Những bóng ma Hàn Quốc ở Việt Nam

12 Tháng Hai 201910:37 CH(Xem: 6292)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ C - THỨ TƯ 13 FEB 2019


Những bóng ma Hàn Quốc ở Việt Nam


Posted on 12/02/2019 by The Observer


image047


Nguồn: Heonik Kwon, “Vietnam’s South Korean Ghosts”, The New York Times, 10/07/2017.


Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Cư dân làng Hà My, một ngôi làng ở miền trung Việt Nam, có thể kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện sống động về những con ma thời chiến tranh của mình – “những người hàng xóm vô hình,” theo lời một vị đạo sĩ địa phương. Những con ma ấy rất đa dạng: có thể là bóng ma một bà mẹ trẻ có hai con nhỏ đã trở nên quen thuộc với dân làng Hà Gia, một ngôi làng bên cạnh Hà Mỹ, hay là con ma “cắm đầu xuống đất” thường xuất hiện và di chuyển bằng đầu của nó, mà người dân địa phương lý giải là do xác được chôn một cách bất thường.


Nhiều con ma ngoại quốc cũng trú ngụ quanh làng Hà My, bao gồm hai con ma lính Mỹ cực kỳ nhút nhát và lúc nào cũng đói khát. Và đặc biệt là sự xuất hiện một bóng ma đàn ông châu Á không-phải-người-Việt Nam mặc đồng phục chiến đấu của Mỹ. Dân địa phương suy đoán rằng đây là linh hồn của một người lính Hàn Quốc bị giết gần miệng hố bom, mà nay người ta dùng làm ao cá.


Không khó hiểu khi một ngôi làng ở miền trung Việt Nam bị ám bởi những con ma người Pháp và Mỹ. Nhưng tại sao lại có một con ma Hàn Quốc? Người lính này làm gì ở Việt Nam?


Đến cuối năm 1967, số lính Mỹ ở Việt Nam đã lên tới 500.000 người, nhưng từng đó vẫn không đủ. Và thế là ở vùng duyên hải miền Trung, nhiệm vụ bình định hóa vùng nông thôn rộng lớn được đặt lên vai một đội quân 50.000 người đến từ đồng minh Châu Á chủ chốt của Việt Nam Cộng hòa: Hàn Quốc. Gần như đã bị lãng quên bên ngoài Hàn Quốc ngày nay, những người lính này được đưa đến những chiến trường bấp bênh nhất – khoảng 60-80% nông thôn miền Trung Việt Nam khi đó nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay còn gọi là Việt Cộng.


Việc Hàn Quốc tham gia Chiến tranh Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chiến lược Việt Nam của Lyndon Johnson và là một phản ứng trước những biến đổi khó lường của Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Tổng thống Johnson cần những người lính này vì ông muốn tăng số lượng bộ binh ở Việt Nam mà không phải đối đầu với một công chúng Mỹ đang ngày càng hoài nghi. Người Hàn Quốc mang theo vũ khí của người Mỹ, nhưng phần lớn hoạt động của họ bị báo chí Mỹ phớt lờ – và đó chính là điều Washington mong đợi.


Người Hàn Quốc có lý do riêng của mình để hiện diện tại Việt Nam. Họ đã được cảnh báo về kế hoạch của Mỹ nhằm chuyển hai sư đoàn đang đóng quân tại Hàn Quốc sang Việt Nam, cũng như hệ lụy của động thái này đối với an ninh quốc gia Hàn Quốc trong quan hệ với Bắc Hàn. Và vì vậy, họ ủng hộ sự nghiệp chống cộng ở nước ngoài, điều mà một quan chức từng gọi là “cuộc thanh chiến bảo vệ thế giới tự do.” Nam Hàn cũng muốn biến kinh nghiệm Việt Nam của mình thành bàn đạp phát triển kinh tế sau khi bị Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tàn phá, giống như trường hợp Nhật Bản hồi sinh sau khi bị phá hủy trong Thế chiến II.


Những người lính Hàn Quốc cũng nhìn thấy một cơ hội. Một mặt, họ có thể đền đáp những gì họ thực sự tin là một ‘món nợ’ đối với những hy sinh của người Mỹ ở Hàn Quốc; mặt khác, tiền lương lính chiến có thể giúp gia đình của họ tồn tại ở một đất nước vẫn còn nghèo đói.


Ký ức về Chiến tranh Triều Tiên còn ảnh hưởng đến diễn biến của Chiến tranh Việt Nam theo những cách khác. Ám ảnh với hành động can thiệp của Trung Quốc tại Triều Tiên vào tháng 10/1950, Mỹ chưa bao giờ xem xét khả năng đẩy lùi cộng sản Bắc Việt ra khỏi vĩ tuyến 17, vốn là ranh giới chia cắt hai miền Việt Nam. Các tướng tá và chính trị gia hàng đầu của Hàn Quốc khoe khoang về hiệu quả của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh chống du kích nhờ kinh nghiệm Chiến tranh Triều Tiên – điều mà Quân đội Mỹ, những người chỉ có kinh nghiệm chiến tranh thông thường, được cho là ít nắm vững hơn.


Cùng lúc đó, Bắc Hàn tiến hành một loạt các hành động khiêu khích chống lại Hàn Quốc, một phần để đánh lạc hướng sự chú ý của Mỹ khỏi Việt Nam. Và chính trong thập niên 1960, khi nước Mỹ bận rộn ở những nơi khác, Bình Nhưỡng đã bắt đầu cái gọi là ‘chính trị song song’ (parallel politics), nhằm theo đuổi cả phát triển kinh tế và tiến bộ quân sự – một chính sách vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.


Ngay cả ngôn ngữ cũng được chuyển từ cuộc chiến này sang cuộc chiến khác. “Gook” một từ mang tính miệt thị mà người Mỹ dùng để gọi người Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên, giờ đây được dùng để chỉ tất cả người Việt Nam – cũng như tất cả những người Hàn Quốc đã đến để giúp người Mỹ chiến đấu. Thật vậy, bất chấp chủ nghĩa lý tưởng của họ khi chiến đấu bên cạnh người Mỹ, thực tế phân biệt chủng tộc nhanh chóng trở thành nguồn gốc khiến lính Hàn Quốc thất vọng và vỡ mộng sâu sắc với sức mạnh của Mỹ.


Nhưng họ không trốn tránh bổn phận của mình; thực ra, quân đội Hàn Quốc đã nhanh chóng nổi danh là lực lượng chiến đấu hung dữ – và cũng như người Mỹ, họ nhanh chóng thấy mình bị sa lầy trong một cuộc “chiến tranh nhân dân” với một kẻ thù kiên định và nhiều quyết tâm. Kết quả đã được dự đoán trước, nhưng điều đó chẳng làm nó kém phần bi thảm.


Ngày 25/02/1968, binh lính Hàn Quốc đã vây bắt và giết chết 135 cư dân không vũ trang của làng Hà My. Một tháng sau, một thảm kịch tương tự xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi, mà sau đó được cộng đồng quốc tế gọi là vụ Thảm sát Mỹ Lai. Hai sự cố này chỉ là một phần nhỏ trong số lượng thương vong khổng lồ của cuộc chiến, một phần nhỏ trong những cuộc tấn công có hệ thống chống lại thường dân bởi bộ binh vốn càn quét khắp miền Trung Việt Nam vào năm 1967.


Các cuộc thảm sát ở Hà My và Mỹ Lai thực ra có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sự kiện Hà My diễn ra ngay sau khi Trung đoàn 5 của Thủy quân lục chiến Mỹ chuyển giao trách nhiệm an ninh khu vực này cho các binh sĩ Hàn Quốc. Còn sự kiện Mỹ Lai diễn ra ngay sau khi quân Mỹ lấy lại quyền kiểm soát khu vực này từ tay Lữ đoàn 2 của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc.


Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bi kịch phát sinh từ tình thế địa chính trị của Chiến tranh Lạnh, trong đó các nước ở hai phe đã liên kết với nhau trong các cuộc xung đột cách xa quê hương họ. Mỹ và Hàn Quốc đã liên minh với nhau dưới danh nghĩa của một cuộc thập tự chinh chống cộng, nhưng Hàn Quốc luôn là đối tác đàn em trong mạng lưới của Mỹ – điều này giải thích tại sao họ được giao nhiệm vụ bình định hóa vùng nông thôn một cách tàn bạo, tránh xa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và, có lẽ quan trọng hơn, khỏi công chúng Mỹ.


Ngày 06/06/2017, Ngày Tưởng niệm Hàn Quốc, Tổng thống mới đắc cử Moon Jae-in đã phát biểu trước các cựu binh Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam, tuyên bố rằng sự cất cánh kinh tế của Hàn Quốc một phần là nhờ sự hy sinh của họ tại Việt Nam. Vài ngày sau, tôi nhận được email từ một nhà báo Việt Nam, người hỏi tôi rằng lịch sử Chiến tranh Việt Nam của Hàn Quốc nên được kể như thế nào ở Việt Nam và Hàn Quốc. Ngay sau đó, một email khác được gửi đến, từ một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đang tích cực tham gia các nỗ lực hòa giải liên quan đến bạo lực Chiến tranh Việt Nam giữa hai nước.


Tất cả họ đều hỏi cùng một câu hỏi, và tôi đã không biết cách trả lời. Việt Nam và Hàn Quốc hiện là những đối tác thân cận nhất ở Đông Á, nhưng về mặt chính thức, họ không muốn nói về cuộc chiến. Chính phủ Việt Nam muốn nhìn về tương lai hơn là thảo luận về quá khứ; còn chính phủ Hàn Quốc thì tập trung vào các vấn đề chưa được giải quyết với Nhật Bản từ Thế chiến II.


Tuy nhiên, có một điều rõ ràng: Đối với người dân Hà My, quá khứ bi thảm đó không bao giờ bị lãng quên. Ngày hôm nay cũng như vô số những ngày trước đó, chính họ là những người tưởng niệm dấu vết lưu lại của Chiến tranh Việt Nam khi lên đường vào lúc hoàng hôn để thắp hương cho hồn ma của người lính châu Á không-phải-người-Việt Nam mặc đồng phục chiến đấu của Mỹ đó.


Heonik Kwon là Nghiên cứu viên cấp cao ngành Nhân học Xã hội tại Trường Trinity, Đại học Cambridge, đồng thời là tác giả các cuốn sách “Ghosts of War in Vietnam” và “After the Massacre: Commemoration and Consolation in Ha My and My Lai.”