"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 11 DEC 2015
P-8A Poseidon là Singapore
Vì sao P-8A bám trụ ở căn cứ Changi mà không ở Subic?
Biển Đông rộng khoảng 3 triệu 5 km2 có khoảng138 đảo lớn nhỏ. Vịnh Bắc bộ rộng khoảng 126.250 km². Vịnh Thái Lan rộng khoảng 320.000 km2. Nước Cộng Hòa Singapore là một đảo quốc nhỏ xíu nằm tận cùng mũi phía nam của Tây Malaysia, rộng có hơn 700km2 so với Malaysia là 329.847 km².
Nếu Subic - Manila tọa lạc ở vị trí bảo vệ chủ quyền biển Tây Philippines và quan sát Biển Đông của Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, thì căn cứ Singapore Changi Airport tọa lạc ở một vị trí cực kỳ quan trọng đối với biển nam, cực Nam Trường Sa. Không những Singapore như là một quan ải trấn ngay mũi cuối của eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương thông qua Biển Đông, nó có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Singapore , vùng biển Malaysia, Brunei, mà còn có trách nhiệm nhìn ngược về phía Tây Bắc là bờ biển dài Malaysia và Vịnh Thái Lan. Cộng lại hai vùng biển này có đến cả triệu km2 không kém gì Biển Đông.
Với vị trí "trời cho" như vậy, Singapore trở nên một tọa độ chiến lược về an ninh quốc phòng đối với các quốc gia ven biển Đông - Đông Nam Á. Trong vai trò một đồng minh quân sự chiến lược với Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, Singapore còn viễn kiến một tương lai khá mù mờ của Asean bước vào thế kỷ 21 dưới ảnh hưởng trùm lấp của Trung Quốc.
Singapore còn dự báo về "Canh bạc Biển Đông", nói cho đúng hơn: "Canh bạc Trung tâm quần đảo Trường Sa" báo Văn Hóa-California gọi là Vùng 2 chiến thuật, có thể sắp tới hồi hạ màn. Sự kiện Tòa Thường Trực La Haye xử vụ kiện của Philippines đối với tham vọng lưỡi bò Trung Quốc, và các mũi giáo hung hãn cải tạo 7 đảo nhân tạo đường đường 12 hải lý chưa thể đi đến kết luận lạc quan hay bi quan.
Tuy là một đảo quốc nhỏ xíu, nhưng mới đây, Hàng không Mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã cập bến Changi trước khi ra tiến ra biển Nam Trường Sa; và vừa rồi 7/12/2015, một thỏa thuận giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Singapore Ng Eng Hen đã đồng ý cho Thám thính cơ tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ P-8A Poseidon, sẵn sàng cất cánh ở phi trường Singapore Changi Air Port, nơi thường diễn ra các "Air Show" quốc tế.
Động thái quân sự này khiến các nhà quan sát suy nghĩ: Singapore đang chuẩn bị đối phó trước xu thế gì?
Có thể là hơi cường điệu: P-8A Poseidon tức là Singapore.
Nhiều luồng dư luận nhận định rằng sân bay Changi trở nên là nơi lên xuống của P-8A báo hiệu một hoạt động đột phá mới của Hoa Kỳ về việc bảo đảm quyền tự do hàng hải hàng không nhằm đối đầu lại tham vọng độc quyền Biển Đông của Trung Quốc; Thật ra, qua lời loan báo của giới chức có thẩm quyền về P-8A, tầm hoạt động của P-8A sẽ tỏa rộng ở nhiều khu vực, nhiều lãnh vực.
Thế nhưng, cụ thể, các nhà quan sát Biển chưa thể nắm chắc tầm hoạt động của P-8A sẽ là ở những nơi nào, những con mắt do thám hàng đầu của P-8A nhắm vào mục tiêu gì.
Hải đồ minh họa của báo Văn Hóa-California dưới đây mô tả các khu vực biển mà sự xuất hiện của P-8A cất cánh từ Singapore Changi có khả năng theo dõi.
Hải đồ minh họa của Văn Hóa phân tích: Đường mầu vàng lớn: Con đường tơ lụa (Một vành đai, một lộ trình) của Trung Quốc sẽ đi xuyên qua các thành phố duyên hải Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, xuyên qua kênh đào tương lai Kra Chumphon, Myanmar, v...
Mầu trắng: Tuyến hàng hải Quốc tế từ eo Malacca xuyên qua Biển Đông.
Mầu đỏ: Khu vực quần đảo Trường S được chia làm 5 vùng chiến thuật. Vùng 1 Bắc Trường Sa; Vùng 2 Trung tâm quần đảo Trường Sa, khu vực trung tâm bao trùm 7 đảo nhân tạo do Trung Quốc bổ đắp cải tạo, khu vực này giáp ranh biển Tây Philippines; Vùng 3 biển Nam Trường Sa; Vùng 4 biển Nam Trường Sa giáp ranh biển Malaysia và Vịnh Thái Lan; Vùng 5 cực Nam Trường Sa giáp ranh biển Malaysia, Brunei.
Mũi tên đỏ: Đường biên ngăn cách biển Malaysia với Vịnh Thái Lan tính từ mũi Cà Mau tới hải cảng Kota Baharu. Các mũi tên đỏ nhỏ là đường đi từ kênh đào Kra qua Biển Đông sẽ rút ngắn được hải trình hơn 24 tiếng thay vì phải đi qua eo biển Malacca và mũi Singapore.
Một khi kênh đào Kra do Trung Quốc đầu tư hoàn thành, đảo quốc Singapore héo hon. Phú Quốc trù phú. Diện mạo Đông Nam Á thay đổi vô lường.
Đường mầu xanh: Vành đai phòng thủ và tấn công của Mỹ từ Manila kéo dài tới Puerto Princesa Palawan, hải cảng Hoàng Gia Kota Kinabalu, Hải cảng Bintulu, hải cảng Singapore, đảo Natuna của Indonesia, Kota Baharu của Malaysia (7 căn cứ).
Đường mầu xám lớn: Tầm hoạt động của Thám thính cơ P-8A Poseidon rất rộng lớn, bao trùm Vịnh Thái Lan, biển Malaysia, Vủng, 4 Nam Trường Sa,Vùng 5 biển cực Nam Trường Sa. Các khu vực này cộng lại rộng cả triệu km2.
Chấm đen ở đảo Phú Quốc: Vào ngày 3 tháng 6, 2013, nhân chuyến đi từ Hà Nội qua gặp gỡ Cộng đồng Việt - Mỹ và thăm viếng Quận Cam, Đại sứ David Shear trong buối nói chuyện với giới trẻ Phòng Thương Mại Việt Mỹ, ông đã trao đổi ngắn với nhà báo Lý Kiến Trúc (Câu Lạc Bộ Văn Hóa Truyền Thông) về an ninh và lợi ích quốc gia Hoa Kỳ ở Biển Đông; nhân đó ông thông báo một tin vui Tập đoàn Dầu khí Chevron của Hoa Kỳ vừa mới khai quật được mỏ có dầu ở gần đảo Phú Quốc - Vịnh Thái Lan.
Dầu khí vẫn là yếu tố hàng đầu của lợi ích chứ không phải chỉ có việc chủ quyền bảo toàn lãnh thổ.
Vịnh Thái Lan: Một vùng biển rộng 320.000 km2 vẫn còn hoang sơ chưa vấy tay người đào xới và xa, rất xa bàn tay tham lam Trung Nam Hải.
Chumphon - Kra Canal: Eo đất vô giá của Thái Lan rộng chỉ có 102km bề ngang, cắt eo đất này hải lưu và môi trường sinh thái của Ấn Độ Dương và Vịnh Thái Lan xúc tác rất lớn đến đời sống hàng trăm triệu dân cư.
Lý Kiến Trúc
++++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Singapore xích lại gần Mỹ hơn trên hồ sơ Biển Đông
Một góc quang cảnh tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN 71) đang trên đường tới Singapore, ngày 23/10/2015AFP PHOTO / ROSLAN RAHMAN
Khi quyết định cho Mỹ triển khai phi cơ do thám hiện đại P8 Poseidon ngay trên lãnh thổ của mình, với địa bàn hoạt động rõ ràng là Biển Đông, Singapore như đã cho thấy là họ đang đứng về phía Mỹ trong hồ sơ Biển Đông, nhân danh việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không đang bị những hành vi quyết đoán của Trung Quốc đe dọa.
Quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Singapore và Hoa Kỳ không phải là một bí mật, vì ngay từ năm 1990, Singapore đã đồng ý mở cửa một phần các căn cứ của mình để cho đồng minh Mỹ sử dụng, mà cụ thể là mở quân cảng Changi cho chiến hạm Mỹ, kể cả hàng không mẫu hạm. Trong toàn vùng Đông Nam Á, Changi là cảng duy nhất có khả năng đón tiếp tàu sân bay Hoa Kỳ.
Bản Thỏa thuận ghi nhớ về quốc phòng Mỹ-Singapore ký kết vào khi ấy không được các láng giềng của Singapore tán đồng. Cho dù vậy, Singapore vẫn coi trọng quan hệ với Mỹ, và qua năm 2005, hai bên ký kết một hiệp ước khung về hợp tác chiến lược - Strategic Framework Agreement - để thắt chặt thêm hợp tác quốc phòng và quân sự. Công cuộc hợp tác này đã được tăng cường đáng kể với Hiệp ước Hợp tác Tăng cường về Quốc phòng - Enhanced Defense Cooperation Agreement - ký kết hôm nay tại Washington.
Để bảo đảm năng lực quốc phòng, Singapore không ngần ngại đầu tư mạnh vào quân đội và vũ khí hiện đại. Trong số các nước vùng Đông Nam Á, Singapore nổi bật là nước duy nhất đã rất thận trọng, không mua thiết bị từ Trung Quốc hoặc từ Nga.
Từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tung ra chiến lược xoay trục qua Châu Á, vào lúc Trung Quốc ngày càng có những hành vi hung hăng quyết đoán nhằm áp đặt chủ quyền Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, Singapore đã trở thành một nước Đông Nam Á hiếm hoi dám hậu thuẫn cho chiến lược xoay trục của Mỹ một cách cụ thể.
Chính Singapore đã đồng ý cho quân đội Mỹ đặt một trung tâm chỉ huy trên đất nước mình, và triển khai 4 chiến hạm mới LCS tức là tàu cận chiến duyên hải, đặt căn cứ tại quân cảng Changi, từ đó tỏa ra thực hiện các nhiệm vụ tại Biển Đông.
Sau chiếc đầu tiên là USS Freedom, vào tháng 12 năm ngoái, chiếc LCS thứ hai của Mỹ USS Fort Worth đã bắt đầu hoạt động từ Singapore. Theo kế hoạch, chiếc thứ ba sẽ đến nơi vào năm tới 2016, và đến năm 2017, sẽ có đủ 4 chiếc.
Việc Singapore bật đèn xanh cho Mỹ bố trí phi cơ do thám hiện đại P8 Poseidon cũng nằm trong chiều hướng hậu thuẫn cho chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, mà mục tiêu được tuyên bố là nhằm bảo đảm an ninh và ổn định cho toàn vùng.
Trong bối cảnh đọ sức Mỹ-Trung hiện nay, với việc Hoa Kỳ đe dọa tiếp tục tiến hành các chiến dịch tuần tra « vì quyền tự do hàng hải » tại Biển Đông, trong lúc Trung Quốc cho biết sẽ sẵn sàng phản ứng, đồng thời cho ra sức thị uy, Singapore rõ ràng là đã thiên về lập trường của Mỹ khi tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch tuần tra của Mỹ.
Có tin cho rằng sắp tới đây, rất có thể là Mỹ sẽ cử một tàu cận chiến duyên hải của mình, đặt căn cứ tại Biển Đông, thực hiện chiến dịch tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Theo các nhà phân tích, chính thái độ hợp tác không úy kỵ với Mỹ của Singapore, một quốc gia không thể bị nghi ngờ là mang nặng tâm lý chống Trung Quốc, đã thúc đẩy một số nước láng giềng bớt đi dè dặt trong việc xích lại gần Washington hơn để có đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Trong thời gian gần đây, giới quan sát đã ghi nhận một chiều hướng của Malaysia và Indonesia cảnh giác hơn đối với Trung Quốc. Trong thế cục hiện nay tại Biển Đông, cảnh giác với Trung Quốc, có nghĩa là gần gũi hơn với Mỹ./
Trọng Nghĩa RFI 08-12-2015
++++++++++++++++++++++++++++++
Mỹ điều máy bay do thám tới Singapore
Image copyright AFP Image caption Máy bay do thám P-8 Poseidon của Hoa Kỳ
Đây là hành động mới nhất trong loạt hoạt động quân sự của Hoa Kỳ nhằm đáp trả các yêu sách ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó có tin Trung Quốc sẽ xây nhiều đường băng mới trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Chiếc máy bay do thám của Hoa Kỳ do Boeing sản xuất sẽ thực hiện phi vụ ở Singapore trong vòng một tuần.
Các máy bay P-8 Poseidon đã hoạt động ở Nhật Bản và Philippines, và một số chuyến bay do thám cũng được thực hiện từ nước Malaysia láng giềng.
Thỏa thuận điều máy bay do thám, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác khác như chống khủng bố, chống cướp biển và cứu trợ thiên tai, vừa được loan báo hôm thứ Hai 7/12 tại Washington sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen.
Người ta trông đợi sẽ có các phi vụ P-8 nữa trong tương lai.
Mới đây truyền thông Nhật Bản cho hay hải quân nước này 'sẵn sàng' điều tàu chiến ra tuần tra tại Biển Đông nếu có lệnh.
Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, chỉ huy trưởng Hạm đội Phòng vệ của Nhật Bản hôm 25/11 được tờ Mainichi Shimbun dẫn lời nói lực lượng phòng vệ biển của nước này sẵn sàng tham gia các hoạt động tuần tra "vào bất cứ lúc nào".
Đường băng ở Biển Đông
- Đảo Phú Lâm
- Đá Chữ thập
- Đá Subi
- Đá Vành khăn
Website Today của Singapore hôm 7/12 đưa tin số đường băng trên các đảo mà Trung Quốc cải tạo cơi nới có thể sẽ tăng lên bốn chiếc.
Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động một đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng hai hoặc ba đường băng mới tại quần đảo Trường Sa.
Việc này, theo các chuyên gia, sẽ thay đổi mạnh cán cân quyền lực trong khu vực.
Bắc Kinh luôn khẳng định rằng các công trình trên đảo nhân tạo chỉ nhằm mục đích dân sự và tự vệ.
Ngoài đường băng trên đảo Phú Lâm dài 2,4 km, Trung Quốc đang xây đường băng hơn 3km trên Đá Chữ thập và một chiếc khác trên Đá Subi.
Cũng có tin một đường băng mới đang hình thành trên Đá Vành khăn.
Các đường băng này đều sẽ có thể sử dụng để hoạt động chiến đấu cơ.
BBC 8 tháng 12 2015