VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – THỨ SÁU 01 MAR 2024
Tinh thần Dân tộc và người Việt Nam Hải ngoại
Niềm mong ước của Lão Già 90 cho Quê Hương Tổ Quốc Việt Nam
Bs. Bùi Duy Tâm
(gởi từ San Francisco-California)
Thủ bút của Bs Bùi Duy Tâm viết năm 1988. Ảnh chụp lại từ bản gốc của tác giả.
Đó là đề tài của các buổi nói chuyện của BS. Bùi Duy Tâm với các nhóm thân hữu và cộng đồng người Việt tự do nhân chuyến viễn du Hạ Uy Di, Tân Tây Lan và Úc châu trong tháng 9 năm 1988.
Theo BS. Tâm: Tinh thần dân tộc chỉ được phát sinh trong lòng dân tộc trong thời kỳ mà không bị ngoại bang áp bức, không bị ngoại bang trực tiếp đô hộ (như 1000 năm Bắc thuộc hay 100 năm Tây thuộc) hay gián tiếp đô hộ (bằng các chủ nghĩa/chế độ ngoại lai).
Trong thời gian thực sự độc lập đó, dân tộc mới có đủ Tự Do để phát triển cái hay của mình, thâu nhận cái hay của người cho thích hợp với phong tục xã hội của mình để tạo nên một tiếp nối hài hòa cho lịch sử mà không bị gán ghép gượng gạo đầu Ngô mình Sở như trong các thời kỳ lệ thuộc (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp). Đó là tinh thần đời Hùng rồi Đinh, Lê, Lý, Trần rồi Lê Lợi-Nguyễn Trãi rồi Quang Trung Nguyễn Huệ.
Nói như vậy không có nghĩa là trong thời Bắc thuộc (1.000 năm) và trong thời Pháp thuộc (100 năm) người VN đã mất hết tinh thần dân tộc nhưng tinh thần hài hòa của dân tộc đã nhường chỗ cho tinh thần quật khởi, tinh thần phản kháng để thoát khỏi ách nô lệ trong suốt 10 thế kỷ với giặc Tàu, trong trọn 1thế kỷ với giặc Tây. Tinh thần phản kháng đó đã được nuôi dưỡng bằng hận thù, bằng nghi kỵ bằng phá hoại. Trong thời kỳ nô lệ trực tiếp vào ngoại bang, sự phản kháng đó đổ lên đầu quân ngoại xâm. Càng hận thù, càng nghi kỵ, càng phá hoại thì sức phản kháng càng mạnh. Quân thù mau gục ngã.
Sau thế chiến thứ 2 và sau khi Thực Dân Pháp rút về nước, thế giới chia 2 phe: Cộng Sản và Tư Bản. Họ đã tránh né đối đầu nên mưu mô chia cắt VN cũng như Đức Quốc và Triều Tiên để làm nơi địa đầu thử chiến lược, làm bãi sa trường thử khí giới. Người VN Cộng Sản cầm súng của Nga và người VN Quốc Gia cầm súng của Mỹ đã bị lôi cuốn vào 1 cuộc chiến tranh tàn khốc phi dân tộc nên cũng bị kết thúc một cách tức tưởi phi dân tộc. Kết quả là người VNCS ở lại ôm một mảnh quê hương rách nát nghèo khổ và hận thù. Người VN Tự Do phải lưu đầy biệt xứ nhưng vẫn không quên mang theo các chứng thù ghét, đố kỵ, nghi ngờ, phá hoại mà trước đây dùng để đối phó với kẻ thù thì nay được âu yếm dùng để đánh phá lẫn nhau mà đa số dưới hình thức chụp mũ lung tung rất ấu trĩ và hèn hạ.
Sức phản kháng chống ngoại xâm (ngoại bang hay chủ nghĩa ngoại lai) là tinh thần quật khởi của dân tộc. Sự đánh phá lẫn nhau bằng cách rỉ tai hay ồn ào chụp mũ, vu khống là phản dân tộc - không phải là Tinh Thần Dân Tộc.
BS. Bùi Duy Tâm tiếp tục trình bày một số đặc điểm của tinh thân dân tộc VN như:
- Tinh Thần Đoàn Kết, nhờ nó, Vua Hùng mới dựng được nước và dân ta mới giữ được nước cho đến ngày nay.
- Tổ Quốc Trên Hết: nhờ thế, vua tôi nhà Trần mới bỏ qua mối thù nhà mà đại thắng Đế Quốc NGUYÊN MÔNG. Phật Thày Tây An và Phật Giáo Hòa Hảo của VN đã đặt ơn Tổ Quốc lên trên Phật, Pháp, Tăng.
- Lòng Khoan Dung, Nhân Ái và đức Khiêm Cung: nhờ vậy dân ta tuy nhiều sắc tộc và địa lý trải theo chiều dài mà vẫn thống nhất về ngôn ngữ, phong tục, xã hội. Nước ta không lớn mà vẫn đứng vững bên cạnh Trung Quốc khổng lồ.
- Tinh Thần Giản Dị: cho nên, nước ta chẳng có đền đài to lớn như Đế Thiên Đế Thích, như Vạn Lý Thường Thành, như Kim Tự Tháp, mà chỉ có một giải thiên nhiên giang sơn gấm vóc giữa hồn thiêng sông núi với Phù Đổng Thiên Vương, Bà Trưng Bà Triệu, Hưng Đạo Đại Vương, Quang Trung Nguyễn Trãi, Nguyễn Du Cao Bá Quát.
Khi bàn về ngôn ngữ và văn tự Việt Nam với thế chân vạc của Tiếng Việt, Chữ Nho và Chữ ABC (mà ta thường gọi là chữ Quốc Ngữ) BS. Tâm đã đề nghị với đồng bào hải ngoại:
* Nói tiếng Việt:
- nên tạo điều kiện cho con cái nói tiếng Việt từ thủa còn thơ ấu cùng các nến nếp lễ giáo ”Gọi-Dạ, Bảo-Vâng, Đi-Thưa, Về-Trình”.
- không nói tiếng địa phương để tạo điều kiện thuận tiện cho con cái nói Sõi tiếng Việt và giữ được liên hệ tốt đẹp với bà con họ hàng, với xã hội VN hải ngoại cũng như quốc nội. Lại tránh được tật pha giọng khi nói tiếng địa phương vì bắt chước cha mẹ nói tiếng địa phương với giọng tiếng mẹ đẻ (VN accent) hầu tránh được những mặc cảm thua thiệt khi giao tiếp với xã hội bên ngoài.
- Đứa trẻ sẽ học tiếng địa phương trực tiếp với người địa phương khi đến tuổi đi học. Cha mẹ (nhất là những sinh trưởng tại VN) tránh nói tiếng địa phương với con cái để giữ được nền nếp lễ giáo gia đình VN và nhất là không làm sai giọng địa phương của con cái.
* Việc dạy đọc và viết chữ ABC để đọc sách báo VN có thể trễ một chút, thí dụ vào một vụ hè nào trước tuổi dậy thì hay trước khi lên bậc Trung Học để tránh hoang mang cho đứa trẻ còn non nớt khi nhìn vào một mặt chữ ABC phải phát âm 2 cách khác nhau. Gìn giữ về Tinh Thần VN không có nghĩa phải làm thua thiệt đến đời sống thực tế của các thế hệ trẻ VN hải ngoại.
* Học chữ Nho: khi cần chọn một ngoại ngữ tại trường học nếu không có lý do đặc biệt về sở thích, năng khiếu hay yêu cầu nghề nghiệp thì nên khuyến khích các em học chữ Nho (Chinese characters). Chữ Nho sẽ giúp các thế hệ trẻ hiểu được quá khứ của dân tộc một cách sâu sắc và học hỏi được văn minh Đại Đông Á một cách rộng rãi. Điều này đã được cử tọa đặc biệt quan tâm và góp ý sôi nổi nhất là việc dạy các em đọc chữ ABC vào tuổi nào. BS. Bùi Trọng Cường, chủ tịch cộng đồng VN liên bang Úc Châu đã tán thưởng việc gìn giữ tiếng Việt trong gia đình và cho rằng những buổi nói chuyện như thế rất hữu ích trong công đồng người Việt hải ngoại.
BS. Tâm nói tiếp: “Trong hơn 1 giờ đồng hồ làm sao nói hết được cái tinh thần của 1 dân tộc có 4,000 năm Văn Hiến. Trước khi ngừng lời tôi xin được bàn tới một điều rất quan trọng và hữu ích cho hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Đó là Tinh Thần Hòa Đồng-Văn Minh Nhịp Chẵn- Khả Năng Thu Nạp- Khả Năng Việt Nam Hóa của dân tộc ta.
Hình thể nước ta hình chữ S như vạch lưỡng nghi trên hình đồ thái cực giáp đại dương Thái Bình: sông ngòi chằng chịt, đồi núi nhấp nhô chạy ra tận biển. Mỏm Bắc có Vịnh Hạ Long như Cha Rồng giáng hạ từ cõi Vô xuống cõi Hữu. Mỏm Nam có núi Hà Tiên như mẹ Tiên thăng thiên từ cõi Hữu lên cõi Vô. Trời đất như giao hoan trên đất nước ta.
Việt Nam là giao điểm của nhiều nền văn minh cũng như những mâu thuẫn của nhân loại. Trải qua hàng ngàn năm, ta không bỏ cái Ta để theo người một cách mất gốc. Ta luôn thu nạp cái hay của Người rồi đồng hóa thành của Ta một cách hài hòa tuyệt diệu...
Sau khi dẫn chứng các thành quả Thu Nạp và Đồng Hóa trong văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và học thuật (Y Học, Địa Lý,...), BS. Tâm đề cập tới sự Hòa Đồng Tôn Giáo tại VN.
Các tôn giáo du nhập vào VN đều dân tộc hóa nên dễ hòa đồng để cùng nhau phát triển, không như các nước khác chỉ có một tôn giáo độc tôn. Các kinh Phật thường là những lời niệm, câu chú bằng tiếng Phạn đã được VN hóa trong suốt lịch sử văn học dân tộc.
Tôi xin đơn cử một đoạn bài “Quy Y” hay “Chắp Tay Hoa” của nhà sư thi sĩ Phạm Thiên Thư:
“Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng
Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời
Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời
Đâu không là Phật đâu chẳng là Trời...”
Chiếc áo nâu sồng hay màu khói lam của tăng ni đã gần gụi với chiếc áo cánh, áo bà ba, áo dài VN.
Khi Thiên Chúa Giáo mới du nhập vào VN, thánh kinh tiếng La Tinh đã được dịch sang thể văn vần như “Phúc Âm Diễn Ca” hay thể đồng dao cho nhi đồng như “Kinh Thánh Bánh Trẻ". Từ nhiều thế kỷ trước, đã có rất nhiều bài ca vịnh là thơ lục bát được hát lên với điệu hát cổ truyền như hát vãn, hát vè, trống quân, quan họ. Các bài hát lễ trước đây bằng tiếng La Tinh đã được thay dần bằng nhạc ngũ cung của Hùng Lân, Hải Linh... Một trong những bài phổ thông nhất ở cả 2 bên Lương Giáo là bài “Hang Bê Lem” của Hải Linh. Nhạc điệu “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” đã trở thành nhạc hiệu cho Lễ Giáng Sinh, gần gũi với dân tộc vượt hẳn bài "Silent night, Holy night". Cũng như Phật giáo Thiên Chúa giáo đã mang lại cho thi nhân VN một nguồn cảm hứng mới mà người đầu tiên là thi sĩ Hàn Mặc Tử:
“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...”
Đạo Tin Lành tuy du nhập vào VN sau cùng nhưng cũng tiến rất mạnh trong đường hướng đi vào lòng dân tộc. Trong dịp Lễ Tết cổ truyền, nhiều vị mục sư đã mặc áo dài, khăn đóng trên tòa giảng.
- Trường Thần Học Tin Lành VN ở Quân Cam, California đã phát hành những băng nhạc "Lời Nguyện Cầu” theo điệu Vọng Cổ, “Câu chuyện Chúa Giáng Sinh” theo điệu Lý Con Sáo, “Câu chuyện Phục Sinh” theo điệu Khốc Hoàng Thiên, điệu Nam Ai và đi xa hơn nữa “Tình yêu Chúa” the điệu Cải Lương tân cổ giao duyên.
- Mục sư Lê Hoàng Phu đương dịch các tên thánh mà trước đây chỉ mới phiên âm, ra hẳn tiếng Việt Nho để tránh sự mâu thuẫn giữa phiên âm từ tên Pháp (thế hệ già) và phiên âm từ tiếng Anh, hay Pháp, Đức (thế hệ trẻ). Thí dụ: thánh Ma-thi-ơ (tên Pháp: Mathieu/ tên Anh: Matthew) ra hẳn tên Việt Nho là Mã Thi. Và đương nhiên "Chúa Cứu Thế” nghe vừa có ý nghĩa vừa gần gũi với dân tộc hơn là “Chúa Ki Tô”.
* Hai tôn giáo phát xuất từ VN là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, lại càng phản ảnh trung thực tinh thần dân tộc:
- Đạo Cao Đài với niềm tin kính tổng hợp. khoan dung không kỳ thị với những chiếc áo dài trắng tinh hiền hòa.
- Phật Giáo Hòa Hảo, đặt Tổ Quốc lên trên Phật-Pháp-Tăng, đã nhập thế chiến đấu chống Thực Dân, Độc Tài, Cộng Sản trong tư thế người nông dân miền Nam với bộ quần áo bà ba đen.
* Sự thu nạp và hòa đồng các tôn giáo của dân tộc VN đã đến độ tuyệt diệu ở chỗ:
- Phật và Chúa cùng một lúc ngự trị trong tâm hồn Phạm Duy, một nhạc sĩ lớn nhất của dân tộc trong bài “Giọt Mưa trên Lá”:
“Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đinh vì người…”
-Thi sĩ Đào Mộng Nam, một nhà thiền học mà lại có cảm hứng. dịch Thánh Thi trong Thánh Kinh Cựu Ước - Tôi xin đơn cử một đoạn tả tình yêu thương thiêng liêng giữa con người với Thượng Đế như nàng dâu đang chờ chàng rể:
“Hồn mơ mòng tim rung cánh mộng
Tiếng người yêu vang vọng ngoài phòng
Mở cửa mau hỡi bạn lòng
Hỡi bồ câu trắng anh mong gặp mình…”
Để kết luận, BS. Bùi Duy Tâm nói:
“Trong cuộc Nam Tiến, chúng ta đã đem hồn dân tộc vào núi sông thành những sông Ông (Ông Đốc) núi Bà (Bà Đen), sông Rồng (Cửu Long), núi Tiên (Hà Tiên). Giờ đây vận hội mới đương đến, người Việt hải ngoại với tinh thần dân tộc đi cùng khắp bốn biển, đã thu nạp cái hay của năm châu. Tinh thần đó và các kinh nghiệm mới đó như ngọn lửa thiêng dẫn chúng ta về dựng lại quê hương”.
Với kiến thức trải rộng trên nhiều lĩnh vực, với lòng yêu nước nồng nàn và nhất là với lối nói chuyện hòa nhã duyên dáng, Bác sĩ Tâm đã thành công trong trong việc thu hút sự chú ý, gây cảm tình và đem lại nhiều tin tưởng và phấn khởi cho khán thính giả.
Báo Chiêu Dương (Sept.13, 1988), xuất bản hàng ngày tại Úc Châu đã đăng:
“Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây rằng bác sĩ Tâm trước đã từng nổi tiếng với đường lối phát huy truyền thống dân tộc, chủ trương tổng hợp trong lĩnh vực y khoa và văn hóa như việc giảng dạy Đông Y trong các đại học y khoa, vinh danh Hải Thượng Lãn Ông trong lời tuyên thệ của bác sĩ trong ngày lễ trình luận án, thay lễ phục kiểu Âu Châu bằng Quốc Phục trong lễ tốt nghiệp bác sĩ, phát huy văn hóa văn nghệ cổ truyền trong phong trào thanh niên Gió Khơi do ông sáng lập và điều khiển”
Báo Chuông Saigon (Sept.16,1988) xuất bản tại Melbourne và Sydney đã nhắc lại các lời bình luận của các tạp chí quốc nội và quốc ngoại về BS. Tâm:
“Tạp chí Science et Vie của Pháp mô tả Bác sĩ Bùi Duy Tâm như một người tiên phong trong việc khai phá môn Đông Y, Đông Dược. Tạp chí Horizon của Mỹ coi Bác sĩ như một lãnh tụ của Đông Nam Á, đã tạo được một luồng sinh khí hăng say, mới mẻ trong thế hệ thanh thiếu niên, Trong thập niên 70, tạp chí Thế Giới Tự Do viết: "Bác sĩ Bùi Duy Tâm còn quan tâm tới việc xây dựng một thế hệ thanh niên lành mạnh, trong một xã hội trật tự, để vun xới cây văn hóa dân tộc. Báo Bách Khoa Sàigòn viết: “Với quan niệm tổng hợp Đông Tây Y, Giáo sư Bùi Duy Tâm, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế đương thực hiện hoài bão xây dựng một nền y học Việt Nam mới trong tương lai”
Báo Việt Luận (Sept.30,1988) tường trình buổi nói chuyện của BS. Tâm tại Melbourne (do cộng đồng VN tổ chức) và ở Sydney (do Hiệp Hội nghiên cứu những vấn đề VN tổ chức) như sau:
“Cảm nghĩ của người viết buổi nói chuyện của Bác sĩ Bùi Duy Tâm là diễn giả đã nhắc nhở mọi người tỉnh thần Về Nguồn và Đoàn Kết. Chỉ nhờ hai điểm này mà dân tộc Việt Nam trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển nền văn hóa của mình”
Ngoài ra BS Tâm còn nói chuyện với một nhóm thân hữu ở Honolulu, cộng đồng người Việt tại Brisbane do Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Queensland tổ chức và thuyết tình đề tài: “Tinh thần dân tộc trong lịch sử y học VN” trong hội nghị các bác sĩ thế giới họp tại Brisbane, Úc Châu.
Theo BS. Tâm cộng đồng VN tại Úc Châu là một cộng đồng sung túc, thành công, gây được cảm tình với dân địa phương, có tinh thần đoàn kết và rất hiếu khách.
++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Niềm mong ước của Lão Già 90 cho Quê Hương Tổ Quốc Việt Nam
22 Tháng Ba, 2023
Tác giả: Gs.Ts.Bs. Bùi Duy Tâm
https://husta.vn/niem-mong-uoc-cua-lao-gia-90-cho-que-huong-to-quoc-viet-nam/
Gs.Ts.Bs. Bùi Duy Tâm là một Lão Y Sư 90 tuổi, tốt nghiệp Thủ Khoa Tiến Sĩ năm 1964 tại Medical Center at UCSF (University of California in San Francisco among the five best Medical Universities in USA), đã từng là Khoa Trưởng của nhiều trường Đại Học Y Khoa như Huế, Minh Đức, Tân Tạo và Phan Châu Trinh hiện nay. Ông đã từng được Giáo Sư Tôn Thất Tùng mời ra thăm Bệnh viện Việt Đức để cùng mổ gan và được Phó Thủ Tướng nhà nước VN Trương Vĩnh Trọng cùng đoàn Thứ Bộ Trưởng đến nhà riêng thăm ông tại San Francisco.
Khoảng thời gian (1967-1972), khi đang làm khoa trưởng Y Khoa Đại Học Huế, tôi tổ chức các Lễ Tốt Nghiệp: Bác Sĩ tân khoa mặc quốc phục Việt Nam. Thật là một hình ảnh đáng ghi nhớ: nam nữ tân khoa Bác Sĩ uy nghi trong quốc phục truyền thống, dơ tay tuyên thệ giữa mùi trầm hương tỏa ngát thính đường. Trong giới y khoa không ai dám công khai phản đối, còn dư luận bên ngoài đều hưởng ứng. Khách mời đến dự lễ, đa số khăn áo chỉnh tề kể cả ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Huế. Báo chí ca ngợi, coi như một cuộc cách mạng văn hóa giáo dục.
Vì sao tôi cổ xúy việc mặc quốc phục? Trước đây tôi cũng đã từng thích diện Âu phục, theo thói quen và cũng xuất phát từ lòng hâm mộ văn minh khoa học Âu Mỹ. Nhưng sau 4 năm du học tại Mỹ, tôi nhận rõ thế giới là một cộng đồng rộng lớn, trong cộng đồng ấy mỗi dân tộc điều cần giữ gìn và phát huy vẻ đẹp văn hóa của riêng mình, để khỏi tan chảy trong một thế giới càng ngày càng phẳng hơn.
Người Việt với ngàn năm Văn Hiến có văn hóa riêng, y phục riêng, hà cớ gì phải khoác lên người những bộ complet (cà vạt, veston), trông rất ngô nghê kém cỏi bên cạnh Tây Mỹ cao to, da trắng mắt xanh như thể ta nhìn các cô sơn nữ vận áo dài phụ nữ Saigon thì đâu còn cái duyên dáng của xiêm y đồi núi “Khi nàng về để suối tương tư…” Từ ấy, trong hoàn cảnh không tiện mặc áo dài tôi mặc chiếc áo cánh (Bắc), áo ngũ thân vạt ngắn (Trung) hay áo bà ba (Nam), chiếc áo mà mặc vào tôi cảm thấy tự hào, cảm thấy mình là mình, không mất gốc.
Trở về Việt Nam, tôi tận dụng mọi cơ hội để vận động phục hồi quốc phục. Tuy vậy, do cái quan niệm “khăn đóng áo dài” là cổ hủ, là bất tiện đã từ lâu bám rễ vào tâm trí của nhiều người, nên đã lâu rồi phần lớn trong công chúng đã mặc định áo dài là dành cho nữ giới. Biết bao lần ta ngợi ca vẻ đẹp của áo dài Việt, xem đó là hình ảnh của quê hương đất nước, của văn hóa dân tộc… nhưng các đấng tu mi nam tử vẫn thờ ơ đứng ngoài. Ô hay, cái sứ mệnh giữ gìn quốc hồn quốc túy đã được giao cho riêng nữ giới từ lúc nào vậy nhỉ? Tôi vẫn thường nghĩ vậy mà nhiều lần trăn trở trong lòng!
Nhưng thật vui mừng, đến nay điều tôi ước mơ dường như đã từng bước thành sự thực! Trong thời gian gần đây phong trào Phục Hưng Quốc Phục ÁO DÀI khởi đầu từ Huế, lan tỏa ra Hà Nội rồi vào đến TP.HCM. Mới tuần vừa qua (đầu tháng ba 2023) hơn 3 ngàn dân Sài Gòn, cả nam lẫn nữ, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM, xuống đường diễu hành cực kỳ khí thế với những chiếc áo dài tuyệt đẹp.
Ôi, nhưng dù sao, đấy cũng chỉ mới là những dịp đặc biệt, những ngày lễ hội.
Bùi Duy Tâm