Bảo vệ biên cương đất nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông

14 Tháng Mười 20186:42 CH(Xem: 10855)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ HAI 15 OCT 2018


Bảo vệ biên cương đất nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông


image004


Thời Vua Lê Thánh Tông (năm 1490 đổi làm xứ) bao gồm:


  1. Nam Sách gồm (Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), quản lĩnh 4 phủ, 18 huyện;
  2. Thiên Trường (Sơn Nam) gồm (Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên ngày nay), quản lĩnh 11 phủ, 42 huyện;
  3. Quốc Oai (Sơn Tây) gồm Hà Tây, Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay), quản lĩnh 6 phủ, 24 huyện;
  4. Bắc Giang (Kinh Bắc) gồm (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay), quản lĩnh 4 phủ, 19 huyện;
  5. An Bang là (Quảng Ninh ngày nay), quản lĩnh 1 phủ, 3 huyện, 4 châu;
  6. Tuyên Quang gồm (Tuyên Quang, Hà Giang ngày nay), quản lĩnh 1 phủ, 2 huyện, 5 châu;
  7. Hưng Hóa gồm (Phú Thọ, Yên Bái ngày nay), quản lĩnh 3 phủ, 4 huyện, 17 châu;
  8. Lạng Sơn gồm (Lạng Sơn ngày nay), quản lĩnh 1 phủ, 7 châu;
  9. Thái Nguyên (Ninh Sóc) gồm (Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng ngày nay), quản lĩnh 3 phủ, 8 huyện, 7 châu;
  10. Thanh Hóa gồm (Thanh Hóa, Ninh Bình ngày nay), quản lĩnh 4 phủ, 16 huyện, 4 châu;
  11. Nghệ An gồm (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện, 2 châu;
  12. Thuận Hóa gồm (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), quản lĩnh 2 phủ, 7 huyện, 4 châu;
  13. Quảng Nam gồm (Bình Định, Quảng NgãiQuảng Nam ngày nay);

image003

An Nam Quốc đồ. Wikipedia


Theo GDVN / Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY


14/10/18


(GDVN) - Xây dựng nhà nước độc lập, thống nhất trên cơ sở bảo toàn lãnh thổ là một nội dung tư tưởng nhất quán trong đường lối trị nước của Lê Thánh Tông.


LTS: Từ những đóng góp to lớn của vua Lê Thánh Tông đối với mọi mặt đời sống xã hội đất nước, Đại tá Đặng Việt Thủy đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.


Lê Thánh Tông là một trong những vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các vị vua Việt Nam (38 năm). Nhưng điều đáng nhớ không phải vì ông ở ngôi lâu (sau này còn có Lê Hiển Tông ở ngôi 47 năm), mà vì những đóng góp của triều vua này vào đời sống mọi mặt của quốc gia Đại Việt thời ấy.


Lê Thánh Tông tên tự là Tư Thành, lại có tên nữa là Hạo, là con trai thứ tư và cũng là con út của vua Thái Tông, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái bảo Ngô Từ, một trong những công thần khai quốc nhà Lê.


Thuở nhỏ, hoàng tử Tư Thành phải ở cùng mẹ ở ngoài kinh thành, 4 tuổi được phong là Bình Nguyên Vương, cho vào nội cung cùng học tập với các thân vương khác.


Cuối năm 1459, Nghi Dân (con đầu của Thái Tông) giết mẹ con vua Nhân Tông để chiếm ngôi vua, phong Tư Thành làm Gia Vương. Giữa năm 1460, các đại thần Nguyễn Xí, Lê Niệm phế truất Nghi Dân, đưa Tư Thành lên ngôi.


Được đưa lên làm vua vào lúc 18 tuổi, sau một cuộc chính biến, Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) thừa hưởng được cả một di sản lớn của cha, ông, một đất nước an bình trong độc lập, đang từng bước đi vào thế ổn định sau nhiều năm khôi phục kinh tế.


Lê Thánh Tông là một vị vua trẻ năng động, có ý chí, có tính cách mạnh mẽ "tính trời sinh ra đã biết mà sớm khuya không rời quyển sách", "anh minh quyết đoán", Lê Thánh Tông đã làm việc hết sức mình để tạo nên một sự nghiệp rạng rỡ một thời.


Với sự nghiệp đó, người xưa đã tôn kính ông, ca ngợi ông, còn những nhà sử học ngày nay thì đã có lúc xem thời thống trị của ông là thời kỳ thịnh trị nhất, đỉnh cao của chế độ Quân chủ Việt Nam.


Lê Thánh Tông là một hoàng đế có vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố và phát triển nhà nước Quân chủ, có công lao to lớn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước và mở rộng bờ cõi quốc gia.


Dưới triều đại ông, nhà nước được tổ chức dựa trên những thể chế điển chương, pháp luật do hoàng đế đặt ra: chuộng văn trọng võ, mở mang đất đai, bờ cõi, bảo vệ chủ quyền biên giới trên bộ và trên bờ biển, hải đảo.


Vua Lê Thánh Tông cho rằng, một nhà nước độc lập, thống nhất đòi hỏi trước hết phải loại trừ được những nguy cơ xâm lấn từ bên ngoài và những nguy cơ phân tán cát cứ từ bên trong. Điều này đã trở thành một trong những định hướng cơ bản cho những chính sách cai trị của Lê Thánh Tông.


Để xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, chính sách của nhà vua thể hiện ở ba nội dung: xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ, hùng mạnh; chú trọng về biên phòng; ngăn chặn nguy cơ cát cứ trong nước.


Mối quan tâm đầu tiên của nhà vua là chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh làm cái nền võ bị cho nhà nước, cần cải cách quân đội gọn nhẹ nhưng tinh nhuệ, có quân thường trực tại ngũ mạnh và có lực lượng dự bị đông đảo có thể huy động khi cần thiết. Quân đội được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của triều đình trung ương mà đứng đầu là nhà vua.


Trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Lê Thánh Tông bãi bỏ chức Tể tướng, củng cố lại bộ Binh, thiết lập khoa Binh (một cơ quan không thuộc quân đội, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua) để giám sát hoạt động của bộ Binh và quân đội, đồng thời duyệt định lại hệ thống võ quan.


Chế độ binh dịch được xây dựng lại theo hướng chính quy. Quân đội được biên chế thành hai lực lượng: quân của triều đình và quân của các đạo, còn gọi là quân trong kinh và quân ngoài các đạo.


Chế độ quân ngũ được xét định lại. Ngay từ những năm đầu lên làm vua, Lê Thánh Tông đã lệnh cho cả nước lập sổ hộ tịch và phân hạng đinh làm cơ sở thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội và tuyển lính.


Năm 1470, triều đình định lệ tuyển lính: nhà có ba đinh thì một sung vào hạng lính (quân thường trực), một vào hạng quân (quân dự bị), người còn lại được miễn binh dịch... Triều đình nghiêm cấm và trừng trị nặng tội ẩn lậu dân đinh, bán thả quân nhân và tội bỏ trốn quân ngũ.


Bên cạnh đó, lại mở rộng diện miễn tuyển, nhất là đối với diện nho sinh học giỏi, lại có chính sách ưu đãi để động viên binh lính...


Đối với việc biên phòng, Lê Thánh Tông không những chú trọng xây dựng quân đội mà còn đề ra những chính sách biên phòng thích hợp, bao gồm cả việc tổ chức lực lượng quân đội canh giữ chặt chẽ các vùng biên giới đất liền và biển đảo, thi hành chính sách an dân miền biên viễn thông qua biện pháp tranh thủ các tù trưởng dân tộc thiểu số, biến họ thành quan chức của triều đình, cùng các biện pháp ưu đãi và tôn trọng lệ tục riêng của các tộc người thiểu số.


Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử, dòng họ Đèo ở Mường Lễ, họ Cầm ở Tây An, họ Xa, họ Cầm ở Hưng Hóa, họ Hoàng, họ Bế ở Cao Bình (Thái Nguyên), họ Vi ở Lạng Sơn... đều là những phiên thần nhận quan chức của nhà Lê.


Dưới triều Lê Thánh Tông, ở cấp chính quyền huyện - châu, các huyện miền xuôi thì tất cả những người đứng đầu cấp huyện đều do triều đình bổ nhiệm. Nhưng, các châu ở miền núi thì vẫn giao cho các tù trưởng quản lý.


Với sự tăng cường của nhà nước trung ương tập quyền, việc trấn giữ miền núi nói chung và vùng biên giới nói riêng được triều đình quản lý chặt chẽ hơn.


Một mặt, triều đình vẫn sử dụng lực lượng thổ tù, cho họ nhận sắc phong của triều đình. Ở cấp châu, huyện miền núi hầu hết đều do các tù trưởng người dân tộc nắm giữ. Triều đình đặt chức Tri châu, Đại tri châu để bổ nhiệm cho các tù trưởng, lang đạo ở ngoại phiên.


Mặt khác, triều đình còn cử một số quan lại cao cấp, những công thần của triều đình hoặc con cháu của họ lên miền núi, vùng biên viễn để quản lãnh, cai trị địa phương và chiêu dân lập ấp ở đây, đồng thời còn làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của đất nước. Nhiều quan lại được cử lên trấn trị tại địa phương đã "cha truyền con nối" trở thành những phiên thần của triều đình.


Trong quan hệ với Chiêm Thành tại biên giới phía Nam, vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm đến việc bảo toàn lãnh thổ.


Sau nhiều lần tranh chấp mốc giới và đã sử dụng nhiều biện pháp quân sự để phòng vệ biên giới không có hiệu quả, nhân lần chống trả cuộc tấn công quy mô lớn của quân Chiêm Thành "hơn 10 vạn quân thủy, quân bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa châu", Lê Thánh Tông đã trực tiếp cầm quân đánh thắng quân Chiêm và theo đà thắng lợi đã tiến thẳng đến đến kinh đô Chà Bàn (thành Đồ Bàn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay) quy phục được Chiêm Thành. Đạo thừa tuyên thứ 13 (đạo Quảng Nam) của Đại Việt ra đời trong hoàn cảnh đó.


Năm 1490, Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ 13 đạo trong cả nước và kinh đô gọi là Hồng Đức bản đồ.


Ông kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của nhà Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Ông nói: "Quyết không để một tấc đất, một thước sông của Thái Tổ để lại lọt vào tay kẻ khác".


Tại khu vực vùng biên giới Tây Bắc Nghệ An đến Quảng Bình, dọc dãy Trường Sơn với dòng họ Cầm đời đời làm tù trưởng.


Trước đó, dưới thời vua Lê Nhân Tông đã "đổi tên Bồn Man thành châu Quỳ Hợp, vẫn cho dòng họ Cầm giữ chức Phụ đạo và tự cai trị nước họ như xưa" (Hoàng Cao Khải, Việt sử yếu, Nhà xuất bản Nghệ An - Trung tâm ngôn ngữ Đông - Tây, 2007, tr. 269).


Đến năm thứ 10 niên hiệu Hồng Đức (Lê Thánh Tông), thổ tù là Cầm Nông làm phản muốn tách ra. Nhà vua đã sai tướng Lê Niệm đánh dẹp và đưa cả vùng này thành phủ và bảy huyện đó là phủ Trấn Ninh thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay.


Đối với những người giữ quan ải mà để kẻ gian lọt vào thì tùy theo tội nặng nhẹ mà trị tội. Những người bắt được kẻ gian thì được thưởng: "Những người giữ quan ải không khám xét cẩn thận, để kẻ gian đưa lọt tin tức ra ngoài hay có kẻ gian lọt vào trong hạt mình dò la tình hình, thì xử tội đồ, tội lưu hay tội chết.


Người khác mà bắt được kẻ gian, được hưởng tước hai tư" (Điều 38, Chương Quân chính, Quốc triều hình luật).


Nhằm chống nguy cơ xâm lấn từ bên ngoài và làm phản từ bên trong, Lê Thánh Tông coi trọng việc sử dụng các biện pháp pháp luật.


Nhà vua cho ban hành Bộ Luật Hồng Đức gồm hơn 700 điều, vừa bảo vệ lãnh thổ, an ninh đất nước, vừa đáp ứng quyền lợi và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.


Trong Bộ luật Hồng Đức, có các quy định trừng phạt các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền kinh tế quốc gia như: trốn ra nước ngoài (Điều 71), bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài (Điều 74), bán binh khí và thuốc nổ cho người nước ngoài (Điều 75), chặt tre, gỗ phá thế hiểm yếu vùng biên giới (Điều 88), vận chuyển trái phép hàng hóa thiết yếu qua biên giới (Điều 76).


Các quy định trừng phạt hành vi phá hoại an ninh quốc gia và trật tự ven biên, như: mưu phản (Điều 25), thông đồng với người nước ngoài tiết lộ bí mật quốc gia (Điều 79).


Các quy định trừng phạt hành vi vi phạm trách nhiệm của quan lại trấn ải nơi biên giới, như: tướng sĩ trấn giữ nơi biên ải mất cảnh giác làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền an ninh quốc gia (Điều 613).


image005


“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự nhiên vứt bỏ…”


Bộ luật Hồng Đức với 13 chương 722 điều đã có 8 điều quy định về bảo vệ an ninh, lãnh thổ đất nước, chống thù trong, giặc ngoài.


Đây cũng là một trong những yếu tố xác định Lê Thánh Tông là vị vua có tư tưởng pháp trị nhất trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời Lê Sơ.


Vua Lê Thánh Tông còn thường xuyên tổ chức những cuộc duyệt binh lớn đặc biệt là các vùng biên ải, quy định kỳ hội duyệt binh, sửa định các quân lệnh về thủy trận, tượng trận, mã trận, bộ trận, các điều lệnh về hành quân...


Với tư tưởng "phàm có nhà nước tất có vũ bị", đề cao địa vị của đất nước mình và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, Lê Thánh Tông không chỉ nghiêm khắc trừng trị những kẻ lơ là việc phòng thủ biên cương, bán rẻ đất đai của Tổ quốc mà còn tự mình tham gia chỉ đạo vào các cuộc duyệt binh ở vùng biên ải phía Bắc và các cuộc hành quân lớn vào phía Nam hay Tây Nam. Đất nước Đại Việt thời Lê Thánh Tông thực sự là một đất nước hùng mạnh, độc lập và tự chủ.


Xây dựng nhà nước độc lập, thống nhất trên cơ sở bảo toàn lãnh thổ là một nội dung tư tưởng nhất quán trong đường lối trị nước của Lê Thánh Tông.


Tư tưởng đó không chỉ là tư tưởng chỉ đạo mọi hành động mà còn thể hiện những chủ trương, chính sách cụ thể của vua Lê Thánh Tông. Những chính sách đó không chỉ là cơ sở mà còn tác động sâu sắc tới các triều đại sau này.


Vua Lê Thánh Tông mất ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497), ở ngôi 38 năm. Ông không chỉ là một vị vua anh minh, quyết đoán mà còn là một nhà chính trị tài năng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc ta./ Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY


Tài liệu tham khảo chính:


- 10 vị Hoàng đế Việt Nam tiêu biểu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.


- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Việt Nam - các nhân vật lịch sử - văn hóa, Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng, Hà Nội - 2008


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- Lê Thánh Tông - Wikipedia.


- Đại Việt Sử ký toàn thư.


image006

Bìa sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản 1974. ( tủ sách báo Văn Hóa)