Hiệp định Paris 1973: 'Hai miền Nam Bắc cùng vi phạm'?

24 Tháng Giêng 20176:42 CH(Xem: 5674)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  25  JAN  2017


Hiệp định Paris 1973: 'Hai miền Nam Bắc cùng vi phạm'?


image039

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của CP Cách mạng Lâm thời CH miền Nam VN ký Hiệp định Paris 1973


Đúng 44 năm về trước, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon xuất hiện trên truyền hình, công bố 'hòa bình trong danh dự' tại Việt Nam.


Tuyên bố được đưa ra cùng lúc tại Washington và Hà Nội, xác nhận thỏa thuận hòa bình được ký tại Paris vào lúc 1230 giờ địa phương, dẫn tới sự chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ.


Lệnh ngừng bắn bắt đầu vào nửa đêm giờ Hà Nội, thứ Bảy 27/1, và được một lực lượng quốc tế gồm binh lính từ Canada, Ba Lan, Hungary và Indonesia giám sát.


Bài phát biểu của Tổng thống Nixon được thực hiện từ Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch ốc, và được phát đi toàn quốc trên sóng phát thanh, truyền hình.


Ông nói: "Qua nhiều năm đàm phán, chúng ta đã đạt được hòa bình trong danh dự."


"Trong thỏa thuận nay đã được [các bên] đồng ý, mọi điều kiện tôi đưa ra đều đã được đáp ứng."


Trong các điều kiện được nêu, có yêu cầu phải trao trả tù nhân chiến tranh trong vòng 60 ngày, và toàn bộ các lực lượng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Việt Nam trong cùng thời gian này.


Một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày, có thể là ở Vienna, để đảm bảo đạt được hòa bình.


Các lực lượng Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột ở Việt Nam tính tới khi đó đã là được hơn một thập niên.


Vào năm 1967, có nửa triệu lính Mỹ được triển khai tại Việt Nam.


Với người dân Nam Việt Nam, vị tổng thống Hoa Kỳ đưa ra thông điệp: "Bằng sự quả cảm, sự hy sinh của mình, các bạn đã giành được quyền quý giá là quyền quyết định tương lai của chính mình, và các bạn đã có được sức mạnh để bảo vệ quyền đó."


Với giới lãnh đạo Bắc Việt Nam, ông nói: "Bởi chúng ta đã kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán, chúng ta hãy xây dựng hòa bình, hòa giải."


BBC Tiếng Việt điểm lại một số nội dung liên quan tới sự kiện lịch sử này:


Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica):


"Ngày 29/03/1973, đơn vị tác chiến cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Vào thời gian đó, cả lực lượng Cộng sản và Nam Việt Nam (VNCH) đã can dự vào điều mà báo giới gọi là 'cuộc chiến sau chiến tranh' (postwar war). Hai bên cùng cáo buộc, khá đúng, rằng bên kia vi phạm các điều khoản của hiệp định.


image040

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam - hình tư liệu


Tom Valentine(thevietnamwar.info):


"Cả hai người, Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đều được ca ngợi nhờ vai trò dẫn đầu tạo ra thỏa thuận hòa bình. Cả hai được trao giải Nobel Hòa bình nhưng ông Thọ đã từ chối nhận.


Dù có nhiều nỗ lực đàm phán và thỏa thuận, Hiệp định Paris đã không tạo ra hiệu ứng thực. Trên thực tế, nó bị quân đội của cả hai miền Nam và Bắc vi phạm trắng trợn, đặc biệt là Bắc Việt vì quân của họ cùng lực lượng Việt Cộng liên tiếp tấn công các tỉnh miền Nam. Hai năm sau, trong 'Chiến dịch Hồ Chí Minh' vào mùa xuân 1975, quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn và chấm dứt 30 năm chiến tranh..."


VietnamNet (17/01/2013) đăng lại bình luận của sử gia Canada Gabriel Kolko:


image041

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quân lực VNCH sơ tán dân khỏi Bến Súc, Dầu Tiếng năm 1967 - hình tư liệu


"...Những người Cộng sản đã dốc hết sức, lại kém xa về quân số và trang thiết bị so với các lực lượng của Thiệu, do Thiệu nhận được một nguồn cung quân sự khổng lồ từ Mỹ mà phần lớn trong số đó họ không thể bảo trì hoặc vận hành. Những vũ khí mới này không chỉ là một sự vi phạm Hiệp định Paris mà chúng còn khuyến khích Thiệu dám liều về quân sự, mà rút cục ông ta đã bị đánh bại.


Thực tế kể trên đã khiến quân đội Mỹ đi đến kết luận rằng tiếp thêm vũ khí cho chính quyền Sài Gòn chỉ lãng phí tiền của (hóa ra đúng như vậy). Hơn nữa, vào năm 1973, nhiều sĩ quan Mỹ hiểu rõ thực tế rằng nhiệm vụ chủ yếu của tư lệnh quân đội của Thiệu là củng cố quyền lực chính trị cá nhân của ông này hơn là phục vụ như một lực lượng chiến đấu hiệu quả - và rằng sự vượt trội về vũ khí của lực lượng này là vô nghĩa..."


Cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm trả lời BBC Tiếng Việt 20/01/2013:


Ông Bùi Diễm, người cũng là quan sát viên do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định tại Hòa đàm ở Paris, phản bác một số ý kiến nói chính Chính quyền Sài Gòn đã 'vi phạm hiệp định:


"Nếu nói chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã vi phạm hiệp định Ba-Lê là quá đáng là bởi vì sự thực ra những người ở miền Bắc đã chủ trương rõ rệt là để lại, mà họ đã làm được việc đó qua Hiệp định Ba-Lê, là giữ lại một số quân của họ ở trong miền Nam.


Và đến khi Hiệp định Ba Lê ký kết, thì những lực lượng võ trang đó bắt đầu khởi một cuộc công kích, mà người ta thấy về sau có những trận như trận Bình Long, rồi những trận ở Ban-Mê-Thuật, rồi từ đó mới lan sang trường hợp gọi là chiến tranh quy mô, những đoàn quân miền Bắc tiến vào miền Nam."


image042

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quân Bắc Việt và Mặt trận miền Nam Việt Nam - hình tư liệu


Quan điểm của Pierre Asselin (ĐH Honolulu, 28/01/2013):


"Hà Nội chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, đó là điều chắc chắn, tuy nhiên họ cũng không thắng dựa trên các điều khoản của mình, là thắng một cách vô điều kiện.


Chiến thắng của Hà Nội là một chiến thắng trả bằng cái giá đắt, không phải là một chiến thắng vẹn toàn mà những lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là Lê Duẩn, đã mường tượng khi cuộc chiến bắt đầu.


Để đạt được sự “giải phóng” hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước dưới một quốc kỳ, Hà Nội đã phải vi phạm Hiệp định Paris - thỏa thuận đã giúp cho cả Lê Đức Thọ và Kissinger, hai đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, nhận giải Nobel Hòa bình.


Việc vi phạm Hiệp định Paris, điều mà phía Mỹ ít nhất đã cố gắng tôn trọng ở mức độ không đưa quân trở lại miền Nam, đã phá vỡ hình ảnh nạn nhân của chiến tranh chỉ muốn độc lập và hòa bình mà phe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng lên hơn một thập kỷ qua.


Điều đó, cùng với những tình huống khác, đã làm giảm sự đáng tin của Hà Nội trong mắt thế giới, và một phần nào đó giải thích tại sao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại bị quốc tế bỏ rơi hồi năm 1980.


Hiệp định Paris không phải là một thắng lợi vĩ đại của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng và cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975...". (BBC 23/1/2017)
31 Tháng Bảy 2018(Xem: 7119)
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4750)