VĂN HÓA ONLINE – NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ HAI 12 JULY 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Liên Âu tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022; Washington trừng phạt 34 công ty TQ
09/07/2021 Thanh Niên Online
Nghị viện châu Âu ngày 8.7.2021 thông qua nghị quyết không ràng buộc kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022 với cáo buộc chính phủ Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền.
Nghị viện châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên tẩy chay Olympic mùa đông 2022. REUTERS
Theo The Guardian, nghị quyết kêu gọi tẩy chay Olympic được thông qua với 578 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 73 phiếu trắng.
Nghị quyết 28 điểm kêu gọi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia thành viên từ chối tất cả lời mời đến Olympic Mùa đông 2022, “trừ khi Trung Quốc cải thiện tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và các nơi khác”.
Trong bối cảnh căng thẳng EU - Trung Quốc leo thang, nghị quyết cũng kêu gọi các chính phủ áp đặt thêm trừng phạt, cấp thị thực khẩn cấp cho các nhà báo Hồng Kông và hỗ trợ người dân Hồng Kông chuyển đến châu Âu.
“Việc thúc đẩy, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền vẫn nên là trung tâm trong mối quan hệ lâu dài giữa EU và Trung Quốc. Điều này phù hợp với cam kết của EU trong việc duy trì các giá trị trong hoạt động đối ngoại và việc Trung Quốc đã thể hiện mong muốn làm theo các giá trị này”, theo nghị quyết. Chính trị gia 11 nước kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022
Bắc Kinh luôn phản đối những phong trào tẩy chay Olympic. Trung Quốc bác bỏ tất cả cáo buộc liên quan Tân Cương, Hồng Kông, đồng thời cáo buộc các nước can thiệp vào công việc nội bộ.
Trong cuộc họp báo ngày 8.7, đáp lại một lời kêu gọi tẩy chay Olympic khác của các nghị sĩ Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc một số người đang cố gắng gây rối hoặc phá hoại thế vận hội “vì động cơ chính trị”.
Nghị quyết trên của EU là động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi giữa châu Âu và Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền. Các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng gần đây khiến thỏa thuận thương mại hai bên bị đóng băng. Theo nghị quyết của EU, thỏa thuận thương mại sẽ tiếp tục bị chặn cho đến khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ và học giả EU.
Washington trừng phạt 34 công ty vi phạm lợi ích của Mỹ
10/07/2021
Theo thông cáo ngày 09/07/2021 của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo, trong số 34 thực thể mới bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt, có 14 công ty có trụ sở tại Trung Quốc. REUTERS - KEVIN LAMARQUE
Thu Hằng
Thêm 34 thực thể bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, trong đó có 14 công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Theo thông cáo ngày 09/07/2021 của bộ Thương Mại Mỹ, những thực thể này bị cáo buộc liên quan đến những hoạt động đi ngược với chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Bộ Thương Mại Mỹ cáo buộc “14 thực thể có trụ sở ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã cho phép Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch trấn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát (…) nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và nhiều tộc người thiểu số khác theo Hồi giáo ở vùng tự trị Tân Cương”.
Theo AFP, trong số 20 công ty còn lại trong danh sách trừng phạt, có 8 công ty bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Iran, 6 công ty khác liên quan đến việc mua linh kiện điện tử có xuất xứ từ Hoa Kỳ, “có khả năng nằm trong các chương trình quân sự của Nga”. Tuy nhiên, bộ Thương Mại Mỹ không nêu những công ty đó có trụ sở ở nước nào.
Bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo khẳng định trong thông cáo rằng đây là “những biện pháp mạnh, mang tính quyết định”. Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục sử dụng mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để buộc các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc tìm cách tiếp cận hàng hóa có nguồn gốc từ Hoa Kỳ cho các hoạt động lật đổ ở các nước như Trung Quốc, Iran và Nga, đe dọa lợi ích an ninh quốc gia và không phù hợp với các giá trị (của Mỹ)”.
Washington trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, như ngừng nhập khẩu các sản phẩm tóc, bông, hàng dệt may được sản xuất trong khu vực. Gần đây, vào ngày 24/06, Washington đã cấm nhập khẩu vật liệu cho pin mặt trời do một công ty Trung Quốc sản xuất.
Publicité
Trung Quốc tuyên bố bảo vệ doanh nghiệp bị Mỹ trừng phạt
Những công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Washington bị hạn chế truy cập thị trường tài chính Mỹ. Theo AP, Bắc Kinh khẳng định “sẽ có những biện pháp cần thiết” để bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt. Trong buổi họp báo ngày 09/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã cáo buộc Washington “lạm dụng quyền lực quốc gia và mở rộng khái niệm an ninh quốc gia để loại bỏ vô cớ các doanh nghiệp Trung Quốc”.