VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ SÁU 04 MAY 2018
Giải Nobel Văn học có thể bị hoãn vì bê bối tình dục
Zing - 04/05/2018
Giải Nobel Văn học 2018 có thể bị hoãn trao sau cáo buộc về xâm hại tình dục khiến nhiều thành viên hội đồng trao giải phải rời Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Lần cuối một giải Nobel Văn học không được trao là vào năm 1943, thời kỳ đỉnh điểm của Thế chiến II.
"Các thành viên tham dự họp tối nay sẽ quyết định", bà Louise Hedberg, quan chức tại Viện Hàn lâm Thụy Điển, nói với Reuters. "Chúng tôi sẽ ra quyết định và công bố thông qua thông cáo vào khoảng 9h ngày mai (ngày 4/5)".
Ngày trao giải Nobel Văn học năm nay vẫn được công bố, dù nó luôn rơi vào đầu tháng 10, cùng thời gian công bố các giải Nobel khác.
Giải Nobel Văn học 2018, nếu thật sự bị hoãn trao, sẽ là một sự kiện chấn động vì lần cuối nó bị hoãn trao là vào đỉnh điểm của Thế chiến thứ 2. Ảnh: AFP.
2 thập kỷ "nhắm mắt làm ngơ"?
Viện Hàn lâm Thụy Điển, hội đồng gồm các tác giả và nhà ngôn ngữ học danh tiếng có nhiệm vụ làm giàu thêm ngôn ngữ Thụy Điển, đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc bê bối tình dục đối với chồng một thành viên hội đồng. Quan trọng hơn, đây là người có mối quan hệ tài chính đối với viện và đã nhận được sự im lặng của viện đối với các hành vi quấy rối tình dục.
Jean-Claude Arnault - nhiếp ảnh gia, nhà chỉ đạo nghệ thuật nổi tiếng và đồng thời là chồng của Katarina Frostenson, một thành viên viện - bị 18 phụ nữ lên tiếng tố cáo vì hàng loạt hành vi xâm hại tình dục từ năm 1996 đến năm 2017. Hai người trong số này, Gabriella Hakansson và Elise Karlsson, đã công khai tố cáo Arnault.
Ngay sau đó, thư ký thường trực của viện, bà Sara Danius nói rằng viện đã cắt đứt tất cả liên hệ với ông Arnault sau khi biết tin về các cáo buộc. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng cho biết thêm một số nhân viên và người thân của thành viên cũng từng trải qua việc "thân mật không mong muốn" dưới bàn tay của ông Arnault.
Không những vậy, Viện Hàn lâm còn dính vào bê bối về xung đột lợi ích tài trợ cho Diễn đàn Kulturplats, một trung tâm văn hóa do vợ chồng Arnault và Frostenson điều hành.
Ông Arnault, một nhân vật có tên tuổi trong giới tinh hoa ở Stockholm, đã phủ nhận tất cả cáo buộc.
Một sự kiện thường niên của Viện hàn lâm Thụy Điển. Ảnh: AFP.
Cuộc điều tra độc lập do một hãng luật Thụy Điển tiến hành sau đó cho thấy các quy định về tài chính đã bị vi phạm khi viện tài trợ cho diễn đàn văn hóa của vợ chồng ông Arnault. Báo cáo điều tra cũng nói rằng "các hành vi không thể chấp nhận được (của ông Arnault) dưới dạng sự thân mật không mong muốn đã diễn ra, nhưng không nhiều người trong viện biết".
Thế nhưng, công ty luật này cũng phát hiện ra việc Viện Hàn lâm từng nhận được một lá thư từ năm 1996 thông báo việc tấn công tình dục ở diễn đàn văn hóa của ông Arnault. Việc này cho thấy sự kiện gần đây không phải lần đầu tiên một số thành viên của viện nghe được việc này.
Trong thông cáo hồi tháng 4, Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận họ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và lòng tin trong viện đã bị xói mòn. Viện cũng bày tỏ "sự nuối tiếc sâu sắc rằng lá thư đã bị xếp xó và không có biện pháp nào được tiến hành để điều tra các cáo buộc".
Ebba Witt-Brattstroem - giáo sư ngôn ngữ học và là vợ cũ của Horace Engdahl, người giữ chức thư ký thường trực từ năm 1999 đến 2009 - tỏ ra nghi ngờ tuyên bố rằng các thành viên Viện Hàn lâm không hay biết gì về việc làm của ông Arnault.
"Mọi người biết và bạn không được nghĩ gì về việc đó", bà nói với CNN. "Đó là chuyện nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Ai cũng biết rằng những phụ nữ trẻ không nên lại gần ông ta".
Một định chế "cũ kỹ và gia trưởng"
Ida Ostensson, người sáng lập và điều hành quỹ Make Equal hoạt động về bình đẳng ở Thụy Điển, nói rằng Viện Hàn lâm cần một cuộc thay đổi về nguyên tắc và cấu trúc. Bà chỉ trích viện là một định chế "gia trưởng".
"Hủy bỏ giải Nobel hay hoãn cũng không đủ", bà nói. Ostensson là một trong số hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài Viện hàn lâm để ủng hộ thư ký thường trực Danius, người đã từ chức sau bê bối trên. Bà tin rằng Danius đã bị ép phải nhận lấy hậu quả vì việc làm của ông Arnaults.
"Chỉ là thêm một lần một phụ nữ phải ra đi vì một người đàn ông", bà nói.
Người biểu tình hôm 18/4 nhằm ủng hộ bà Danius, một trong những thành viên viện đã ra đi sau vụ bê bối trên. Ảnh: AFP.
Sáu trong số 18 thành viên của viện đã từ chức sau khi vụ bê bối bắt đầu lộ ra từ cuối 2017, trong đó có người đứng đầu hội đồng, thư ký thường trực Sara Danius. Hai thành viên khác hiện không tham gia công việc của viện vì lý do khác.
Dù vậy, bà Ostensson thấy mừng là vụ bê bối đã làm sống dậy #MeToo, phong trào phản đối việc xâm hại tình dục, tại Thụy Điển.
Trở lại với giải Nobel Văn học 2018, cuộc họp để quyết định số phận giải thưởng năm nay sẽ diễn ra với chỉ 10 thành viên tham dự. Theo truyền thống, phải có 12 thành viên có mặt thì cuộc họp mới có hiệu lực.
Thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển giữ vị trí này suốt đời kể từ khi được bầu lên./