Thầy Phước Lộc xem quẻ đầu năm Giáp Ngọ

06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 14983)

Thầy Phước Lộc xem quẻ đầu năm Giáp Ngọ

Hòa Ái, phóng viên RFA
2014-01-30

image104

Đại cảnh đàn ngựa kéo xe hoa đồng hồ mở đầu đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Ngọ 2014

Photo courtesy of thanhnien.com

Vào những ngày đầu xuân, Người Việt có thú vui là đi xem quẻ đầu năm, xem gia đạo có được yên lành ấm no trong năm mới hay không? Cũng vì thế, mời quý thính giả cùng đến với Hòa Ái và chiêm tinh gia Phước Lộc để nghe chia sẻ về quẻ “kỳ môn độn giác” của năm Giáp Ngọ.

Hòa Ái: Xin chào Thầy Phước Lộc. Thưa Thầy Phước Lộc, thấm thoát năm Quý Tỵ đã qua, năm mới Giáp Ngọ đến, gõ cửa từng gia đình người Việt ở khắp mọi nơi. Đài ACTD lại được hân hạnh chào đón Thầy đến với quý khán thính giả của đài. Kính nhờ Thầy xem một quẻ đầu năm. Xin được hỏi Thầy đất nước VN trong năm con ngựa này, có phải là 1 năm tốt lành và đất nước mình có phi nước đại trong mọi lãnh vực được không, thưa Thầy?

Thầy Phước Lộc: Trong quẻ này thì có những nước trên thế giới báo hiệu tốt. Nhưng cũng có những nước báo hiệu cho cái xấu. Tôi là người VN nên cũng quan tâm đến VN. Năm Giáp Ngọ, tôi xem quẻ “Kỳ Môn Độn Giáp”, gọi là “Long Đào Tẩu”, nghĩa là Rồng chạy trốn. Theo quẻ này thì đây là các đầy tớ phản chủ; thêm nữa là công việc bị tổn hại, bê trễ trên mọi lãnh vực. Tôi thấy vậy, tôi cũng rất buồn. Như thế thì năm Giáp Ngọ tại VN không mấy tốt đẹp, nếu không nói là cực kỳ u ám: trên dưới không thuận thảo, chống đối nhau, trống đánh xuôi-kèn thổi ngược, tố cáo lẫn nhau, phản bội lẫn nhau, trong khi nền kinh tế càng ngày càng xuống dốc thê thảm. Đó là tin buồn. Chính quyền thì không được như ý để cai trị dân cho đàng hoàng.

Hòa Ái: Thưa Thầy, vừa nghe qua thì có vẻ như năm Giáp Ngọ này không mấy gì sáng sủa cho đất nước VN. Vậy còn đời sống người dân trong nước có gì được khả quan không dạ?

Thầy Phước Lộc: Cái nào cũng có 2 mặt. Nghĩa là về mặt tiêu cực thì phải nói là dân chúng quả là gặp cảnh lầm than. Đa số dân nghèo khổ lắm. Nhưng càng bị dồn vào phía chân tường thì người ta càng chống đối, người ta càng có sự đòi hỏi. Thành ra những người chống đối, đòi hỏi làm sao đất nước tốt đẹp hơn càng ngày càng nhiều nữa. Đây là điều đáng mừng. Vì đã khổ quá rồi, bây giờ phải đòi lại quyền gì căn bản của con người. Đó là điểm mấu chốt.

Hòa Ái: Dạ như vậy thì trong quẻ năm mới này, Thầy có thấy được sẽ có nhiều biến chuyển ở trong nước hay không?

Thầy Phước Lộc: Vâng. Cô nhớ đầu năm Quý Tỵ tôi ra quẻ “Bột Cách”, tức là rối loạn kỷ cương thì quả như vậy, giống như sấm của cụ Trạng Trình nói. Năm nay ra quẻ “Long Đào Tẩu”, do đó, có thể nói ngay cả các đảng viên càng ngày người ta chán ngán mà ra khõi Đảng. Ngày càng nhiều thì dĩ nhiên đó là phản chủ. Vì đây là quẻ phản chủ, những người dưới không chịu nổi nên phải từ bỏ. Điều này gọi là giác ngộ để quay về với nhân dân.

Hòa Ái: Như Thầy chia sẻ, nếu người dân càng phản kháng mạnh mẽ trong năm nay thì chính quyền sẽ càng mạnh tay hơn trong đàn áp, bắt bớ?

Thầy Phước Lộc: Vâng, dĩ nhiên rồi. Vì khi có sự chống đối thì phải có sự đàn áp, mà đàn áp thì càng có sự chống đối hơn nữa. Và đến một lúc “giọt nước tràn ly” thì sẽ có chuyện lớn.

Hòa Ái: Thưa Thầy, thời điểm “giọt nước tràn ly” sẽ xảy ra trong năm Giáp Ngọ này hay sao dạ?

Thầy Phước Lộc: Tôi chưa thấy nhưng sẽ đi về chổ ghê gớm lắm. Càng ngày cái thế càng mạnh lên. Dân càng ngày càng không sợ áp lực, càng không sợ bạo quyền nữa.

Hòa Ái: Thưa Thầy Phước Lộc, bây giờ Hòa Ái xin phép được hỏi thăm trong năm nay, về phong thủy, thì những ngày đón Tết màu sắc nào sẽ là phù hợp?

Thầy Phước Lộc: Về phong thủy thì trang trí với những màu tươi sẽ tạo ra sinh khí mới. Ai cũng muốn một năm mới tốt đẹp. Người ta thường chọn màu hồng, màu đỏ, màu vàng. Như hoa đào, hoa mai chưng Tết thì thấy rực rỡ vô cùng. Tạo ra được sinh khí trong nhà là tốt.

Hòa Ái: Còn những tuổi nào sẽ thích hợp cho việc cưới gả trong năm nay?

Thầy Phước Lộc: Về tuổi kết hôn thì gồm có những sao “Đào Hồng Hỷ” hay “Long Phượng Hỷ”dẫn đến kết hôn. Năm nay tuổi Hợi, tuổi Mão, tuổi Mùi dù bị tam tai nhưng có sao “Đào Hồng Hỷ” thì sẽ tốt cho hôn nhân. Và thêm tuổi Tỵ, Dậu, Sửu thì cũng tốt cho kết hôn.

Hòa Ái: Thêm một yếu tố nữa mà người Việt cũng quan tâm trong những ngày Tết, về hướng xuất hành. Thưa Thầy, năm nay thì hướng xuất hành nào sẽ tốt?

Thầy Phước Lộc: Tôi thấy phải tìm hướng “Hỷ thần”, “Tài thần”, “Chính Bắc”, “Chính Đông” là những hướng tốt.

Hòa Ái: Trong quẻ đầu năm này, Thầy Phước Lộc còn muốn chia sẻ thêm gì với quý khán thính giả nữa không?

Thầy Phước Lộc: Trong quẻ năm nay, dù sao thì dân chúng ở Mỹ được tốt đẹp, dù sao chăng nữa cũng được may mắn. Còn dân chúng ở VN đa số cực. Đây là 2 thái cực cần phải chia sẻ. Cầu xin cho đất nước sớm được bình an. Chính quyền nghĩ đến dân, đừng nghĩ đến mình một cách thái quá. Dân chính là thuyền mà thuyền có thể chở đi nhưng dân cũng có thể lật được thuyền.

Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Thầy Phước Lộc dành thời gian cho đài ACTD trong năm mới Giáp Ngọ. Kính chúc Thầy và gia đình 1 năm mới an vui. Hòa Ái cũng xin cảm ơn thời gian theo dõi của quý khán thính giả. Và kính chúc quý vị 1 cái Tết đầm ấm, sum họp với gia đình. Hòa Ái mến chào và hẹn gặp lại./

++++++++++++

Hoàng Phủ Ngọc Tường tự nhận đã có mặt ở Huế Tết Mậu Thân, đã đi trên 1 đường hẽm đầy máu tường như bùn

VIỆT BÁO (02/02/2014) (Xem: 838)

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968 hay không?
Có tham dự hay chứng kiến cuộc thảm sát Mậu Thân?
Ông từng nói với một nhà văn trong nước rằng ông khi xảy ra thảm sát Mậu Thân, ông đang ở trên rừng và do vậy không có mặt ở Huế.
Ông có nhờ Hội Người Yêu Huế nào ở hải ngoại làm chứng như thế không?
Thực tế, có thể đoán rằng, ông không bao giờ dám công khai sám hối, vì hành động sám hối có nghĩa là kết tội Đảng CSVN, và cũng là tự kết án tử hình.
Năm 1981, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phóng viên nước ngoài, và tự nhận đã có mặt ở Huế Tết Mậu Thân, đã đi trên 1 đường hẽm đầy máu tường như bùn...
Xem ở phút 5:30 trên băng hình: http://www.youtube.com/watch?v=ZcBmv23ZsJA
Hay là từ link:
http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/02/tham-sat-mau-than-1968%E2%80%B3-nghe-lai-va-nghi-them-quanh-y-kien-hoang-phu-ngoc-tuong/#more-8652

 

Thụy Khuê

Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế
(RFI, 12 tháng 7, 1997)

Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, đây là lần đầu tiên anh đến Pháp? Lý do gì đã khiến anh được đi? Xin anh cho biết cảm tưởng của anh.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đúng là lần đầu tiên tôi tới Pháp. Tôi sang Pháp qua cửa ngõ của nước Đức, ở đấy tôi đã nhận được sự bảo trợ của hiệp hội Schmitz Stiftung để đi dự tuần Việt Nam của tổ chức "Chung Một Thế Giới" ở thành phố Freiberg. Tiếp theo tôi đi dự hội thảo Euro-Việt III tại Amsterdam. Và sau đó tôi sang Pháp chơi. Ấn tượng mạnh nhất của tôi sau gần một tháng lãng du bên Tây là như thế này: Trước mắt tôi là một cuốn sách mà tưởng chừng như tôi đã biết hết mọi cái ở trong đó, nhưng chính lúc này tôi lại đang giở ra những trang đầu. Cuốn sách đó tên gọi là Châu Âu.
TK: Thưa anh, nhân dịp này xin hỏi anh một vài vấn đề liên quan đến biến cố Mậu Thân ở Huế mà từ bao nhiêu năm nay, anh đã bị một số dư luận xem như anh có dính líu vào, hoặc anh là một trong những "thủ phạm" vụ Mậu Thân. Trước hết, xin anh cho biết: Mọi việc thực sự đã xẩy ra như thế nào?
HPNT: Hàng chục năm nay, mỗi năm cứ tới dịp 30 tháng 4, hoặc dịp Tết thì nhiều tờ báo hải ngoại lại đưa tên tôi ra làm con vật tế thần, bằng cách nói đi nói lại, y như thật, rằng tôi là một tên đồ tể Mậu Thân ở Huế. Thực ra thì đó là một sự bịa đặt, mang ý định vu khống hoàn toàn. Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966, và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975. Như thế nghĩa là trong thời điểm Mậu Thân 1968, tôi không có mặt ở Huế.
Sau năm 1975, ít ra là đã có ba tài liệu sau đây xác nhận rằng tôi không có mặt ở Huế hồi Mậu Thân:
1. Nhiều người hay nhớ lõm bõm bài trả lời phỏng vấn của anh Lê Văn Hảo trên báo Quê Mẹ, xuất bản ở Paris, để buộc tội tôi. Thực ra thì trong bài này, tôi đã đọc kỹ, thấy anh Hảo nói rất đúng rằng, hồi Tết Mậu Thân, cả anh Hảo và tôi đều đang ở trên một vùng núi, cách xa Huế gần 50 cây số, và không hề có chuyện tôi về Huế để giết người.
2. Bài viết của anh Đặng Tiến đăng trên báo Thông Luận, Paris, trong đó Đặng Tiến dẫn chứng nhiều nguồn tư liệu đã công bố ở trong nước, do nhiều nhân vật khác nhau cung cấp, bác bỏ những lời lẽ xảo ngôn lệnh sắc trên báo Thông Luận buộc tội tôi về chuyện giết người ở Huế trong năm Mậu Thân.
3. Trong cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, của Nhã Ca in sau biến cố Mậu Thân, tác giả cũng nói rằng: Phủ (tức là tôi), không về Huế, và nếu có về thì chắc cũng không giết người. Tôi thành thật cảm ơn chị Nhã Ca đã dành cho tôi điều nhìn nhận khách quan rất quan trọng này, dù trong cảnh tượng máu lửa hỗn quan hỗn quân của Huế Mậu Thân.
Đã không có mặt ở Huế thì làm sao tôi -Hoàng Phủ Ngọc Tường- lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là "đồ tể" Mậu Thân ở Huế được?

TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?
HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch. Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng.

TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào?
HPNT: Huế Mậu Thân đã xẩy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến, khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.
Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải một chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xẩy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.

TK: Vậy, theo anh, ai trách nhiệm những thảm sát ở Huế?
HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân: Dù bởi lý do nào đi nữa, thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi. Qua bài hồi ký tâm huyết này, đã được công bố trên tạp chí Sông Hương, Huế, và sau đó, nếu tôi không nhớ lầm, đã được dịch và in toàn bộ trên báo Mỹ Newsweek, tác giả, Lê Minh (lúc đó đã nghỉ hưu), còn nhắc nhở rằng, điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ.

TK: Ngoài ra anh còn "được" hay "bị" là nhân vật của nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác. Tường trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác và anh, có chỗ nào giống nhau? Chỗ nào khác nhau?
HPNT: Có lẽ chỉ giống nhau ở cái nốt ruồi ở góc cằm, như Nguyễn Mộng Giác đã lưu ý độc giả vào cuối bộ sách. Ngoài ra thì không nên nói đến một sự giống hoặc khác nhau nào giữa một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết và một con người thực đang sống ở ngoài đời là tôi. Nhưng có điều khác nhau rất quan trọng là: Tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì không có mặt trong Mậu Thân ở Huế như nhân vật trong tiểu thuyết của anh Nguyễn Mộng Giác. Và tôi cũng chưa bao giờ biết làm công việc của một tên chỉ điểm hèn hạ để hại bạn như là cái thằng Tường trong sách của anh Giác.
À mà anh Nguyễn Mộng Giác này, chán chi tên mà tại sao anh lại lấy tên tôi để đặt cho cái nhân vật khốn khổ tội nghiệp của anh, khiến những kẻ độc miệng cứ nhè vào tôi mà vu khống, mà nguyền rủa mãi như vậy? Nếu nhân vật trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác mang một cái tên nào khác, thí dụ như Vách, Phên chẳng hạn, chắc chắn là không có gì dính líu tới Tường này cả.

TK: Anh nghĩ sao về Giải Khăn Sô Cho Huế của chị Nhã Ca?
HPNT: Dù có một số sự việc không đúng sự thực, do có hoặc không có dụng ý của tác giả, Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay, viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng. Chị Nhã Ca làm tôi liên tưởng tới Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.

TK: Về một lời tuyên bố của anh trong một phóng sự chiếu trên đài truyền hình Mỹ, Anh, Pháp ... mà nhiều người đã dựa vào đó để đả kích anh. Anh đã tuyên bố những lời ấy trong trường hợp như thế nào? Tại sao?
HPNT: Hồi đó, ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" tới Huế, chọn tôi để chất vấn về chuyện tang tóc của Huế Mậu Thân. Tôi nhớ một cách đại thể, là tôi đã nói về ba thành phần nạn nhân khác nhau: 1) Những người chết do hành động trừng phạt của quân giải phóng dành cho những người thực sự có tội. 2) Những người bị giết oan. 3) Những nạn nhân chết do Mỹ ném bom vào đám đông hoặc quân chính phủ bắn giết trả đũa khi phản kích. Cả ba trường hợp này đều có thực, chết nằm xen kẽ nhau trên các đường phố Huế Mậu Thân.
Lâu rồi, trả lời ứng khẩu thế thôi, tôi không nhớ thật cụ thể những điều đã nói, và cũng không có dịp xem lại nguyên bản phim như nó đã được chiếu ở nước ngoài; nên không biết cuốn phim có tái hiện trung thành những ý tưởng của tôi hay không.

TK: Xin anh một lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay. Đối với những người đã "kết tội" anh, anh nghĩ sao? Và nói rộng ra đến tình trạng chung của các sự ước đoán và quy kết.?
HPNT: Xin cám ơn đài RFI và chị Thụy Khuê đã dành cho tôi một cơ hội để tự bạch trước thính giả mà lâu nay, chắc có không ít người đã căm hận tôi, do tin lầm vào những lời vu khống của người khác. Người đời thường tình, dễ nghe, dễ tin, không nói làm gì; ở đây lại là những người cầm bút, là nhà văn, là nhà báo, họ chưa quen biết tôi, và tôi cũng chưa quen biết họ bao giờ. Sao người ta lại cứ mải say mê trong hành động vu khống kẻ khác như vậy. Sự lên án hoặc buộc tội là quyền chọn cách nhìn cuộc chiến, nhưng sự vu khống lại thuộc về nhân cách của người cầm bút.
Tôi đã nói hết sự thật trong một lần. Xin thưa, từ nay đừng bắt tôi phải chịu trách nhiệm những tội lỗi mà tôi không hề đụng tay tới bao giờ, và mọi sự phán xét xin hãy dành cho những kẻ thích tạo dựng tên tuổi bằng cách lấy nhọ nồi bôi vào trán người khác.
Tôi xin chân thành biết ơn sự quan tâm của quý vị thính giả dành cho câu chuyện có phần nào liên quan tới lương tâm và danh dự của tôi, và xin bạn hữu ở khắp bốn phương trời, hãy giữ trọn vẹn lòng tin vào thằng bạn ngày xưa của mình, rằng Tường vẫn là một con người tính bản thiện.

TK: Xin cám ơn anh Hoàng Phủ Ngọc Tường.

© Copyright Thuy Khue 1997

 

24-08-2013

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nguyễn Quang Lập 

image105

Anh Tường (Hoàng phủ Ngọc Tường) đã đỡ, đã ra viện, đang nằm một mình, miệng lẩm bẩm gì đó. Thấy mình, anh mắt trợn tay khua, nói ua chầu Lập Lập. Cơ mặt anh bị liệt không còn biểu hiện được cảm xúc, nhưng mình biết anh mừng lắm, xúc động nữa.

 

Tính anh hiếu khách, ai đến nhà đều tiếp đón nhiệt tình, bất kể đó là ông xích lô hay là ông bộ trưởng. Năm 1976, mình chỉ là thằng cu con 20 tuổi, vốn liếng chỉ dăm bài thơ in báo, lần đầu vào nhà anh, khi đó anh đã nổi như cồn cả văn trường lẫn chính trường, nghĩ bụng được anh cho bắt tay cũng phúc phận lắm rồi, ai ngờ anh tiếp đón y chang tiếp đón kẻ sĩ ngang cơ, nói năng nhất mực mình mình Lập Lập, tuyệt không một gram khinh thị.

 

 

Mấy ông văn say Phương Xích Lô, Dương Thành Vũ hễ rượu vào là nói năng văng mạng, đi đứng nghênh ngang, quí thì vẫn quí nhưng hễ thấy chúng nó đến nhà trong trạng thái say thì ai cũng sợ. Anh Tường thì không, thậm chí anh còn thấy vui. Mẹ chị Dạ (Lâm Mỹ Dạ) thấy hai ông này thì sợ lắm, nói ua chầu chầu văn thơ chi mà sớn sác rứa hè. Anh nói mạ nói chi rứa mạ, bạn con đó, họ tôốk lắm tôốk lắm. Mẹ chị Dạ thở hắt ra, nói ua trời, ai đến nhà, ông Tường cũng kêu tôốk lắm tôốk lắm.

Hồi ở Huế, nhà anh Tường là nhà duy nhất mình có thể đến bất kì giờ nào, kể cả ba bốn giờ sáng, cũng được niềm nở đón tiếp. Người hiếu khách như thế mà phải nằm một mình trên căn phòng gác hai, một mình đối diện với bốn bức tường trắng lạnh, hết nghe ti vi nói lại nghe chính mình nói thì thật đáng sợ.

 

Con cái đi làm ăn xa, chị Dạ cũng phải tần tảo kiếm sống, mẹ chị Dạ đã già, suốt ngày lúi húi việc vặt ở gác một, giả có muốn nói chuyện với anh cũng chẳng biết nói chuyện gì, nhiều hôm anh cứ nằm lẩm bẩm nói chuyện một mình. Anh Ngô Minh kể có hôm anh Tường gọi điện, nói Ngô Minh ơi, mình thèm tiếng người, nghe ứa nước mắt.

 

Mình cũng què, không sao kéo anh ngồi dậy được, hai anh em kẻ nằm người ngồi, nhìn nhau rưng rưng. Mệnh trời đã định chẳng biết làm thế nào. Anh Tường đối với mình vừa là người thầy vừa là người anh. Có thể nói quá nửa phần văn hoá mình có được là nhờ anh dạy dỗ.

 

Mình học Bách Khoa, tốt nghiệp đại học rồi trình độ lịch sử cũng chỉ biết ba lần đánh thắng quân Nguyên, cố lắm cũng biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm hết. Trình độ triết học cũng chỉ đủ để phân biệt Mác - Lê Nin là hai ông, ngoài ra chẳng biết ông nào ra ông nào.

 

Anh Tường học rất giỏi, thủa nhỏ đã khét tiếng cả miền Nam, mình vẫn trêu anh là cháu ngoan bác Diệm. Anh lại có trí nhớ phi phàm, đầu anh là cả một thư viện khổng lồ cả triết học, văn học, lịch sử và văn hoá.

 

Có đến hàng mấy trăm buổi, đêm cũng như ngày, hai anh em với chai rượu trắng nắm nem Huế, anh uống và nói, mình uống và nghe, cứ thế cứ thế mưa dầm thấm đất, dần dần đầu óc mình sáng sủa dần lên, bốn năm ở Huế mình xơi tái cả tủ sách quí của anh, thế là thành người tài, he he.

 

Anh Tường viết quá chậm vì quá kĩ, một cái bút kí vài ngàn từ có khi anh viết cả tháng. Đụng phải một từ nào anh cảm thấy không chắc, không bao giờ anh cứ viết ào đi như mình, anh dừng lại tra hết cuốn này sang cuốn khác. Mỗi lần anh viết là y như anh ngồi giữa một đống đủ loại từ điển Việt, Anh, Pháp, Hán.. hoa cả mắt.

 

Có hôm mình đến thấy anh ngồi tra từ điển tiếng Việt một cái từ rất bình thường. Mình nói cái từ đó anh biết rồi mà nhớ rồi mà, anh nói một nguyên tắc để nhớ lâu là không được phép tin vào trí nhớ của mình. Mình kêu trời, nói anh viết rứa có mà bốc cám mà ăn, anh cười, nói mình ăn cám rồi, ngoong ngoong... 

 

Rồi anh nói Lập nên nhớ khi viết phải cảnh giác hai loại người đọc, loại thứ nhất ngưỡng mộ mình, nghĩ mình như thánh chữ, nhỡ mình viết sai, họ cứ vậy mà đinh ninh... rứa có chết không. Loại thứ hai giỏi hơn mình, đứng sau lưng mình rình chữ mình viết sai để mà biêu riếu... rứa có chết không.

 

 Anh Phùng Quán ngồi cạnh cười khì khì, nói tôi với thằng Lập viết lách được là nhờ lấy liều mạng làm căn bản, chứ cứ ngồi sợ như ông thì ăn cứt từ lâu rồi, đừng nói có cám mà bốc. Anh cười, nói mình chỉ liều mạng đánh Mỹ thôi, hồi ở rừng đã có khi mơ giá ông Bụt hiện lên nói mi ăn hết rổ cứt ni rồi tao cho đất nước hoà bình thì mình ăn liền. Nhưng làm văn hoá thì không thể lấy liều mạng làm căn bản, rứa là hỏng hỏng.

 

 Gần gũi anh Tường tròn ba chục năm mình chưa nghe ai trong nước nói xấu về anh, chỉ một vài ông hải ngoại, chẳng rõ vì sao cứ đeo lấy anh nói dai như đỉa, kẻ bảo anh cơ hội, người nói anh ác nhân, thật chẳng ra làm sao.

 

Tiện đây nói luôn, tết Mậu Thân (1968) anh Tường ở lại căn cứ trên rừng, không về Huế. Người ta thu băng lời kêu gọi của anh cho phát loa trên xe chạy khắp thành phố, nên nhiều người tưởng anh về Huế thôi. Chuyện này còn cả tấn người đang sống làm chứng, ít nhất có Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, ai không tin về Huế mà hỏi.

 

Ba mươi năm gần anh, quả thật mình không thấy anh Tường có nhược điểm nào đáng kể, ngoài cái tật hay nói. Hôm nào anh Tường không nói thì cầm chắc là anh ốm. Một hôm mình đến nhà, hỏi mẹ chị Dạ anh Tường đâu rồi bà, bà nhăn răng cười, nói ông Tường lại đi nói rồi.

 

 Nhưng anh nói rất hay, bất kì chuyện gì anh cũng có những phát kiến văn hoá cực hay. Anh Phùng Quán nói ông Tường tài, ngườì ta nói rượu vào thì lời ra, ông Tường nước lọc vào lời cũng ra, lại toàn lời vàng ngọc. 

 

 Từ khi anh bị nạn, nói rất khó nghe, cố gắng lắm mới nghe được đôi câu, anh Tạo (Nguyễn Trọng Tạo) chép miệng tiếc rẻ, nói giá ngày xưa ông Tường nói gì mình ghi âm lại, có phải bây giờ có vài vạn trang sách quí cho tụi trẻ chúng nó đọc không.

 

Anh Quán vẫn trêu anh Tường nói hay cày dở, là nói chuyện gái gẩm, chuyện này thì anh Tường cực quê. Cũng như anh Sơn (Trịnh công Sơn), anh Tường không biết cơ man các em xinh đẹp mê đắm, rốt cuộc cũng chỉ trăng gió vu vơ thôi, chẳng đâu vào đâu.

 

Có hôm hai anh em nằm với nhau, mình nói anh làm việc ấy thế nào, anh cười nói thì cũng rứa thôi, mình hỏi anh có thế này không... có thế này không, anh trợn mắt há mồm, nói phải làm rứa a... phải làm rứa a. Mình nói chứ sao, anh phải thế này... phải thế này, anh nói rứa a rứa a... tởm tởm. 

 

Mình nói anh ơi cái lưỡi không phải là thứ chỉ để lùa ngôn ngữ ra đâu, nhiều công dụng cực kì. Riêng việc này anh phải học tập anh Hoàng Ngọc Hiến, anh Hiến giỏi câu giờ lắm, đã yếu kém thì phải biết câu giờ. Anh nằm trầm ngâm, tay mân mê cái nốt ruồi to đùng dưới cằm, nói làm chi rứa hè… tởm tởm. Phải giữ thể diện văn hoá chơ... ai lại rứa. Mình nói anh ơi giường chiếu có văn hoá của giường chiếu, anh lắc đầu, nói không, tởm tởm. Mình cười rũ.

 

Bây giờ anh ngồi đấy, tay mân mê cái nốt ruồi to, nhìn ra trời Huế mưa giăng đầy, mắt chớp chớp rưng rưng, nói Lập có biết mình đang nghĩ gì không? Mình nói anh đang nghĩ gì, anh nói mình đang nhớ lại những bài học giường chiếu Lập đã nói mà mình không chịu nghe theo.... đúng là giường chiếu có văn hoá của giường chiếu.

 

Mình định trêu anh một câu nhưng không dám. Chợt nhớ có lần buồn chị Dạ chuyện gì đó, anh ngồi lặng lẽ dí điếu thuốc đang cháy vào gan bàn tay, mặc kệ chị Dạ la hét, anh vẫn cứ để điếu thuốc lún sâu vào gan bàn tay... sáng sau cả bàn tay phồng rộp như cái bát úp, nghĩ mà sợ quá.

 

Anh Tường nói Lập lấy rượu uống đi, rót cho mình một chén. Mình nói chị Dạ bảo không được để anh uống rượu. Anh nói ngồi với Lập không uống còn ra cái chi.

 

 Mình rót rượu, hai anh em ngồi uống, anh uống một hơi cạn chén, dằn nhẹ cái chén, nói Lập có biết mình ước gì không...Mình ước được yêu vợ cho tới bến, ước được một trận say, được nói một câu tròn vành rõ chữ... thậm chí ước được đi ỉa một mình không người săn sóc... chỉ ước có rứa thôi mà trời kiên quyết không cho...

 

Mình nhìn anh, cười như mếu, chẳng biết nói gì./

 

+++++++++++++++

Hiệp định Paris: Thất bại của Lê Duẩn

Pierre Asselin

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Honolulu

BBC - thứ hai, 28 tháng 1, 2013

image106

Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976

Từ đầu Cuộc chiến Việt Nam mùa xuân 1965, các lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cương quyết đánh Mỹ và đồng minh “ngụy” ở Sài Gòn cho đến “chiến thắng cuối cùng”. Với Hà Nội, “chiến thắng cuối cùng” nghĩa là quân Mỹ rút lui vô điều kiện, lật đổ chế độ “phản động” ở Sài Gòn và thống nhất đất nước dưới sự cai trị của Đảng Lao Động.

Quyết tâm chiến thắng “mọi thứ”, Hà Nội thậm chí không chịu nghĩ đến khả năng có giải pháp thương lượng. Kỷ niệm cay đắng về Hội nghị Geneva 1954, cùng sự giáo điều của các lãnh đạo chủ chốt cùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khuyến khích cách nghĩ này ở Hà Nội. Theo nhiều cách, chiến lược của Hà Nội trong cuộc chiến phản ánh con người Lê Duẩn: quân sự, cứng nhắc và chống mọi đàm phán.

Chính quyền hôm nay ở Việt Nam tìm cách phổ biến quan niệm rằng trong phần lớn thời gian (1930 – ngày nay), cách mạng Việt Nam đi theo con đường của “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mặc dù điều này có thể đúng ở đôi lúc nào đó, trong phần lớn thập niên sau 1965, Hà Nội trung thành đi theo cái mà tôi gọi là “tư tưởng Lê Duẩn”. Không chấp nhận đối kháng và bất tuân, Lê Duẩn, cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, vào năm 1967-68 đã thanh trừng khoảng 300 người “xét lại”, những người đã kêu gọi thương lượng với Washington và/hoặc Sài Gòn, hoặc đi ngược đường lối cứng rắn của Đảng trong “cuộc chiến chống Mỹ”.

Từ 1965 đến giữa 1972, chiến lược của Hà Nội về căn bản không thay đổi. Lê Duẩn và các lãnh đạo còn lại tập trung nỗ lực tìm chiến thắng bằng quân sự, và để làm điều này, họ vận động càng nhiều trợ giúp vật chất từ các đồng minh và khơi dậy cảm thông từ phần còn lại của thế giới. Cuộc “đấu tranh ngoại giao” này nhằm vận động dư luận chống Mỹ can thiệp ở Đông Dương, cô lập giới hoạch định chính sách Mỹ cả trong và ngoài nước. Cả sau khi đồng ý hòa đàm ở Paris với chính quyền Lyndon Johnson năm 1968 và rồi bí mật đàm phán với Richard Nixon một năm sau, Hà Nội vẫn từ chối đàm phán nghiêm túc, và chỉ dùng cuộc họp để thăm dò dự tính của Mỹ và thúc đẩy đấu tranh ngoại giao.

"Trong phần lớn thập niên sau 1965, Hà Nội trung thành đi theo 'tư tưởng Lê Duẩn'."

Kết cục của chiến dịch xuân hè 1972 thay đổi tất cả cho Hà Nội. Giống như Mậu Thân 1968, chiến dịch 1972 nhằm giành “chiến thắng quyết định” trong năm bầu cử ở Mỹ. Nhưng cũng giống như 1968, Hà Nội không đạt được các mục tiêu quân sự. Họ không chỉ gặp các thất bại đau đớn ở miền Nam mà còn phải hứng chịu các đợt bỏ bom trở lại xuống miền Bắc. Tệ hơn nữa, Moscow và Bắc Kinh chỉ lên án nhẹ nhàng các vụ bỏ bom và tiếp tục ve vãn Washington. Vào tháng Năm, Moscow tiếp đãi Nixon như thể chẳng có gì xảy ra ở Việt Nam.

Trước các thách thức này, tháng Sáu 1972, Hà Nội có thay đổi đáng kể đầu tiên trong chiến lược: như các văn kiện chính thức nói, Hà Nội bắt đầu “đàm phán nghiêm túc” với Washington để chuyển từ “chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình”. Đến cuối tháng 10, lãnh đạo miền Bắc đạt được thỏa thuận ban đầu với Mỹ. Nhưng Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu phản đối và đòi sửa chữa lớn trước khi thông qua.

Rất muốn có một “hòa bình trong danh dự” mà với ông có nghĩa là hòa bình hậu thuẫn bởi đồng minh Việt Nam của ông, Nixon đã chấp nhận chịu đựng Thiệu – người mà rõ ràng không phải là một “con rối” – và kêu gọi Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán để chỉnh sửa thỏa thuận.

Hà Nội chấp nhận yêu cầu của Nixon, nhưng lại từ chối thừa nhận hai vấn đề quan trọng: ngôn từ dùng để định nghĩa khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Việt Nam sau lệnh ngừng bắn, và lời tựa cho thỏa thuận.

image107

Hà Nội đồng ý kết thúc đàm phán không lâu sau đợt ném bom của Mỹ

Sau nhiều lần đàm phán thiếu hiệu quả vào đầu tháng 12, các lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hoãn đàm phán, kết luận phe họ có lợi thế thời gian, và rằng họ có ít cái để mất hơn bằng cách trì hoãn, hơn là phải làm rõ hai điều trên.

Bên cạnh đó, Quốc hội mới của Hoa Kỳ đã lên kế hoạch triệu tập vào tháng Một và có nhiều khả năng sẽ ép Nixon chấm dứt cuộc chiến bằng cách từ chối chu cấp, điều sẽ khiến Nhà Trắng phải rút hết quân khỏi Việt Nam vô điều kiện.

Về nguy cơ Nixon leo thang chiến tranh, Hà Nội cũng đã cho là khá nghiêm trọng, nhưng không đủ nghiêm trọng để khiến họ phải trở nên mềm mỏng hơn trên bàn đám phán.

Như xảy ra nhiều lần trong Chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích của Tòa Bạch Ốc ở Việt Nam. Đợt đánh bom Giáng sinh ở Hà Nội và Hải Phòng gây chấn động tâm lý‎ cho Hà Nội, chưa kể thiệt hại vật chất. Vài ngày sau khi Hà Nội cam kết trở lại bàn thương lượng và Nixon tạm dừng đánh bom, hội đàm mở lại ở Paris.

Sự thực tế của Hà Nội, việc họ muốn kết thúc đàm phán, chấm dứt chạm súng, thể hiện rõ qua sự sẵn lòng có những nhượng bộ mới, nhất là ngôn ngữ về tình trạng khu phi quân sự sau khi ngừng bắn. Nếu Hà Nội đã có những nhượng bộ này ngay từ đầu tháng 12, cuộc đánh bom Giáng sinh đã tránh được.

Ngày 27/1/1973, Washington, Sài Gòn, Hà Nội và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ký Hiệp định Paris. Thỏa thuận chấm dứt “cuộc chiến chống Mỹ” nhưng không quyết định tương lai Việt Nam.

Đánh giá Hiệp định Paris

Hà Nội công khai ca ngợi Hiệp định Paris là một “chiến thắng vĩ đại.” Nếu chúng ta bàn về vấn đề người thắng, kẻ thua, rõ ràng hiệp định này là một chiến thắng cho Washington hơn là Hà Nội.

Nếu nhìn nhận tình hình Việt Nam vào năm 1972-73, các điều khoản Hiệp định lẽ ra phải có lợi hơn cho Hà Nội.

Thế nhưng cuối cùng, các điều khoản của Hiệp định Paris lại có lợi cho Washington hơn nhiều so với Hà Nội.

Phải thừa nhận hiệp định này đã bắt Hoa Kỳ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, thế nhưng quân Mỹ cũng đã bắt đầu rút trước đó; Nixon đã tiến hành rút quân từ năm 1969!

Bên cạnh việc mở đường cho tù nhân Mỹ được quay về, Hiệp định lại cho phép Mỹ được tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Sài Gòn - nơi chính quyền ông Thiệu vẫn ngự trị, cùng với một số lượng các sỹ quan cố vấn.

Quan trọng hơn hết, Hiệp định đã áp đặt hàng loạt hạn chế lên phía Hà Nội và kết thúc bằng sự chấm dứt viện trợ quân sự của Sô Viết và Trung Quốc cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

"Quyết định của Hà Nội ký vào Hiệp định Paris chứng minh sự mệt mỏi trước chiến tranh và sự thất bại của ý ‎ thức hệ Lê Duẩn vốn định hình chiến lược của phe Cộng sản trong chiến tranh."

Nhìn lại, thật đáng kinh ngạc khi Nixon đạt được thỏa thuận ngoại giao vào năm 1973, khi gần như không còn quân Mỹ ở Nam Việt Nam (23.500), dù là một sự thỏa hiệp ngoại giao không hoàn hảo. Đây là điều mà cả ông và Johnson không đạt được khi hơn nửa triệu quân Mỹ còn ở Việt Nam.

Chỉ cần nhìn vào thực tế như vậy cũng thấy quyết định của Hà Nội ký vào Hiệp định Paris chứng minh sự mệt mỏi trước chiến tranh và sự thất bại của ý ‎ thức hệ Lê Duẩn vốn định hình chiến lược của phe Cộng sản trong chiến tranh.

Tại sao một bên đã từng từ chối đàm phán nghiêm túc và ký thỏa thuận với Washington, giờ lại bất ngờ đổi ý vào năm 1973 nếu như không phải đã kiệt sức, thậm chí cảm thấy, dù trong một khoảnh khắc, đang thua?

Hòa bình cay đắng

Hà Nội chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, đó là điều chắc chắn, tuy nhiên họ cũng không thắng dựa trên các điều khoản của mình, là thắng một cách vô điều kiện.

image108

Hà Nội chiến thắng năm 1975 nhưng trả giá đắt

Chiến thắng của Hà Nội là một chiến thắng trả bằng cái giá đắt, không phải là một chiến thắng vẹn toàn mà những lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là Lê Duẩn, đã mường tượng khi cuộc chiến bắt đầu.

Để đạt được sự “giải phóng” hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước dưới một quốc kỳ, Hà Nội đã phải vi phạm Hiệp định Paris – thỏa thuận đã giúp cho cả Lê Đức Thọ và Kissinger, hai đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, nhận giải Nobel Hòa bình.

Việc vi phạm Hiệp định Paris, điều mà phía Mỹ ít nhất đã cố gắng tôn trọng ở mức độ không đưa quân trở lại miền Nam, đã phá vỡ hình ảnh nạn nhân của chiến tranh chỉ muốn độc lập và hòa bình mà phe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng lên hơn một thập kỷ qua.

Điều đó, cùng với những tình huống khác, đã làm giảm sự đáng tin của Hà Nội trong mắt thế giới, và một phần nào đó giải thích tại sao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại bị quốc tế bỏ rơi hồi năm 1980.

Hiệp định Paris không phải là một “thắng lợi vĩ đại” của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng và cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, phó giáo sư lịch sử ở Đại học Hawaii Pacific, Honolulu. Ông là tác giả cuốn A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement (North Carolina, 2002). Tác phẩm thứ hai của ông, Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965, sắp được nhà xuất bản Đại học California ấn hành.

Di sản tồi tệ của Nixon

Ken Hughes

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Đại học Virginia

BBC - thứ sáu, 25 tháng 1, 2013

image109

Tổng thống Nixon thăm Sài Gòn năm 1969

“Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ký ngày 27/1/1973, chưa bao giờ có vẻ sẽ có kết cuộc như tên gọi.

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã đến nghe đề nghị của Tổng thống Richard Nixon về các điều khoản. Hà Nội sẽ thả tù nhân Mỹ và để miền Nam chọn chính phủ thông qua bầu cử tự do. Nhưng hiệp định đặt quá trình bỏ phiếu trong tay một ủy ban mà chỉ có thể hành động khi toàn bộ thành viên cùng thống nhất, gồm cả phe Cộng sản và phi Cộng sản mà suốt bao nhiêu năm đánh nhau.

Tệ hơn nữa, Nixon sẽ để quân Bắc Việt chiếm và kiểm soát phần lớn miền Nam, và rút toàn bộ bộ binh sĩ Mỹ còn lại. “Sớm hay muộn, chính phủ sẽ sụp,” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tường thuật lại cho Tổng thống nghe hôm 6/10/1972: “Tôi cũng nghĩ ông Thiệu nói đúng, rằng các điều kiện của chúng ta rồi sẽ tiêu diệt (destroy) ông ta.”

Lời thừa nhận bẽ bàng của Kissinger đến từ hồ sơ chính xác và đầy đủ nhất về tổng thống: hệ thống ghi âm bí mật của Nixon. Các máy ghi âm, kết nối với microphone giấu trong Phòng Bầu dục và các phòng khác hoạt động bất cứ khi nào nhận ra âm thanh, từ 16/2/1971 đến 12/7/1973.

Tôi đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu các băng này với Trung tâm Miller của Đại học Virginia, nhưng sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm vẫn làm tôi bị sốc.

Trẻ em được dạy rằng Nixon đã hứa với nước Mỹ về “hòa bình trong danh sự” thông qua chiến lược Việt Nam hóa và thương lượng. Ông nói Việt Nam hóa sẽ giúp người miền Nam tự vệ mà không cần lính Mỹ. Ông ta nhận ra nó sẽ không làm được. “Nam Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ tồn tại được,” Tổng thống nói trên băng.

Trong ngày nhậm chức đầu tiên, ông hỏi giới chức quân sự, ngoại giao, tình báo rằng khi nào thì miền Nam có thể đối đầu Cộng sản một mình. Câu trả lời thống nhất: Chẳng bao giờ. Nixon có lựa chọn khắc nghiệt: tiếp tục gửi người Mỹ đến chiến đấu và chết, hoặc đưa quân về nhà mà biết rằng thiếu họ, Sài Gòn rồi sẽ sụp đổ. Cả hai lựa chọn đều không thể được gán nhãn “hòa bình trong danh dự” như ông hứa.

Nói dối

image110

Chu Ân Lai và Henry Kissinger trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 7/1971

Vì thế ông nói dối. Để Việt Nam hóa trông có vẻ thành công, ông lên lịch triệt thoái qua bốn năm, từ từ giảm số lính Mỹ từ 500.000 tháng Giêng 1969 xuống còn chưa đầy 50.000 vào ngày Bầu cử 1972. Trong bốn năm đó, ông có nhiều diễn văn trên truyền hình thông báo các đợt rút quân, và lần nào cũng nói nó chứng tỏ Việt Nam hóa đang hiệu nghiệm.

Mảng thương lượng trong chiến lược rút đi của Nixon cũng lừa đảo như Việt Nam hóa. “Chúng tôi muốn một cự ly an toàn”, Kissinger ghi vội trong sổ tay khi bí mật thăm Trung Quốc tháng Bảy 1971.

Suốt nhiều thập niên, Kissinger phủ nhận việc có thỏa thuận về “cư ly an toàn”, nhằm chừa ra một, hai năm giữa việc Nixon rút quân và Sài Gòn sụp đổ.

Nhưng sự phủ nhận này sụp đổ khi lời của ông ta có trên băng ghi âm và được các trợ tá ghi lại trong các thương lượng với lãnh đạo nước ngoài.

Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Kissinger phác thảo đòi hỏi của Nixon. Hòa bình không có trong đó. Nixon cần tù nhân Mỹ, triệt thoái toàn bộ, và ngừng bắn trong “khoảng 18 tháng”. Sau đó, nếu phe Cộng sản lật đổ chính phủ miền Nam, “chúng tôi sẽ không can thiệp”.

Liên Xô cũng được bảo đảm như vậy. Trong phiên họp kín với Nixon tại hội nghị thượng đỉnh Moscow 1972, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev nói:

“Tiến sĩ Kissinger nói với tôi rằng nếu có thỏa thuận hòa bình ở Việt Nam, ngài sẽ để người Việt làm gì thì làm, cho cái họ muốn sau khoảng 18 tháng. Nếu chuyện này có thật, và nếu người Việt Nam biết chuyện này, họ sẽ thông cảm.”

"Sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm làm tôi bị sốc"

“Cự ly an toàn” phục vụ một mục tiêu chính trị quan trọng. Nếu Sài Gòn sụp ngay sau khi Nixon rút lính Mỹ cuối cùng, rõ là ông thất bại. “Về đối nội, lâu dài nó không giúp chúng tôi vì các đối thủ sẽ nói lẽ ra chúng tôi phải làm chuyện đó từ ba năm trước,” Kissinger nói.

Chính trị chi phối các quyết định quân sự của tổng thống. Trong năm nhậm chức đầu tiên, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa làm thăm dò bí mật để xem cách chấm dứt chiến tranh nào được ủng hộ nhất. Đến 66% ủng hộ đánh bom và bao vây miền Bắc để Hà Nội đồng ý thỏa thuận bao gồm bầu cử tự do ở miền Nam.

Những người được hỏi nói họ ủng hộ ném bom và bao vây trong sáu tháng. Ngày 8/5/1972, sáu tháng trước bầu cử, Tổng thống Nixon lên truyền hình nói sẽ đánh bom và đặt mìn ở các cảng miền Bắc.

Nhưng đến tháng 8, CIA ước tính Hà Nội vẫn đưa được 3000 tấn chiến cụ vào miền Nam mỗi ngày. Tuy vậy, mặc dù đánh bom là thất bại chiến lược, nó lại thành công theo cách có ý nghĩa nhất cho Nixon. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân ủng hộ việc gia tăng đánh bom.

Khi miền Bắc chấp nhận điều kiện của Nixon không lâu trước Ngày Bầu cử, nó có vẻ nước cờ quân sự của Nixon khiến kẻ thù phải gục ngã. Nhưng không phải. Hà Nội đồng ý thỏa thuận với cùng lý do khiến miền Nam từ chối. Cả hai phe nhận ra nó sẽ dẫn tới việc Cộng sản kiểm soát miền Nam, y như Nixon và Kissinger đã biết.

Huyền thoại sai lầm

image111-content

Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 năm 1975

Người Mỹ không biết tổng thống của mình đã làm gì. Các cuốn băng của ông bí mật, ghi chép đối thoại của ông và Kissinger với các lãnh đạo Cộng sản được giữ bí mật. Vào Ngày Bầu Cử, Nixon giành 60.7% phiếu bầu, cao hơn mọi ứng viên Cộng hòa trong lịch sử.

Sau này, Nixon cáo buộc Quốc hội Mỹ đã tạo ra thất bại trong khi chiến thắng trong tầm tay. Một cách chỉ trích là lên án Quốc hội đã giảm viện trợ cho Sài Gòn. Đúng là các nghị sĩ đã cho miền Nam ít hơn những gì Nixon và Tổng thống Gerald Ford yêu cầu. Nhưng dù có tăng gấp đôi, gấp ba, Sài Gòn vẫn sụp đổ theo các điều khoản của Nixon. Miền Nam không thể chống đỡ Cộng sản khi thiếu hỗ trợ của bộ binh Mỹ.

Ngay cả ngày nay, chiến lược thực sự của Nixon vẫn gần như không được công chúng biết, mặc dù giới học giả đã viết về nó từ nhiều năm. Jeffrey Kimball in hai tác phẩm bước ngoặt, Nixon’s Vietnam War và The Vietnam War Files, sử dụng tài liệu giải mật để chứng tỏ Nixon đã tạo dựng “cự ly an toàn” ra sao. Julian Zelizer mô tả Nixon gắn việc rút quân với bầu cử 1972 trong Arsenal of Democracy.

Nhưng huyền thoại Nixon bị đâm sau lưng vẫn sống. Khi các chính trị gia và chuyên gia tranh luận làm sao, khi nào thoát khỏi Afghanistan (như Iraq trước đó), họ trích dẫn sai lầm lịch sử “thành công” của Nixon khi đào tạo miền Nam biết tự vệ và thương lượng để giải quyết khác biệt thông qua bầu cử tự do – hai điều mà Nixon chưa bao giờ làm được.

Kỷ niệm 40 năm Hiệp định “Hòa bình” Paris cũng cùng một tháng đánh dấu 100 năm ngày sinh Nixon. Nay đúng là dịp để giải phóng đầu óc và chính trị của chúng ta khỏi di sản tồi tệ nhất của Nixon.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, làm việc ở Chương trình Băng Ghi âm Tổng thống của Trung tâm Miller, Đại học Virginia từ năm 2000.

Người thắng, kẻ thua ở Hiệp định Paris

Tiến sĩ Harish Mehta

BBC - thứ ba, 22 tháng 1, 2013

image112

Hai nhân vật chính của hòa đàm: Lê Đức Thọ và Henry Kissinger

Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) đều nhanh chóng tự nhận việc ký Hiệp định Hòa bình Paris 1973 là thắng lợi của mình và là thất bại cho đối phương.

Tôi cho rằng thỏa thuận hòa bình này là khoảnh khắc chiến thắng lịch sử cho Bắc Việt vì nó củng cố niềm tin của họ rằng chính phủ Mỹ rồi sẽ kiệt lực và rút quân khỏi Việt Nam. Đó là chiến thắng chiến lược cho Hà Nội vì thỏa thuận hòa bình đánh dấu thời khắc thất bại lịch sử về ba mặt của chiến lược Mỹ - quân sự, ngoại giao và chiến lược.

Quân đội Mỹ đã không đè bẹp được quân đội Bắc Việt, và cũng không phát triển được quân miền Nam thành bộ máy chiến đấu hiệu quả. Ngoại giao Mỹ của Ngoại trưởng Henry Kissinger không buộc được quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, mở đường cho sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975. Sau chót, chiến lược kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc của Mỹ thất bại thảm hại, vì đa phần nông thôn miền Nam đã do cách mạng nắm giữ, và năm 1975 thì cả nước nằm dưới sự kiểm soát của người cộng sản.

Một số người trong quân đội Mỹ và sử gia quân sự Mỹ vẫn tin rằng quân Mỹ lẽ ra đã thắng nếu các tổng thống Mỹ không trói tay họ. Họ nói giới làm chính sách đã áp đặt hạn chế lên cách đánh, vì dụ cấm xâm lược bằng đường bộ ra miền Bắc và đánh bom các thành phố miền Bắc.

Quan điểm này hoàn toàn vô căn cứ vì không có hạn chế nào cả. Máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc nặng nề, và sau tám năm giao tranh (1964-1972), chúng vẫn không đánh bại được miền Bắc. Nhưng Tổng thống Lyndon Johnson không cho phép lính Mỹ vượt vĩ tuyến 17 vì ông lo ngại Trung Quốc sẽ gửi vài sư đoàn ra chiến đấu chống Mỹ.

Thỏa thuận hòa bình đem lại lối thoát “danh dự” mà Tổng thống Richard Nixon hằng mong muốn, và lẽ ra đã có sớm hơn nếu ông thực muốn muốn đem lại hòa bình. Nhưng Nixon tiếp tục thả bom miền Bắc trong khi đang đàm phán với Hà Nội. Rốt cuộc, Nixon đã kéo dài cuộc chiến, chỉ làm tăng số lính chết cả của Mỹ và Việt Nam.

Khi thỏa thuận hòa bình được ký, nó có lợi cho Bắc Việt hơn là Hoa Kỳ. Các điều khoản quân sự bao gồm ngừng bắn ngay lập tức ở miền Nam; dừng mọi hành động chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gỡ bỏ mìn mà Mỹ rải ở miền Bắc; triệt thoái toàn bộ lính và cố vấn Mỹ còn ở miền Nam (khoảng 24.000 người), và bỏ các căn cứ Mỹ trong vòng 60 ngày; 150.000 lính miền Bắc ở miền Nam vẫn được ở lại; Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không gửi thêm quân vào miền Nam.

Tương tự, các điều khoản chính trị đem lại lợi thế thực sự cho Bắc Việt như việc công nhận cả chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Cả hai chính phủ phải thành lập Hội đồng Hòa giải Quốc gia để tiến hành bầu cử nhằm có một chính phủ mới.

image113

Ảnh chụp 5/6/1974: Bất chấp hiệp định, chiến tranh vẫn tiếp diễn

Rõ ràng có những khiếm khuyết trong thỏa thuận. Trước hết, nó không giải quyết vấn đề căn bản là ai sẽ cai trị miền Nam. Câu hỏi được để lại cho tương lại, và sau đó do miền Bắc giải quyết nốt bằng việc dùng vũ lực năm 1975. Thứ hai, hiệp định chỉ đem lại ngừng bắn, chứ không kết liễu chiến tranh. Thứ ba, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải dùng ngoại giao để tiễn chân Mỹ khỏi Việt Nam. Điều này có nghĩa là chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Thiệu thêm vài năm. Cuối cùng, cả Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều không có ý định tuân thủa Hiệp định Paris. Hoa Kỳ sẽ giữ lại vài cố vấn ở Sài Gòn, tham dự các vai trò không dính đến chiến đấu. Quân Mỹ để lại vũ khí cho chính phủ Sài Gòn, và rồi giải thích vì chúng không còn là của Mỹ nên Mỹ không phải rút chúng ra khỏi Việt Nam. Còn Bắc Việt vẫn giữ quyết tâm nắm quyền ở miền Nam.

Người thắng, kẻ thua

Hiệp định hòa bình tạo ra người thắng, kẻ thua rõ ràng. Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến và lấy lại tù binh. Hà Nội thôi bị đánh bom, nhưng ông Thiệu chẳng được gì. Tháng Sáu 1973, Quốc hội Mỹ thông qua luật ngay lập tức ngừng đánh bom Campuchia, và chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương.

"Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến và lấy lại tù binh. Hà Nội thôi bị đánh bom, nhưng ông Thiệu chẳng được gì."

Tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua luật buộc tổng thống báo cho Quốc hội trong vòng 48 tiếng quyết định điều quân Mỹ trong chiến tranh, và triệt thoái trong vòng 60 ngày nếu không có phép của Quốc hội. Hai biện pháp này đã khiến Nixon không còn khả năng can thiệp ở Đông Dương.

Bị cô lập, chính thể Sài Gòn ở trên bờ vực sụp đổ kinh tế. Siêu lạm phát đe dọa khi giá gạo tăng 100%, giá đường 107% và dầu ăn 139% vào giữa năm 1974. Hoa Kỳ cũng giảm mạnh viện trợ cho miền Nam, từ 2.3 tỉ đôla năm 1973 còn 1.1 tỉ năm 1974, và cuối năm đó còn có những cắt giảm khác.

Đó là nền hòa bình không hoàn hảo, nhưng lại là một nền hòa bình rồi sẽ giúp Bắc Việt thống nhất đất nước.

Ông Harish Mehta từng là phóng viên ở vùng Đông Nam Á cho báo Busines Times từ 1987 đến 2003, đã đi Việt Nam nhiều lần. Ông nhận bằng tiến sĩ ở Đại học McMaster, Canada năm 2009 với luận án về Ngoại giao của miền Bắc Việt Nam 1965-1972.

'Một lần lỡ thời cơ mất cả trăm năm'

BBC - thứ năm, 24 tháng 1, 2013

image114

Ông Nguyễn Mạnh Cầm là bộ trưởng ngoại giao cuối cùng (không kiêm nhiệm) có chân trong Bộ Chính trị

Cựu bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nói "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy 'một mất một còn' vẫn nổi trội trong các mối bang giao".

Ông cũng nói về tầm quan trọng trong xây dựng các mối quan hệ đối tác, trong đó có quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ.

Ông Cầm, 85 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng từ 1991-2000, Phó Thủ tướng từ 1997-2002, và là bộ trưởng ngoại giao không kiêm nhiệm cuối cùng có chân trong Bộ Chính trị Đảng CSVN.

Ông vừa có bài Bấm trả lời phỏng vấn báo điện tử Tuần Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hòa đàm Paris, trong đó ông đưa ra một số bình luận về chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam gần nửa thế kỷ qua.

Người từng làm công việc theo dõi hội đàm Paris và thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, sau đó đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam trong gần 10 năm, thừa nhận chính sách "cân bằng động" trong quan hệ với hai đồng minh lớn của Việt Nam thời kỳ chiến tranh với Hoa Kỳ - Liên Xô và Trung Quốc.

Chính sách này dựa trên nền tảng "một lý do quan trọng mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!".

Trong khi khen ngợi thành công trong đấu tranh ngoại giao để đi đến thực sự kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Cầm cũng nói đến điều mà ông gọi là 'cơ hội bị bỏ lỡ'.

Trước hết, theo ông, cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ sau Hiệp định Paris "do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn".

Đồng thời, trong những năm sau đó, "cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm".

'Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời '

Theo cựu ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, thách thức đặt trước dân tộc Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại là tư duy đối đầu, triệt tiêu lẫn nhau trong quan hệ với các nước ngoài.

Bên cạnh đó, là chính sách của nước lớn đối với nước nhỏ, mà ông gọi là "tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt", tuy không chỉ rõ tên cường quốc.

"Đấy chính là khởi nguồn đã gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử, nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều điều khó dự đoán!"

"Cơ hội bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ bị đẩy lùi hàng chục năm cũng là do tư duy đối đầu ấy gây ra!"

Ông cảnh báo: "Vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là bài học vô cùng quan trọng".

"Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể của cách mạng."

Một số năm trước đây, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã có quan điểm trong thượng tầng lãnh đạo Việt Nam cho rằng nên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiến trình này tới nay chưa dịch chuyển được bao nhiêu.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm kêu gọi "vấn đề thời cơ, vấn đề tập hợp lực lượng, ngày nay ta gọi là xây dựng hệ thống các quan hệ đối tác, là những vấn đề cốt tử của cách mạng".

Ông cũng trích lời Nguyễn Trường Tộ, người được xem như một trong các ông tổ của ngành ngoại giao Việt Nam: "Một lần nhỡ thời cơ, hận muôn đời. Khi quay đầu nhìn lại, cơ đồ mất trăm năm".

27 Tháng Ba 2017(Xem: 7404)
- https://www.youtube.com/watch?v=p_m-a66M45I - https://www.youtube.com/watch?v=Y5VhjRCEnTY