VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - CHỦ NHẬT 12 JAN 2020
Bài vở vui lòng gởi về Email: vaamacali@gmail.com
Tranh chấp đất Đồng Tâm: Đau lòng khi máu lại đổ giữa thời bình
BBC News Tiếng Việt Tổng hợp của nhóm phóng viên 9/1/2020
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Trả lại quyền Tư hữu đất đai cho dân để tránh xảy ra những việc như ở Đồng Tâm là một trong những nội dung được đề cập trong tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự sáng 9/1/2020
Sốc. Đau Lòng. Kinh hoàng, Đó là cảm giác của mạng xã hội khi đề cập đến chuyện máu đã đổ ở Đồng Tâm. Đồng thời, trên mạng cũng có ý kiến cho rằng, cách thức giải quyết các tranh chấp đất đai của Việt Nam sẽ định hình các phẩm chất của sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn.
Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm sáng nay 9/1 đã khiến mạng xã hội dậy sóng.
Sốc. Kinh hoàng khi đề cập đến chuyện máu dã đổ và 4 người đã chết.
Bởi thế, có nhân chứng trả lời BBC News Tiếng Việt từ hiện trường đã phải dùng đến từ 'chiến tranh' khi mô tả về sự việc xảy ra ở Đồng Tâm.
4 người chết nghĩa là còn lớn hơn số người chết trong 6 tháng biểu tình tại Hong Kong.
Điều này khiến người ta không khỏi đau xót, nhất là khi sự việc xảy ra ngay giữa thời bình.
Bởi thế, Facebooker Nguyễn Văn Phước viết rằng, "Máu đã đổ, mạng người đã mất - khi đất nước không hề còn kẻ thù, chiến tranh. Cũng những ngày sát Tết cổ truyền thiêng liêng, năm ngoái lấy đất của người dân Lộc Hưng, năm nay là với bà con Đồng Tâm."
Sự việc này xảy ra khi khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về cách ứng xử của chính quyền.
Facebooker Nguyễn Văn Phước viết: "Ứng xử với người dân Việt máu mủ có nhiều cách nhân tâm, đúng luật pháp hơn nhiều mà sao phải đột kích lúc 4 giờ sáng với tất cả thiết bị vũ trang hiện đại hơn cả chiến đấu với kẻ thù ngoại xâm đâm chìm tàu, ức hiếp ngư dân, đang cướp biển đảo của Tổ quốc ?"
Người thi hành công vụ dọa bắt luật sư
Một trong những ví dụ cho cách hành xử của những người mang danh thực thi công vụ trong vụ Đồng Tâm là câu chuyện được luật sư Ngô Anh Tuấn kể trên Facebook cá nhân.
Ông Tuấn là người đến Đồng Tâm ngay trong sáng 9/1.
Theo vị luật sư này, ông đi về Đồng Tâm theo đề nghị của một số người dân nhưng xe bị chặn lại cách làng khoảng 4km. Ông xuất trình thủ tục chứng minh mình là luật sư theo đề nghị của người dân nhưng cũng không được gặp người có quyền giải quyết.
Sau đó, khi ông đứng trao đổi với hai cảnh sát giao thông thì có một người mặc thường phục đứng đối diện với ông Tuấn nói: "Bắt giải đi, khỏi mất công giải thích".
Luật sư Tuấn bình luận rằng, việc chính những người mang danh là người thi hành công vụ và đi doạ dẫm bắt luật sư "quả là chuyện lạ ngay chính thành phố văn minh này".
Hãy nhớ rằng, chưa kẻ nào tồn tại được vững bền sau khi đối đầu trực diện với dân. Có thể hôm nay bạn thắng, nhưng rồi ngày mai, ngày kia bạn sẽ thế nào...? Nếu dồn dân vào đường cùng, khi thả họ ra họ lại phản kháng mãnh liệt hơn trước nữa."Luật sư Ngô Văn Tuấn
"Là người bảo vệ cho cho một số người dân đấu tranh ở Đồng Tâm từ khi sự kiện năm 2017 xảy ta tới giờ, có thể nói tôi là người thầm lặng nhất nhưng kiên trì nhất khi vẫn là luật sư (được xem là cuối cùng sót lại) của họ cho tới ngày hôm nay.
"Tôi rất buồn khi không giúp được gì thiết thực hơn cho họ. Tôi vẫn muốn là cầu nối để làm dịu hoá quan hệ căng thẳng giữa các bên nhưng e rằng điều đó khó thành hiện thực sau khi chứng kiến sự hung hăng quá mức cần thiết của những người thực thi pháp luật," ông Tuấn viết.
Trả lại quyền tư hữu đất đai cho dân
Trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam là một trong những nội dung được đề cập trong tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự về sự việc xảy ra ở Đồng Tâm, đăng trên facebook.
Bản tuyên bố này cho rằng, đây là vấn đề vốn gây bao đau thương oan khuất từ 1954 đến nay trên khắp Việt Nam, nên cần sửa đổi từ gốc trong Hiến pháp và Luật Đất đai, công nhận quyền tư hữu đất đai.
Về chuyện này trên Facebook cá nhân, Phó Giáo sư Jonathan London (Đại học Leiden, Hà Lan) cũng cho rằng, khi người nông dân bị đẩy ra khỏi đất một cách thiếu minh bạch, bồi thường không thỏa đáng, kết quả không chỉ là mất nguyên tắc "xã hội văn minh," mà còn là mất hy vọng, mất công bằng xã hội, và mất tương lai của những người nông dân.
Bởi vậy, chuyên gia về chính trị Việt Nam này cho rằng, "Tranh chấp đất đai sẽ tiếp tục xảy ra khi Việt Nam ngày càng giàu có. Cách thức giải quyết các tranh chấp này (thông qua các cơ chế minh bạch hoặc vũ lực) sẽ định hình các phẩm chất của sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn."