngô Đình Diệm.


Hoa Kỳ vì muốn loại người Pháp khỏi Đông Dương nên quyết định viện trợ trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm, giúp ông Diệm kiểm soát được quân đội, dẹp được Bình Xuyên và các giáo phái.


Việc thống nhất các lực lượng quân sự của ông Diệm được các đảng chính trị nhiệt tình ủng hộ, nhưng lại va chạm đến quyền lợi những người đang nắm quyền lực quân đội, cảnh sát, giáo phái và với Quốc trưởng Bảo Đại.


Mâu thuẫn đã được giải quyết bằng việc trưng cầu dân ý "Truất phế Bảo Đại và khai sinh Đệ nhất Cộng hoà", nói đúng hơn là việc trưng cầu dân ý chọn Bảo Đại hay chọn Ngô Đình Diệm.


Ông Lâm Lễ Trinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ (1955-59), cho biết việc truất phế Bảo Đại là một việc làm hoàn toàn ngoài ý muốn của ông Diệm, thậm chí lương tâm ông Diệm cảm thấy đã phạm tội khi quân.


Ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám đốc Viện Hối đoái kiêm Tổng Bí thư Liên chi bộ Đảng Cần lao, và nhiều người trực tiếp lật đổ Bảo Đại cũng đã xác nhận ông Diệm không có ý định lật đổ Bảo Đại.


Ngay chính cựu hoàng Bảo Đại cũng nhận định: "Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị."


Ông Diệm xuất thân từ gia đình quan lại, được đào tạo bài bản để làm quan, thế nên ông không hề sửa soạn để có ngày phải giữ vai trò Quốc trưởng và Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa.


image034

Image copyright STF/Getty Images Image caption Biểu tình phản đối Quốc trưởng Bảo Đại ở Sài Gòn ngày 18/05/1955


Ông Diệm có vài năm sống tại Hoa Kỳ, nhưng thời gian quá ngắn để ông có thể hiểu thấu được người Mỹ và guồng máy dân chủ của Hoa Kỳ, và vì thế guồng máy công quyền Đệ nhất Cộng hòa rất khác khuôn mẫu công quyền Hoa Kỳ.


Quyền lực tập trung trong tay tổng thống


Những người hoạt động chính trị bên cạnh ông Diệm đều là những người nhiều kinh nghiệm chống cộng.


Họ tin rằng muốn thắng được cộng sản phải xây dựng một chính quyền trung ương mạnh, một lãnh tụ có quyền lực.


Từ đó, thay vì xây dựng một một guồng máy công quyền pháp trị thì họ hướng đến việc xây dựng một hệ thống nhân trị quyền lực tập trung trong tay Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Theo họ, ông Diệm cần được biết đến như một nhân vật được đa số tuyệt đối quần chúng ủng hộ. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý bị nhiều người tố cáo là gian lận, với con số tuyệt đối 98,2% dân chúng muốn ông Diệm thay Bảo Đại làm Quốc trưởng.


Bản thân ông Lâm Lễ Trinh và ông Huỳnh Văn Lang cũng cho rằng kết quả kia là thiếu trung thực.


Theo Hiến pháp 1956, tổng thống lãnh đạo quốc dân, được quyền chọn và bổ nhiệm từ chánh án tòa phá án, chủ tịch viện bảo hiến, các bộ trưởng chính phủ, các chức vụ trong quân đội…, đến tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng.


Quốc hội thì chỉ có một viện duy nhất. Quyền lực quốc hội bị lấn áp bởi quyền uy của tổng thống.


Chính ông Diệm đã chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và cùng Quốc hội soạn ra Bản Hiến pháp, sau đó việc suy tôn Ngô Tổng thống trở thành quốc sách, chứng tỏ ông Diệm chấp nhận vai trò hạt nhân trong nền Đệ nhất Cộng hòa.


Càng nhiều quyền lực thì trách nhiệm càng nặng nề đổ lên ông Diệm. Để hoàn thành trách nhiệm, ông phải chia sẻ quyền lực với những người thân cận, gần gũi và trung thành với ông.


image035

Image copyright Three Lions Image caption Xe ba gác nối trung tâm Sài Gòn với Chợ Lớn, khoảng năm 1959


'Thời nhân trị đã qua'


Vì muốn tập trung quyền lực, ông Diệm đã bị nhiều đảng chính trị và nhiều chính trị gia đối lập chống lại.


Nhiều người trước đây từng ủng hộ ông Diệm lên cầm quyền nhưng rồi không đồng thuận với ông về phương cách cầm quyền. Nhiều người phải bỏ nước ra đi, bị cô lập, bị tù, có người chết trong tù…


Sáng ngày 26/4/1960, một nhóm gồm 18 nhân sỹ ra Tuyên cáo Caravelle, nêu các sai lầm của chính phủ về chính trị, hành chính, xã hội, quân sự, tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng, làm giảm tiềm lực đấu tranh chống cộng, đòi thực thi dân chủ, chấm dứt gia đình trị, và cải cách thể chế.


Tuyên cáo Caravelle là một biến cố chính trị vì nhóm nhân sỹ dám thách thức quyền lực của Tổng Thống, đa số sau đó bị bắt giam và bị tra tấn.


Việc chống lại chiến tranh du kích, thay vì bổ nhiệm người địa phương, Tổng thống Diệm lại sử dụng người thân cận vào các vai trò lãnh đạo địa phương, nên không được dân cộng tác, có nơi còn chống lại.


Nạn bè phái và lạm quyền của giới chức địa phương tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng và cơ hội cho du kích cộng sản tồn tại và phát triển.


Không có bằng chứng chính quyền đã ra lệnh đàn áp Phật giáo hay thiếu tự do tôn giáo tại miền Nam. Nhưng việc đối xử thiên vị giữa các tôn giáo đã xảy ra ở cả chính quyền trung ương lẫn địa phương.


Sự thiên vị tôn giáo gây bất mãn và vào ngày 6/5/1963 bùng nổ khi chính quyền ra lệnh cấm treo Phật kỳ trong lễ Phật đản tại Huế, và sau đó dẫn đến cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo.


Ông Diệm giữ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự, nhưng không có kinh nghiệm quân sự và rất ít ảnh hưởng trong quân đội.


Đa số tướng lãnh đều xuất thân từ quân đội Pháp, vì thế sự thăng thưởng và bổ nhiệm người của ông Diệm gây không ít bất mãn trong quân đội.


Ngày 11/11/1960, các sỹ quan chỉ huy Binh chủng Nhảy dù, cùng một số chính trị gia tấn công dinh Độc Lập, đòi ông Diệm cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa và nâng cao hiệu năng chiến đấu của quân dân miền Nam.


Cuộc đảo chánh không thành nhưng rõ ràng ông Diệm không còn kiểm soát được quân đội.


Ngày 27/2/1962, Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom, bom Napalm và bắn rocket vào Dinh Độc lập với mục đích giết ông Diệm nhưng không thành.


Ngày 1/11/1963, các tướng lãnh lại đảo chánh, lần này họ thành công.


Ngày hôm sau, 2/11/1963, ông Diệm và ông Nhu bị bắt và bị hạ sát.


Tại sao người Mỹ lật đổ ông Diệm?


Không có bằng chứng người Mỹ đã đưa ông Diệm về chấp chính. Thậm chí họ còn muốn lật ông ngay khi ông còn làm thủ tướng.


Nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc đảo chánh 1/11/1963 có bàn tay người Mỹ nhúng vào.


Vai trò của tổng thống trong Bản Hiến pháp 1956, việc tấn phong ông Diệm làm Tổng thống, và Quốc hội Lập hiến biến thành Quốc hội Lập pháp là đi ngược với tinh thần lập hiến, cộng hòa và dân chủ theo khuôn mẫu Hoa Kỳ.


Người Mỹ đánh giá một thể chế là dân chủ khi thể chế đó tồn tại đối lập, không có tù chính trị và báo chí không bị kiểm soát.


Với người Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền độc tài gia đình trị vì ông Diệm sử dụng những người thân cận và gia đình trong việc điều hành quốc gia.


image036

Image copyright AFP/Getty Images Image caption Một người lính giải phóng ở Sài Gòn ngày 30/04/1975


Người Mỹ viện trợ cho miền Nam là nhằm ngăn chặn làn sóng xâm lược của cộng sản.


Ông Diệm một phần không được hỗ trợ của của các tướng lãnh quân đội. Khi cộng sản nổi dậy ở nông thôn, người Mỹ không còn tin ông Diệm có thể thực hiện việc ngăn ngừa cộng sản một cách có hiệu quả.


Trên thực tế, ông Diệm chỉ tập trung vào đối nội, mặt đối ngoại không được ông coi trọng. Nhiều tòa đại sứ là nơi đày ải người quốc gia không theo ông. Nên việc ngoại giao và đối phó với truyền thông quốc tế thời Đệ Nhất Cộng Hòa không được tốt lắm.


Người Mỹ đe dọa nếu không có những cải cách về chính trị và quân sự họ sẽ cắt viện trợ, nhưng ông Diệm xem thường lời đe dọa.


Người Mỹ biết rõ nhờ thành quả kinh tế nên ông Diệm được dân chúng ủng hộ, và do đó thực lực của ông vẫn còn. Nếu người Mỹ không trực tiếp nhúng tay vào việc lật ông Diệm thì các tướng lãnh và chính trị gia đảo chánh không thể nào lật đổ được ông.


Người Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm, nhưng các tướng lãnh quân đội sợ nếu hai ông còn sống sẽ đảo ngược thế cờ và khi đó họ sẽ bị trừng trị nặng nề.


Chuyện ông Diệm và ông Nhu đi đêm, hoà giải, ve vãn, bắt tay, đầu hàng…, hay mắc lừa phe cộng sản nên bị Hoa Kỳ lật đổ là câu chuyện không có bằng chứng. Xin xem bài viết trước đây của tôi, đã đăng trên talawas "Quanh chuyện cành đào Hồ Chí Minh gửi vào Nam".


Một thể chế cộng hòa nhân trị xây dựng chung quanh một con người, dù người đó có vì nước vì dân như Tổng thống Ngô Đình Diệm, là một thể chế cộng hòa thiếu bền vững.


Bài học này đã được rút ra trong việc xây dựng nền Đệ nhị Cộng hòa với tam quyền phân lập trên nguyên tắc kiểm soát và đối trọng giữa các nhánh quyền lực./ (BBC 02/11/16)


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Úc.

31 Tháng Năm 2015(Xem: 15323)
Nhân hội-nghị hàng năm về quốc-phòng Đông-Nam-Á Shangri-La bắt đầu hôm nay, 29/5, ở Singapore mà trọng-tâm chắc chắn là tình-hình ngày càng gây cấn ở Biển Đông, tưởng cũng nên nhắc lại sự đóng góp rất ý nghĩa của các xã-hội dân-sự Việt-Phi tại Hội-nghị Manila về Biển Đông hồi tháng 3 năm nay và mấy kết-quả ban đầu của hội-nghị đó.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 14707)
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21 nói không nắm rõ tình hình, ngày 22 cũng chỉ bày tỏ "vô cùng bất mãn" với hành động của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì không công bố thông tin nào về việc theo dõi, ngăn chặn máy bay Mỹ như cuộc khủng hoảng vùng nhận diện phòng không Hoa Đông năm 2013."
18 Tháng Năm 2015(Xem: 16471)
KHD: "Nếu mình không thắng họ được thì hãy theo họ đi.” Nói như vậy không khác chi là khuyên người ta “hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng"... NQD: "Luật sư Đài nhận định “nội lực” của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam còn rất yếu. Theo tôi, chính vì nội lực còn yếu nên những người đại diện cần phải hết sức cân nhắc đưa quyết định khi vấn đề còn trong vòng tranh luận." Nếu tôi là một trong các đại diện, khi ông Tom Malinowski đề nghị “bỏ phiếu bầu” tôi đã tránh “trò chơi” lợi thì ít mà hại thì nhiều này bằng bốn cách:"
12 Tháng Năm 2015(Xem: 26291)
"Hồi năm 2012, ở HNTƯ lần 6, TBT Nguyễn Phú Trọng, đại diện cho phe nhóm của mình cố vận dụng BCHTƯ để lật đổ Thủ tướng Dũng... Hồi năm 2013 có 4 ứng cử viên cho 2 ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị, hai ông Nguyễn Bá Thành và Vương Đình Huệ của phe ông Trọng và 2 người khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyện Thị Kim Ngân thuộc phe của ông Dũng."
07 Tháng Năm 2015(Xem: 16739)
LTS: Văn Hóa nhận được bài viết của bà Trần Diệu Chân (đảng Việt Tân) qua Email. Tòa soạn đăng tải nguyên văn; và để rộng đường mục Diễn Đàn, tòa soạn cũng đăng lại bài phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương của nhà báo Tường An trên đài RFA.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 18391)
" ... chính ông Dũng cũng nói là đóng lại qua khứ hướng về tương lai, đằng này lại ôn lại hình ảnh quá khứ, sống lại quá khứ ... Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nói tôi hoàn toàn thất vọng, rất ngạc nhiên và thất vọng."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 17262)
Gs Tương Lai: "Trên thực tế phải nói rằng hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế, lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Có nghĩa là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 15341)
Hải Long: "Ngày phán xét cho những kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn... Còn thống nhất ư? Hòa giải ư? Làm sao có thể thống nhất và hòa giải khi những kẻ thủ ác còn chưa bị trừng phạt? Lịch sử rồi sẽ phải ghi chép lại một cách công bằng và khách quan. Tội ác rồi sẽ bị trừng phạt, chỉ là sớm hay muộn! Cuối cùng, tôi muốn thay mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia." Lê Xuân Khoa: "Theo tôi có một bước quan trọng mà đến giờ chính quyền vẫn chưa chịu làm. Đó là hòa giải với người sống chưa được thì hòa giải với người chết trước đã. Đấy là vấn đề trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, để cho người ta tìm lại mộ và cải táng người chết trong các trại cải tạo. Làm được hai cái đó chứng tỏ nghĩa cử rất đẹp để mà hòa giải với bên ngoài, chứng tỏ thiện chí của lãnh đạo trong nước. Tôi thấy chuyện này dễ như vậy mà không xong được thì khó lòng tiến được đế
29 Tháng Tư 2015(Xem: 17763)
Nếu ai đó hỏi cha tôi 30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.
23 Tháng Tư 2015(Xem: 16049)
"Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng thêm với một cuộc khẩu chiến, một vụ xịt vòi rồng và bước kế tiếp trong một vụ kiện trọng tài có liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain ghi nhận chi tiết."
21 Tháng Tư 2015(Xem: 15637)
"Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC ngày 7/4 bình luận trên The Wall Street Journal, chuyến đi đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đến Tokyo, Seoul và Honolulu trong tuần này có thể là cơ hội cuối cùng để chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được Washington ca ngợi từ lâu."
16 Tháng Tư 2015(Xem: 16414)
"Dù không tham gia vào vụ kiện nhưng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong việc xây dựng lập luận là Tòa Án được thành lập dưới Phụ Lục VII không có thẩm quyền phán xét đơn kiện của Phi Luật Tân. Tuy rằng đã tuyên bố phủ nhận thẩm quyền nhưng Trung Quốc chắc chắn là không muốn bị đặt vào thế khinh mạn phán quyết của Tòa đặc biệt là khi Tòa gồm có những vị thẩm phán hàng đầu được mọi người kính trọng."
14 Tháng Tư 2015(Xem: 16972)
Từ bối cảnh trên, dường như những người nêu giả định trên muốn có câu trả lời cho gỉả thiết: Nếu ngày 30-4-1975 Việt Quốc thắng Việt Cộng, liệu “Bên thắng cuộc Việt Quốc” có đối xử với “Bên thua cuộc Việt Cộng”, như Việt cộng đã làm sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc hay không? Hay còn tệ hại hơn nhiều?
12 Tháng Tư 2015(Xem: 17681)
* Một số bình luận ghi nhận về bản Thông Cáo Chung ký kết giữa hai đảng CSVN và CSTQ: BBC, VNTB, Ts Nguyễn Thanh Giang, Lê Anh Hùng, Ts Carlyle A. Thayer, Ts Nguyễn Nhã
09 Tháng Tư 2015(Xem: 17107)
"Việt Nam quen dùng vũ khí của Nga trong Cuộc Chiến tranh Đông Dương..." Trong Ba cường quốc (cung cấp vũ khí) đó, Nga là nước duy nhất không bao giờ dùng vũ khí chống lại Việt Nam. Nga là nước duy nhất không có mưu đồ địa chính trị chống lại Việt Nam." "Theo ý kiến của Nga thì trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hai quốc gia này hoàn toàn đủ thông thái để giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên cơ sở hai bên giữ uy tín và cùng có lợi." "Quyền lợi của Mỹ là không được cho phép Trung Quốc quá mạnh trong vùng này [châu Á Thái Bình Dương]. Nghĩa là đấy là trò chơi địa chính trị giữa hai cường quốc, chơi nhau theo [kiểu] zero sum game, ai được cái gì và ai mất cái gì. Việt Nam trong hoàn cảnh này chỉ đóng vai trò như là con tốt. Mỹ chỉ bảo vệ quyền lợi của Mỹ chứ không bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đâu."
07 Tháng Tư 2015(Xem: 15883)
"Như vậy sách lược của Henry Kissinger với Biển Đông là cứ giữ nguyên hiện trạng đầy xáo trộn như vậy càng lâu càng tốt. Đúng là sách lược ‘đục nước béo cò’. Nhờ vậy mà TQ và Mỹ tha hồ thủ lợi tốt hơn là Mỹ và TQ tranh chấp gây hấn, chiến tranh một mất một còn trên Biển Đông."
05 Tháng Tư 2015(Xem: 17500)
"Nếu kết quả của đại hội 12 được phía Mỹ toại nguyện thì đương nhiên cánh cửa TPP rộng mở đón Việt Nam. Nếu kết quả đại hội 12 không được lòng người Mỹ thì cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa TPP khép lại đối với Việt Nam".
31 Tháng Ba 2015(Xem: 18441)
Ts Nguyễn Hưng Quốc: Một chính khách lớn và một người thầy xấu. Huỳnh Ngọc Chênh: Lý Quang Diệu có độc tài gia đình trị?