VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 4 - THỨ HAI 01 AUG 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
HÀ VĂN THÙY
Nhà văn Hà Văn Thùy
Kính gửi Ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Thưa Ông Chủ tịch,
Được biết Chủ tịch vừa tiếp những yếu nhân của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tôi nghĩ là Ông quan tâm tới lịch sử dân tộc. Vì vậy tôi viết thư này thưa cùng Ông đôi điều.
Năm mươi năm trước, khi bỏ nghề Sinh học để cầm bút viết văn, tôi đinh ninh rằng, muốn viết được câu văn tử tế cần phải hiểu thấu đáo lịch sử dân tộc. Tiếc rằng không có cuốn sử nào cho biết tổ tiên chúng ta từ đâu sinh ra, văn hóa dân tộc được hình thành ra sao? Vì vậy, nỗi băn khoăn về cội nguồn luôn canh cánh bên lòng. Rồi một đêm tháng Tám năm 2004, trong khi tìm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết đang viết, tôi chợt đọc được nguồn tin nói rằng: “Loài người xuất hiện ở châu Phi 180.000 năm trước. 60.000 năm trước, người từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại đây 10.000 năm để tăng số lượng rồi 50.000 năm trước người từ Việt Nam tỏa ra chiếm các đảo Đông Nam Á, châu Úc, Ấn Độ. 40.000 năm trước, do khí hậu ấm lên, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. 30.000 năm trước, từ Siberia người Việt vượt eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Một dòng người từ Hoa lục đi sang phía Tây, làm nên tổ tiên người châu Âu…” Từ ngạc nhiên tôi chuyển sang sung sướng tột độ vì nếu tin này đúng sẽ dẫn tới không chỉ viết lại lịch sử mà còn thay đổi vận mệnh dân tộc. Từ một nước nhược tiểu bên rìa văn minh thế giới, Việt Nam trở thành nơi phát tích của nhân loại ngoài châu Phi và kiến tạo nền văn minh phương Đông rực rỡ. Từ đó, tôi bỏ mọi công việc văn chương, tập trung tâm trí tìm cội nguồn. Đến nay, sau gần 20 năm, tôi đã công bố hơn trăm bài viết và khoảng chục cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (2006); Hành trình tìm lại cội nguồn (2008); Tìm cội nguồn qua di truyền học (2011); Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt (2016); Khám phá lịch sử Trung Hoa (2016); Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại tới hiện thực (2018); Tiền sử người Việt (2021); Đối thoại soi sáng lịch sử (I&II) và những cuốn tiếng Anh in ở Hoa Kỳ và phát hành trên amazon: Rewriting Chinese History; The Formation Process Of The Origin And Culture Of The Viet People – September 28, 2020; Out Of Vietnam Explore Into The World, 2021.
Xuyên suốt những bài viết và cuốn sách đó, tôi trình bày rằng: Việt Nam là nơi phát tích của nhân loại ngoài châu Phi. Người Trung Quốc là con cháu người Việt Nam. Tiếng Việt, chữ Việt là chủ thể của tiếng nói và chữ viết Trung Quốc. Văn hóa Việt là chủ thể của văn hóa Trung Hoa. Tôi cũng phát hiện, khoảng 5300 năm trước, tổ của chúng ta là Thần Nông dựng nhà nước đầu tiên của người Việt ở phương Đông với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ. Kinh Dương Vương tiếp nối xây dựng nhà nước Xích Quỷ. Câu chuyện họ Hồng Bàng là có thật. Nhà nước Văn Lang được thành lập vào thời kỳ này. Tôi cũng phát hiện rằng tổ tiên Triệu Đà là người Lạc Việt nhánh Tày-Thái sống ở phía Tây Trung Quốc, thuộc bộ tộc Tần. Thời Xuân Thu đi lên Nam Hoàng Hà dựng nước Triệu. Khi Tần Thủy Hoàng diệt nước Triệu, Triệu Đà xung lính xuống phía Nam, lợi dụng thời cơ lập nước Nam Việt. Nam Việt là nhà nước của người Việt, giữ vai trò tiếp nối lịch sử từ thời Hồng Bàng mà không phải kẻ xâm lược hay cát cứ.
Trong khi đó, cuốn Lịch sử Việt nam 15 tập của Viện Sử học in năm 2015 không hề biết tới khám phá di truyền học của thế giới, vẫn giữ những quan niệm sai lầm, lạc hậu của thế kỷ XX như cho rằng, “Tiền sử người Vệt kéo dài tới 800.000 năm. 140.000 năm trước, người “Đi” thẳng chuyển hóa thành người Việt hiện đại.” Nó cũng hoàn toàn xóa bỏ thời kỳ Kinh Dương Vương, khẳng định nước Văn Lang thành lập 700 năm trước Công nguyên. Triệu Đà là kẻ xâm lược, lập nhà nước cát cứ, xóa bỏ Nam Việt khỏi lịch sử dân tộc…
Thưa Ông Chủ tịch, như vậy vấn đề của Sử học Việt Nam không phải là phương pháp giảng dạy mà ở nội dung. Sau gần 20 năm, nhờ khám phá của tôi và sau này của nhiều nhà nghiên cứu độc lập trong và ngoài nước, những phát hiện mới về di truyền và khảo cổ học của thế giới đã được phổ biến đến đồng bào. Do vậy nhiều người không còn chấp nhận nội dung lịch sử quá cũ mang tính ngu dân phản tộc đang được truyền giảng.
Nóng lòng muốn lịch sử đích thực của dân tộc được đến với toàn dân, năm 2006 tôi đã gửi thư và tài liệu cho ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tuyên giáo. Năm 2017 tôi hai lần gửi thư và sách cho ông Đinh Thế Huynh. Tôi cũng đã gửi biếu sách cho Giáo sư Phan Huy Lê. Nhưng tất cả đều không được trả lời!
Thưa Ông Chủ tịch,
Tôi có nghe dân mạng xôn xao việc Ông Chủ tịch muốn Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu sử của thế giới. Họ xôn xao vì họ chưa hiểu sự thật lịch sử dân tộc cũng như nhân loại. Trong khi đó, từ nhiều năm trước, tôi đã đề xuất Dự án xây Đền tổ tiên nhân loại trên đất Việt Nam để các dân tộc trên thế giới hành hương tìm về nguồn cội. Ý kiến của Ông Chủ tịch là dự cảm chính xác. Còn nhiều vấn đề của lịch sử mà nay chưa sáng tỏ, học giả các nước đang tranh cãi. Hàng ngày tôi vẫn nhận tài liệu từ trang mạng Academia.edu để đọc và thảo luận với các học giả thế giới. Có nhiều điều tôi đã đi trước họ. Vì vậy việc Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu lịch sử của thế giới sẽ là sự thật khi các sử gia Việt Nam vốn được học hành hơn tôi vào cuộc.
Thưa Ông Chủ tịch,
Ở tuổi 79, cái tuổi ngoài vòng danh lợi, nhờ hồng phúc Tổ tiên Việt, tôi đã khám phá xong những vấn đề cơ bản của lịch sử-văn hóa Việt. Một khám phá được thử thách trong gần 20 năm với hàng ngàn công trình nghiên cứu của thế giới, ngày càng làm sáng tỏ tổ tiên chúng ta vô cùng vĩ đại. Lịch sử Việt Nam không như những thứ mà người dân hàng ngày phải học phải đọc. Một khi những khám phá đó theo con đường chính thống đến với đồng bào, sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại đưa dân tộc đi lên. Nếu như 18 năm trước, ông Nguyễn Khoa Điềm chịu hạ cố nghe tôi thì nay không còn chuyện băn khoăn về môn Sử. Nhân đây xin kính tặng Ông Chủ tịch cuốn Tiền sử người Việt.
Kính chúc Ông Chủ tịch nhiều sức khỏe và thành công
Kính
Sài Gòn, ngày 8.6.2022
Nhà văn Hà Văn Thùy
Bìa sách một số tác phẩm của Nhà văn Hà Văn Thùy
CÙNG TÁC GIẢ: gõ vào mục tìm kiếm:
Hà Văn Thùy