30 Tháng 4 -1975 Viết Cho Người Tuẫn Quốc

14 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 11596)

image047

30 Tháng 4 -1975

Viết Cho Người Tuẫn Quốc

Giao Chỉ, San Jose.

Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Thắp nén hương lòng tưởng nhớ ai.
(Vô danh)


Trong kỳ hội ngộ 30 năm của Trại Trần Hưng Đạo, Bộ Tổng Tham Mưu tại Thủ đô Hoa Thịnh đốn, Trung tướng Đồng Văn Khuyên tóc bạc phơ đã đi đến chào bàn và chắp tay xá từng chiến hữu. Gặp anh em cựu tù cải tạo trên 10 năm nhắc chuyện các tướng lãnh tự vẫn, vị Tham mưu trưởng Liên quân 30 năm về trước chợt nói ra cả gan ruột của mình. Ông nói rằng: Nghĩ lại thấy mình thật hèn. Và như vậy là ông đã thực tâm nói hộ cho tất cả anh em. Các nhà lãnh đạo dù đảm lược can trường qua bao năm chinh chiến, nhưng dễ gì mà làm được người hùng tuẫn quốc như tiền nhân Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.
Và cũng tại Thủ đô Hoa Kỳ, năm 2005 tướng Ngô Quang Trưởng suốt bao năm không lên tiếng, nhưng trong chỗ riêng tư cũng đã nói rằng được nếu được làm lại thì năm 75 ông sẽ không thi hành lệnh rút quân ở Huế.
Các niên trưởng của tôi một thời tuổi trẻ như ông Khiêm, ông Thiệu, ông Viên. Lúc đó còn là Trung úy Cao Văn Viên, Trung úy Nguyễn Văn Thiệu và đại úy Trần Thiện Khiêm gặp nhau ở Secteur Hưng Yên vào đầu thập niên 50. Quý vị không biết rằng sau này sẽ làm tổng thống, thủ tướng và tổng tham mưu trưởng. Nếu bây giờ được sống lại tuổi hoa niên, ta sẽ làm lại từ đầu với bao nhiêu điều tốt đẹp hơn, cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Kể cả các hành động anh hùng lẫm liệt.
Và biết bao nhiêu tướng lãnh tư lệnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nay còn sống đều có chung một kỷ niệm đau thương.
Chiêm nghiệm lại, việc rút quân đau thương hoảng loạn tại Quân khu I và Quân khu II đã trở thành một thảm kịch ghê gớm như một bệnh dịch, như ngọn sóng thần, như cơn hồng thủy vượt qua mọi sức đề kháng của con người. Vào cái thời điểm đó, trong một sáng một chiều, chúng ta không phải là những chiến sĩ anh hùng mà đã trở thành những con người khác.
Không cần địch tấn công, các đơn vị cứ tan ra như một dung dịch hóa học được thử nghiệm.
Vì vậy các tư lệnh chiến trường của miền Cao nguyên, Hỏa tuyến, Duyên hải khi về được miền Nam thì đa số đều tìm đường di tản. Tư lệnh và Tư lệnh phó Quân đoàn. Các Tư lệnh Tổng trừ bị và các Sư đoàn. Tất cả hoàn toàn mất hết sức đề kháng kể cả Lục quân, Không quân, và Hải quân. Tất cả đều tin rằng Mỹ bỏ Việt Nam và mọi thứ coi như cáo chung. Không thể tiếp tục cuộc chiến.
Riêng mặt trận miền Tây vẫn tương đối yên tĩnh và khi cộng sản đi vòng qua phòng tuyến Sư đoàn 5 tại Lai Khê để tiến về Sài Gòn thì coi như một phần của miền đông vẫn bình yên. Và chính ở các vùng đất hoàn toàn chưa nổi sóng đó đã sản xuất ra các vị lãnh đạo sẵn sàng vị quốc vong thân.
Trong suốt 55 ngày cuối cùng của miền Nam năm 75 đã có biết bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh và gồm cả quân nhân các cấp đã tự sát.
Một số đã tự vẫn tại mặt trận hoặc tại nhà. Có các trường hợp tự tử chết cả gia đình. Chúng tôi ghi nhận rằng có nhiều anh em binh sĩ đã tự tử tập thể bằng lựu đạn tại chiến trường. Sau đây là một số trường hợp điển hình thường được nhắc nhở trong các năm qua.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú: Sau cuộc rút quân tại Cao Nguyễn hỗn loạn trở thành thảm họa, tướng Phú, Tư Lệnh Quân Khu II đã uống thuốc độc tự tử tại nhà ở Sài Gòn. Đó là vào ngày 29 tháng 4-1975. Thân nhân đưa vào nhà thương Grall để cấp cứu nhưng không kịp. Ông đã qua đời tại đây vào sáng 30 tháng tư-75.
Trung sĩ I Quân Cảnh Trần Minh: Thuộc đại đội I Quân Cảnh đảm trách khu vực cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc 10 giờ sáng 30 tháng 4-1975, sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng, Trung sĩ Trần Minh đã dùng súng lục tự tử dưới chân cột cờ Bộ Tổng Tham Mưu.
Trung Tá Long, Cảnh Sát Quốc Gia: Sau khi nghe tin đầu hàng sáng 30 tháng 4-1975, Trung Tá Long, Cảnh Sát Quốc Gia đã đến đứng chào tượng Thủy Quân Lục Chiến trước tòa nhà Quốc Hội ở Sài Gòn rồi rút súng tự sát. Báo chí ngoại quốc đã đăng hình của ông nằm ngay trước pho tượng. Hình chụp vào khoảng 12 giờ trưa 30 tháng 4-1975.
Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ: Khoảng 1 giờ trưa 30 tháng 4-1975, khi nghe lệnh đầu hàng, ông đã họp các sĩ quan tại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh tại Lai Khê. Sau khi dùng cơm với anh em, ông lui vào phòng riêng dùng súng lục tự vẫn. Vợ và 4 con nhỏ của ông di tản qua Hoa Kỳ ngày 28 tháng 4-1975 đến hai tháng sau mới biết tin.
Chuẩn tướng Trần Văn Hai: Chiều 30 tháng 4-1975 vị Tư Lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh đã uống thuốc độc tự tử tại căn cứ Đồng Tâm – Mỹ Tho. Bà mẹ của tướng Hai đã đem xác con về chôn cất tại Nghĩa Trang Gò Vấp. Căn cứ Đồng Tâm là nơi đặt bản doanh của Sư đoàn 7 Bộ Binh.
Thiếu tướng Lê Văn Hưng: Tư Lệnh Phó Quân đoàn 4 đã dùng súng tự sát tại Cần Thơ tối ngày 30 tháng 4-1975. Lúc đó vợ và các con cũng có mặt cùng với các sĩ quan cận vệ thân tín. Ông vào trong phòng, đóng cửa lại và bắn vào ngực. Tướng Hưng là vị tư lệnh nổi tiếng đã tử thủ tại trận An Lộc tỉnh Bình Long năm 1972.
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Tư Lệnh Quân đoàn 4 đã dùng súng lục tự sát vào lúc 7 giờ sáng ngày 1 tháng 5-1975. Ông là người đã sống một ngày dài nhất từ lúc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng sáng 30 tháng 4-1975 cho đến sáng 1 tháng 5-1975.
Ngay sau khi có lệnh đầu hàng ông đã gặp các đại diện phía cộng sản hai lần khi họ vào dinh Tư Lệnh tại Cần Thơ tiếp xúc nhưng cả hai lần đại diện phía cộng sản đều ra đi. Cũng trong chiều 30 tháng 4, lúc 6 giờ tướng Nguyễn Khoa Nam đã đi thăm Quân Y Viện Phan Thanh Giản lần cuối cùng. Ông cử Đại Tá Thiên vào chức vụ Tỉnh Trưởng Cần Thơ thay cho người đã ra đi. Ông ra lệnh không được phá cầu Long An và chấm dứt giao tranh để bảo toàn tính mạng các binh sĩ và dân chúng.
Trước khi quay vào phòng tự vẫn, sĩ quan tùy viên kể lại tướng Nam đã thắp nhang trên bàn thờ Phật, thỉnh chuông rồi đứng lên lan can tòa lầu nhìn xuống thành phố Cần Thơ lúc đó vắng lặng. Lúc đó vào sáng sớm ngày 1 tháng 5-1975.
Vùng 4 chiến thuật gồm toàn thể miền Tây Nam Phần với 3 sư đoàn, Sư đoàn 21 (Bạc Liêu), Sư đoàn 9 (Sa đéc) và Sư đoàn 7 (Mỹ Tho) cùng với 16 tiểu khu. Cho đến ngày 30 tháng 4-1975 miền Tây vẫn còn gần như nguyên vẹn. Vị Tư Lệnh Quân đoàn vẫn liên lạc hàng ngày với các đơn vị gồm cả Hải Lục Không Quân thuộc Vùng 4. Toàn thể quân số chính quy và địa phương trên 200 ngàn quân đã tan hàng trong trật tự. Một số lớn hiện đã có mặt tại hải ngoại.
Nếu tướng Nguyễn Khoa Nam tiếp tục chiến đấu có thể sẽ nhiều trận đẫm máu kéo dài thêm từ 3 đến 6 tháng. Cộng sản với quân số 20 sư đoàn cùng với kho vũ khí của miền Nam để lại sẽ trở thành một lực lượng quân sự mãnh liệt nhất đông Nam Á.
Toàn thể miền Tây sẽ trở thành cuộc chiến đau thương nhất trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Dứt khoát là Hoa Kỳ và thế giới tiếp tục quay mặt đi. Bao nhiêu người kể cả quân và dân hai phía sẽ chết thêm cho cuộc chiến bi thảm này. Với ba tiếng chuông thỉnh Phật. Vị tư lệnh vùng 4 đã theo gương tiền nhân Phan Thanh Giản dọn mình tự vẫn để chết thay cho hàng vạn sinh linh của sông Tiền sông Hậu vào giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.
Trong buổi sáng cuối cùng 1 tháng 5-1975, tướng Nguyễn Khoa Nam đã đứng trên lan can của Dinh Tư Lệnh cùng với hai sĩ quan tùy viên cấp úy. Con đường Phan Thanh Giản trước mắt trong buổi bình minh vắng lặng của thị xã Cần Thơ. Vị Tư lệnh vùng 4 trở thành cấp chỉ huy cuối cùng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đứng khóc. Nước mắt chan hòa làm hai sĩ quan tùy viên trung thành với ông thầy cũng khóc theo. Cái khung cảnh bi tráng tại Dinh Tư Lệnh vắng vẻ vào ngày đầu tháng 5-1975 của ba thầy trò Tư lệnh mới xúc động dường nào. Sau đó ông quay vào phòng tự sát bằng súng lục.
Hành động vừa can trường vừa nhân đạo của tướng Nguyễn Khoa Nam đã nêu cao gương trách nhiệm uy dũng đồng thời cũng đã cứu cho sinh mạng của dân chúng và binh sĩ tại miền Tây không bị chết đau thương hỗn loạn như đã diễn ra tại Quân Khu I và Quân Khu II.
Ngày 30 tháng 4-2005 ba mươi năm sau, trên bàn viết của tôi có một cái gạt tàn thuốc là bằng đồng vốn là đầu đạn đại bác được gò lại. Đây là quà tặng của Pháo binh Quân đoàn 4 tặng cho vị Tư lệnh. Khi ông chết, đại úy Lê Quang Nghĩa thu dọn di vật đem về Sài Gòn. Ba mươi năm sau nhờ người đem tặng cho Viện Bảo Tàng tại San Jose.
Đặt tay lên cái gạt tàn thuốc giá lạnh hơn 30 năm không còn hơi ấm. Nghe như có tiếng chuông thỉnh Phật năm xưa. Cuộc chiến đã tàn từ lâu rồi mà sao lòng người vẫn còn lạnh giá.
*
Như đã ghi lại ở phần trên, khi chiến tranh chấm dứt, tại khắp nơi có nhiều anh hùng Việt Nam Cộng Hòa đã tự quyết định đời mình không chịu sa vào tay giặc. Tuy nhiên chúng tôi không thể ghi lại được đầy đủ.
Nhân ngày 30 tháng 4-2004 – 30 năm sau, xin thắp một nén hương lòng gửi về cho tất cả các anh hùng liệt sĩ.
Chúng ta còn sống đến ngày nay, hãy sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã chết vì 30 tháng 4./

 
Giao Chỉ viết ngày 30 tháng 4-2005 phổ biến lại nhân dịp Biệt đoàn Lam Sơn xây dựng bức tưòng tưởng niệm tại San Jose năm 2013


Từ di cư đến tỵ nạn. 1954-1975-2013

image049

Mẹ Việt Nam. Ảnh tài liệu của Văn Hóa Magazine

Cuộc đổi đời

Giao Chỉ, San Jose.

Phổ biến nhân dịp đem San Jose qua Úc Châu

 Bây giờ nói đến chuyện 30 tháng 4 của Việt Nam Cộng Hòa thì đành phải đồng ý với nhau rằng tất cả là do định mệnh. Định mệnh của từng người dân Việt và định mệnh của cả một dân tộc. Cả hai phía Bắc Nam đều không sản xuất súng đạn và cả hai phe đều được võ trang bằng các tư tưởng đến từ bên ngoài. Một bên là tiền đồn của thế giới tự do và một bên là tuyến đầu của phe cộng sản. Dù đã chiến thắng trận sau cùng nhưng chính thực dân miền Bắc đã trả giá bằng xương máu và cuộc sống lầm than cơ cực hơn dân miền Nam suốt thời kỳ chiến tranh. Hơn 35 năm sau, vào thời điểm của năm 2010, ảnh hưởng của chế độ cộng sản đè nặng lên cả nước, làm cho Việt Nam vẫn không đứng lên được.

 Trong suốt hơn 30 năm qua, tôi đã có dịp viết về cuộc đổi dời của hàng trăm hoàn cảnh. Các bạn cũng hỏi về thân phận nổi trôi của chúng tôi. Để trả lời câu hỏi, xin phép lấy chuyện định mệnh cuộc đời cá nhân để nhìn lại lịch sử.

 Khi Pháp trở lại Việt Nam sau thế chiến 39-45, toàn quốc kháng chiến, tôi là cậu bé trên 10 tuổi tham gia nhi đồng cứu quốc. Chúng tôi đi khắp các xóm làng để làm công tác tuyên truyền và văn nghệ và tham gia cả chiến dịch chống nạn mù chữ. Đôi khi gặp cô Thái Thanh ở tuổi 16 đứng ca bản Cô Hàng Cà Phê. Cả toán thiếu nhi chúng tôi đều mê thần tượng của cả thế giới tản cư. Đám trẻ con chẳng hề biết đến những chiều sâu của chính trị.

 Sau đó, vì may mắn thi đậu bằng tiểu học đứng đầu liên khu III, tôi được chính phủ Kháng chiến ngỏ ý cho đi học bên Nga hay bên Tàu gì đó. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi nhất định không cho đi. Và định mệnh đời tôi bắt đầu định hướng. Hướng về phe sau này gọi l phe quốc gia. Biết gì đâu mà chọn lựa.

 Tiếp theo, Tây nhảy dù Phát Diệm, kéo lính Đông Dương về đóng đồn ở làng Bình Hải, huyệnYên Mô, tỉnh Ninh Bình là quê ngoại. Mẹ tôi bán xôi ở cạnh đồn Tây lúc đó có nhiều lính Việt theo Pháp từ bên Tàu rút về. Phần tôi thì làm trinh sát cho Việt Minh để vẽ bản đồ.

 Một hôm, Việt Minh nhắn tin sẽ thanh toán con mẹ tản cư bán xôi cho địch. Mẹ tôi sợ quá bèn dắt hai con hồi cư về Nam Định. Định mệnh lại bắt đầu rõ nét. Thằng bé 15 tuổi đã có cơ hội bỏ hàng ngũ kháng chiến để về phe quốc gia.

 Vào thời kỳ đó ngoài Bắc gọi là dinh tê hay về Tề. Chính Phạm Duy và cả ban hợp ca Thăng Long cũng bỏ Kháng chiến về thành vào các buổi giao thời như vậy.

 Riêng tôi, sự thực vẫn chẳng hề mảy may có ý niệm gì về chính trị. Về thành, tôi có một vài người anh họ cùng lớp tuổi, sau một thời gian quen biết gần gũi. Rồi anh Vũ Văn Định thoát ly đi theo kháng chiến. Anh em mỗi người một ngả. Tại Nam Định lúc đó có lớp sĩ quan động viên đầu tiên. sau này tôi mới biết là khóa 1 Nam Định. Hầu hết các sinh viên sĩ quan trẻ thuộc lớp trí thức và rất được các cô thành thị chú ý. Thêm vào đó có một vài Thiếu Úy Đà Lạt mới ra trường về làm cán bộ. Nhìn các sĩ quan 20 tuổi, đeo lon Tây, đi xe Jeep, nói tiếng Pháp với các hạ sĩ quan Lê Dương. Anh em chúng tôi mê không chịu được. Thôi rồi, niềm mơ ước tương lai của tôi đã lại rõ nét.

 Sau khi đỗ trung học tại trường Nguyễn Khuyến, Nam Định, tôi lên Hà Nội học thêm rồi chờ đợi đi động viên. Và định mệnh đã in hằn dấu vết của sinh viên sĩ quan trừ bị Vũ Văn Lộc học khóa Cương Quyết 2 Đà Lạt mà quý độc giả đã nghe chúng tôi ồn ào quảng cáo suốt bao năm qua vào dịp 50 năm gặp lại nhau tại Nam California rồi đến 55 năm tại San Jose.

 Xuống tầu "há mồm" di cư vào nam

 Khi hiệp định Genève cắt đôi Nam Bắc. Mẹ tôi và cô em gái bỏ lại tất cả họ hàng để vào Nam. Cho rằng đi tìm tự do thì quả thực là không phải, bà chỉ đi tìm con trai. Cả họ Vũ ở nhà đều nói rằng thím phải vào Nam kêu thằng Lộc về. Bây giờ hòa bình rồi, vào Sài Gòn làm cu li đồn điền cao su thì chỉ có sốt rét ngã nước rồi chết mất xác.

 Tuy nhiên, ông con trai 20 tuổi đeo lon Thiếu Úy kiểu Tây còn đang say sưa với bộ quân phục nên không chịu trở về Bắc mà lại giữ chân bà cụ và cô em gái ở trong Nam.

 Xem ra sự lựa chọn của một thanh niên vào thời đó cũng không phải là đã có những suy nghĩ trưởng thành. Đất nước như là một sân đá banh. Đang đứng ở phía nào thì đá cho phe đó. Tất cả anh em chúng tôi từ Hà Nội ra đi, ngay như tình yêu cũng còn chưa chín nói gì đến lý tưởng và quốc gia dân tộc. Bây giờ đã quá già rồi, còn sợ gì nữa mà không nói thẳng ra như thế.

 Nhưng càng về sau, sống với miền Nam, lấy vợ Nam kỳ, hành quân Nam Căn, Cà Mau qua Đồng Tháp Kiến Phong. Tư duy lớn theo tuổi. Dọc ngang sông Tiền, sông Hậu. Trải qua các đơn vị. Suốt đời chỉ biết chuyện nhà binh. Anh sĩ quan trẻ tuổi lớn dần với binh nghiệp và ngày càng yêu thương quân đội, yêu thương binh sĩ, yêu thương chiến hữu. Tình yêu lính trở thành tình yêu nước và lý tưởng thăng hoa. Cùng xây dựng sự nghiệp và xây dựng lý tưởng, rồi cũng học được những lẽ hơn thiệt, cái xấu và cái tốt của binh đoàn. Lúc thì đam mê bảo vệ, lúc thì tức giận đả phá. Duy có điều may mắn là dù anh em thân quyến họ Vũ của gia đình tôi bỏ lại miền Bắc năm 54 có nhiều người chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản, nhưng chúng tôi chưa gặp nhau trong suốt cuộc chiến. Đôi khi tìm kiếm anh em nhưng không thấy trong danh sách sinh Bắc tử Nam cũng như danh sách bên bộ chiêu hồi. Phần tôi, con đường đi cứ miệt mài 21 năm cho đến 30 tháng 4-1975. Đầu tháng Tư năm nay, tôi dự cơm thân mật với hội Miền Tây đã có dịp thưa chuyện với bà con miền sông nước Cửu Long. Thưa rằng, tôi có 20 năm làm tuổi trẻ Bắc Kỳ nhưng lại có đến 21 năm ngược suôi ở trong Nam. Cuộc đời nhà binh, tham dự hành quân Tự Do với Khu chiến miền Tây, khi chuyển quân về Rạch Giá, đi theo cuộc tình thuận tiện bèn lấy vợ Kiên Giang. Khi nhà tôi theo ngành điều dưỡng làm việc tại thủ đô thì tôi cũng được thuyên chuyển về Sài Gòn.

 Một lần nữa định mệnh đã ra tay. Nếu tôi vẫn nằm ở các đơn vị miền Tây với ông Nguyễn Khoa Nam hay miền Đông với ông Lê Nguyên Vỹ thì phần số có lẽ cũng thay đổi. Tại các nơi này số sĩ quan ra đi 75 rất ít.

 Từ tháng 3-1975, tôi có nhiệm vụ công tác Quân Khu II rồi Quân Khu I để rồi cùng anh em tháo chạy trên các tuyến rút quân hỗn loạn và trên các quân vận hạm kinh hoàng. Chạy từ Nha Trang về Cam Ranh, từ Cam Ranh về Phú Quốc. Từ Phú Quốc về Vũng Tàu và từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Cứ như người mê sảng cùng với toàn quân, không thể có lúc nào dừng bước đứng lại mà suy nghĩ. Quen chân rồi 30 tháng tư, chạy luôn theo tàu Mỹ mà bỏ lại anh em và cả một cuộc đời binh nghiệp.

 Một lần nữa, các ông anh bà chị, ông chú bà bác từ Hà Nội, Nam Định sau 75 đã vào Nam tìm lại thằng cháu với lời than thở. Bây giờ đất nước hòa bình rồi, mà sao thằng Lộc nó còn chạy đi đâu. Lại sang Tân Thế Giới làm phu đồn điền hay sao?

 

image050

Người Việt lên trực thăng di tản qua Hoa Kỳ

 

 Đó cũng là điều chúng tôi đã nghĩ đến khi di tản qua Mỹ. Chắc chắn là sẽ đi làm nông trại. Xem các phim Mỹ chỉ thấy di dân Nhật Bản và dân Mễ làm ruộng ngoài đồng. Dân Việt của mình đến Mỹ thì có khác gì đâu. Năm 1975 đã nghĩ như vậy.

 Nhưng sự việc đã không xảy ra như thế.

 Năm 1954, dân Bắc Kỳ di cư vào Nam đã không chết vì sốt rét ở các đồn điền cao su Hớn Quản. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng một Việt Nam Cộng Hòa ngon lành hết sức.

image051

Đi tìm Tự Do nơi miền đất Hứa

 

 Năm 1975, dân miền Nam tỵ nạn qua Hoa Kỳ không chết vì lao động ở các nông trường Sacramento. Chúng ta đã tạo dựng các cộng đồng tốt đẹp phi thường bằng mồ hôi nước mắt. Đã xây dựng cuộc sống từ đống tro tàn.

 Từ 1954 cho đến 1975, nếu đã không chết ở biển Đông, không chết ở trại tù Việt Bắc thì sẽ sống nhẹ nhàng êm đẹp ở miền đất tự do chan hòa cơ hội.

 Sau cuộc chiến, nếu bạn thực sự là kẻ thua trận, là Ngụy thứ thiệt mà còn sống, là bạn đã ra đi hướng về chân trời mới với tương lai mở rộng cho con cháu đời đời. Định mệnh dường như đã xác định như vậy.

 Bây giờ sau hơn 30 năm, anh em họ Vũ của chúng tôi ở lại miền Bắc không còn bày tỏ lòng thương hại cho đứa em lưu lạc của phe chiến bại. Các ông anh họ của tôi, sau khi mang quân hàm tướng tá đã về hưu trong sự nghèo túng oán hận và qua đời lặng lẽ.

 Phần tôi bây giờ đang tìm cách viết lại lịch sử của 30 tháng 4 một cách nghiêm chỉnh và công bình. Để sau này chính các thế hệ tương lai tại Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới khi cần sẽ tham khảo.

 Con cháu có thể tìm đến để hiểu về nguồn gốc của người Việt Nam tại hải ngoại. Họ là ai? Đã ra đi vì lý do nào? Vào thời điểm nào? Tại sao người Bắc lại vào Nam năm 54 và tại sao miền Nam lại ra đi năm 75? Tại sao lại ra đi khi quê hương hòa bình? Tại sao lại ra đi khi đất nước thống nhất? Và trên khắp năm châu bốn bể, người Việt đã đứng dậy như thế nào từ sau ngày đau thương tháng 4, 35 năm về trước.

 Đặc biệt ở một nơi nào đó trong Viện bảo tàng của Việt Nam Cộng Hòa sẽ có một khu dành cho 30 tháng 4-1975. Bên cạnh những hình ảnh di tản đau thương hỗn loạn sẽ có các bản minh họa về những cái chết phi thường của các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa.

 Ông Lê Nguyên Vỹ gốc Sơn Tây, Bắc Việt ngày 28 tháng 4-1975 đã bình tĩnh tiễn chân vợ và 4 con nhỏ tại Tân Sơn Nhất. Trưa ngày 30 tháng 4-1975 sau khi nghe lệnh đầu hàng, dặn dò ba quân, ngồi ăn cơm với các sĩ quan, rồi cáo từ vào phòng riêng. Một phát súng vào đầu. Vị Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ra đi vào cõi vô cùng. Hai tháng sau ở Mỹ vợ mới biết tin. Đó là câu chuyện vị Tư Lệnh miền Đông Nam Phần. Mới đây, năm 2010, đầu tháng tư, 35 năm sau, bạn Đỗ đình Vượng, trung đoàn trưởng cùa ông Vỹ ngồi tại San Jose kể cho tôi nghe thêm một lần nữa về bữa cơm cuối cùng với ông tư lệnh.

 Tại miền Tây, tướng Nguyễn Khoa Nam sinh trưởng ở Huế sau khi nghe lệnh đầu hàng vẫn còn bình tĩnh ra các chỉ thị cần thiết. Ông cho hủy bỏ sơ đồ hành quân trận cuối cùng Ông đi thăm các thương binh ở Quân Y Viện. Trở về giao các di vật cho tùy viên. Lui vào phòng niệm Phật rồi nằm xuống nghỉ ngơi. Cho đến sáng 1 tháng 5-1975, ông mới bắn súng vào đầu để ra đi. Tư Lệnh Phó là tướng Lê Văn Hưng, người miền Nam cũng đã tự vẫn trước đó mấy giờ đồng hồ, bỏ lại vợ con. Cái chết của cả hai ông, tháng tư năm nay tôi có dịp đọc lại hai câu chuyện hết sức chi tiết của hai vị sỹ quan tùy viên. Thực vô cùng xúc động.

 Những cái chết của tướng Vỹ, tướng Nam, tướng Hưng và các vị khác vào những giờ phút cuối rất lẫm liệt và bình thản, không hề có sự rối loạn, không hề có sự tức giận hay sợ hãi. Những người như Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê văn Hưng chính là Mặt trời tháng 4 của chúng ta. Những người vượt lên trên định mệnh. Những người đã đứng lên quyết định về định mệnh của chính mình.

Sau đây là trang cuối cùng xin dành riêng cho Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Tư Lệnh Quân Đoàn 4 đã dùng súng lục tự sát vào lúc 7 giờ sáng ngày 1 tháng 5-1975. Ông là người đã sống một ngày dài nhất từ lúc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng sáng 30 tháng 4-1975 cho đến sáng 1 tháng 5-1975.

 Ngay sau khi có lệnh đầu hàng ông đã gặp các đại diện phía cộng sản hai lần vào Dinh Tư Lệnh nhưng cả hai lần phía cộng sản đều ra đi trong buổi chiều 30 tháng 4. Cũng trong chiều 30 tháng 4, tướng Nguyễn Khoa Nam đã đi thăm Quân Y Viện Phan Thanh Giản lần cuối cùng. Ông cử Đại Tá Thiên vào chức vị Tỉnh Trưởng Cần Thơ thay cho người đã ra đi. Ông ra lệnh không được phá cầu Long An và chấm dứt giao tranh để bảo toàn tính mạng các binh sĩ và dân chúng.

 Trước khi quay vào phòng tự vẫn, sĩ quan tùy viên kể lại tướng Nam đã thắp nhang trên bàn thờ Phật, thỉnh chuông rồi đứng lên lan can tòa lầu nhìn xuống thành phố Cần Thơ lúc đó vắng lặng. Lúc đó vào sáng sớm 1 tháng 5-1975.

 Vùng 4 chiến thuật gồm toàn thể miền Tây Nam Phần với 3 Sư đoàn 21 (Bạc Liêu), Sư đoàn 9 (Mỹ Tho) và Sư đoàn 7 (Đồng Tâm) cùng với 11 tiểu khu (Long An, Mỹ Tho, Kiến Hòa, Kiến Phong, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Cho đến ngày 29 tháng 4-1975 vẫn còn gần như nguyên vẹn. Vị Tư Lệnh Quân Đoàn vẫn liên lạc hàng ngày với các đơn vị gồm cả Hải Lục Không Quân thuộc Vùng 4. Toàn thể quân số chính quy và địa phương trên 200 ngàn quân đã tan hàng trong trật tự. Một số lớn hiện đã có mặt tại hải ngoại.

 Trong buổi sáng cuối cùng 1 tháng 5-1975, tướng Nguyễn Khoa Nam đã đứng nhỏ lệ trên lan can của Dinh Tư Lệnh cùng với hai sĩ quan tùy viên cấp úy. Sau đó ông quay vào phòng tự sát bằng súng lục.

 Hành động vừa can trường vừa nhân đạo của tướng Nguyễn Khoa Nam đã nêu cao gương trách nhiệm uy dũng đồng thời cũng đã cứu cho sinh mạng của dân chúng và binh sĩ tại miền Tây không bị chết đau thương hỗn loạn như đã diễn ra tại Quân Khu I và Quân Khu II.

* * * *

 Như đã ghi lại ở phần trên khi chiến tranh chấm dứt, tại khắp nơi có nhiều anh hùng VNCH đã tự quyết định đời mình không chịu sa vào tay giặc. Tuy nhiên chúng tôi không thể ghi lại được đầy đủ.

 Nhân dịp Biệt đoàn Lam Sơn vận động xây dựng bức tường vinh danh các anh hùng tuẫn tiết tại San Jose, xin thắp một nén hương lòng gửi về cho tất cả các anh hùng liệt sĩ.

 Vì những gương hy sinh cao cả đó, chúng ta cùng viết lại lịch sử của ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

 Giao Chỉ - San Jose

 

image054

Thuyền nhân vượt biiển từ Bác vào Nam năm 1954. Ảnh Tài liệu của Vă n Hóa Magazine.

27 Tháng Ba 2017(Xem: 7405)
- https://www.youtube.com/watch?v=p_m-a66M45I - https://www.youtube.com/watch?v=Y5VhjRCEnTY